Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 20/9: Công điện khẩn nâng chất lượng xét nghiệm Covid-19
D.Ngân - 20/09/2021 07:31
 
Bộ Y tế đề nghị các địa phương quyết định nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc thực hiện có lộ trình và hạ cấp độ nguy cơ từng bước, chắc chắn.

Nghị quyết của Chính phủ về mua vaccine phòng COVID-19 Abdala do Cuba sản xuất

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 20/9/2021 về mua vaccine phòng COVID-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất.

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua vaccine phòng COVID-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất, trong đó có việc tiếp nhận đủ số lượng 10 triệu liều vaccine...

Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu tại các văn bản: Số 451/TTr-BYT ngày 9/9/2021, số 475/TTr-BYT ngày 16/9/2021; số 7795/BYT-KH-TC ngày 18/9/2021; số 7800/BYT-KH-TC ngày 19/9/2021; khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 Abdala của Cuba, bảo đảm chất lượng vaccine, tiến độ, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng chỉ đạo lập đường dây nóng 019 - Không COVID của Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 6639/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo lập đường dây nóng 019 - Không COVID của Việt Nam.

Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập đường dây nóng 019 - Không COVID của Việt Nam; trình lên Tổ chức Y tế Thế giới để đẩy lên toàn cầu sử dụng.

Số ca mắc mới tại các ổ dịch thấp nhất trong tháng qua

Theo Bộ Y tế, số F0 trong ngày 20/9 chỉ còn 8.668, giảm 1.357 người so với ngày 19/9 và là mức thấp nhất trong một tháng trở lại đây.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều sau 24 giờ: Bình Dương (-922), TP.HCM (-325), An Giang (-187).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao: Đắk Lắk (113), Tiền Giang (109), Kiên Giang (24).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 695.744 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.070 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 691.285 người, trong đó, 459.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (341.699), Bình Dương (179.705), Đồng Nai (40.842), Long An (30.596), Tiền Giang (13.270).

Số lượng được công bố khỏi bệnh trong ngày là 6.821 người, nâng tổng số ca được điều trị khỏi tại nước ta lên 464.326 trường hợp.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.521 ca. Trong ngày, Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 215 ca tử vong. Họ được công nhận tại TP.HCM (163), Bình Dương (36), Bình Thuận (3), Long An (3), Kiên Giang (3), Đà Nẵng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bạc Liêu (1), An Giang (1), Nghệ An (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 234 người.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.305 người, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc.

Trong 24 giờ qua, Việt Nam đã thực hiện 195.451 xét nghiệm cho 413.463 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện là 16.837.201 mẫu cho 48.910.225 lượt người.

Trong ngày 19/9, 432.575 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 34.553.590 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.913.529 liều, tiêm mũi 2 là 6.640.061 liều.

Ngày 19/9, Bộ trưởng Y tế đã ký Công điện 1436 gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố. Công điện của Bộ Y tế nêu rõ các địa phương quyết định việc nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc thực hiện có lộ trình và hạ dần cấp độ nguy cơ từng bước, chắc chắn.

Tại những địa bàn nguy cơ (vùng vàng) và bình thường mới (vùng xanh), các đơn vị thực hiện việc xét nghiệm với nhóm, địa điểm nguy cơ để kịp thời điều chỉnh phù hợp biện pháp phòng, chống dịch.

3 người cùng nhà mắc Covid-19, Hà Nội thêm 9 ca F0

Chiều 20/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 20/9, Hà Nội ghi nhận 3 ca Covid-19 là người trong một nhà tại khu cách ly. 

Tính từ 18 giờ ngày 19/9 đến 18 giờ ngày 20/9, Hà Nội ghi nhận 9 ca Covid-19, trong đó, 1 ca tại cộng đồng, 2 ca tại khu phong tỏa, 6 ca tại khu cách ly.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.931 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.333 ca.

Từ ngày 21/9, Thành phố Hà Nội nới lỏng một số hoạt động nhưng với mục tiêu đặt ra hàng đầu là đảm bảo an toàn, sức khỏe nhân dân và sự an toàn của Thủ đô, tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong khi dịch bệnh cả nước đang phức tạp.

Cụ thể, nguyên tắc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ 6h ngày 21/9 là không áp dụng phân vùng và kiểm soát giấy đi đường; không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của Trung ương và TP.Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch và quản lý giám sát di biến động giữa các vùng của Thành phố.

Khoảng 75% người dân TP.HCM có thể tự test nhanh tại nhà

Chiều 20/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh 24 giờ qua.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ nay đến hết 30/9, Thành phố tiếp tục triển khai xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn dân cư.

Phương pháp được thực hiện trong thời gian này là xét nghiệm xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn.

Tại nhiều địa phương, trong thời gian đầu triển khai, tỷ lệ người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn chỉ khoảng 25%.

Hiện tại, theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tỷ lệ người dân có thể thực hiện điều này là 75%.

Theo HCDC, tổng số hộ dân cư trong đợt xét nghiệm này khoảng 2,3 triệu. Trong đó, vùng xanh chiếm khoảng 1,2 triệu hộ, vùng vàng khoảng 300.000 hộ và 200.000 hộ tại vùng cam.

Thành phố chủ trương tiếp tục chia nhỏ địa bàn và tổ chức nhiều đội lấy mẫu phù hợp, chủ động huy động, tăng cường nguồn nhân lực tại địa phương tham gia công tác lấy mẫu.

Các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình, thực hiện giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả, thống kê và báo cáo.

TP.HCM đã trải qua hơn 3 tuần tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội (từ 23/8 đến 15/9) nhưng số ca nhiễm vẫn ở mức cao.

Theo lý giải của ngành Y tế thành phố, do xét nghiệm tầm soát diện rộng nên số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng mỗi ngày.

Sau chiến dịch xét nghiệm và nhiều vòng quét tại vùng đỏ, vùng cam, cận xanh và vùng xanh, Sở Y tế nhận thấy tỷ lệ nhiễm giảm đáng kể, từ khoảng 3,6% xuống 2,7% và hiện chỉ còn 1,1%.

Sáng 20/9, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), địa phương đã bao phủ vắc-xin Covid-19 mũi 1 cho hơn 90% dân số trên 18 tuổi và hơn 20% mũi 2. Các quận huyện vẫn tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian.

Số người mắc Covid-19 tại Bình Dương giảm mạnh

Theo thống kê của Sở Y tế Bình Dương, số ca nhiễm SARS-CoV-2 toàn tỉnh giảm 39,5% so với ngày 19/9.

Theo báo cáo cập nhật tình hình dịch Covid-19 của Bình Dương đến 17h ngày 20/9, tỉnh này vừa ghi nhận thêm 1.410 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ qua.

Như vậy, theo thống kê của Sở Y tế Bình Dương, số ca nhiễm Covid-19 toàn tỉnh giảm 39,5% so với ngày 19/9. Những ngày gần đây, số lượng F0 tại địa phương này liên tục giảm (17/9: 4.013 ca; ngày 18/9: 2.877 ca; ngày 19/9: 2.332 ca).

Khu vực có số ca mắc giảm là Bến Cát, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Bàu Bàng, Dầu Tiếng. Hầu hết ca nhiễm mới tập trung trong khu phong tỏa (83,8%) và tỷ lệ phát hiện qua sàng lọc cộng đồng thấp (5%).

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 179.705 ca mắc Covid-19. Trong đó, 9.118 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 25.356 trường hợp trong khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính, 107.565 ca ở khu phong tỏa và 37.585 ca trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa).

Số người đang cách ly tập trung tại Bình Dương hiện nay là 29.382, gồm 574 F1, 11.266 trường hợp test nhanh dương tính chờ xét nghiệm khẳng định và 17.542 F0 không có triệu chứng. Ngoài ra, tỉnh cũng có 6.509 F1 và 5.529 F0 đang cách ly tại nhà.

Trong ngày, Bình Dương cũng ghi nhận 36 bệnh nhân Covid-19 tử vong, qua đó nâng tổng số trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn lên 1.683 người.

Về chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 (từ ngày 2/8 đến nay), tỉnh đã lấy mẫu test nhanh và rRT-PCR cho 6.342.990 người. Trong đó, 136.576 trường hợp cho kết quả dương tính với Covid-19 (tỷ lệ 2,15%).

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Bình Dương cũng đã lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR cho 135.787 công nhân tại 168 công ty trong các khu công nghiệp trên địa bàn. Kết quả cho thấy 391 trường hợp dương tính với Covid-19

Tính đến 16h ngày 20/9, địa phương này cũng đã tiêm được tổng cộng 2.271.250 liều vắc-xin phòng bệnh Covid-19. Trong đó, số lượng mũi một đã được tiêm là 1.908.276, mũi 2 là 59.392 liều.

12.000 bánh Trung thu được làm tặng cho các bác sĩ tuyến đầu

Nhân dịp Tết Trung thu, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai những hoạt động hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, đón Trung thu bình an và mạnh khỏe.

Từ ngày 12/9 - 20/9, các cán bộ của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội và đội ngũ tình nguyện viên đã ngày đêm chuẩn bị 12.000 chiếc bánh Trung thu, nhanh chóng gửi đến cho các bệnh viện tại TP.HCM

12.000 chiếc bánh Trung thu đã được vận chuyển miễn phí và kịp thời của hàng không và đội xe bán tải tình nguyện tại Hà Nội và TP.HCM. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, những món quà này mang tính động viên tinh thần rất lớn cho các y,bác sĩ cũng là lời chúc bình an của tổ chức Đoàn, Hội tới Hội viên.

Tại TP.HCM, Đoàn Đại học Y Dược TP.HCM tiếp tục phát tặng 3.000 túi thuốc và bánh Trung thu cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà, nâng tổng số túi thuốc do Hội cung cấp lên 7.000 túi. Mỗi túi thuốc F0 đều có: máy SpO2, nhiệt kế, dung dịch rửa tay, xúc miệng, túi thuốc A (paracetamol, acetylcysteine, dung dịch Oresol, multivitamin và vitamin C), túi thuốc B (rivaroxaban và methylprednisolone), trị giá gần 800.000 VNĐ/ 1 túi.

Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng tiếp tục hỗ trợ 50 suất trị giá 10 triệu đồng mỗi suất cho những tấm gương y bác sĩ chống dịch điển hình, có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, cũng trong dịp này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng nhà tài trợ đã trao tặng Y tế Hà Nội và Bình Dương 750 hộp thuốc chống đông, 3.600 khẩu trang 3M N95 và 3000 bộ bảo hộ phục vụ công tác phòng chống dịch.

TS.Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, chương trình "Triệu túi an sinh" với sự tham gia đông đảo của các cấp bộ Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Doanh nhân trẻ các cấp đã hỗ trợ hàng trăm ngàn túi an sinh, túi thuốc hỗ trợ điều trị F0, trang thiết bị y tế và nhiều nhu yếu phẩm hỗ trợ nhân dân và y tế tuyến đầu.

Nhân dịp Tết Trung thu, các cấp bộ Đoàn Hội thông qua những hoạt động làm tặng bánh Trung thu, hỗ trợ ủng hộ tuyến đầu chống dịch để thể hiện sự tri ân, tình cảm yêu mến cũng như niềm tin vào những lá chắn vững chắc của nhân dân, cùng chung tay, chung sức chiến thắng đại dịch, vì một Việt Nam khỏe mạnh.

Xử lý kịp thời hạn chế trong công tác xét nghiệm

Bộ trưởng Y tế đã ký Công điện 1436 gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương quyết định nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc thực hiện có lộ trình và hạ cấp độ nguy cơ từng bước, chắc chắn.

Trong công điện, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện 1409 (ban hành ngày 15/9) về xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch khi giãn cách xã hội.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phổ biến đến tất cả quận/huyện, xã/phường, thị trấn; tập trung thực hiện tại những địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, vướng mắc còn tồn tại.

Công điện của Bộ Y tế cũng nêu rõ trên cơ sở kết quả thực hiện, các địa phương quyết định việc nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc thực hiện có lộ trình và hạ dần cấp độ nguy cơ từng bước, chắc chắn.

Tại những địa bàn nguy cơ (vùng vàng) và bình thường mới (vùng xanh), các đơn vị thực hiện việc xét nghiệm với nhóm, địa điểm nguy cơ để kịp thời điều chỉnh phù hợp biện pháp phòng, chống dịch.

Trước đó, trong Công điện 1409, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khi thực hiện giãn cách xã hội, phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách. Nguyên tắc là ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể như thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...

Bộ Y tế nhấn mạnh thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam), địa phương phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời.

Các đơn vị có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Các địa bàn còn lại thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần, gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề.

Khi xét nghiệm rRT-PCR, các cơ sở phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Các địa phương tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân.

Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Trong Công điện ngày 15/9, Bộ Y tế cũng đã nhấn mạnh các tỉnh, thành phải thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hà Nội nới dần các hoạt động ngoài "vùng đỏ"

Số ca mắc mới từ 18h ngày 19/9 đến 6h ngày 20/9 ghi nhận 3 ca bệnh trong đó 2 ca tại khu cách ly, 1 ca tại cộng đồng

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.925 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.327 ca.

Thững ngày tới, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định phòng chống dịch ở các cơ sở kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, đặc biệt là mũi 2; tiếp tục xét nghiệm nhất là đối với những người có triệu chứng ho, sốt, khó thở…; khẩn trương xây dựng trạm y tế lưu động.

Từ ngày 24/7, trong đợt đầu Hà Nội giãn cách xã hội để phòng dịch, trung bình nghi nhận có 71,2 ca mắc mới/ngày, đến đợt giãn cách thứ 4 chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày và đến ngày 19/9, dự kiến cũng khoảng dưới 15 ca. Trên 60% toàn dân số đã được tiêm vắc-xin ít nhất 1 mũi.

Qua chiến dịch thần tốc vừa qua, Thành phố đã xét nghiệm diện rộng trên 4 triệu người để bóc tách F0 khỏi cộng đồng và tỷ lệ ca mắc ngoài cộng đồng đã giảm từ 50 xuống còn 10%. Sau đó, Thành phố đã điều chỉnh xét nghiệm theo hướng có trọng điểm, đúng đối tượng, khu vực nguy cơ.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, từ các mốc thời gian của từng loại vắc-xin, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo sẽ tiêm vắc-xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2021. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép".

Theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, dự kiến sau 21/9, nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành "điểm đỏ" với quy mô hẹp. 

"Điểm đỏ" thì phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng; khu vực xuất hiện F0 và các gia đình lân cạnh phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là vùng vàng, còn lại là xanh. 

Cùng với đó, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì 22 chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm việc với các tỉnh thành lân cận để phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô. 

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9. 

Sau ngày 21/9, TP sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã Qr Code.

Cùng với đó, các quận huyện cần chú trọng các phương án bảo đảm phòng chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không về thành phố; việc đảm bảo các điều kiện cần thiết để các trường học trước đây các quận mượn làm nơi cách ly phục vụ cho việc chuẩn bị sẽ đón học sinh, sinh viên trở lại học tập. 

Sau ngày 21/9, Thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn, vì thế phải chủ động các phương án phòng, chống dịch để triển khai. Các khu vực "điểm đỏ" sẽ không được xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì phải dừng. 

TP.HCM: Bộ Y tế đã phân bổ thêm 54.700 liều vắc-xin Astra Zeneca

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM hiện các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị cho 41.193 bệnh nhân, trong đó có 3.459 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.350 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Về tiến độ tiêm vắc-xin, theo thống kê, đến hết ngày 18/9, Thành phố đã tiêm được 8.735.784 mũi vắc-xin Covid-19; trong đó, tổng số mũi 1 là 6.728.803, mũi 2 là 2.006.981, số người được tiêm trên 65 tuổi và người có bệnh nền là 1.025.251 người

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, các quận, huyện vẫn tiếp tục tiêm vét vắc-xin cho các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đã đủ thời gian.

Qua ghi nhận, các quận, huyện có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cao nhất gồm Quận 11 đạt tỷ lệ 43%, Quận 10 đạt 41%, huyện Cần Giờ đạt 39%, huyện Hóc Môn đạt 37%...

Bộ Y tế đã phân bổ thêm cho TP.HCM 54.700 liều vắc-xin AstraZeneca. Hiện số vắc-xin này đã được đưa về các quận, huyện và TP.Thủ Đức. 

Phân bổ 8 triệu liều vắc-xin Vero Cell

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ 8 triệu liều vắc-xin Vero Cell cho 25 tỉnh, thành phố để tiêm mũi 1 và mũi 2.

Theo quyết định phân bổ, Hà Nội là địa phương được nhận nhiều nhất với hơn 1,3 triệu liều, tiếp đến là Quảng Ninh với hơn 700.000 liều. TP.HCM, Lạng Sơn, Hải Phòng và Yên Bái cùng nhận 500.000 liều.

Bắc Ninh được phân bổ 400.000 liều, Khánh Hòa, Kiên Giang mỗi nơi nhận 300.000 liều. Tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, Long An, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tây Ninh... cùng được phân bổ 200.000 liều. Các địa phương còn lại được nhận khoảng 100.000 liều.

Được biết, ngày 3/6, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt có điều kiện vắc-xin của Sinopharm. Đây là loại vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 3 được phê duyệt tại Việt Nam, sau AstraZeneca và Sputnik V.

Khi phê duyệt vắc-xin của Sinopharm vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào hồi tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận hiệu quả bảo vệ là 78,2%. Đây là vắc-xin thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách này và là loại đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt.

Đến ngày 17/9, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 50 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ các nguồn khác nhau. Phần lớn trong số này đã được phân bổ cho các địa phương, đơn vị.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 11/9 cho biết dự kiến từ nay đến hết năm 2021, Việt Nam nhận thêm khoảng 100 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó đến hết tháng 9 về khoảng 22,8 triệu liều, tháng 10 có thêm khoảng 31,2 triệu liều.

Hà Nội không bắt buộc xét nghiệm Covid-19 trẻ em dưới 12 tuổi
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khẳng định không bắt buộc xét nghiệm Covid -19 trẻ em dưới 12 tuổi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư