Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về Covid-19 ngày 30/12: Hơn 85% F0 là ca bệnh nhẹ
D.Ngân - 30/12/2021 10:10
 
Tỷ lệ F0 ở mức nhẹ, trung bình chiếm 85,7% tổng số ca mắc Covid-19.

Việt Nam ghi nhận 17.000 ca nhiễm mới

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 17.000 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó, có 20 ca nhập cảnh và 16.980 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.107 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Phú Yên (giảm 397 ca), Vĩnh Long (giảm 331 ca), Đắk Lắk (giảm 144 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bình Phước (tăng 704 ca), Hải Phòng (tăng 567 ca), Trà Vinh (tăng 242 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.289  ca/ngày.

Ngoài ra, ngày 30/12, Sở Y tế Cà Mau đăng ký bổ sung 2.868 ca nhiễm tại Cà Mau trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin của người nhiễm.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.714.742 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.383 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.709.042  ca, trong đó có 1.333.827 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện có 1 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (502.687), Bình Dương (290.564), Đồng Nai (97.540), Tây Ninh (74.333), Hà Nội (43.924).

Số khỏi bệnh gấp đôi số ca mắc trong ngày

Về tình hình điều trị, có thêm 34.102 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 30-12, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.336.644. Ngoài ra, có 7.336 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 29/12 đến 17h30 ngày 30/12, nước ta ghi nhận 240 ca tử vong tại: TP.HCM (37), Bình Dương (20), An Giang (16), Cần Thơ (16), Đồng Tháp (15), Vĩnh Long (15), Tiền Giang (14), Kiên Giang (13), Hà Nội (13), Sóc Trăng (12), Bà Rịa - Vũng Tàu (11),

Long An (10), Tây Ninh (9), Bến Tre (8), Bình Thuận (6), Cà Mau (6), Trà Vinh (5), Phú Yên (5), Huế (2), Hậu Giang (2), Hải Phòng (1), Lạng Sơn (1), Lâm Đồng (1), Đắk Lắk (1), Bạc Liêu (1). Ngoài ra, Sở Y tế Thừa Thiên - Huế bổ sung 51 ca tử vong từ ngày 31/7 đến 29/12.

Như vậy, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 227 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.168 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Hà Nội ghi nhận thêm 1.866 ca Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 29/12 đến 18h ngày 30/12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.866 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 699 ca tại cộng đồng, 1.095 ca tại khu cách ly và 72 ca tại khu phong tỏa.

Quận Hai Bà Trưng là địa bàn ghi nhận số ca dương tính nhiều nhất, với 241 ca trong 24 giờ qua.

Cụ thể, 1.866 bệnh nhân mắc mới phân bố tại 348 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh trong ngày như: Hai Bà Trưng (241); Hoàn Kiếm (189); Thanh Trì (174); Long Biên (131); Thường Tín (114); Đống Đa (105); Hoàng Mai (103); Hà Đông (99).

Riêng 699 ca cộng đồng ghi nhận tại 233 xã, phường thuộc 28/30 quận, huyện. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Hai Bà Trưng (95); Long Biên (69); Ba Đình (60); Hoàng Mai (59); Thanh Trì (54); Hoàn Kiếm (50); Đống Đa (39); Đông Anh (38).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến nay) là 47.025 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 16.800 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 30.225 ca.

Hà Nội tăng tốc độ tiêm mũi vắc-xin bổ sung

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 7 ngày qua (tính từ ngày 24/12 đến 30/12), trên địa bàn Thành phố ghi nhận từ 1.800-1.900 ca/ngày.

Dự báo, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, có thể vượt ngưỡng 2.000 ca mắc/ngày trong tuần tiếp theo. Công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong trong giới hạn kiểm soát.

Đề cập đến các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai đồng bộ việc thu dung, điều trị F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng tại các khu thu dung, điều trị theo mô hình Trạm y tế lưu động và tổ chức cách ly điều trị tại nhà.

Đặc biệt, tổ chức hoạt động có hiệu quả Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà, phối hợp chặt chẽ với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để giảm tải cho tuyến y tế cơ sở.

Ngoài ra, các đơn vị trong ngành Y tế Hà Nội, các quận, huyện, thị xã phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch dịp trước, trong, sau Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Hậu Giang triển khai kế hoạch điều trị F0 không triệu chứng tại nhà

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hậu Giang vừa có kế hoạch thực hiện quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các vấn đề cần lưu ý khi triển khai thực hiện kể từ 1/1/2022.

Theo đó, người nhiễm Covid-19 được quản lý, chăm sóc tại nhà phải đáp ứng những điều kiện tương ứng: Không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi); không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường  (thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào); đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 sau 14 ngày và các yếu tố liên quan đến tuổi, bệnh nền, phụ nữ không mang thai; đảm bảo các điều kiện về khả năng người nhiễm Covid-19 tự chăm sóc, liên lạc hoặc có người hỗ trợ chăm sóc, liên lạc.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lưu ý: khi triển khai kế hoạch này sẽ có những thuận lợi và những khó khăn nhất định, phải chuẩn bị chu đáo, đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, thuốc, oxy để bảo vệ an toàn sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà, kịp thời cấp cứu khi có chuyển biến nặng.

Triển khai kế hoạch quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ được chăm sóc tốt hơn về thể chất, tinh thần cũng như điều kiện sinh hoạt hàng ngày, góp phần giảm tải cho các khu điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh: tình hình dịch những ngày gần đây mỗi ngày tỉnh ghi nhận khoảng 500 người nhiễm. Tổng số người đang điều trị hiện tại là trên 3.300 bệnh nhân. Qua rà soát, toàn tỉnh sẽ thành lập hơn 70 trạm y tế lưu động, còn 5 trạm chưa thành lập ở huyện Châu Thành A đang chỉ đạo khẩn trương thành lập.

Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 đạt 98,61% trên tổng dân số của tỉnh từ 12 tuổi trở lên. Ngoài tra, tỉnh đang triển khai tiêm vắc-xin mũi 3 phòng dịch Covid-19.

TP. Cần Thơ: Dịch Covid-19 hạ nhiệt về cấp độ 3

UBND TP. Cần Thơ vừa có chỉ thị đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn toàn thành phố, thống nhất xuống cấp độ 3 phòng chống dịch, áp dụng từ 00h ngày 31/12/2021.

Theo đó, giảm cấp độ dịch tại 7/9 quận, huyện từ cấp 4 xuống cấp 3 (vùng cam). Ở cấp xã, phường, thị trấn, có một đơn vị cấp 1, 13 đơn vị cấp 2 và 69 đơn vị cấp 3. Như vậy, Cần Thơ không còn đơn vị nào có dịch ở cấp 4 (vùng đỏ).

UBND thành phố cũng đưa ra một số biện pháp áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố. Cụ thể: không tập trung quá 30 người tại một địa điểm ở nơi công cộng, đám hỏi, cưới, tang và ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động.

Người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết. Người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 (trừ người thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm chủng) hạn chế tối đa việc di chuyển ra khỏi nơi ở, không đến nơi tập trung đông người.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, hộ kinh doanh cá thể được phép hoạt động, phục vụ không quá 30 người tại cùng một thời điểm.

Cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, trà sữa…) phục vụ tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; bảo đảm khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2m. Tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử.

TP. Cần Thơ cũng quyết định khôi phục lại hoạt động tiếp công dân trực tiếp tại cơ quan, công sở.

Theo Sở Y tế TP. Cần Thơ, trong ngày 29/12, Thành phố ghi nhận 137 ca nhiễm SARS-CoV-2 (có 25 ca ngoài thành phố), gồm: Ninh Kiều 38 ca, Bình Thủy 20 ca, Cái Răng 17 ca, Thốt Nốt 15 ca, Phong Điền 7 ca, Cờ Đỏ 7 ca, Ô Môn 5 ca và Thới Lai 3 ca.

Trong số ca mắc mới, có 5 ca cách ly tại nhà, 34 ca trong khu cách ly, 98 ca tầm soát ở cơ sở y tế, không ghi nhận ca mắc cộng đồng và trong khu phong tỏa và 1.308 ca điều trị khỏi bệnh.

Hơn 80% F0 tử vong thuộc về người 50 tuổi

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng vẫn chiếm cao nhất, với 85,7% tổng số ca mắc Covid-19 đang điều trị; số còn lại ở mức trung bình, chiếm 8,3% và số ca bệnh nặng là 6% (tương đương 7.464 trường hợp).

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; rà soát không bỏ sót đối tượng.

Phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy,người trên 65 tuổi chiếm 47,67%, người từ 50-65 tuổi chiếm 36,58%; người từ 18-49 là 15,34% và nhóm từ 0-17 tuổi là 0,42%.

Số liệu nêu trên cho thấy, tổng số ca tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%, vì vậy, việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ này là rất cần thiết.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, để công tác điều trị Covid-19 tốt hơn, cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến.

Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm ô-xy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3.

Tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng, tăng cường năng lực hồi sức tích cực. Các đơn vị thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” ngay từ trạm y tế, tổ Covid cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị.

Liên quan đến bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến thể Omicron, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân đang được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, tình trạng sức khỏe ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và không có biểu hiện lây lan ra cộng đồng. Chẩn đoán mắc Covid-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp. 

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn khi phát hiện các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính cần nhanh chóng cách ly, điều trị, điều tra, khoanh vùng, truy vết, xử lý dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, thông báo số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, tổng đài 1022 về việc tư vấn, hướng dẫn người mắc Covid-19 để người dân liên hệ và được cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời.

Tăng tốc độ tiêm vắc-xin cho người trên 12 tuổi

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; rà soát không bỏ sót đối tượng.

Bộ Y tế yêu cầu các Cơ quan, đơn vị trung ương chủ động liên hệ và lập danh sách đối tượng đã tiêm liều cơ bản (ghi rõ loại vắc-xin tiêm, thời gian tiêm mũi 1, mũi 2, mũi 3 (đối với vắc-xin tiêm 3 liều)) gửi về các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được phân công để được tổ chức triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.HCM.

Trường hợp các đơn vị có nhân viên ở các địa phương khác thì chủ động liên hệ với Sở Y tế nơi đóng trên địa bàn để được tiêm chủng. 

Các bệnh viện, viện, trường Đại học Y đã được Bộ Y tế phân công gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho các đối tượng thuộc các cơ quan, đơn vị Trung ương trên địa bàn;

Tiêm cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, người làm việc tại đơn vị mình và người thân của nhóm đối tượng này; những người đến khám bệnh và điều trị tại đơn vị mình. 

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị có thể bố trí thêm các điểm tiêm chủng lưu động hoặc tiêm chủng tại nhà (trong trường hợp đối tượng tiêm chủng không thể đi lại được,..) phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo quy định. 

Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương căn cứ đề xuất của các đơn vị để phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 phù hợp.

Hà Nội: 100% người dân trên 18 tuổi đã tiêm hai mũi vắc-xin

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 100% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh Covid-19.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất cho thấy Hà Nội hiện có 10.335 F0 tự theo dõi tại nhà, 5.162 ở khu cách ly và 4.668 trường hợp nhiễm nCoV phải điều trị tại bệnh viện.

Trong số này, 2.810 người diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.543 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 315 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 275 ca phải thở ô-xy qua mặt nạ, gọng kính, 15 trường hợp thở ô-xy dòng cao (HFNC), 7 người thở máy không xâm lấn và 18 ca thở máy xâm lấn.

UBND TP.Hà Nội vừa có Chỉ thị 26 về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

UBND TP giao sở y tế phối hợp sở, ngành, UBND quận, huyện chủ động giám sát, phát hiện tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.

Ngành Y tế sớm cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị y tế chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19; thực hiện nghiêm quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu.

Các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo, quy định trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm tuyệt đối an toàn hoạt động lễ hội, tập trung đông người, có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch bệnh xảy ra.

Tin mới về Covid-19 ngày 23/12: Bảo đảm sức khỏe nhân viên y tế; chuẩn bị tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương xây dựng lại kế hoạch nhân lực, ca kíp, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng 1...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư