Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 12/8: 82.380 người khỏi bệnh; Đề nghị làm rõ việc "thổi" giá máy thở
D.Ngân - 12/08/2021 08:48
 
Bộ Y tế yêu cầu các doanh nghiệp thiết bị y tế không tùy tiện đầu cơ, gây ảnh hưởng quá trình cung ứng trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch.

Gần 10.000 ca mắc mới trong ngày

Tính từ 6h đến 18h30 ngày 12/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.025 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 5.014 ca trong nước.

Như vậy, trong ngày 12/8, nước ta có tổng cộng 9.667 ca nhiễm mới gồm 14 ca nhập cảnh và 9.653 ca trong nước (2.226 ca cộng đồng). So với ngày 11/8, số lượng ca mới trong ngày tăng 901 người.

Các tỉnh, thành phố có số lượng ca mắc mới trong ngày cao là TP.HCM (3.841), Bình Dương (3.028) và Đồng Nai (1.071).

TP.HCM tăng 425 ca so với 11/8. Con số này ở Bình Dương là 1.131 ca. Một số tỉnh ở miền Tây như Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp có số lượng ca mắc mới giảm. Ngoài ra, các ổ dịch tại Hà Nội tăng 38 trường hợp so với con số ghi nhận trong ngày hôm qua.

Tính đến chiều ngày 12/8, Việt Nam có 246.568 ca nhiễm, trong đó có 2.395 ca nhập cảnh và 244.173 ca trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 242.603 ca, 86.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

***

Tại Hà Nội, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối 12/8, 40 trường hợp mới được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 liên quan một số ổ dịch.

Như vậy, trong ngày 12/8, Thành phố đã có 70 người nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, đa số được phát hiện thông qua xét nghiệm sàng lọc và truy vết các F0 từ đây.

Với việc đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm sàng lọc tại khu vực nguy cơ cao và đối tượng nguy cơ, Thành phố đến nay cũng đã phát hiện thêm 17 người dương tính với virus.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.025 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 1.756 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Cũng theo CDC Hà Nội, đến tối ngày 12/8 các quận huyện trên địa bàn Thành phố đã lấy hơn 96.000 mẫu xét nghiệm ở các nhóm nguy cơ cao trong đó có hơn 37.000 mẫu có kết quả âm tính.

Thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 ở 52 quốc gia

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết một thử nghiệm lâm sàng ở 52 quốc gia sẽ được tiến hành nhằm nghiên cứu ba loại thuốc chống viêm là phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ba loại thuốc được lựa chọn đều đã sử dụng để điều trị các bệnh khác. Trong đó, Artesunate chữa sốt rét ác tính, Imatinib chữa một số bệnh ung thư và Infliximab cho các vấn đề của hệ miễn dịch như bệnh Crohn (viêm đường ruột) và viêm khớp dạng thấp.

WHO cho biết Artesunate sẽ được tiêm tĩnh mạch trong 7 ngày, sử dụng liều tiêu chuẩn được khuyến cáo để điều trị sốt rét ác tính. Imatinib là thuốc uống, một lần mỗi ngày, trong 14 ngày. Trong khi đó, Infliximab sẽ được tiêm tĩnh mạch với một liều duy nhất.

Hiện tại, các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua tìm kiếm các loại thuốc điều trị Covid-19 do không phải ai cũng có thể hoặc sẽ tiêm vắc-xin Covid-19.

Đối với một số người, chẳng hạn như người bị suy giảm miễn dịch, vắc-xin không đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, rất khó để sản xuất ra loại vắc-xin đạt hiệu quả 100%.

Được biết, hiện một số loại thuốc đã được sử dụng hoặc thử nghiệm lâm sàng trên người. Thuốc Remdesivir từng được nghiên cứu để trị bệnh Ebola và viêm gan C. Hiện thuốc đã được phê duyệt hoặc cho phép sử dụng tạm thời như một phương pháp điều trị Covid-19 ở khoảng 50 quốc gia. Phần lớn bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc theo lộ trình 5 ngày, tiêm qua đường tĩnh mạch.

Thuốc Molnupiravir được phát triển cách đây vài năm như một chất kháng virus cúm. Loại thuốc trên hiện đang thử nghiệm ở giai đoạn 3. Dữ liệu rất hứa hẹn nên Chính phủ Mỹ đã đặt mua trước 1,2 tỷ USD.

Công ty Nhật Bản Shionogi đang trong giai đoạn 1 thử nghiệm S-217622, một loại thuốc kháng virus đường uống dành cho người mới nhiễm bệnh.

Israel tiến hành thử nghiệm thuốc dạng hít EXO-CD24. Sau khi sử dụng thuốc, 9 trong số 10 bệnh nhân nặng đã được xuất viện trong vòng 5 ngày.

TP.HCM: Xem xét việc huy động F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế và Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 để chỉ đạo một số biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chậm nhất là đến ngày 13/8 phải có báo cáo tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 về việc vận động, sử dụng các bệnh nhân Covid-19 đã hoàn thành điều trị để tham gia tình nguyện phục vụ phòng chống dịch của Thành phố.

Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp với Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tiến hành khảo sát cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 để tham mưu việc điều phối lực lượng y tế tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị; quy trình chuyển và điều trị bệnh nhân Covid-19; hướng dẫn thuốc điều trị tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị trong tháp 5 tầng.

Bên cạnh đó, ngành y tế được giao tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch quản lý, cập nhật kịp thời, thường xuyên khả năng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 của từng cơ sở tiếp nhận, điều trị để thực hiện tốt quy trình phân loại, điều chuyển và điều trị hiệu quả, đặc biệt là bệnh nhân nặng.

Trước đó, theo Tổ điều phối nhân lực phòng, chống dịch Covid-19, TP.HCM cần bổ sung hơn 12.000 người gồm 2.800 bác sĩ, 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch.

Do số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng đang gia tăng, Thành phố rất cần lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đủ trình độ khám, điều trị từ tầng 2 đến tầng 5; đặc biệt rất cần đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về hồi sức, hồi sức tích cực, hồi sức nâng cao.

Do đó, tổ điều phối nguồn nhân lực kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục huy động nhân lực từ các tỉnh thành, địa phương hỗ trợ cho Thành phố, trong đó tập trung lực lượng bác sĩ, điều dưỡng có khả năng làm hồi sức để phục vụ công tác điều trị tại các bệnh viện tầng 4 và tầng 5.

Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện bộ ngành, trung ương và các tỉnh thành tiếp tục tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 đến khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát, không rút nhân sự nhưng có thể cử nhân sự thay thế luân phiên.

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tăng cường lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng tham gia bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, điều tra, truy vết, xét nghiệm và tổ chức tiêm ngừa vắc-xin.

TP.HCM siết chặt biện pháp bảo vệ “vùng xanh”

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu vừa ký văn bản khẩn đề nghị Chủ tịch TP. Thủ Đức và các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung trong việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”.

Cụ thể, đối với cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, phóng viên có nơi cư trú trong “vùng xanh” được đi làm bình thường, khi về phải khai báo y tế và áp dụng các biện pháp cách ly như trường hợp F1 cách ly tại nhà. Quá trình sinh hoạt phải hạn chế tiếp xúc người thân trong gia đình và người xung quanh, bố trí phòng sinh hoạt riêng.

Các trường hợp làm việc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly phải có kết quả xét nghiệm âm tính và có thời gian cách ly tập trung bên ngoài theo quy định của cơ quan y tế trước khi vào “vùng xanh”.

Đối với hoạt động cung ứng thực phẩm, Thành phố yêu cầu nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm từ các đầu mối do Sở Công thương điều phối, khi vào “vùng xanh” phải mặc trang phục bảo hộ y tế cấp 3.

Điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực trong “vùng xanh” nào thì cung ứng cho cư dân, người dân ở khu vực đó. Hạn chế tối đa việc bố trí ở các mặt tiền đường phố giáp ranh giữa các khu vực để người dân không phải ra đường và tránh việc người vãng lai ghé mua hàng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Hàng tuần, chính quyền địa phương tổ chức phát thẻ, phiếu đi mua thực phẩm theo hộ gia đình (01 tuần/01 hộ gia đình sẽ có 01 thẻ, phiếu đi chợ) ghi rõ địa điểm, ngày giờ cụ thể được đi mua thực phẩm.

Trường hợp trong các khu vực thuộc “vùng xanh” không thể thiết lập điểm cung ứng thực phẩm hoặc điểm cung ứng nằm xa, không đảm bảo an toàn y tế thì thực hiện mô hình đi chợ thuê, phát phiếu đi chợ cho nhóm hộ gia đình, hoặc tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân.

Đối với những hàng hóa cần thiết liên quan đến gia dụng, vệ sinh, dược phẩm... người dân phải đăng ký để UBND phường, xã, thị trấn tổ chức mua, cung ứng theo nhu cầu.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho cư dân “vùng xanh” theo quy định. Các cư dân “vùng xanh” phải được xét nghiệm định kỳ theo quy định của y tế hoặc khi có yếu tố dịch tễ.

Trường hợp có người nghi nhiễm trong khu vực “vùng xanh” phải nhanh chóng khoanh vùng, cô lập và đưa người nghi nhiễm và những người tiếp xúc đi cách ly bên ngoài “vùng xanh”.

UBND Thành phố cũng yêu cầu việc thiết lập “vùng xanh” có thể trên phạm vi một hoặc một số xã, phường, thị trấn hoặc một quận, huyện. Trong “vùng xanh” phải được phân chia thành những khu vực giới hạn bởi các tuyến đường giao thông có các phương tiện vận tải, công cộng có thể lưu thông thường xuyên (gọi tắt là khu vực).

Địa phương phải ban hành, niêm yết nội quy tại mỗi khu vực; quy định điều kiện an toàn phòng, chống dịch ở mức cao nhất; quy định đối tượng ra vào khu vực; quy định quyền và trách nhiệm của người dân; quy định quyền và trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch (nhắc nhở, xử phạt)

Mỗi khu vực chỉ thiết lập 1 lối đi vào và 1 lối đi ra riêng biệt, có lập chốt kiểm soát 24/24 giờ (có thể bố trí camera giám sát). Tuy nhiên phải ưu tiên bố trí phù hợp để xe cấp cứu, cứu hỏa có thể di chuyển được và đảm bảo thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.

Hạn chế bố trí lối ra vào ở những nơi giáp ranh khu phong tỏa, cách ly, khu vực có người nhiễm Covid-19. Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra vào khu vực thuộc “vùng xanh” đều phải “phong tỏa cứng”, không cho ra vào kể cả người và phương tiện.

Mỗi “vùng xanh” thiết lập đường dây nóng gồm số điện thoại của thành viên Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng và thông báo rộng rãi để người dân biết và gọi khi cần. Cư dân trong các khu vực thuộc “vùng xanh” phải được kiểm danh, kiểm diện hàng ngày.

UBND Thành phố cũng yêu cầu việc kiểm soát “vùng xanh” phải thực hiện theo nguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, thực hiện đúng nội quy “vùng xanh”. Theo đó, lực lượng bảo vệ “vùng xanh" có nhiệm vụ tổ chức thiết lập, quản lý, kiểm soát ra vào, đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm và cung ứng, phân phối trong khu vực thuộc “vùng xanh”.

***

Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế về việc đảm bảo sản xuất kinh doanh, rà soát công khai giá trang thiết bị y tế trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu các doanh nghiệp thiết bị y tế không tùy tiện đầu cơ, gây ảnh hưởng quá trình cung ứng trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch.

Văn bản của Bộ Y tế cho biết hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp. Do đó, toàn bộ hệ thống chính trị trên cả nước đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Để đảm bảo việc cung ứng, không để thiếu các vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thiết bị y tế phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thiết bị y tế nói chung và đặc biệt là mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng, khẩn trương, nghiêm túc nắm bắt yêu cầu của thị trường và nhu cầu phòng chống dịch, từ đó có kế hoạch chủ động nguồn nguyên liệu, phương án nâng cao năng lực sản xuất, nhập khẩu đảm bảo cung ứng trang thiết bị y tế đủ về số lượng và chất lượng để cung cấp cho các đơn vị, địa phương, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện hoặc đầu cơ, tích trữ gây ảnh hưởng đến việc cung ứng vật tư, sinh phẩm chẩn đoán, thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các đơn vị, địa phương trên cả nước.

Cũng theo yêu cầu của Bộ Y tế, các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế (phân loại, công bố đủ điều kiện sản xuất, mua bán, công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế loại A, đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại B, C, D và nhập khẩu trang thiết bị y tế).

Cập nhật, rà soát, công khai minh bạch về giá các sản phẩm trang thiết bị y tế trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế. Chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác, đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa trên https://congkhaigiadmec.moh.gov.vn theo quy định.

Trường hợp bất khả kháng có biến động về giá (nếu có) do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chủ động cập nhật và chịu trách nhiệm về giá (ghi chú rõ lý do việc điều chỉnh giá) để các cơ sở y tế, bệnh viện, địa phương có cơ sở tham khảo, tổ chức triển khai việc mua sắm theo quy định.

Trước đó, chiều 11/8, Bộ Y tế đã có văn bản số 6546/BYT-TB-CT gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế An Sinh đề nghị làm rõ việc chênh lệch "thổi" giá máy thở gấp đôi.

Trong ngày 11/8, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nhận được thông tin phản ánh Máy thở (model MV2000 EVO5, hãng sản xuất: Mekics Co., Ltd., Hàn Quốc) được Công ty công khai giá trên cổng thông tin điện tử https://congkhaiyte.moh.gov.vn là: 960.500.000 VND/1 máy. Tuy nhiên, theo nguồn tin trên, tại cùng thời điểm báo giá (cùng loại, cùng hãng, model máy thở trên) do phía công ty cung cấp cho các đơn vị là: 455.000.000 VND/1 máy. 

Bộ Y tế đề nghị Công ty khẩn trương, nghiêm túc rà soát và có báo cáo giải trình rõ lý do công bố giá cao đột biến (chênh lệch tới khoảng 210% so với giá báo giá). Công văn giải trình, làm rõ đề nghị gửi về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế) trước 17h00 ngày 13/8/2021. 

Nếu quá thời gian trên, Công ty không có giải trình, Bộ Y tế sẽ thực hiện việc tạm dừng tài khoản, thông tin công bố giá của Công ty trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế.

Hà Nội: 4 ca dương tính mới

Tính từ 18h30 ngày 11/8 đến 6h ngày 12/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.642 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 4.639 ca trong nước.

Các tỉnh, thành phố có thêm người nhiễm virus là TP.HCM (2.318), Bình Dương (911), Đồng Nai (425), Long An (354), Tiền Giang (212), Khánh Hòa (130).

Tính đến sáng 12/8, Việt Nam có 241.543 ca nhiễm gồm 2.384 ca nhập cảnh và 239.159 ca trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 237.589 ca, 82.380 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, tổng số ca khỏi bệnh: 85.154 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 489 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.

Ngày 11/8, 762.396 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 12.098.821 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 11.006.121 liều, tiêm mũi 2 là 1.092.700 liều.

Sáng 12/8, Hà Nội ghi nhận thêm 4 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 2 ca tại cộng đồng và 2 ca tại khu cách ly. Số ca mắc mới tại Ba Đình (2), Mê Linh (1), Chương Mỹ (1) và thuộc 2 chùm ca bệnh ho sốt thứ phát (3), chùm liên quan Bắc Giang tại Công ty SEI (1).

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội có 1.959 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.120 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 839 ca.

Về xét nghiệm cho người nguy cơ và người tại các khu vực nguy cơ, toàn TP đã lấy được 191.633 mẫu, số đã có kết quả là 72.959 (gồm 8 mẫu dương tính và 72.951 mẫu âm tính) và 118. 674 mẫu chưa có kết quả. Dự kiến trong ngày hôm nay 12/8, toàn TP tiếp tục lấy thêm 65.000 mẫu cho các đối tượng này để xét nghiệm sàng lọc.

Triển khai nhiều giải pháp chống dịch

Trong cuộc họp chiều 11/8 với một số tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết việc điều trị F0 và ca nhiễm F1 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam bị quá tải. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phải phân tầng đúng theo tình trạng bệnh, tuy nhiên, một số nơi quá lo lắng nên dồn bệnh nhân lên tầng điều trị thứ 3.

Ông Thuấn cũng cho biết Bộ Y tế đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến, nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu, ngay tại TP.HCM có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của các bệnh viện loại đặc biệt, huy động 10.000 sinh viên ngành y, dược.

Tuy nhiên, số lượng nhân lực vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu chi viện của phía Nam. Do đó, ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, đề nghị các tỉnh, thành phố cần huy động nguồn nhân lực y tế tư nhân, sinh viên khối ngành y dược trên địa bàn tham gia lấy mẫu xét nghiệm hoặc tổ chức tiêm chủng.

Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 hôm 11/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra nhiều đề nghị nhằm phòng, chống dịch hiệu quả.

Đầu tiên, tất cả địa phương tiếp tục phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để phát hiện ngay những người từ nơi khác đến, không được để dịch bệnh âm thầm lan ra khắp cả nước, rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có biện pháp ứng phó với tinh thần “cao hơn, sớm hơn”, đặc biệt thực hiện giãn cách thực chất và nghiêm túc, “ai ở đâu ở đó”.

“Nếu thực hiện nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ sau 2 đến 3 tuần, dịch sẽ giảm hẳn. Nhưng dịch chưa giảm, có nghĩa là đâu đó bên dưới vẫn thực hiện chưa nghiêm”, Phó Thủ tướng nói.

Với việc kiểm soát lưu thông hàng hoá phải rất an toàn, nhất là những nơi có dịch, đi qua vùng dịch Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị kết quả xét nghiệm của lái xe có hiệu lực trong 3 ngày do Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải thống nhất ban hành chỉ mang ý nghĩa tương đối. Thực tế, ngay tại TPHCM, đã có những trường hợp lái xe xét nghiệm âm tính vào buổi sáng nhưng đến chiều, kết quả lại dương tính.

“Chúng ta cố gắng đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, nhưng lúc này, ở những nơi gần các vùng dịch phải đặt an toàn lên trên hết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vấn đề tiếp theo, hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn cách ly F0, F1 tại nhà nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị chỉ áp dụng giải pháp này nếu nhà có đầy đủ điều kiện cần thiết, không chỉ về chỗ ở mà còn nhiều yếu tố khác.

Với những nơi còn ít người bị mắc, các địa phương chủ động lựa chọn hình thức cách ly phù hợp, nhưng phải đảm bảo nếu cách ly tại nhà không được phép lây ra ngoài, cách ly tập trung đảm bảo không lây chéo.

Ngoài ra, các địa phương khi chuẩn bị hệ thống điều trị phải tách riêng F0 không triệu chứng, không được coi là bệnh nhân, chăm lo đầy đủ cả về thể chất và tinh thần để những người này tăng sức đề kháng, không bị chuyển biến thành có triệu chứng, tức là bệnh nhân.

Hiện nay, trung bình 100 ca F0 có khoảng 20 người chuyển thành bệnh nhân, nhưng nếu làm tốt, tỷ lệ này chỉ còn 10 người, thậm chí có những nơi đã triển khai chỉ còn 5 người, trong khi đó những nơi làm chưa tốt, tỷ lệ này có thể lên đến 30 người.

Trong các bệnh viện, cơ sở điều trị, Phó thủ tướng yêu cầu chỉ thống kê số giường có đủ thiết bị, thuốc, oxy y tế (đặc biệt hệ thống oxy tập trung), nhân lực… Lãnh đạo địa phương phải nắm sát số giường này chứ không phải cứ thấy kê nhiều giường bệnh là yên tâm.

Ưu tiên trang thiết bị, nhân lực cho điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư