-
Chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán lao và lao đa kháng thuốc -
Hà Nội: Không được để người dân không được khám chữa bệnh -
Hội chẩn cấp cứu từ xa, tiếp nhận, điều trị nạn nhân bão lũ -
Hơn 32% trẻ dưới 5 tuổi tại TP.HCM được tiêm chủng vắc-xin sởi -
Biến chứng của bệnh lý động mạch -
Phòng chống bệnh đường hô hấp sau bão lũ
18.567 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh
Theo thông tin tối 26/8 của Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 11.575 người mắc Covid-19, giảm 524 ca.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (194.100), Bình Dương (86.050), Đồng Nai (20.471), Long An (19.495), Tiền Giang (8.509).
Bình Dương tăng 739 ca, Đồng Nai tăng 125 ca, Tiền Giang tăng 35 ca. TP.HCM giảm 1.360 ca, Long An giảm 11 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 392.938 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân.
Nước ta đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.997 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 388.814 ca, trong đó có 185.714 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 công bố thêm 318 ca tử vong.
Bệnh nhân tử vong gồm TP.HCM (242), Bình Dương (46), Tiền Giang (9), Đồng Tháp (3), Khánh Hòa (3), Long An (3), Vĩnh Long (3), Bình Thuận (2), Sóc Trăng (2), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Kiên Giang (1), Thừa Thiên Huế (1), Trà Vinh (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 9.667 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong trên thế giới (2,1%).
Trong ngày, 18.567 người mắc Covid-19 khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 188.488 người.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.184 ca, trong đó F0 thở oxy qua mặt nạ: 3.223, thở oxy dòng cao HFNC: 1.082, thở máy không xâm lấn: 85, hở máy xâm lấn: 765, can thiệp ECMO: 29.
Hà Nội: 66 ca mắc mới trong ngày
Chiều 26/8, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 26/8, Hà Nội ghi nhận 33 ca mắc mới tại cộng đồng.
Như vậy tính từ 18 giờ ngày 25/8 đến 18 giờ ngày 26/8, Hà Nội ghi nhận 66 ca mắc mới trong đó, ghi nhận 56 tại cộng đồng, ghi nhận 10 ca khu cách ly.
Trong 33 ca mắc mới, Sở Y tế phân bố theo quận/huyện: Thanh Xuân (25), Thanh Trì (6), Hoàng Mai (1), Hai Bà Trưng (1). Phân bố theo chùm ca bệnh: F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (32) chùm liên quan TP Hồ Chí Minh (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 2.836 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.481 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.355 ca.
Hơn 500.000 liều vắc-xin Pfizer đã về Việt Nam
Trong chuyến công du đến Việt Nam, sáng ngày 26/8/2021, Phó tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris đã đến thăm và làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Tại đây bà Harris đã thị sát tại kho vắc-xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và chứng kiến những liều đầu tiên trong số vắc-xin phòng Covid-19 do Chính phủ Mỹ trao tặng cho nhân dân Việt Nam thông qua chương trình COVAX Facility.
Theo thông báo từ Bộ Y tế, Việt Nam nhận tổng cộng 1.065.870 liều vắc-xin Pfizer thuộc đợt viện trợ này, trong đó 269.100 liều đã về đến sân bay Nội Bài và được vận chuyển ngay đến kho của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia ngay trước chuyến thăm của bà Harris.
Cũng trong sáng nay 533.520 liều vắc-xin cũng đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Trong ngày 27/8, số vắc-xin còn lại (263.250 liều) sẽ được chuyển đến Hà Nội. Tất cả số vắc-xin này sẽ được Bộ Y tế phân bổ sớm cho các địa phương để đưa vào sử dụng triển khai tiêm chủng.
Tính đến ngày hôm nay đã có 2.810.340 liều vắc-xin Pfizer được cung ứng cho Việt Nam do Chính phủ Mĩ viện trợ thông qua COVAX và qua hình thức mua trực tiếp từ hãng Pfizer/BioTech.
Trước đó Chính phủ Mỹ đã viện trợ 5.000.100 liều vắc-xin Moderna thông qua cơ chế COVAX Facility.
Theo Bộ Y tế hiện đã có 18.522.203 liều vắc-xin đã được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi là 16.382.658 liều, tiêm mũi 2 là 2.139.545 liều.
Đồng Tháp tăng cường truy vết F0, mở rộng “vùng xanh” và tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến 05/9
Theo Báo cáo của Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn 3 (từ 14 - 25/8), toàn Tỉnh đã xét nghiệm RT-PCR 44.383 mẫu cho 280.023 lượt người và test nhanh 71.949 mẫu cho 98.925 lượt người.
Kết quả khẳng định có 1.307 ca dương tính (riêng hôm nay là 93 ca, giảm 69 ca so ngày hôm qua). Cụ thể, trong các cơ sở cách ly y tế tập trung 502 ca; trong khu vực phong tỏa 550 ca; trong cộng đồng 255 ca. Số bệnh nhân xuất viện trong ngày là 161 ca (tăng 33 ca so với ngày hôm qua), cộng dồn 3.941 ca. Đến nay, có 121 ca tử vong liên quan Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn Tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, thời gian thực hiện đến hết ngày 5/9.
Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phạm vi quản lý khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 5/9.
Theo báo cáo nhanh của Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền, từ 18 giờ ngày 25/8/2021 đến 06 giờ ngày 26/8/2021 trên địa bàn Tỉnh ghi nhận 37 ca mắc Covid-19 mới.
Cụ thể, có 07 ca trong các cơ sở cách ly y tế tập trung, 19 ca trong khu vực phong tỏa, 11 ca trong cộng đồng, phát hiện thông qua test sàng lọc.
Các ca trong cộng đồng gồm: Thành phố Sa Đéc: 09 ca (02 ca ngụ ấp Phú Hòa, 02 ca ngụ ấp Phú Thuận, 05 ca ngụ ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông). Huyện Cao Lãnh: 02 ca ngụ Ấp 2, xã Tân Hội Trung. Cộng dồn đến nay toàn Tỉnh đã ghi nhận 6.403 ca.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều tối qua 25/8, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh Phạm Thiện Nghĩa và Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh Lê Thành Công ký kết Kế hoạch Phối hợp xây dựng và bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh.
Mục tiêu Kế hoạch nhằm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm “vùng đỏ”, phát triển “vùng xanh” trên địa bàn Tỉnh; giữ vững bên trong, bảo vệ vững chắc “vùng xanh” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân.
Theo đó, nội dung thực hiện gồm: Ban hành, niêm yết nội quy tại mỗi khu vực như quy định đối tượng ra, vào khu vực; quy định quyền và trách nhiệm của người dân (phải chấp hành yêu cầu, thông báo của lực lượng thi hành công vụ, không được chứa chấp, cho lưu trú đối với người từ bên ngoài vào “vùng xanh”); những đối tượng cấm vào khu vực (người không có trách nhiệm, người về từ vùng có dịch...); quy định quyền và trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch (nhắc nhở, xử phạt,…); tổ chức tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh địa phương, truyền thanh lưu động, ứng dụng công nghệ thông tin (Zalo) của các Tổ Nhân dân tự quản để vận động, nhắc nhở người dân trong khu vực tuân thủ nội quy đã ban hành.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các Tiểu ban, các địa phương tiếp tục giữ vững, phát huy tinh thần quyết tâm cao, đổi mới phương pháp thực hiện nhiệm vụ; thực hiện hiệu quả 03 mục tiêu: Quản lý, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, giảm sâu số ca nhiễm mới, hạn chế ca tử vong.
Mặc dù các điểm nóng về ổ dịch tại TP. Sa Đéc, huyện Lai Vung... bước đầu được kiểm soát, nhưng Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh yêu cầu các địa phương không chủ quan lơ là, ưu tiên, dành thời gian tập trung cho công tác phòng, chống dịch, có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho từng ngày; xem đây là đợt cuối cùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, dứt điểm và triệt để đưa Tỉnh về trạng thái bình thường mới trong 10 ngày tới.
Ông Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện kế hoạch phối hợp bảo vệ “vùng xanh”; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, triển khai cấp phát gạo được phân khai đến tận tay người dân gặp khó khăn, đảm bảo đúng đối tượng; quản lý giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp thực hiện “4 tại chỗ”; tăng cường công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình và xử lý thông tin dư luận; chuẩn bị cho năm học mới...
Tại cuộc họp giao ban vào tối qua, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong nhấn mạnh, mấu chốt để giải quyết được mọi vấn đề hiện nay đó là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg, do đó phải siết chặt hơn, không để phát sinh các ổ dịch mới trong cộng đồng; trong đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh phải hướng dẫn các địa phương trong việc quản lý tổ chức các đám tang trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc diện rộng hiệu quả hơn, kịp thời tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, trong đó thực hiện tầm soát RT-PCR lần 2 cho 100% đại diện hộ gia đình trong toàn Tỉnh, tuyệt đối không bỏ sót đối tượng, nhất là các trường hợp đang có bệnh lý, khuyến khích mở rộng tầm soát trên địa bàn. Thời điểm hoàn tất việc tầm soát là trước ngày 03/9. Ngoài ra, nhanh chóng sắp xếp các cơ sở thu dung, điều trị F0 theo hướng giảm áp lực, không để quá tải tại các cơ sở thu dung, điều trị - đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh.
***
Trước đó, chiều 25/8, Hà Nội ghi nhận 93 ca mắc. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 2.770 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.425 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.345 ca.
Hà Nội đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. |
Tình hình dịch tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp do ổ mắc mới tại quận Thanh Xuân. Sở Y tế Hà Nội cho biết ở Thanh Xuân đã có 10/11 phường ghi nhận ca bệnh Covid-19 ở 10/11 phường. Riêng ở ổ dịch tại ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung đến nay đã ghi nhận 42 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Sở Y tế đề nghị quận Thanh Xuân tăng cường lực lượng, bố trí chốt trực ở các ngách trong các khu phong tỏa ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi; thành lập ít nhất 15 tổ giám sát covid-19 để thực hiện kiểm soát, kịp thời lẫy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần để nhanh chóng bóc tách F0 khỏi cộng đồng.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, qua đánh giá sơ bộ, ở vùng lân cận nơi phát sinh ca bệnh trong ổ dịch này, có thể có nguồn lây là người bán rau thường xuyên đến chợ đêm Ngã Tư Sở. Ông Tuấn đề xuất xét nghiệm toàn bộ tiểu thương ở chợ đêm Ngã Tư Sở để sàng lọc nguy cơ.
F0 tại phía Tây Nam bộ vẫn tăng cao
Chiều 25/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp trực tuyến với 12 tỉnh phía Tây Nam bộ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 86 và các Công điện 1081, 1102 của Chính phủ.
Trong một tuần qua, 5 trong 12 địa phương ở Tây Nam Bộ có số ca F0 tăng so với 7 ngày liền kề trước. Trong đó, Tiền Giang có số mắc tăng 2,5 lần (trung bình từ 400-700 ca/ngày), An Giang tăng 1,7 lần, Kiên Giang tăng hơn 2 lần. Cần Thơ và Đồng Tháp ghi nhận 100-200 ca/ngày, còn 3 tỉnh Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu có dưới 20 ca/ngày.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết địa phương triển khai kế hoạch xét nghiệm sàng lọc từ ngày 18/8. Đến nay, tỉnh chưa thể kiểm soát tốt nguồn lây trên địa bàn. Việc kiềm chế, giảm số ca nhiễm phải chờ đến đợt xét nghiệm thứ 2. Trong 79 mẫu gộp RT-PCR dương tính trên toàn tỉnh có 67 mẫu ở TP.Rạch Giá. Sau khi lấy mẫu đơn xét nghiệm, ngành y tế phát hiện 127 ca dương tính ở thành phố này.
Báo cáo của Tổ công tác Bộ Y tế tại 3 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Cần Thơ cho thấy Kiên Giang đang thực hiện xét nghiệm diện rộng nên số mắc tăng. Tỉnh này thực hiện xét nghiệm mẫu gộp PCR, tần suất 7 ngày/lần khu vực nguy cơ cao, rất cao.
Đánh giá tần suất này sẽ không đuổi kịp tốc độ lây lan của biến thể Delta, Tổ công tác khuyến cáo với TP.Rạch Giá - nơi có các ca mắc chưa rõ nguồn lây - phải làm thêm “vòng đệm” xét nghiệm nhanh kháng nguyên giữa 2 chu kỳ xét nghiệm.
Thực tế, khi thực hiện theo gợi ý của Tổ công tác, TP.Rạch Giá phát hiện thêm 51 ca dương tính.
Nghị quyết 86 của Chính phủ ngày 6/8 đặt mục tiêu 11 tỉnh, thành phố Tây Nam bộ phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8, riêng tỉnh Long An phấn đấu trước ngày 1/9.
Tuy nhiên, theo tiêu chí kiểm soát dịch do Bộ Y tế ban hành, đến nay, chưa địa phương nào ở Tây Nam bộ có quyết định dừng thực hiện Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo báo cáo của các địa phương, Kiên Giang quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 26/8 đến 1/9 và tiếp tục xét nghiệm diện rộng, thực hiện xét nghiệm nhanh “vòng đệm” tại vùng nguy cơ cao, rất cao.
TP.Cần Thơ đã xét nghiệm diện rộng lần 4 tại vùng nguy cơ cao và rất cao. Ba ngày gần đây, số mắc trong cộng đồng ở thành phố này giảm còn 30 ca thay vì 80-100 ca mỗi ngày như trước. Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 25/8 đến 8/9 để tập trung sàng lọc F0 ở khu vực nguy cơ, trọng điểm.
Tỉnh Hậu Giang đến ngày 27/8 mới có thêm quyết định việc thực hiện giãn cách xã hội. Còn 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16. Tỉnh Đồng Tháp đang siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 kéo dài đến 5/9. Riêng Sóc Trăng áp dụng theo từng xã, huyện theo đánh giá vùng nguy cơ…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá sau 1 tuần triển khai nghiêm túc nội dung tại cuộc họp hôm 18/8, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã thực hiện tương đối tốt kế hoạch xét nghiệm sàng lọc để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Việc số lượng F0 tăng đã nằm trong dự liệu, là minh chứng cho việc sàng lọc rất kỹ, rất nhanh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, F0 trong cộng đồng chiếm tỷ lớn (có tỉnh lên tới 90%) do việc xét nghiệm được triển khai quyết liệt. Điều này cũng chứng tỏ trong cộng đồng vẫn tiềm ẩn nguồn lây.
Ông Tuyên nhấn mạnh đây là mối nguy lây nhiễm rất lớn, nếu không đẩy nhanh, đẩy mạnh việc xét nghiệm thì rất dễ lây lan, bùng phát dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện chặt Công điện 1102, trong đó tập trung thực hiện Chỉ thị 16 thật nghiêm túc và thực chất.
Về xét nghiệm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị những nơi đang tổ chức tần suất 7 ngày/lần cần bổ sung test nhanh mẫu gộp vào khoảng thời gian giữa hai chu kỳ. Việc này phải thực hiện thần tốc để đảm bảo tách bằng được F0 ra khỏi cộng đồng.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng các địa phương khảo sát vị trí, cơ sở vật chất và phê duyệt ngay phương án sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến do quân đội đảm nhiệm trong tình huống khi gia tăng số ca F0.
Kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1438/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 kiện toàn Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Theo Quyết định, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo có 4 Phó Trưởng ban gồm: Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo gồm có các tiểu ban là:
1- Tiểu ban Y tế do đồng chí Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Tiểu ban.
2- Tiểu ban An ninh trật tự xã hội do đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Tiểu ban.
3- Tiểu ban An sinh xã hội do đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng Tiểu ban.
4- Tiểu ban Tài chính, hậu cần do đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban.
5- Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa do đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban
6- Tiểu ban Vận động và huy động xã hội do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng Tiểu ban.
7- Tiểu ban Dân vận do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng Tiểu ban.
8- Tiểu ban Truyền thông do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng Tiểu ban.
Khuyến khích các địa phương, đơn vị tìm mua vắc-xin phòng Covid-19
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Donacoop nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer.
Xét kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt và thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vắc-xin phòng Covid-19.
Bộ Y tế quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vắc-xin; tổ chức tiêm miễn phí cho nhân dân.
Trước đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cơ quan này sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc-xin. Trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện.
Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của Nhà nước thực hiện tiêm chủng vắc-xin này.
Bộ Y tế đã xem xét và rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng.
Đối với các loại vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và uỷ quyền của nhà sản xuất, Hội đồng Cấp phép về vắc-xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vắc-xin đó.
Đồng thời khi vắc-xin được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 2 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vắc-xin vào Việt Nam và uỷ quyền của nhà sản xuất thì Hội đồng Cấp phép về vắc-xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vắc-xin đó để có thể sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vắc-xin, đảm bảo an toàn vắc-xin và chống việc giả mạo vắc-xin.
Bộ Y tế khuyến khích tất cả cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vắc-xin về Việt Nam, nếu có uỷ quyền chính thức của nhà sản xuất.
Đối với địa phương đã đăng ký làm việc với Bộ Y tế và cho biết có thể tiến hành mua vắc-xin của các doanh nghiệp, tập đoàn, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận.
-
Tin mới y tế ngày 11/9: Báo động bệnh lý tim mạch trong cộng đồng -
Biến chứng của bệnh lý động mạch -
Phòng chống bệnh đường hô hấp sau bão lũ -
Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng ngộ độc thực phẩm sau mưa bão -
TP.HCM: Hơn 30% trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ mũi được tiêm vắc-xin sởi -
Nỗ lực cứu chữa người bệnh trong mưa lũ -
Tầm soát sớm nhằm phát hiện ung thư
- Bốn nhà đầu tư tham gia đấu thầu gói thầu số 5 của Cấp nước Đồng Nai
- C.P. Việt Nam không ngừng đầu tư cho chuyển đổi xanh
- An tâm đồng hành cùng PJICO, khách hàng vững vàng vượt bão Yagi
- RMIT Việt Nam được vinh danh là một trong những nơi làm việc tốt nhất châu Á
- Gala tiếng Việt thân thương “Lời quê hương - Lời sắt son”
- Hồ sơ, Quy trình đăng ký kinh doanh tại Tư Vấn Quang Minh