Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về Covid-19 ngày 26/11: Công bố nguyên nhân khiến 3 người tử vong sau tiêm
D.Ngân - 26/11/2021 08:39
 
Sở Y tế Thanh Hóa đã công bố nguyên nhân khiến 3 người tử vong, nhiều người khác đang điều trị là sốc phản vệ.
TIN LIÊN QUAN

Ghi nhận thêm 13.109 ca nhiễm Covid-19 mới tại 60 tỉnh, thành

Tính từ 16 giờ ngày 25/11 đến 16 giờ ngày 26/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.109 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 13.094 ca ghi nhận trong nước (tăng 665 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.288 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng (-123), Gia Lai (-107), Bình Phước (-71). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh (+227), Cần Thơ (+156), An Giang (+139).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.162 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.181.337 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.988 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.176.148 ca, trong đó có 952.439 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 12.368 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 955.256 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.456 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 3.624 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.148 ca; thở máy không xâm lấn là 145 ca; thở máy xâm lấn là 529 ca; ECMO là 10 ca

Từ 17h30 phút ngày 25/11 đến 17h30 phút ngày 26/11 ghi nhận 137 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 138 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.544 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới là 0,1%.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 127.500 xét nghiệm cho 259.502 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 25.517.762 mẫu cho 67.263.695 lượt người. Trong ngày 25/11 có 2.409.817 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 116.328.185 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 68.934.236 liều, tiêm mũi 2 là 47.393.949 liều.

Hà Nội thêm 264 ca Covid-19, 130 ca cộng đồng

Theo CDC Hà Nội từ 18 giờ ngày 25/11 đến 18 giờ ngày 26/11, Hà Nội ghi nhận 264 ca bệnh, trong đó 130 ca cộng đồng, 111 ca ở khu cách ly, 23 ca khu phong tỏa.

Phân bố tại 29/30 quận, huyện: Đống Đa (36), Hà Đông (29), Long Biên (19), Nam Từ Liêm (15), Hoàng Mai (14), Thanh Trì (13), Mê Linh (13), Hai Bà Trưng (13), Ba Đình (12), Đông Anh (12), Gia Lâm (11), Cầu Giấy (10), Quốc Oai (10),  Bắc Từ Liêm (9), Thanh Xuân (7), Ứng Hòa (6), Thanh Oai (5), Sơn Tây (5), Phú Xuyên (4), Tây Hồ (4), Thường Tín (4), Hoài Đức (2), Chương Mỹ (3), Mỹ Đức (2), Thanh Oai (2), Hoàn Kiếm (2), Thanh Trì (1), Đan Phượng (1), Sóc Sơn (1) .

Phân bố 264 ca theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm F1 của sàng lọc ho sốt (182); liên quan các tỉnh có dịch (9); liên quan các tỉnh có dịch (thứ phát) (3); ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng (2); ổ dịch Chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (2); ổ dịch đường Trần Duy Hưng (2); ổ dịch Kho hàng Shopee KCN Đài Tư (1); ổ dịch La Thành, Giảng Võ (5); ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (10); ổ dịch Yên Nội, Đồng Quang (7); sàng lọc ho sốt (41).

Phân bố 130 ca cộng đồng theo theo quận, huyện: Đống Đa (27), Hà Đông (25), Hai Bà Trưng (10), Đông Anh (9), Thanh Trì (6), Ứng Hòa (6), Cầu Giấy (5),  Bắc Từ Liêm (4), Tây Hồ (4), Gia Lâm (4),  Thanh Xuân (4), Ba Đình  (3), Hoàng Mai (3), Long Biên (3), Quốc Oai (3), Sơn Tây  (3), Chương Mỹ (2), Mê Linh (2), Thanh Oai (2), Nam Từ Liêm (2),  Hoàn Kiếm (1), Đan Phượng (1), Sóc Sơn (1).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 9.096 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.456 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.640 ca.

Ngày 26/11/2021, TP. Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 15-17, kết quả đã thực hiện tiêm được 31.082 mũi tiêm cho học sinh lớp 10, 11, 12. Như vậy, từ ngày 23/11 đến nay, toàn Thành phố đã tiêm được 266.281 mũi tiêm, sử dụng 265.134 liều vaccine.

Vĩnh Long có số F0 vượt mốc 8.000 ca

Thông tin từ Sở Y tế, tính đến chiều 24/11, Vĩnh Long ghi nhận thêm 412 ca mắc F0, nâng tổng số lên 8.072 ca mắc COVID-19, đã điều trị khỏi 4.364 ca. 

Trong đó, 272 trường hợp qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tại huyện Tam Bình (93), huyện Trà Ôn (74), thị xã Bình Minh (69), huyện Long Hồ (36).

10 trường hợp qua sàng lọc tại khu vực phong tỏa ở thị xã Bình Minh (8), huyện Tam Bình (2).

12 trường hợp qua khám sàng lọc tại cơ sở y tế: TTYT TP. Vĩnh Long (8), BVĐK Xuyên Á (3), BV Phổi Vĩnh Long (1).

118 trường hợp là F1 được cách ly tập trung trước đó tại TTYT Tam Bình (54), TTYT Bình Minh (28), TTYT Trà Ôn (18), TTYT Mang Thít (11), Khu cách ly Nhà văn hóa lao động tỉnh (5), TTYT Long Hồ (2).

Về tiêm vắc-xin: người từ 18 tuổi trở lên: số tiêm trong ngày 5.832 người, cộng dồn 1.366.350. Số đã tiêm mũi 1 là 757.256, tiêm mũi 2 là 609.094. Trẻ em từ 12-17 tuổi: Số tiêm trong ngày 95 trẻ, cộng dồn 88.629. Số đã tiêm mũi 1 là 88.629, tiêm mũi 2: 0.

Đáng quan tâm những ngày gần đây số ca mắc tăng nhanh, đặc biệt có ngày ghi nhận trên 500 ca mắc, tăng gần 70% so với trung bình 10 ngày trước đó.

Trước tình trạng này, ngày 24/11 tỉnh đã kích hoạt thêm Bệnh viện dã chiến số 7 tại ký túc xá Trường Đại học Xây dựng miền Tây, với quy mô 1.000 giường. Tuy nhiên, số ca mắc tăng cao liên tục cũng gây áp lực lớn lên hệ thống y tế và cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Bác sỹ Văn Công Minh - Giám Đốc Sở Y tế Vĩnh Long cho biết: Sở đang lên kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt cho cách ly, điều trị F0 tại nhà. Nếu được phê duyệt, dự kiến trong tuần sau sẽ tiến hành cách ly, điều trị F0 tại nhà.

Theo Bác sỹ Minh, để khống chế dịch bệnh, tỉnh sẽ kiểm tra lại các phương án phòng chống dịch của các doanh nghiệp, buộc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mới được hoạt động. Song song đó, các địa phương xét nghiệm diện rộng đồng loạt ở các khu vực nguy cơ cao để tách F0, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Người dân phải tuân thủ nghiêm thông điệp 5K, chú ý giữ khoảng cách và luôn mang khẩu trang.

Sốc phản vệ khiến 3 người tử vong sau tiêm vắc-xin

Tối 25/11, Sở Y tế Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo kết quả họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân gây tai biến nặng sau tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Công ty TNHH giày Kim Việt, huyện Nông Cống.

Sở Y tế Thanh Hóa đã công bố nguyên nhân khiến 3 người tử vong, nhiều người khác đang điều trị là sốc phản vệ.

Nguyên nhân khiến 3 trường hợp tử vong và một người đang rơi vào tình trạng nguy kịch là sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin Vero Cell.

Kết luận này được đưa ra sau khi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc họp có sự tham gia của các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai; các chuyên gia của Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương); thành viên Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm vắc-xin và các đơn vị y tế địa phương.

Cũng theo kết luận này, toàn bộ quy trình cấp phát, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc-xin phòng Covid-19 tại CDC Thanh Hóa, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống và điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Công ty TNHH giày Kim Việt được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế và chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Trước đó, ngày 23/11, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi thứ 2, loại vắc-xin Vero Cell (Trung Quốc) cho người lao động tại Công ty TNHH giày Kim Việt.

Công tác tổ chức tiêm chủng, khám sàng lọc, tiêm vắc-xin, theo dõi sức khỏe sau tiêm được đánh giá là thực hiện theo quy định, chưa phát hiện sai sót chuyên môn trong tổ chức tiêm chủng, khám sàng lọc, tiêm vắc-xin, theo dõi sức khỏe sau tiêm.

Trong quá trình tổ chức tiêm chủng, 10 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin. Những trường hợp này đều được phát hiện trong thời gian theo dõi sức khỏe 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm chủng. Họ được xử trí cấp cứu, điều trị theo phương án và theo phác đồ quy định của Bộ Y tế.

Đến nay, 3 trường hợp tử vong, một trường hợp nguy kịch, 6 bệnh nhân còn lại đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Hội đồng tư vấn chuyên môn đề nghị Bệnh viện Bạch Mai và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ trực tiếp chuyên môn, kỹ thuật cho tỉnh Thanh Hóa về xử trí các trường hợp phản vệ sau tiêm vắc-xin và trong quá trình tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh này.

Đồng thời, hội đồng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa quyết định tạm thời dừng việc tiêm vắc-xin Vero Cell lô B2021103398 trên phạm vi toàn tỉnh trong khi chờ Bộ Y tế quyết định việc xử trí đối với lô vắc-xin nêu trên.

CDC Thanh Hóa được giao lấy mẫu vắc-xin Vero Cell lô B2021103398 theo hướng dẫn của Chương trình tiêm chủng Quốc gia gửi Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và Sinh phẩm để kiểm định theo quy định.

Được biết, ngoài các trường hợp tử vong, một người đang nguy kịch, 6 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh.

Cà Mau hỗ trợ, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà

Sau hơn 1 tháng thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới, Cà Mau ghi nhận thêm hơn 4.800 ca mắc Covid-19, nâng tổng số toàn tỉnh có gần 7.000 F0 tính từ đầu 2021, trong đó, có hơn 2.000 F0 cộng đồng.

Đến chiều 25/11, toàn tỉnh Cà Mau có tổng số hơn 3.370 F0 đang điều trị. Số lượng bệnh như trên vượt ngưỡng tổng công suất tiếp nhận điều trị tại các cơ sở y tế và cơ sở điều trị tăng cường trên địa bàn tỉnh Cà Mau. 

Để giảm tải áp lực trong tình thế ca nhiễm tăng cao, Cà Mau chủ trương và thí điểm cách ly, điều trị F0 không triệu chứng (hoặc triệu chứng nhẹ) tại nhà. 

Đến chiều cùng ngày, có hơn 770 F0 đang được điều trị tại nhà ở Cà Mau, số nhiều tập trung ở địa bàn TP Cà Mau với hơn 390 ca, kế đó là huyện Ðầm Dơi (hơn 160 ca), huyện Trần Văn Thời (hơn 60 ca)…

Hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho các F0 yên tâm điều trị tại nhà, Cà Mau đã thành lập 101 trạm y tế lưu động tại các xã/phường/thị trấn. 

Trung bình mỗi trạm tối thiểu 5 người (3 chuyên môn) và được cung cấp các trang thiết bị cần thiết theo quy định để hỗ trợ dân khi cần thiết. 

F0 tại nhà được cấp Túi thuốc A (gồm: thuốc hạ sốt, giảm đau, vitamin C, thuốc cân bằng điện giải, thuốc sát khuẩn hầu họng là Natri clorit); hằng ngày được người của trạm lưu động liên hệ trao đổi thông tin, hướng dẫn theo dõi sức khỏe. 

Lực lượng trên còn xuống tận nơi kiểm tra sức khỏe bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc khi có những vấn đề bất thường về sức khỏe.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế Cà Mau, Túi thuốc A bao gồm 4 loại: Thuốc hạ sốt, giảm đau (Paracetamol) được dùng khi người bệnh sốt trên 38,5 độ, có thể uống lặp lại mỗi 4-6 giờ; thuốc hỗ trợ nâng cao sức khoẻ (vitamin B1, B6, B12, vitamin D, vitamin C); thuốc cân bằng điện giải (dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác); thuốc sát khuẩn hầu họng Natri clorit (dung dịch 0,9%) dùng súc hầu họng ngày 4-6 lần.

Túi thuốc B, bệnh nhân F0 tại nhà được cấp thuốc dùng trong 1 đến 3 ngày (nếu không có chống chỉ định). 

Thuốc sử dụng theo đơn của bác sĩ hoặc hướng dẫn nhân viên y tế quản lý F0 tại nhà, bao gồm thuốc chống viêm Corticosteroid và thuốc chống đông máu, sử dụng khi người bệnh có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp (khó thở) mà chưa kịp chuyển người bệnh đến cơ sở thu dung tập trung.

Riêng với Túi thuốc C, đây là thuốc chưa được phép bán trên thị trường nên sử dụng có kiểm soát cho bệnh nhân mắc Covid-19 với số lượng thuốc giới hạn. 

Bệnh nhân được nhân viên y tế tư vấn, sàng lọc, nếu đủ điều kiện mới được chỉ định dùng thuốc nhóm này và phải ký phiếu chấp thuận dùng thuốc đúng mục đích, không chia sẻ thuốc cho người khác (kể cả người thân trong gia đình). 

Thuốc dùng không hết phải hoàn trả cho nhân viên y tế tiêu hủy theo hướng dẫn quy định. Thuốc này chỉ ưu tiên cấp cho F0 có nguy cơ cao (F0 có bệnh nền, chưa tiêm vắc-xin, người trên 50 tuổi, béo phì...) và bệnh nhân đủ điều kiện được sử dụng thuốc phải tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

Vận chuyển 1,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 từ Nhật Bản

1,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 do Nhật Bản viện trợ Việt Nam đã được hãng hàng không Vietnam Airlines vận chuyển an toàn từ Tokyo về Hà Nội tối 25/11.

Chuyến bay được thực hiện bằng máy bay thân rộng Boeing 787, dòng máy bay hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Lô vắc-xin được bảo quản lạnh trong suốt hành trình. Sau khi hạ cánh, số vắc-xin đã nhanh chóng được bàn giao, chuyển tiếp đến các cơ quan y tế để phục vụ chống dịch.

Nhật Bản là một trong những điểm đến quan trọng hàng đầu của Vietnam Airlines tại châu Á. Trong giai đoạn đại dịch, Vietnam Airlines nỗ lực duy trì đường bay Nhật Bản để phục vụ vận chuyển công dân về nước, chuyên gia, người lao động, du học sinh…cũng như kết nối hàng hóa, giao thương.

Hiện nay, hằng tuần Vietnam Airlines có lịch bay thẳng từ Hà Nội đi Tokyo vào thứ 5, Chủ nhật; từ TP.HCM đi Tokyo vào thứ 3. Hãng cũng đang xúc tiến để sẵn sàng chở du khách quốc tế từ Nhật đến Việt Nam ngay khi được nhà chức trách thông qua trong thời gian tới.

Số ca F0 tử vong tăng tại nhiều tỉnh, thành phố

Theo thông tin từ Bộ Y tế, số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam có xu hướng tăng trở lại trong khoảng một tuần gần đây, đỉnh điểm là 190 ca ngày 22/11.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.407 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn mức trung bình của thế giới là 0,1%. Trường hợp tử vong chủ yếu tập trung ở đợt 4, trong khi 3 đợt đầu chỉ có 35 ca tử vong trên tổng số gần 3.500 ca mắc (khoảng 1%).

TP.HCM có 59 bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong đó có 12 người từ các địa phương khác chuyển đến.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, số ca bệnh nặng và tử vong tại TP.HCM trong những ngày qua có xu hướng tăng một phần do tiếp nhận người bệnh từ các địa phương chuyển đến. Đây là những bệnh nhân rất nặng, cao tuổi và chưa tiêm vắc-xin, hy vọng cứu sống thường mong mạnh.

Tiền Giang cũng có số lượng F0 tử vong khá cao trong ngày (13 người, đứng sau TP.HCM). Tổng số bệnh nhân tử vong do Covid-19 toàn tỉnh đến nay là 505 người.

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, số ca tử vong chủ yếu tại TP.HCM (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%).

Tây Ninh: Lập Tổ y tế lưu động để quản lý F0 tại nhà

UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc điều chỉnh quản lý F0 cách ly tại nhà. Theo đó, các địa phương sẽ thành lập Tổ y tế lưu động (sử dụng Tổ tự quản thuộc xã/phường/thị trấn) để hướng dẫn, giám sát, theo dõi sức khỏe người mắc Covid-19 cách ly tại nhà, tuyên truyền vận động phòng, chống dịch.

Tổ y tế lưu động được sử dụng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 để công nhận người mắc Covid-19 khỏi bệnh, người đang điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà (trừ người nhập cảnh).

Việc xét nghiệm RT-PCR chỉ thực hiện khi kết quả test nhanh dương tính và đối với người nhập cảnh khi hết thời gian cách ly.

Người nghi mắc Covid-19 sẽ di chuyển từ nơi thực hiện test nhanh dương tính về nơi lưu trú hoặc nơi cách ly, thu dung bằng phương tiện cá nhân theo nguyên tắc "một cung đường, hai địa điểm", có trang bị phòng hộ theo quy định

Người dân được khuyến khích tự test nhanh khi nghi mắc Covid-19 và khai báo với trạm y tế gần nhất nếu có kết quả dương tính, để được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, sau đó tự cách ly tại nhà. 

Nếu có kết quả dương tính, căn cứ theo điều kiện, người dân sẽ được xem xét cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà. Các trường hợp F0 xin cách ly điều trị tại nhà phải thực hiện khai báo y tế hằng ngày theo quy định.

Theo số liệu thống kê từ Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh, lũy kế toàn tỉnh đã ghi nhận 25.798 ca mắc Covid-19; 11.822 trường hợp đang được điều trị và đã có 225 người tử vong.

Nhiều địa phương có tốc độ tiêm vắc-xin chậm

Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế, một số địa phương có dịch Covid-19 bùng phát nhưng tỷ lệ dân số trên 18 tuổi tiêm đủ liều vắc-xin còn thấp. Đáng chú ý, một số địa phương có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin rất thấp, chưa đến 40% dân số.

Trong số các địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp, một số tỉnh, thành ghi nhận ca F0 khá cao như Gia Lai, Bình Định, Hà Giang, Đắk Lắk, Quảng Nam.

Trong giai đoạn đầu mới bùng phát dịch, hầu hết tỉnh, thành phố ở Tây Nam bộ có tỷ lệ tiêm vắc-xin rất thấp. Do đó, khi làn sóng di biến động dân cư lớn, số ca nhiễm ở các địa phương này đã bất ngờ tăng ngày càng cao.

Hiện tại, dù số ca F0 vẫn còn cao, tỷ lệ tiêm vắc-xin ở 13 tỉnh miền Tây đạt độ phủ tương đối cao (trên 60%). Lãnh đạo sở y tế các tỉnh này nhận định nhiều người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin vẫn mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ.

Từ thực tế, trong thời gian số ca bệnh vẫn còn thấp, các địa phương có tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, ngăn chặn dịch bùng phát và giảm áp lực cho tuyến điều trị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư