Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 28/2: Cảnh báo tâm lý "ai cũng sẽ là F0"
D.Ngân - 28/02/2022 12:09
 
Bộ Y tế cảnh báo hiện tượng người dân có tâm lý buông xuôi, cho rằng ai cũng sẽ là F0, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp y tế, tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch.

Thêm 94.376 ca Covid-19 mới ghi nhận trong nước

Tính từ 16h ngày 27/2 đến 16h ngày 28/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 94.385 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 94.376 ca ghi nhận trong nước (tăng 7.410 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 66.227 ca trong cộng đồng).

Ngày 28/2/2022, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 28.095 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Quảng Ninh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (-2521), Gia Lai (-846), Bình Dương (-406). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (+3.108), Lai Châu (+1.663), Hà Nội (+1.333).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 74.773 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.443.485 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 34.859 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.436.124 ca, trong đó có 2.436.134 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (534.093), Bình Dương (297.448), Hà Nội (271.950), Đồng Nai (101.236), Tây Ninh (90.425).

27.039 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.438.951 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.473 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.765 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 316 ca; thở máy không xâm lấn là 110 ca; thở máy xâm lấn là 272 ca; ECMO là 10 ca.

Từ 17h30 ngày 27/02 đến 17h30 ngày 28/2 ghi nhận 108 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 92 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.252 ca, chiếm tỷ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.676.523 mẫu tương đương 79.198.980 lượt người, tăng 89.730 mẫu so với ngày trước đó. Trong ngày 27/02 có 203.673 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm.

Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 193.625.095 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.865.478 liều: Mũi 1 là 70.859.922 liều; Mũi 2 là 67.220.140 liều; Mũi 3 là 1.442.223 liều; Mũi bổ sung là 13.714.859 liều; Mũi nhắc lại là 23.628.334 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.759.617 liều: Mũi 1 là 8.622.104 liều; Mũi 2 là 8.137.513 liều.

12.850 ca F0 mới tại Hà Nội

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 12.850 ca bệnh, trong đó có 4.265 ca cộng đồng.

Bệnh nhân phân bố tại 495 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (994), Sóc Sơn (951), Hoàng Mai (788), Bắc Từ Liêm (721), Hoài Đức (702)...

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 275.124 ca.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có khoảng 460.000 F0 ở Hà Nội đang điều trị tại nhà, chiếm 98,6% tổng số bệnh nhân. 

Có gần 1.200 ca điều trị tại các cơ sở thu dung của Thành phố và các quận/huyện.

Ngoài ra, có 6.260 ca phải nhập viện điều trị. Có 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và 5.900 ca nhập viện điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội.

Trong các ca nhập viện điều trị, có 1.121 ca mức độ nhẹ, không triệu chứng; có gần 4.000 ca có triệu chứng, mức độ trung bình. Số ca nặng, nguy kịch là 1.027 ca.

Ngày 27/2, Hà Nội ghi nhận 21 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 từ 27/4/2021 đến nay lên 1.064 người.

Không chủ quan với dịch

Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.

Trong bối cảnh dần mở cửa trở lại các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, nguy cơ số ca nhập viện tăng cao, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).

Trước việc số ca mắc Covid-19 cao như hiện nay, các biện pháp phòng chống dịch phải được thực hiện nghiêm.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị UBND các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 218/QĐ-BYT của Bộ Y tế. 

Các cấp chính quyền cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị...), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân bảo đảm khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội…; 

Tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; công tác kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.

Các địa phương tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 “thần tốc hơn nữa” cho các đối tượng theo hướng dẫn; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. 

Mặt khác, triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng, chống Covid-19;

Tiêm chủng vắc-xin; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc Covid-19; chăm sóc và điều trị người thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19.

Đáng chú ý, hiện nay một bộ phận người dân có tâm lý buông xuôi, cho rằng ai cũng sẽ là F0, ai rồi cũng sẽ mắc.

Do vậy, các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tiếp xúc với người chung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; 

Tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vắc-xin mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch; tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 tổ chức tối qua 27/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế.

Bao gồm nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập, nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn;

Xử lý các bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, quản lý, quản trị các cơ sở y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị cho Nhân dân.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu; không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vắc-xin, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến 12 tuổi;

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao ý thức người dân; giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.

Số ca mắc Covid-19 tại Sơn La cao kỷ lục 

Tính từ ngày 1/1 đến ngày 27/2, tại địa bàn tỉnh Sơn La đã ghi nhận trên 23.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là các công dân trở về từ các tỉnh đang có dịch, các trường hợp lây nhiễm thứ phát và trong cộng đồng.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 24/2 Thành phố Sơn La đã ban hành văn bản quy định về dừng các hoạt động trên địa bàn, trong đó hạn chế số lượng người tập trung tại các khu công cộng và công sở.

Đến nay, tỉnh Sơn La đã điều trị khỏi và cho ra viện 8.265 bệnh nhân. Hiện còn 14.749 bệnh nhân đang được điều trị tại các trung tâm điều trị F0 hoặc điều trị và cách ly tại nhà. 

Tỉnh Sơn La đã tổ chức tiêm vắc-xin được 724.197 mũi 2 và 3 với tỷ lệ bao phủ đạt 92,5% cho người từ 18 tuổi trở lên, và 99,5% cho trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Tỉnh Sơn La đang chỉ đạo khẩn trương truy vết những trường hợp tiếp xúc gần là F1 để quản lý, cách ly và tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. 

Tổ chức khoanh vùng các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, thông báo để người dân chủ động khai báo y tế. Đồng thời, đánh giá cấp độ dịch tại địa phương để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ: Dân tộc khỏe mạnh, đất nước phồn vinh
Mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư