Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 22/9: Cán bộ quân y Nam tiến chống dịch; Long An áp dụng "thẻ xanh Covid"
D.Ngân - 22/09/2021 08:36
 
Trước đại dịch Covid-19, quân đội cũng như lực lượng quân y luôn là lực lượng nòng cốt, đội quân tiên phong đi đầu trong công tác phòng chống, điều trị cho người dân trên khắp cả nước.

Chính phủ ban hành Nghị quyết về mua vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 110/NQ-CP về mua vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.

Tại Nghị quyết, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc, đảm bảo chất lượng vaccine, hiệu quả, tiến độ trong phòng, chống dịch CVID-19.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao tại Bình Dương, Đồng Nai, An Giang

Tối ngày 22/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.527 ca nhiễm mới, trong đó 02 ca nhập cảnh và 11.525 ca ghi nhận trong nước (giảm 162 ca so với ngày trước đó) tại 35 tỉnh, thành phố (có 5.870 ca trong cộng đồng). 

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (5.435), Bình Dương (4.179), Đồng Nai (930), Long An (191), An Giang (186), Kiên Giang (137), Tiền Giang (89), Cần Thơ (48), Tây Ninh (48), Bình Định (43), Bình Phước (26), Khánh Hòa (21), Đắk Nông (20), Hà Nam (20), Quảng Bình (19), Đồng Tháp (18), Ninh Thuận (15), Phú Yên (14), Đà Nẵng (10), Bình Thuận (9), Thừa Thiên Huế (9), Quảng Trị (9), Bà Rịa - Vũng Tàu (8 ), Bạc Liêu (8 ), Hà Nội (7), Quảng Ngãi (6), Trà Vinh (4), Lâm Đồng (3), Bến Tre (3), Kon Tum (2), Hậu Giang (2), Thanh Hóa (2), Cà Mau (2), Sơn La (1), Nghệ An (1).  

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-1.086), Long An (-63), Tiền Giang (-16).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (570), Đồng Nai (340), An Giang (65).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 10.465 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 718.963 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.189 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 714.497 người, trong đó, 482.083 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

17/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.

Bốn tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum.

Cao Bằng là tỉnh duy nhất kể từ đầu đại dịch đến nay chưa ghi nhận ca mắc Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (353.655), Bình Dương (187.493), Đồng Nai (42.362), Long An (31.041), Tiền Giang (13.464).

***

Tại Hà Nam trong ngày ghi nhận 20 ca nhiễm mới đều là những trường hợp F1 của các bệnh nhân F0 đã được cách ly từ trước. Phần lớn các bệnh nhân mới được phát hiện đều ở trên địa bàn TP. Phủ Lý, liên quan đến các chùm lây nhiễm trong trường học và cụm dân cư có F0 đã được phong tỏa.

Tỉnh đã truy vết 4.070 F1, 2.785 F2 và triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho người dân của 10 xã/phường của TP. Phủ Lý và 20.000 công nhân Khu công nghiệp Châu Sơn với phương thức lấy mẫu đại diện hộ gia đình trong khu dân cư, công nhân.

Trong ngày 21/9, 280 cán bộ, nhân viên y tế ba tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình đến Hà Nam hỗ trợ chống dịch.

Hà Nội: Tổng số ca bệnh trong 24 giờ qua vẫn là 6 ca

Hà Nội đã bước sang ngày thứ 2 giãn cách xã hội theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15 của Thủ tướng và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế.

Tối 22/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết trong chiều nay TP. Hà Nội không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, tổng số ca bệnh phát hiện trong 24 giờ qua vẫn là 6 ca, trong đó có 1 ca tại cộng đồng.

Liên quan tới 2 ca COVID-19 phát hiện ở tổ 8, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (gồm 1 nhân viên y tế và 1 thợ cắt tóc có cùng địa chỉ), quận Hà Đông đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần và khu vực liên quan, phong tỏa tạm thời khu vực tổ dân phố số 8 phường Kiến Hưng để tiến hành điều tra dịch tễ.

Điều tra dịch tễ có 21 trường hợp F1, khoảng hơn 200 trường hợp F2 liên quan. Hiện tại 21 trường hợp F1 đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Cơ quan y tế đã đưa 2 trường hợp F0 vào bệnh viện điều trị và F1 đi cách ly tập trung.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.950 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.599 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.351 ca.

Bộ Y tế bổ sung một số thuốc vào phác đồ điều trị Covid-19

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định 4498/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SARS-Co-V-2, có hiệu lực từ ngày 21/9.

Điểm mới nhất của quyết định lần này so với bản ban hành kèm quyết định số 3416/QĐ-BYT (14/7) là các quy định về thuốc kháng thể đơn dòng và thuốc kháng virus trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Quyết định số 3416 quy định phần thuốc kháng virus với nội dung đã có nhiều thuốc thử nghiệm nhưng chưa có hiệu quả rõ ràng. Khi được khuyến cáo, Bộ Y tế sẽ cho phép sử dụng.

Trong quyết định mới nhất, Bộ Y tế quy định thuốc kháng virus là thuốc ức chế sự sao chép của virus. Thuốc kháng virus đường uống thường được dùng cho tất cả trường hợp xác định nhiễm SARS-CoV-2 giai đoạn sớm. Thuốc kháng virus đường tiêm, truyền thường được dùng cho bệnh nhân nội trú.

Với thuốc chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Với thuốc đã được (WHO) khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước trên thế giới, Bộ Y tế cho phép sử dụng theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất kèm theo khi nhập khẩu (như thuốc Remdesivir, Favipiravir...).

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn tạm thời sử dụng Remdesivir trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Bộ phân bổ thuốc này cho các cơ sở điều trị, đặc biệt tại trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 và tỉnh, thành phố đang có F0.

Về kháng thể đơn dòng, hướng dẫn ban hành ngày 14/7 của Bộ Y tế được sửa đổi với nội dung kháng thể đơn dòng là thuốc ức chế Interleukine 6 hoặc trung hòa virus.

Kháng thể đơn dòng chỉ định điều trị cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên đã được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nhẹ đến vừa và có nguy cơ diễn biến nặng như người cao tuổi, béo phì, tim mạch, tăng huyết áp, phổi mạn tính, đái tháo đường type I, II, thận mạn tính (bao gồm cả các bệnh nhân đang lọc máu, gan mạn tính, suy giảm miễn dịch), đang được điều trị ung thư, ghép tủy xương hoặc ghép tạng, suy giảm miễn dịch, HIV, thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia) và sử dụng dài ngày các thuốc gây suy giảm miễn dịch.

Bộ Y tế cũng nêu rõ với thuốc chưa được WHO khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Với thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc cấp phép lưu hành, sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước trên thế giới, Bộ cho phép sử dụng theo tờ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất kèm theo khi nhập khẩu (như Tocilizumab, Sarilumab; Casirivimab 600 mg + Imdevimab 600 mg, Bamlanivimab 700 mg + Estesevimab 1400 mg, Strovimab...).

Yêu cầu tăng tốc tiêm vắc-xin cho phụ nữ mang thai

Ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký văn bản về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho phụ nữ có thai.

Trước đó, ngày 10/9, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 4355/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, trong đó quy định tiêm cho phụ nữ mang thai.

Để tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở nhóm này, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát danh sách phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên trên địa bàn quản lý, lập kế hoạch và tổ chức tiêm vắc-xin tại các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa sau khi giải thích nguy cơ/lợi ích và các đối tượng đồng ý tiêm chủng.

Bộ yêu cầu các đơn vị y tế địa phương cần ưu tiên cho địa bàn, khu vực đang có dịch và lực lượng y tế tuyến đầu, trường hợp khác phù hợp với tình hình thực tiễn,yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.

Các địa phương tổ chức tiêm vắc-xin phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trước, trong và sau buổi tiêm chủng. Trong trường hợp cần chuyển đến đơn vị tiêm chủng khác, cơ sở tiêm chủng tiếp nhận ban đầu phải hỗ trợ hướng dẫn người tiêm thuận lợi, hiệu quả.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phải khám sàng lọc trước tiêm theo quy định và chỉ định loại vắc-xin sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã đăng ký, không chờ đợi, lựa chọn  vắc-xin. Ngành Y tế có trách nhiệm thực hiện việc theo dõi, hướng dẫn theo dõi sau tiêm chủng dựa trên hướng dẫn của Bộ.

Lực lượng y tế tiếp tục tuyên truyền, vận động để phụ nữ có thai đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.

Theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm  vắc-xin Covid-19 có hiệu lực, phụ nữ mang thai, đang cho con bú chống chỉ định với vắc-xin Covid-19 Sputnik V.

Bộ Y tế cũng cho biết dữ liệu hiện nay cho thấy nguy cơ mắc bệnh thể nặng ở phụ nữ mang thai mắc Covid-19 có triệu chứng cao hơn nhóm không mang thai. Với thai nhi, các nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng về mối liên quan giữa SARS-CoV-2 và dị tật bẩm sinh.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) là cơ sở y tế đầu tiên triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho thai phụ trên 13 tuần.

Lo ngại thành quả chống dịch sau khi người Hà Nội “chơi trăng”

Trưa 22/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 6 giờ đến 12 giờ ngày 22/9, Hà Nội ghi nhận 5 ca Covid-19, trong đó 4 ca khu cách ly, 1 ca cộng đồng. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.950 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.599 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.351 ca.

Tối 21/9, hàng loạt tuyến đường quanh khu vực trung tâm Hà Nội dày đặc người đi đường. Một số đường như Hàng Lược, Hàng Cân, Hàng Mã, Đinh Tiên Hoàng ùn ứ vì hàng chục người chen chúc trong phạm vi chỉ vài mét vuông.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng đây là những hình ảnh rất khó chấp nhận, đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương giãn cách xã hội, dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà Thành phố đang thực hiện.

Chuyên gia khuyến cáo khi Thành phố nới lỏng giãn cách, chính quyền, người dân, cơ quan chức năng càng phải cảnh giác cao độ, tuân thủ nghiêm 5K của Bộ Y tế, hạn chế đến mức thấp nhất việc gặp gỡ, tụ tập và nên ở trong nhà.

Được biết, sau 2 tháng giãn cách, trong ngày đầu tiên Hà Nội ngừng áp dụng giấy đi đường, nhiều người dân Hà Nội quên mất rằng Thủ đô vẫn đang giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19.

Nếu trong biển người “chơi trăng” ở các phố trung tâm Hà Nội tối qua có một người mang virus SARS-CoV-2, đêm Trung thu sẽ thành nguồn siêu lây nhiễm vô cùng nguy hại.

Đã xác định nguồn lây F0 tại phường An Thới, Phú Quốc 

Chiều 21/9, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo thông tin đã xác định được nguồn lây tại phường An Thới, TP. Phú Quốc. 

Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế thông tin, liên quan đến ổ dịch vừa được phát hiện tại phường An Thới, TP. Phú Quốc, lực lượng y tế đã tiến hành truy vết suốt đêm 20/9, đến thời điểm này cơ bản đã truy vết xong và xác định được 17 ca dương tính. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, nguồn lây của chùm ca bệnh ở Phú Quốc được xác định là từ nhóm người làm công việc bốc xếp cho các tàu hàng tại cảng Vịnh Đầm, xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc.

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng, TP. Phú Quốc đã khẩn trương thực hiện cách ly trên địa bàn phường An Thới để tiến hành sàng lọc F0 và triển khai các biện pháp dập dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đến nay cơ bản đã kiểm soát được ổ dịch tại Phú Quốc, không để lây lan thêm ngoài cộng đồng.

Về Kế hoạch đón khách quốc tế thông qua "Hộ chiếu vaccine" theo chỉ đạo của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung cho biết, Kiên Giang vẫn thực hiện kế hoạch theo lộ trình, phương án đã được phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ổ dịch mới tại Phú Quốc thông qua xét nghiệm tầm soát định kỳ trên địa bàn Phú Quốc, Tỉnh sẽ điều chỉnh bổ sung thêm kế hoạch xét nghiệm cho Phú Quốc, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Cũng theo ông Trung, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn Tỉnh, Ban Chỉ đạo Tỉnh đã thường xuyên, liên tục đánh giá mức độ nguy cơ từng địa phương để đưa ra quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách hay nới lỏng giãn cách, một cách từng bước, chắc chắn và duy trì xét nghiệm tầm soát trên từng địa bàn để kịp thời phát hiện các nguy cơ, diễn biến dịch bệnh thực tế tại Kiên Giang để không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân.

Mặc dù Tỉnh đã thực hiện giảm mức độ giãn cách ở nhiều địa phương nhưng vẫn duy trì tần suất xét nghiệm tầm soát trên địa bàn, nhất là tần suất xét nghiệm tại các khu phong toả, cách ly và các vùng nguy cơ cao, nhiệm vụ quan trọng nhất của tỉnh là vẫn tiếp tục kiểm soát được các nguồn lây, cả bên trong lẫn bên ngoài. 

Theo CDC Kiên Giang, về kế hoạch tiêm vaccine, đợt này Kiên Giang được phân bổ 400.000 liều, Tỉnh sẽ ưu tiên tiêm ngừa cho 100% người dân thành phố Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên và huyện Giang Thành. Ngoài ra, Tỉnh cũng thực hiện tiêm ngừa bổ sung cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và ưu tiên tiêm ngừa cho những người có nguy cơ tại các vùng nguy cơ trên địa bàn Tỉnh.

Sẵn sàng Nam tiến

Chiều 21/9, 800 cán bộ, chiến sĩ quân y đã di chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội vào TP.HCM. Đây là đợt chuyển quân đầu tiên trong số 4.000 quân được điều động để tăng năng lực xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM.

202 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 108 đã lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch. 

Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y, cho biết 4.000 quân nhân được điều động bao gồm 800 người từ Hà Nội và 3.200 người từ các địa bàn phía Nam. Số quân nhân này đều có trình độ y khoa và sẽ được tập huấn thêm kỹ năng kiểm soát nhiễm khuẩn, lấy mẫu test nhanh.

Từ ngày 23/8 đến nay, hơn 10.000 quân nhân tăng viện đã có mặt tại TP.HCM để giúp Thành phố dập dịch Covid-19. Họ vận hành các trạm xá lưu động để chăm sóc F0 tại nhà, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân và chốt trực đảm bảo kỷ luật giãn cách xã hội.

Riêng Bệnh viện Trung ương quân đội 108 chiều 21/9 đã có 202 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện đã lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch. 

Phát biểu tại lễ xuất quân, Trung tướng, GS.TS, Thầy thuốc nhân dân Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108 khẳng định, các thầy thuốc của Bệnh viện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và tự bảo vệ mình trong suốt thời gian công tác. 

Đồng thời, Giám đốc Bệnh viện cũng gửi lời chúc các y, bác sĩ, có nhiều sức khỏe, vững niềm tin, ý chí, góp sức chung tay cùng miền nam đẩy lùi dịch bệnh.

Đoàn được trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang N95, găng tay y tế, nước sát khuẩn, dung dịch xịt chống muỗi... 

Toàn bộ lực lượng đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi lên đường và được tập huấn kiến thức chuyên môn liên quan công tác phòng, chống dịch bài bản.

Thêm 796.000 liền vắc-xin do Italia viện trợ

Ngày 21/9, Bộ Ngoại giao cho biết, Chính phủ Italia thông báo quyết định viện trợ bổ sung 796.000 liều vắc-xin AstraZeneca cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19.

Quyết định mới nhất này nâng tổng số vắc-xin mà Italia viện trợ cho Việt Nam là hơn 1,6 triệu liều, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác ưu tiên nhận vắc-xin lớn nhất của Italia trên toàn cầu. Italia cũng là một trong những thành viên Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ lớn nhất cho Việt Nam qua cơ chế COVAX.

Đây là sự giúp đỡ quý báu và kịp thời, thể hiện tinh thần đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Italia đối với Việt Nam trong giai đoạn khó khăn và là minh chứng sinh động của quan hệ hữu nghị lâu dài và Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia được thiết lập vào tháng 1/2013.

Kết quả trên cũng nhờ quá trình vận động tích cực ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư cho Thủ tướng Italia Mario Draghi cũng như các nỗ lực triển khai vận động của Tổ công tác Chính phủ về ngoại giao vắc-xin, các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam tại Italia trong thời gian qua.

Trước đó, ngày 14/9, Việt Nam đã tiếp nhận 812.060 liều vắc-xin của Italia phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19.

Hà Nội 1 ca mắc mới, tuyệt đối không chủ quan

Số ca mắc mới từ 18h ngày 21/9 đến 6h ngày 22/9 tại Hà Nội ghi nhận 1 bệnh nhân tại Thanh Xuân đã được cách ly.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.945 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.347 ca.

Từ 6 giờ sáng 21/9, khi TP.Hà Nội chuyển trạng thái chống dịch, thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với một số hoạt động được nới lỏng, nhiều người dân đều cảm thấy rất phấn khởi. 

Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh ở trong cộng đồng vẫn còn nên chúng ta không chủ quan, vẫn phải thực hiện 5K, khử khuẩn, hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết. 

Để duy trì thành quả chống dịch, nhiều chuyên gia cũng đề xuất, đối với các khu vực “vùng đỏ”, “vùng cam”, nên tiếp tục sàng lọc quyết liệt hơn để loại được F0 ra khỏi cộng đồng. 

Các chốt trực trong thôn, ngõ, xóm cần phải có phương pháp để tuyên truyền đến nhân dân thực hiện giãn cách nghiêm túc hơn, khai báo y tế kỹ càng hơn để không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào ra vào địa phận.

Ngoài ra, Thành phố đẩy nhanh quá trình hoàn thành tiêm mũi 1 và tiêm tiếp mũi 2 khi đến hạn cho nhân dân. Giám sát chặt chẽ việc khai báo đối với người đi về từ vùng dịch.

Chùm Covid-19 cộng đồng ở Hà Nam chưa xác định được nguồn lây

Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết, chùm Covid-19 cộng đồng trên địa bàn rất phức tạp vì chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm của các trường hợp F0. 

Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất cao do lịch trình di chuyển của các bệnh nhân đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm trong khu công nghiệp.

Theo báo cáo nhanh của CDC Hà Nam, ngày 19/9, địa phương ghi nhận 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng đều có địa chỉ thường trú tại TP Phủ Lý. Các trường hợp F0 ngay sau đó được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh viện phổi tỉnh Hà Nam.

Để kịp thời rà soát kịp thời các F0, trong đêm 19/9, ngành Y tế tỉnh Hà Nam đã lấy trên 1.400 mẫu xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng, gồm các trường hợp F1 và người dân sống ở khu vực F0 sinh sống, làm việc hoặc từng di chuyển qua.

Đến ngày 21/9, kết quả xét nghiệm sàng lọc của CDC Hà Nam đã phát hiện thêm 12 người dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có nhiều trường hợp là công nhân tại Công ty TNHH Espoir tại Khu công nghiệp Châu Sơn.

Qua điều tra, truy vết, tổng số F1 trên địa bàn thành phố Phủ Lý là trên 300 người. Đặc biệt, có những F1 ở trường học hoặc công nhân làm việc tại khu công nghiệp.

Trước diễn biến trên, tỉnh Hà Nam đã liên hệ với các tỉnh lân cận đề xuất hỗ trợ nhân lực để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân TP.Phủ Lý. 

Theo ông Nguyễn Thanh Dương, ngoài đoàn y tế hỗ trợ của tỉnh Bắc Giang với 137 người thì tỉnh Nam Định và Ninh Bình cũng cử lực lượng hỗ trợ Hà Nam trong công tác lấy mẫu và xét nghiệm, kịp thời phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19 để thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế. 

Long An: Áp dụng thẻ Covid trong quá trình người dân di chuyển trên địa bàn

Thẻ Covid gồm "thẻ xanh Covid” và "thẻ vàng Covid". Người có thẻ xanh Covid là những cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin đối với loại tiêm 2 mũi và đủ 14 ngày sau khi tiêm mũi thứ 2; Tiêm 1 mũi vắc-xin đối với loại 1 mũi và đủ 14 ngày sau khi tiêm; F0 được điều trị khỏi bệnh (bao gồm tại cơ sở y tế hoặc tại nhà) được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị theo quy định (không quá 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy). 

Người có thẻ vàng Covid là phải đáp ứng một trong những điều kiện sau: Người đã tiêm 1 mũi vắc-xin đối với loại phải tiêm 2 mũi (đủ 14 ngày sau khi tiêm); Có kết quả xét nghiệm PCR định kỳ âm tính, tần suất xét nghiệm là 3 ngày/lần và đã được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử (hệ thống này cũng được dùng để cấp và gia hạn thẻ).

Bên cạnh đó, Long An lưu ý những người  khi có đủ điều kiện thẻ xanh Covid, thẻ vàng Covid nhưng làm việc trong môi trường quy định (như giáo viên, công nhân lao động,...) phải thực hiện việc xét nghiệm định kỳ theo quy định.

Thẻ xanh, thẻ vàng Covid có giá trị thay thế giấy đi đường. Cụ thể, người có thẻ xanh Covid được di chuyển trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, trừ các địa bàn đang áp dụng biện pháp hạn chế sự di chuyển để phòng, chống dịch bệnh.

Người có thẻ vàng Covid được di chuyển trong phạm vi địa bàn cấp huyện, trừ các địa bàn đang áp dụng biện pháp hạn chế sự di chuyển để phòng, chống dịch bệnh.

Riêng người đáp ứng điều kiện thẻ vàng Covid là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước (kể cả cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn tỉnh), nếu có giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thì được di chuyển trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh để đi làm hoặc đi công tác.

Bình Dương: Quy định điều kiện sản xuất và ra đường

Sở Y tế tỉnh Bình Dương ban hành văn bản hướng dẫn các điều kiện tham gia sản xuất tại doanh nghiệp và điều kiện được ra đường.

Theo đó, điều kiện được tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp gồm: 100% lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin đủ 14 ngày, trước khi vào công ty phải được xét nghiệm ít nhất 2 lần (ngày thứ 1 và thứ 4).

Sau khi vào công ty, doanh nghiệp, người lao động phải được bố trí tại nơi cách ly tạm thời ít nhất thêm 3 ngày, xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính vào ngày thứ 3 (hoặc xét nghiệm bằng PCR). Lúc này công nhân, người lao động mới được tham gia vào hoạt động sản xuất. Công ty, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm 5K trong thời gian tổ chức sản xuất.

Trong quá trình sản xuất, cần thực hiện test nhanh hàng tuần (mỗi 7 ngày/lần). Nếu kết quả âm tính, được tiếp tục tham gia sản xuất.

Trước khi ra khỏi công ty, doanh nghiệp về nơi ở nơi trọ phải thực hiện test nhanh; nếu kết quả âm tính thì được về nơi ở nơi trọ. Nếu kết quả dương tính, xử lý như hướng dẫn ở phần trên.

Các thành viên được ra đường gồm lực lượng tham gia phòng chống dịch đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh đã hoàn thành theo dõi tại nhà 14 ngày; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, thiên tai. 

Người dân chỉ được được ra ngoài mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, vận chuyển hàng hóa, tham gia sản xuất trong trường hợp đã tiêm 2 mũi hoặc 1 mũi vắc-xin Covid-19 ít nhất 14 ngày và F0 đã khỏi bệnh, hoàn thành theo dõi tại nhà 14 ngày và phải thực hiện nghiêm túc quy định 5K.

Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện E Nam tiến "thay ca" cho các đồng nghiệp
Chỉ cần vài lời dặn dò bình an cùng ánh mắt trao gửi niềm tin, họ rớm lệ nói lời chào tạm biệt và đều hiểu “Khi Tổ quốc cần họ biết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư