Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 4/1: Ghi nhận 24 ca mắc bởi biến chủng Omicron; ngăn Omicron từ sân bay
D.Ngân - 04/01/2022 08:47
 
Trước việc gia tăng số ca mắc biến chủng mới Omicron, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế nâng cao năng lực điều trị.

Số ca tử vong ở TP.HCM giảm

Theo thông tin tối 4/1 của Bộ Y tế, Việt Nam vừa ghi nhận 14.861 ca nhiễm mới, trong đó 32 ca nhập cảnh và 14.829 F0 phát hiện tại 60 tỉnh, thành phố. Số ca nhiễm trong cộng đồng là 10.864.

Đồ thị tổng số ca nhiễm mới của Việt Nam tiếp tục giảm nhẹ (thấp hơn 1.087 so với ngày 3/1). Trong đó, các địa phương như Hà Nội, Tây Ninh, Khánh Hòa, TP.HCM tiếp tục là nơi có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ 17h30 ngày 3/1 đến 17h30 ngày 4/1, cả nước ghi nhận 224 ca tử vong do Covid-19.

TP.HCM có 26 ca, trong đó có 5 người từ các tỉnh chuyển đến là Tiền Giang (2), Cà Mau (2), Long An (1). Đây là số ca tử vong thấp nhất tại thành phố sau nhiều tháng bùng phát dịch. So với giai đoạn trước, số ca tử vong ở thành phố này đang từng bước giảm sâu.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố khác cũng ghi nhận ca tử vong: Đồng Nai (26 ca trong 02 ngày), An Giang (18), Đồng Tháp (15), Vĩnh Long (15), Cần Thơ (11), Hà Nội (10), Sóc Trăng (10), Tây Ninh (10), Tiền Giang (10), Bến Tre (9), Kiên Giang (9), Bạc Liêu (8 ), Bình Dương (7), Long An (7), Huế (6), Hậu Giang (5), Cà Mau (5), Bình Thuận (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Hải Dương (2), Khánh Hòa (2), Lâm Đồng (2), Gia Lai (2), Trà Vinh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 223 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.245 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Trong ngày 4/1, cả nước có thêm 16.227 người được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số khỏi Covid-19 tại Việt Nam đến nay là 1.413.384 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.651 ca, trong đó, thở ô-xy mask: 4.720 ca; thở ô-xy dòng cao (HFNC): 981 ca; thở máy: 982 ca; can thiệp ECMO: 18 ca.

Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 3/1, có 405.584 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 154.344.391 liều, trong đó tiêm mũi một là 77.850.611 liều, tiêm mũi 2 là 69.614.463 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc-xin Abdala) là 6.879.317 liều.

Hà Nội: 2.578 ca Covid-19, trong đó có 723 ca tại cộng đồng

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 3/1 đến 18h ngày 4/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.578 ca Covid-19, trong đó có 723 ca tại cộng đồng, 1.853 ca tại khu cách ly và 2 ca tại khu phong tỏa.

Như vậy, sau 2 ngày (2/1 và 3/1) ghi nhận hơn 2.000 ca Covid-19/ngày thì đến nay, số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng lên tới hơn 2.500 ca/ngày.

Cụ thể, 2.578 bệnh nhân mới được phân bố tại 379 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (325), Nam Từ Liêm (319), Hoàng Mai (229); Cầu Giấy (197), Long Biên (168), Gia Lâm (155), Ba Đình (136), Đống Đa (136), Thanh Trì (130). Riêng 723 ca cộng đồng ghi nhận tại 220 xã, phường thuộc 26/30 quận, huyện.

Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Nam Từ Liêm (111), Ba Đình (61), Hoàng Mai (58), Thanh Xuân (51), Đống Đa (48), Cầu Giấy (45), Thanh Trì (44).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29-4 đến nay) là 57.409 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 18.667 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 38.742 ca.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 3/1, Hà Nội đã tiêm gần 172.000 mũi 3 là liều bổ sung và 441.000 mũi 3 là liều nhắc lại.

Tổng cộng, ngành Y tế Hà Nội đã tiêm mũi 3 cho hơn 610.000 người từ 18 tuổi trở lên ở thành phố, số liệu này chưa tính lượng người tiêm mũi 3 tại các bệnh viện, đơn vị/ngành trung ương trên địa bàn. Trong số này, có hơn 100.000 người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3.

Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, việc tiêm mũi bổ sung cần hoàn thành trước ngày 31/1/2022. Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày, ngành Y tế Hà Nội tiêm khoảng 70.000 liều là mũi 3 cho người dân.

Hiện, tỷ lệ bao phủ 2 mũi vắc-xin trên địa bàn thành phố đã đạt gần 99% người từ 18 tuổi trở lên.

Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương tiêm mũi 3 nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM (với khoảng hơn 1,1 triệu mũi nhắc lại và hơn 320.000 mũi bổ sung).

Đồng Tháp số ca F0 giảm sâu

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp thông tin: trong ngày 2/1/2022, Đồng Tháp chỉ ghi nhận tổng cộng 140 ca mắc Covid-19, giảm 265 ca so với ngày hôm qua, trong đó có 83 ca trong cộng đồng, cụ thể: huyện Tháp Mười 18 ca, huyện Lấp Vò 13 ca, huyện Lai Vung 12 ca, TP Sa Đéc 08 ca, huyện Châu Thành 08 ca, TP. Cao Lãnh 08 ca, huyện Thanh Bình 08 ca, huyện Cao Lãnh 06 ca, huyện Tam Nông 02 ca.

Tính chung, tổng số ca dương tính cộng dồn đến nay là 44.784 ca. Số bệnh nhân đang điều trị 10.648 ca, trong đó 89 ca rất nặng (tăng 02 so với ngày hôm qua). Số bệnh nhân hoàn thành điều trị 342 trong ngày (giảm 196 ca so ngày hôm qua), cộng dồn 33.828 ca. Số bệnh nhân tử vong trong ngày 15 ca (tăng 03 so ngày hôm qua), cộng dồn 604 ca.

Đến nay, Tỉnh đã tiêm được 2.696.149 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (tiêm mũi 1: 1.240.086 liều, đạt 99,59% dân số tỉnh; tiêm mũi 2: 1.162.724 liều, đạt 93,38% dân số tỉnh; tiêm mũi nhắc lại: 62.017 liều, đạt 4,98% dân số tỉnh; tiêm mũi bổ sung: 231.322 liều). Người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi: 297.326 liều (tiêm mũi 1: 157.017 liều, đạt 98,15% dân số tỉnh; tiêm mũi 2: 140.309 liều, đạt 87,71% dân số tỉnh).

Ngày y tế Đồng Tháp tiếp tục khuyến cáo ngành chức năng và các địa phương: không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác với dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng mới, tăng cường hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là yêu cầu người dân không được chủ quan dù đã tiêm vắc xin, cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”, thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid.

Không chủ quan

Đầu tháng 12, Bộ Y tế liên tiếp phát đi nhiều cảnh báo về nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron. 

Cơ quan này cũng có nhiều văn bản đề nghị các địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Theo nhiều chuyên gia, việc Omicron lây lan đến Việt Nam là tất yếu sự giao thương quốc tế.

Từ ngày 1/1, hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM sẽ đăng ký mã QR cá nhân qua ứng dụng PC-Covid.

Trong thông tin tối 3/1, Bộ Y tế thống kê Việt Nam đã ghi nhận 24 ca mắc Covid-19 bởi biến chủng Omicron. Tất cả đều là người trở về từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cho nhân viên y tế và chính quyền cơ sở để tổ chức tốt điều trị tại nhà, tại cơ sở cho người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ thấp và trung bình.

Điều này nhằm tránh tình trạng dồn F0 lên bệnh viện các tuyến gây quá tải. Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế, có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động.

Về phía Bộ, cơ quan này đang tiếp tục chủ động bám sát diễn biến dịch do chủng Omicron gây ra, thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.

Ngăn Omicron từ sân bay

Từ ngày 1/1, hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM sẽ đăng ký mã QR cá nhân qua ứng dụng PC-Covid.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ bố trí khu vực xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 và phối hợp các hãng hàng không quốc tế hướng dẫn người nhập cảnh về xét nghiệm tại sân bay. 

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì người nhập cảnh sẽ được hướng dẫn đến điểm kiểm soát để thực hiện các thủ tục rời sân bay về nơi cư trú.

Trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, người nhập cảnh phải thực hiện quy định 5K, phương tiện đưa đón người nhập cảnh phải đảm bảo quy định an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.

Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính, người nhập cảnh sẽ được cách ly ngay và chuyển về Bệnh viện Dã chiến số 12 để thu dung, điều trị.

Người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính tại sân bay sẽ được về nhà tự theo dõi sức khoẻ, trong quá trình cách ly không được tiếp xúc với người xung quanh, không ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 3 ngày.

Người nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 3 và phải khai báo y tế mỗi ngày thông qua ứng dụng PC-Covid. Trong trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng, người bệnh phải báo ngay trạm y tế.

Người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh ở sân bay âm tính được về cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Những người này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 3 và thứ 7.

Tỷ lệ nhập viện của biến thể Omicron thấp hơn Delta

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ lây lan dịch do biến thể Omicron là "rất cao", song cũng cho rằng những dữ liệu ban đầu dường như cho thấy biến thể này không gây ra tình trạng mắc bệnh nặng như biến thể Delta.

Cơ quan an ninh y tế Anh (HSA) mới đây công bố một nghiên cứu phân tích 528.176 ca nhiễm biến thể Omicron và 573.012 ca nhiễm biến thể Delta. 

Kết quả cho thấy nguy cơ ca nhiễm Omicron phải đưa vào chăm sóc cấp cứu hoặc nhập viện bằng một nửa so với nhiễm Delta, nếu chỉ tính riêng nguy cơ nhập viện thì bằng 1/3. 

Bên cạnh đó, số ca cần đến giường trợ thở cũng không tăng lên như giai đoạn đỉnh của các làn sóng dịch trước. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra, nguy cơ nhập viện thấp hơn đối với các ca nhiễm Omicron có triệu chứng hoặc không có triệu chứng sau khi tiêm chủng 2 và 3 mũi vắc-xin, với tỷ lệ giảm 81% nguy cơ nhập viện sau 3 mũi tiêm so với các ca nhiễm Omicron chưa tiêm chủng.

Tại Nam Phi, các nghiên cứu từ khi phát hiện Omicron cũng cho thấy nguy cơ bệnh trở nặng hay phải nhập viện do nhiễm biến thể này là thấp hơn so với nhiễm biến thể Delta. 

Các nhà khoa học tại Viện quốc gia về dịch bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) đã phân tích các ca nhiễm Omicron từ tháng 10-11/2021 với các ca nhiễm Delta từ tháng 4-11/2021 và kết luận nguy cơ phải nhập viện vào khoảng 80%. Với các ca nhập viện, nguy cơ mắc bệnh nặng ở những người bị nhiễm Omicron thấp hơn khoảng 30% so với Delta.

Trong khi đó, tại Delhi (Ấn Độ), dữ liệu từ ngày đầu của năm 2022 so với từ tháng 3/2021 cho thấy tỷ lệ nhập viện giảm khá nhiều. 

Khi số ca nhiễm hàng ngày hồi tháng 3/2021 vào khoảng 6.000 ca thì số bệnh nhân phải sử dụng giường trợ thở là 1.150 ca. 

Ngày 1/1 vừa qua, ở Delhi chỉ có 82 ca phải sử dụng giường trợ thở. Số ca phải sử dụng máy thở  cũng giảm từ 145 ca hồi tháng 3/2021 xuống 5 ca trong ngày đầu Năm mới.

Nguy cơ của Omicron với trẻ em

Tại Mỹ, Omicron lây lan nhanh chóng đồng thời có một tỷ lệ tăng mạnh số ca trẻ em phải nhập viện điều trị. 

Trong khi tình trạng này khiến các chuyên gia lo ngại, mức độ nặng do biến thể này gây ra dường như không đáng báo động. 

Theo các dữ liệu chính thức, trong tuần lễ kết thúc ngày 28/12/2021, nhóm tuổi từ 0-17 chứng kiến mức tăng 66% số ca phải nhập viện. 

Mức tăng này cao hơn con số ở đỉnh dịch do biến thể Delta gây ra. Mặc dù vậy, dữ liệu ban đầu cho thấy các ca nhiễm Omicron ở trẻ em có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với nhiễm biến thể Delta.

Cựu ủy viên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Tiến sĩ Scott Gottlieb cảnh báo rằng, mặc dù biến thể Omicron đang được cho là nhẹ hơn biến thể Delta, nhưng nó tiềm ẩn mối đe dọa lớn cho trẻ em với một số ca bị các triệu chứng nặng như viêm nhiễm đường hô hấp trên.

Rebecca Madan, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi tại hệ thống bệnh viện Y tế Langone của Đại học New York, cho biết nhiều trẻ nhập viện do nhiễm biến thể Omicron cần được trợ thở và bù nước. Nhiều ca cũng bị sốt cao. 

Dữ liệu mới nhất từ Viện Nhi khoa Mỹ cho thấy trẻ em chiếm hơn 20% tổng số ca mắc được báo cáo hàng tuần trong tuần kết thúc vào ngày 23/12/2021. Trẻ em cũng chiếm 1,8% đến 4,1% tổng số ca nhập viện trong số 24 bang báo cáo dữ liệu bệnh nhi mắc Covid-19.

Các chuyên gia y tế tiếp tục khuyến khích các bậc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng để bảo vệ trẻ khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do biến thể Omicron gây ra. 

Các bậc phụ huynh cũng được khuyến khích xem xét lại việc thay thế khẩu trang vải bằng khẩu trang dùng một lần, như khẩu trang y tế và khẩu trang N95. 

Khẩu trang vải vẫn có thể sử dụng, nhưng theo các chuyên gia y tế, không nên chỉ dùng loại này mà nên đeo khẩu trang vải bên ngoài khẩu trang y tế ba lớp.

FDA cấp phép tiêm mũi tăng cường vắc-xin của Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 3/1 đã mở rộng cấp phép sử dụng khẩn cấp tiêm mũi tăng cường vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.

FDA cũng đã rút ngắn thời gian cần thiết trước khi tiêm mũi tăng cường từ ít nhất sáu tháng sau khi hoàn thành loạt đầu tiên xuống còn ít nhất năm tháng, áp dụng đối với mọi người từ 12 tuổi trở lên.

Liều tăng cường vắc-xin của Pfizer dành cho đối tượng từ 12-15 tuổi có cùng hàm lượng với hai liều ban đầu là 30 microgram.

Trẻ em từ 12 - 15 tuổi tại Mỹ đủ điều kiện tiêm hai liều vaccine chính của liên doanh Pfizer/Pfizer/BioNTech Covid-19 vào giữa tháng 5 năm ngoái.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hiện tại, khoảng một nửa nhóm dân cư từ 12 - 15 tuổi tại Mỹ, tức khoảng 8,7 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ. 

Khoảng 5 triệu trong số đó đã được tiêm chủng đầy đủ trong hơn năm tháng và hiện đủ điều kiện để được tiêm mũi tăng cường.

Bộ Y tế thông tin chính thức về 3 trường hợp nghi mắc biến thể mới Omicron
3 trường hợp nghi mắc biến thể mới tại Hồng Kông (Trung Quốc) bay từ Việt Nam là do chủng Delta, không phải Omicron.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư