Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 11/10: Kiểm soát việc thu phí xét nghiệm Covid-19
D.Ngân - 11/10/2021 08:30
 
Theo Bộ Y tế, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở y tế công lập không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm Covid-19.

Tăng hơn 100 ca mắc mới sau 24h

Tính từ 17h ngày 10/10 đến 17h ngày 11/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.619 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 3.617 ca ghi nhận trong nước (tăng 104 ca so với ngày trước đó) tại 44 tỉnh, thành phố.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-336), Đồng Nai (-163), Bình Thuận (-64).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+460), Đắk Lắk (+119), Bến Tre (+28). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.183 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 843.281 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.565 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 838.653 ca, trong đó có 781.931 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (411.655), Bình Dương (222.528), Đồng Nai (55.488), Long An (33.379), Tiền Giang (14.608).

Hơn 2.500 F0 được công bố khỏi bệnh

Trong ngày 11/10, có 2.549 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 784.748

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca, trong đó thở ô-xy qua mặt nạ: 3.391; thở ô-xy dòng cao HFNC là 788; thở máy không xâm lấn: 145; thở máy xâm lấn: 668 và ECMO: 22.

Trong ngày ghi nhận 115 ca tử vong tại TP.HCM (75), Bình Dương (18), Đồng Nai (5), An Giang (5), Tiền Giang (4), Ninh Thuận (2), Long An (2), Quảng Bình (1), Bình Định (1), Cần Thơ (1), Tây Ninh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 117 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.670 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về các hoạt động chống dịch, trong ngày Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan giám sát, hướng dẫn các địa phương đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Cụ thể, tại TP.HCM cố ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 906 người, hiện nay tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 15.198 người.

Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 1.141 người. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 119 người. Số trường hợp xuất viện trong ngày là 1.925 người, số ca xuất viện cộng dồn là 232.923 người.

Hà Nội thêm 9 ca mắc mới liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 11/10, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 9 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 thuộc chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đều đã được cách ly.

9 bệnh nhân này được phân bố tại 5 quận, huyện: Hoàn Kiếm (5), Thường Tín (1), Sóc Sơn (1), Đan Phượng (1), Thanh Trì (1).

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến 18h ngày 11/10, tổng cộng Hà Nội đã lấy được 18.442 mẫu xét nghiệm những người liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gồm nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc hiện đang trong bệnh viện, khu vực dân cư xung quanh bệnh viện, người về từ bệnh viện, trong đó, có 18.442 mẫu đã có kết quả, qua đó phát hiện 59 ca dương tính (gồm 56 ca trong bệnh viện và 3 ca khu vực dân cư xung quanh bệnh viện).

Liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tính từ ngày 30/9 đến 18h ngày 11/10, đã ghi nhận 78 ca dương tính tại 5 tỉnh, thành phố; trong đó có 59 ca được phát hiện tại Hà Nội và 19 ca ghi nhận tại 4 địa phương khác, gồm: Nam Định (10), Hà Tĩnh (6), Hưng Yên (1), Hải Dương (2).

Trong 59 ca mắc được phát hiện tại Hà Nội liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có 29 F0 sinh sống tại Hà Nội; 30 F0 là người từ tỉnh khác đến điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Các bệnh nhân được phân bố theo nhóm đối tượng, gồm 22 bệnh nhân là người nhà chăm sóc người bệnh; 29 người là bệnh nhân điều trị trong bệnh viện; 6 bệnh nhân là nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện và 2 trường hợp là đối tượng khác.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận tổng số 4.047 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.441 ca.

WHO khẳng định chưa có bằng chứng chó mèo lây Covid-19 cho người

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới và Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung về mối liên hệ giữa vật nuôi trong nhà với Covid-19.

Theo đó, cho đến nay, không có bằng chứng khoa học cho thấy động vật nuôi trong nhà như chó mèo là nguồn lây Covid-19 cho người.

Bởi vậy, giới chuyên môn khuyên những người chủ tiếp tục chăm sóc thú nuôi, không hoang mang. Dù vậy, các nhà khoa học khuyến nghị nên rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với chó, mèo và đồ dùng của chúng cũng như giữ khoảng cách nếu bạn bị bệnh.

Có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chó mèo cải thiện và nâng cao tuổi thọ cũng như sức khỏe của chủ nhân. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, thú nuôi là nguồn hỗ trợ tinh thần quan trọng cho con người bằng cách giảm mức độ căng thẳng.

Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), dựa trên các thông tin hiện có, không có bằng chứng cho thấy động vật đóng vai trò quan trọng trong việc lây lan SARS-CoV-2.

Không có ghi nhận nào về nguy cơ virus lây lan sang người từ da, lông của vật nuôi. Bởi vậy, bạn không nên đeo khẩu trang, mặt nạ, không lau hoặc tắm cho thú cưng bằng chất khử trùng hóa học, cồn, nước rửa tay, chất tẩy rửa bề mặt…

Làm gì nếu nghi thú nuôi nhiễm Covid-19

Tuy nhiên, vẫn có một số động vật bị nhiễm SARS-CoV-2 trên khắp thế giới. Hầu hết những con vật này mắc bệnh sau khi tiếp xúc với những người bị Covid-19, bao gồm chủ sở hữu, người chăm sóc hoặc người tiếp xúc gần.

Danh sách các loại vật gồm thú nuôi trong nhà như chó, mèo; trong vườn thú, trang trại như rái cá, động vật linh trưởng, hươu, chồn…

Vật nuôi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể bộc lộ triệu chứng hoặc không. Các dấu hiệu bệnh gồm ho, khó thở, thở gấp, uể oải, hắt xì, nôn mửa, tiêu chảy. Hầu hết chỉ bị bệnh nhẹ và bình phục nhanh chóng, cực kỳ hiếm các ca nghiêm trọng.

Cà Mau bổ sung 05 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo Sở Y tế; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế phối hợp với UBND các huyện, thành phố Cà Mau, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP và các chỉ đạo trước đây, cần khẩn trương rà soát, bổ sung đối tượng (người từ đủ 18 tuổi trở lên) ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vào kế hoạch tiêm vắc-xin của các huyện, thành phố Cà Mau, bổ sung 05 nhóm đối tượng ưu tiên gồm:

Nhóm 1 là người trực tiếp làm nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch và người sống cùng nhà với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch (đối tượng nguy cơ cao).

Nhóm 2 là người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ.

Nhóm 3 là người về từ các tỉnh, thành phố đã tiêm 01 mũi vắc-xin Vero Cell; chưa tiêm vắc-xin.

Nhóm 4 là người trên 50 tuổi có bệnh nền và Nhóm 5 là sinh viên đi học tập ở các tỉnh, thành phố.

Tỉnh Cà Mau vừa được phân bổ 500.000 liều vắc-xin, công tác chuẩn bị địa điểm, nhân lực, đối tượng và quy trình thực hiện phải đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý. Có thể phân chia theo khung giờ để hạn chế tụ tập trung đông người. Tiêm phải đúng đối tượng theo thứ tự ưu tiên, không xảy ra tiêu cực trong tiêm vắc-xin, tạo ra dư luận không tốt trong Nhân dân. Ưu tiên các đối tượng người làm công tác phòng chống dịch nhưng chưa được tiêm; người dân về mà chưa được tiêm; gia đình có người tham gia công tác phòng chống dịch và phải giải thích rõ cho Nhân dân hiểu vì đây là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Khi vắc-xin về nhiều, sẽ tiếp tục mở rộng tiêm chủng cho toàn dân.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Cà Mau: hiện Tỉnh đang tập trung xét nghiệm thật nhanh cho người dân về quê, trước hết là test nhanh ban đầu và thực hiện liên tục định kỳ 3 ngày/lần. Nếu test nhanh phát hiện dương tính, thì tiếp tục xét nghiệm PCR để tránh tình trạng quá tải. Các hộ gia đình có người về cũng phải test nhanh định kỳ. Vận động toàn dân tiếp tục tự trang bị và thực hiện tự test nhanh kiểm tra.

Các địa phương tiếp tục nắm bắt tình hình của công dân Cà Mau đang ở ngoài tỉnh, báo cáo để địa phương tiếp tục có giải pháp hỗ trợ, tổ chức đón công dân theo kế hoạch với những trường hợp đặc biệt khó khăn. Với những công dân còn có thể trụ lại, vận động bà con chưa về quê ngay lúc này, tránh tình trạng quá tải cho địa phương, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ bùng phát dịch.

Vận động các nguồn lực của mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân, để góp sức người, sức của, tập trung chăm lo cho bà con Cà Mau trở về quê đang ở tại các khu cách ly tập trung thật chu đáo, bám sát nguyên tắc, bình tĩnh, chủ động, nhất lại tại tuyến cơ sở xã, phường phải cập nhật liên tục với chỉ đạo của cấp trên để áp dụng kịp thời, đúng, đủ và hiệu quả.

Xử nghiêm sai phạm nếu có

Theo quy định, người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập nếu nghi ngờ mắc Covid-19 và được chỉ định xét nghiệm thì thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 1126/BHXH ngày 29/4/2021; 

Các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ bảo hiểm y tế chi từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 được cấp có thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. 

Như vậy, người bệnh không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm Covid-19. 

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế tư nhân. 

Theo Bộ Y tế, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở y tế công lập không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm Covid-19.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Liên quan tới việc người dân khi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 7330/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về phí xét nghiệm Covid-19 đối với những người có bệnh mãn tính.

Văn bản nêu rõ, ngày 20/9/2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo Bộ Y tế thông tin rõ ràng, minh bạch về các quy định của pháp luật, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế (văn bản số 6665/VPCP-KGVX), đến nay Bộ Y tế chưa có báo cáo.

Tuy nhiên, dư luận tiếp tục phản ánh hiện tượng bất cập trong việc xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế, đặc biệt chi phí xét nghiệm quá sức chịu đựng của những người mắc bệnh suy thận mãn, kể cả những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm.

Về việc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021; kịp thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật về việc này.

Chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh, nhất là những người mắc bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Các bệnh viện tại TP.HCM trở về trạng thái bình thường mới

Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng lộ trình phục hồi công năng các bệnh viện trở về trạng thái “bình thường mới”. Mục đích của việc này nhằm bảo đảm các bệnh viện thực hiện hai chức năng: vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19; vừa bảo đảm chức năng khám, chữa bệnh thông thường đồng thời điều trị chuyên khoa cho người dân thành phố và các tỉnh thuộc khu vực phía nam.

Tính đến ngày 27/9, TP.HCM có 42 bệnh viện công lập chuyển đổi công năng toàn phần hoặc một phần để tiếp nhận và điều trị Covid-19 với tổng số 11.517 giường.

Theo kế hoạch, ngành Y tế sẽ ưu tiên phục hồi bệnh viện quận, huyện trước; bảo đảm mỗi quận, huyện luôn có một bệnh viện thực hiện chức năng khám, chữa bệnh thông thường. 

Đồng thời, luôn sẵn sàng một bệnh viện dã chiến của quận, huyện để tiếp nhận F0 khi được phát hiện và cần cách ly điều trị. 

Khi tình hình dịch bệnh ổn định, số ca mắc Covid-19 giảm rõ, thành phố sẽ hình thành mô hình bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ba tầng thay thế cho các bệnh viện dã chiến của quận, huyện và bệnh viện dã chiến thành phố.

Hiện nay, Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi đã chuyển đổi công năng thành bệnh viện tiếp nhận người bệnh không mắc Covid-19.

Theo dự kiến của Sở Y tế, đến ngày 31/10, TP.HCM có thêm 26 bệnh viện công lập sẽ phục hồi trở lại công năng ban đầu để tiếp nhận điều trị các bệnh thông thường cho người dân. 

Đến ngày 31/12/2021 sẽ tiếp tục phục hồi thêm 14 bệnh viện công lập. Riêng các bệnh viện tư nhân, căn cứ vào tình hình thực tế tại các bệnh viện để chủ động đề xuất và thông báo lộ trình phục hồi công năng cho ngành Y tế. 

Theo đó, ngành Y tế thành phố yêu cầu các bệnh viện khi chuyển đổi về công năng ban đầu nhưng phải ở trạng thái “bình thường mới”, cụ thể: Bảo đảm tuân thủ quy định sàng lọc, phân luồng và cách ly người nghi ngờ mắc Covid-19, có kế hoạch chủ động phối hợp các bệnh viện điều trị Covid-19 để chuyển bệnh an toàn.

Hình thành khoa/đơn vị Covid-19 tại các bệnh viện trên cơ sở chuyển đổi khu cách ly người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 để sẵn sàng cách ly, điều trị người bệnh đến khám, chữa bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Ngoài ra, các bệnh viện phải duy trì buồng cấp cứu sàng lọc tại Khoa Cấp cứu, bảo đảm cấp cứu người bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm Covid-19. Duy trì các buồng cách ly tại mỗi khoa lâm sàng để sẵn sàng cách ly người bệnh chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.

Không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với người đi máy bay, tàu hỏa đã tiêm vắc-xin
Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm một mũi vắc-xin sau 3 tuần, đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư