Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 3/11: Mua thêm 25 triệu liều vắc-xin AstraZeneca; 4 ổ dịch mới ở Hà Nội
D.Ngân - 03/11/2021 09:26
 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tăng tiến độ cấp phép vắc-xin thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Thêm 6.175 người mắc Covid-19 tại 58 tỉnh, thành phố

Tính từ 16h ngày 2/11 đến 16h ngày 3/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 6.192 ca nhiễm mới. Trong đó, 17 ca nhập cảnh và 6.175 trường hợp ghi nhận trong nước. Số ca mắc tăng 562 người so với ngày trước đó. 

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng sau 24 giờ: TP.HCM (+303), Tây Ninh (+141), Quảng Nam (+79).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm: Bắc Ninh (-67), Cà Mau (-62), Kiên Giang (-47).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 5.413 ca/ngày.

Hiện Việt Nam có 934.583 ca mắc trong nước, trong đó, 830.858 người đã được công bố khỏi Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (434.736), Bình Dương (235.293), Đồng Nai (68.199), Long An (35.182), Tiền Giang (17.216).

Từ 17h30 ngày 2/11 đến 17h30 ngày 3/11, Việt Nam ghi nhận 78 ca tử vong tại TP.HCM (40), Bình Dương (13), Cần Thơ (4), Đồng Nai (4), Tiền Giang (3), An Giang (3), Bạc Liêu (2), Long An (2), Kiên Giang (2), Ninh Thuận (2), Vĩnh Long (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Thuận (1).

Số ca được công bố khỏi Covid-19 trong ngày là 8.869. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.052 ca.

Trong ngày 2/11, 972.790 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 84.090.899 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 58.449.622 liều, tiêm mũi 2 là 25.641.277 liều.

Hà Nội thêm 67 ca Covid-19, ổ dịch Mê Linh 28 ca

hiều 3/11, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 2/11 đến 18 giờ ngày 3/11 Hà Nội ghi nhận 67 ca bệnh trong đó, cộng đồng (16), khu cách ly (37), khu phong tỏa (14).

Phân bố theo quận, huyện: Mê Linh (28), Hoàng Mai (9), Hà Đông(5), Sóc Sơn (3), Bắc Từ Liêm (3), Ứng Hòa (3), Quốc Oai (2), Phú Xuyên (2), Gia Lâm (2), Nam Từ Liêm (2), Ba Đình (2), Long Biên (2), Cầu Giấy (1), Thanh Oai (1), Mỹ Đức (1), Đống Đa (1)

Phân bố theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng (28); liên quan các tỉnh có dịch (13), Chùm sàng lọc ho sốt (6), chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (6), chùm liên quan các tỉnh có dịch ( thứ phát): 4) chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (3); chùm liên quan ổ dịch Lê Đức Thọ, Mỹ Đình (3); chùm liên quan ổ dịch tại Sài Sơn, TT Quốc Oai (3); chùm ổ dịch Trần Quang Diệu - OCD (2), chùm ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam (2)

Phân bố 16 ca cộng đồng theo theo chùm: Sàng lọc ho sốt (6); liên quan các tỉnh có dịch (5), chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (3), chùm ho sốt thứ phát (2).

Phân bố 16 ca cộng đồng theo theo quận, huyện: Hoàng Mai (4), Gia Lâm (1), Phú Xuyên (2), Nam Từ Liêm (1), Mê Linh (1), Long Biên (1), Hà Đông (2), Bắc Từ Liêm (2), Ba Đình (2).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 4.588 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.737 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.851 ca.

Nghiêm cấm các hành vi trục lợi xét nghiệm PCR

Sở Y tế Đồng Nai nghiêm cấm mọi hành vi trục lợi từ việc xét nghiệm PCR cho các trường hợp có test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, đối với các cơ sở y tế ngoài công lập đã được Sở Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, khi có trường hợp test nhanh 2 lần dương tính tại cơ sở thì cần giải thích rõ cho người được xét nghiệm biết. Những trường hợp như thế này sẽ được xét nghiệm RT-PCR miễn phí.

Đồng thời các cơ sở y tế phải thông báo cho người phát hiện nghi nhiễm và người dân không phải trả một khoản tiền nào cho việc lấy mẫu để xét nghiệm PCR nhằm xác định là người nhiễm bệnh Covid-19; ngoại trừ người cần lấy phiếu xét nghiệm và tự nguyện chi trả chi phí xét nghiệm.

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, sau khi có kết quả test nhanh 2 lần dương tính, phòng khám phải có trách nhiệm cách ly người có mẫu test nhanh dương tính, gửi kết quả PCR xác định và thông báo cho Trung tâm y tế huyện/Thành phố để cùng phối hợp.

Sở Y tế nghiêm cấm mọi hành vi gian dối, trục lợi từ việc xét nghiệm PCR của các cơ sở đã thực hiện test nhanh cho người dân sau khi phát hiện dương tính. Các Trung tâm y tế khi tiếp nhận thông tin có trường hợp dương tính đã khẳng định qua PCR, thì trong 1 tiếng đồng hồ phải cử đội đáp ứng nhanh, tiếp cận với các cơ sở đang quản lý người nghi nhiễm bệnh, xử lý và truy vết thần tốc để khống chế ổ dịch.

Hà Nam xuất hiện thêm chùm lây mới, tổng số ca mắc vượt 1.000

Tối 3/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố thêm 11 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 9 ca phát hiện ở TP.Phủ Lý và 2 trường hợp ở huyện Thanh Liêm.

Báo cáo của CDC Hà Nam cho thấy, diễn biến dịch tại tỉnh này vẫn phức tạp. Điều đáng lo ngại, chùm lây mới phát hiện tại thôn 6 xã Phù Vân, TP.Phủ Lý đã ghi nhận trên 12 trường hợp mắc Covid-19. Hiện tại còn một số mẫu gộp nghi dương tính liên quan đến ổ dịch này.

Để khoanh vùng dập dịch, trong 3 ngày qua, lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trên 500 hộ dân với 1.507 nhân khẩu ở thôn 6. Duy trì các chốt kiểm soát đặt trên các trục đường ra vào thôn để kiểm soát các yếu tố dịch tễ.

UBND TP Phủ Lý cũng ra quyết định tạm dừng họp chợ Phù Vân từ ngày 3/11 do một quán bán tạp hóa gần chợ liên quan dịch tễ đến ca bệnh này.

Như vậy, trong đợt dịch mới diễn ra từ ngày 19/9 đến nay, tại Hà Nam đã ghi nhận 1.011 ca bệnh mắc Covid-19. Dịch đã lan từ thành phố Phủ Lý ra toàn bộ các huyện, thị thuộc tỉnh này.

Đến nay, đã có 727 ca mắc Covid-19 tại Hà Nam được điều trị khỏi bệnh và ra viện. Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh và các cơ sở y tế trên địa bàn.

Hà Nam hiện không có bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Toàn tỉnh cũng đang cách ly 1.618 trường hợp F1 (gồm cả cách ly tập trung và cách ly tại nhà).

Số ca F0 tăng cao, Cà Mau nâng phòng chống dịch lên cấp độ 2 từ 03/11

Sở Y tế Cà Mau vừa có Quyết định 3328/QĐ-SYT ngày 2/11/2021 công bố cấp độ dịch Covid-19 toàn tỉnh lên cấp độ 2 (vùng vàng), không còn đơn vị cấp xã, phường, thị trấn có hiệu lực từ 0h00 ngày 03/11.

Trong đó có 22 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 3 (vùng cam), tăng 18 đơn vị. 5 đơn vị nâng lên cấp độ 4 (vùng đỏ), tăng 2 đơn vị, gồm: xã Việt Thắng (huyện Phú Tân); xã Khánh Hội (huyện U Minh); xã Tạ An Khương Đông và xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi); xã Đông Thới (huyện Cái Nước).

Theo CDC Cà Mau, ngày 2/11 Tỉnh có trên 150 ca mắc Covid-19 tại các ổ dịch ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, đặc biệt là ở huyện Đầm Dơi có diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Nguyên nhân khiến dịch bệnh phát sinh, lây lan chủ yếu do những người về cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà sau khi hoàn thành thời gian cách ly theo quy định đã tham gia các hoạt động tụ tập đông người. Trước tình hình đó, các địa phương đã nhanh chóng triển khai thực hiện các biện pháp khống chế, ngăn chặn dịch bùng phát.

Hiện người từ vùng dịch về địa phương còn rất đông, bình quân trên 100 người/ngày, đến nay gần khoảng 35.000 người. Trong khi các quy định mới nới rộng rất nhiều, thời gian cách ly y tế hạn chế, tần suất xét nghiệm theo đó cũng giảm. Đây có thể nói là nguồn lây nhiễm chính trong cộng đồng thời gian qua.

Giám đốc Sở y tế Cà Mau Nguyễn Văn Dũng kiến nghị: các huyện cần khẩn trương tổ chức lực lượng xét nghiệm, trong đó, cần xét nghiệm PCR đối với vùng lõi; test nhanh vùng đệm; tiến hành khoanh vùng hẹp, xét nghiệm rộng, xét nghiệm dày hơn. Trước tình hình dịch bệnh lây lan phức tạp trong cộng đồng, các địa  phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tự xét nghiệm, đồng thời, ngành y tế sẽ đánh giá cấp độ dịch theo mỗi ngày để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh chỉ đạo: các ngành, các cấp cần bám sát các biện pháp phòng, chống dịch để triển khai thực hiện nhanh chóng, quyết liệt, bất kể ngày đêm, không được chủ quan, lơ là, cụ thể:

Những nơi nào có nguy cơ dịch bệnh lây lan cao, đặc biệt là những vùng đã xuất hiện F0 cần nhanh chóng điều tra, truy vết để xác định, tách F0, F1, F2 ra khỏi cộng đồng; phong tỏa khu vực xuất hiện dịch bệnh nhằm không để dịch bệnh lây lan; tiến hành cách ly theo quy định và tăng cường giám sát những đối tượng cách ly, theo dõi sức khỏe; các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh cần tăng cường ứng trực, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định; những người về từ vùng dịch như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh giáp ranh (Bạc Liêu, Kiên Giang) khi vào tỉnh cần tiến hành xét nghiệm, cách ly theo quy định.

Đối với các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp có đông công nhân cần tăng cường tần suất xét nghiệm với tỷ lệ người lao động nhiều hơn; những nơi có ca nhiễm cần xét nghiệm 100% công nhân và thực hiện kéo dài liên tục khoảng 01 tuần để xác định được F0, F1, sau đó, tiến hành tiêu độc khử trùng thật kỹ để đảm bảo an toàn. Đồng thhuyến khích các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp sau khi sàng lọc F0, F1 thì tổ chức sản xuất theo phương án 03 tại chỗ hoặc 01 cung đường, 02 điểm đến để tránh trường hợp công nhân ở ngoài lại đem mầm bệnh vào nơi làm việc.

Trước tình hình dịch bệnh của tỉnh hiện đang diễn biến phức tạp, mọi người dân cần ủng hộ chủ trương của tỉnh trong việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, qua đó, nhằm ngăn chặn cắt đứt nguồn lây, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan - ông Hải nhấn mạnh.

Tăng tiến độ cấp phép vắc-xin thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 295/TB-VPCP ngày 2/11/2021 kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế trong nước.

Ảnh minh họa

Trước đó, chiều 29/10/2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế trong nước. 

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến phát biểu các doanh nghiệp, các bộ, Phó thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, thúc đẩy tiến độ thực hiện việc xem xét, cấp phép theo quy định đối với hồ sơ liên quan đến vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục và tiến độ đáp ứng yêu cầu thực tế phòng chống dịch.

Đồng thời xác định nhu cầu về vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác chống dịch của cả trung ương và địa phương; lập Kế hoạch đầu tư, mua sắm cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/11/2021.

Việt Nam mua thêm 25 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca

AstraZeneca sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng (90 triệu USD) nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với các thuốc chất lượng cao được sản xuất ngay tại Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2022-2030, sẽ có 3 sản phẩm thuốc quan trọng được công ty sản xuất gia công trong nước.

Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, AstraZeneca sẽ lựa chọn một đối tác tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất và cung cấp những kiến thức chuyên môn, quy trình kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo các sản phẩm thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm của AstraZeneca được sản xuất trong nước sẽ có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn.

Bên cạnh đó, một thỏa thuận cung ứng thêm 25 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca (đây là hợp đồng thương mại tiếp theo hợp đồng mua 30 triệu liều vắc-xin mà hai bên đã ký trước đó) và 20.000 liều hỗn hợp kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài mang tên AZD7442, trong năm 2022 cũng đã được ký kết. 

Nếu được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp, liệu pháp bộ đôi kháng thể này có hiệu quả trong phòng ngừa lẫn điều trị bệnh Covid-19. AD7442 được thiết kế dành cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu khiến cơ thể không đáp ứng đầy đủ với vắc-xin.

Nhiều tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ tiếp tục tăng ca mắc Covid-19

Theo Sở Y tế  Cần Thơ, trong 14 ngày qua (từ ngày 19/10 - 1/11), Thành phố đã ghi nhận 1.785 trường hợp F0 (trong đó có 165 ca F0 được phát hiện qua tầm soát tại cơ sở y tế, 685 ca F0 được phát hiện trong khu cách ly, 591 ca F0 được phát hiện trong khu phong tỏa, 344 ca F0 được cách ly tại nhà). So với 14 ngày trước, số F0 tăng 2,7 lần.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 An Giang cho biết, ngày 2/11, toàn tỉnh ghi nhận 314 trường hợp nghi mắc Covid-19, điều trị khỏi bệnh 136 trường hợp.

Số trường hợp nghi mắc Covid-19 được phát hiện ở tất cả 11 địa phương. Trong đó, TP. Long Xuyên ghi nhận nghi mắc Covid-19 nhiều nhất (80 trường hợp), huyện Tri Tôn (69 trường hợp). Có 2 trường hợp nhập cảnh về từ Campuchia, đã được kiểm soát.

Tỉnh này triển khai cách ly điều trị tại nhà trường hợp F0 không triệu chứng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Việc cách ly điều trị tại nhà giai đoạn đầu triển khai thí điểm tại TP.Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu. Có thể triển khai thí điểm tại các địa phương có bùng phát dịch khi các cơ sở thu dung điều trị F0 tại đây không đảm bảo các điều kiện cách ly điều trị.

Ngày 2/11, Vĩnh Long ghi nhận 50 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tính đến 18 giờ ngày 2/11, Vĩnh Long có 2.817 ca nhiễm đã công bố (14 ca nhập cảnh, 2.803 ca cộng đồng) và 50 trường hợp nghi nhiễm mới chờ Bộ Y tế công bố.

Trong ngày 2/11, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 67 ca mắc Covid-19, tích luỹ đến chiều ngày 2/11 tỉnh đã có 3.001 ca nhiễm Covid-19, trong đó 1.822 bệnh nhân khỏi bệnh, 1.156 bệnh nhân đang điều trị, 23 trường hợp tử vong.

4 ổ dịch mới ở Hà Nội

Ngoài hai ổ dịch Covid-19 được phát hiện ở Lĩnh Nam, Lê Đức Thọ và Hoài Đức, Hà Nội mới ghi nhận thêm chùm ca bệnh ngoài cộng đồng ở chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm.

Bệnh nhân đầu tiên là L.T.D., nữ, ở Dương Hà, Gia Lâm, bán hàng online thường xuyên lấy đồ từ chợ Ninh Hiệp. Ngày 30/10, chị D. xuất hiện triệu chứng ho, rát họng.

Ngày 1/11, bệnh nhân khám tại Bệnh viện Tâm Anh và có kết quả test nhanh dương tính, được chuyển Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Tại đây, chị D. cho kết quả xét nghiệm rRT-PCR là dương tính.

Trường hợp thứ hai là N.T.N.A., làm việc tại Công ty Vinfast, ở Vinhomes Symphony, Phúc Lợi. Ngày 30/10, chị A. đến chợ Ninh Hiệp. Một ngày sau, bệnh nhân lấy mẫu xét nghiệm định kỳ tại công ty và có kết quả dương tính với Covid-19.

F0 thứ 3 là N.T.N., bán quần áo tại chợ Ninh Hiệp. Ngày 30/10, chị N. xuất hiện triệu chứng nên đi xét nghiệm, kết quả dương tính.

Ngoài ra, ba ổ dịch mới phát hiện ngày 31/10 và 1/11 tại Nam Dư, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm và Phú Vinh, Hoài Đức cũng phát hiện thêm 13 F0 (Nam Dư: 5, Lê Đức Thọ: 3, Phú Vinh: 3).

Một số ổ dịch khác cũng ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19  trong ngày 2/11 là: Thị trấn Sài Sơn, Quốc Oai; Bạch Trữ, Tiến Thắng, Mê Linh.

Ngoài ra, Thành phố cũng phát hiện 4 trường hợp dương tính với Covid-19 qua khám sàng lọc ho, sốt và 6 người liên quan các tỉnh có dịch.

Tính đến tối nay, hai ổ dịch lớn nhất ở Hà Nội là Quốc Oai và Mê Linh đã ghi nhận tổng cộng 208 ca dương tính.

Tính từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội có 4.521 ca mắc Covid-19, gồm 1.721 ca ngoài cộng đồng, 2.800 F0 được phát hiện trong khu cách ly.

Hà Nội đã chuyển từ cấp độ 1 (bình thường mới theo đánh giá ngày 19/10) lên cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). 30 quận, huyện, thị xã của thành phố hiện đạt cấp độ 2; 245 xã, phường đạt cấp độ 2 và 332 xã, phường đạt cấp độ 1.

Đánh giá về tình hình hiện tại, lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh rất cao, nhiều khu vực dịch ngấm sâu trong cộng đồng như Hoài Đức, Quốc Oai, gần nhất là huyện Phú Xuyên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Hà Nội tiếp tục cảnh giác. Hà Nội phải sẵn sàng cho tình huống xấu hơn, không để bị động, bất ngờ.

Bệnh viện FV, Thống Nhất và Đại học Y dược TP.HCM được cấp phép thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2
Sau khi hoàn tất khảo sát, Bộ Y Tế đã chính thức cấp phép để Khoa vi sinh-Bệnh viện Thống Nhất; Khoa xét nghiệm Bệnh viện Đại học Y Dược...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư