Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 13/1: Chủ động kịch bản, phương án ứng phó dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán
D.Ngân - 13/01/2023 10:18
 
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 7/TB-VPCP ngày 12/1/2023 kết luận của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Phiên họp thứ 19 của Ban chỉ đạo trực tuyến với các địa phương.

Không để dịch chồng dịch trong dịp Tết và Lễ hội 2023

Theo nhận định, đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch Covid-19 dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trong thời gian tới; giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện, có thể làm dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại, thậm chí lây lan phổ biến hơn cả Omicron, biến thể chính trên toàn cầu hiện nay. Vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Trong nước, tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát, kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả tốt; các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đang từng bước được khắc phục có hiệu quả.

Ban chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm: (1) Đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết; chuẩn bị cho Nhân dân đón Tết an lành, mạnh khỏe, vui tươi, phấn khởi, không để ai bị bỏ lại phía sau; (2) Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, tiếp tục thực hiện thông điệp "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác", trong đó đặc biệt coi trọng việc tiêm vắc-xin và ý thức người dân; (3) Chú trọng, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Sở Y tế Hà Nội

Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch trên thế giới và trong nước, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của dịch Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch.

Đồng thời, tăng cường phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, đậu mùa khỉ..., nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023.

Tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em; tiêm cho các đối tượng rủi ro cao, người có bệnh nền, chú trọng các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp…

Ban Chỉ đạo các cấp và cấp ủy chính quyền giao chỉ tiêu, gắn trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác tiêm chủng; nếu để xảy ra hậu quả dịch bệnh thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc-xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi; tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch Covid-19.

Khuyến cáo, khuyến khích đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người trong dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác.

Bộ Y tế, các bộ liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, kiểm tra thực hiện việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác tại các cơ sở y tế trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán; tập trung tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch.

Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định liên quan về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tập trung lực lượng, đề cao cảnh giác, dứt khoát không để dịch chồng dịch trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và trong quá trình phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Có giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để hạn chế lây lan dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát; bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; rà soát, khẩn trương thanh toán kịp thời cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch bảo đảm đúng quy định; chủ động nắm tình hình, quan tâm người có công, người yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… và đề xuất giải pháp để bảo đảm mọi người dân đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau, không lặp lại các hạn chế, thiếu sót từ những năm trước.

Các địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền; chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, tiêm vắc-xin và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra mà nguồn lực tại chỗ chưa bảo đảm được.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam hoàn thành nhiều tiêu chí đề ra

Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào thầy thuốc trẻ năm 2022.

Năm 2022, sau làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng nhiều đến công tác hội và phong trào thầy thuốc trẻ. Tuy vậy, công tác hội và phong trào thầy thuốc trẻ tình nguyện đã phát triển mạnh mẽ, cùng với sự nỗ lực của các cấp bộ hội, công tác hội, phong trào thầy thuốc trẻ đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức, thành phần thầy thuốc trẻ tham gia rộng rãi hơn. Các giải pháp thực hiện chủ đề năm được các cấp bộ hội triển khai đồng bộ. 

Trong khuôn khổ chương trình “Thầy thuốc trẻ học tập, rèn luyện và nâng cao y đức”, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức 841 chương trình “Tiếp sức người bệnh”, thu hút hơn 73 nghìn hội viên, thanh niên và thầy thuốc trẻ tham gia với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng.

Chương trình “Thầy thuốc trẻ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học”, năm 2022, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã ra mắt Ban Điều hành “Mạng lưới Các nhà khoa học trẻ ngành y tế Việt Nam toàn cầu” trực thuộc Hội, nhằm tập hợp các nhà khoa học trẻ ngành y, dược người Việt Nam học tập, sinh sống trên toàn thế giới cùng chia sẻ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Các cấp Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức gần 2.800 đợt khám, sàng lọc bệnh lý cho hơn 1,1 triệu lượt người dân; phối hợp các tổ chức thanh niên vận động hiến hơn 822 nghìn đơn vị máu; tuyên truyền, vận động 50 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện nghèo trên cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, TS. BS Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: Năm 2022, Hội Thầy thuốc trẻ các cấp đã hoàn thành 7 trên 9 tiêu chí đặt ra từ đầu năm trong bối cảnh đại dịch diễn biến hết sức phức tạp. Hội Thầy thuốc trẻ đã huy động hàng trăm tỷ đồng cùng ngành Y tế cả nước trở thành những lá chắn vững chắc của nhân dân. Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố, trở thành lực lượng chính hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19 điều trị, cách ly tại nhà. 

Năm 2023, tình hình y tế trong nước và thế giới sẽ tiếp tục có nhiều biến động, nhiều khó khăn, vấn đề hậu Covid-19, vấn đề về thay đổi cơ cấu bệnh tật cũng như một số bất cập trong quản lý y tế sẽ là những thách thức lớn trong thời gian tới. Các cấp Hội sẽ tập trung triển khai chương trình “Hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết”, tổ chức Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, “Tháng hành động vì sức khỏe người cao tuổi”, Hội nghị “Sáng tạo khoa học tuổi trẻ ngành y tế” và một số nội dung khác.

Bệnh viện Mắt Quốc tế DND nhận giải ‘Bệnh viện phẫu thuật ReLEx SMILE nhiều nhất tại Việt Nam"

Bệnh viện Mắt Quốc tế DND vinh dự nhận giải “Bệnh viện phẫu thuật ReLEx SMILE nhiều nhất tại Việt Nam” do Carl Zeiss Việt Nam trao tặng.

Giải thưởng này nằm trong chuỗi giải thưởng SMILE Award, dành cho các bệnh viện thực hiện phẫu thuật SMILE trên hệ máy VisuMax của Tập đoàn Carl Zeiss - CHLB Đức. Tiêu chí giải thưởng dựa trên tổng số ca SMILE mà cơ sở đã phẫu thuật thành công từ thời điểm máy được lắp đặt cho tới lúc cập nhật (năm 2022). 

Ngày nay, tỉ lệ tật khúc xạ như cận, loạn, viễn và lão thị ngày càng gia tăng. Với những bước tiến của y khoa, ngành nhãn khoa trên thế giới và tại Việt Nam đang áp dụng các phương pháp phẫu thuật ngày càng hiện đại như: Femto-Lasik, SmartSurfACE, ReLEx SMILE để điều trị tật khúc xạ. Đặc biệt, phẫu thuật Laser Femtosecond ra đời với phương pháp ReLEx SMILE độc quyền trên máy VISUMAX được coi bước đột phá trong công nghệ phẫu thuật khúc xạ.

Từ năm 2014, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND là đơn vị tiên phong phẫu thuật phương pháp ReLEx SMILE tại miền Bắc, giúp người bệnh tiếp cận với công nghệ hiện đại ngay tại Việt Nam mà không cần phải ra nước ngoài phẫu thuật. Đây là một thành công lớn trong phát triển chuyên môn kỹ thuật mới - kỹ thuật cao của Bệnh viện Mắt Quốc tế DND.

ThS.BS Đặng Thị Như Quỳnh, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “DND tự hào là một trong những bệnh viện đầu tiên tại miền Bắc thực hiện tất cả các phương pháp phẫu thuật khúc xạ đang được áp dụng trên thế giới. Trung tâm khúc xạ DND sở hữu đầy đủ hệ thống thiết bị chẩn đoán hỗ trợ chuyên gia đưa ra hướng chỉ định, hạn chế biến chứng và mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân”.

Theo BS. Quỳnh, bệnh viện vừa thay đổi hệ thống máy phẫu thuật VISUMAX được Carl Zeiss sản xuất năm 2020 kết hợp phần mềm mới nhất 2.10.14 duy trì tính ổn định của tia laser, tạo đường cắt thông minh để giảm hết OBL (Opaque Bubble Layer - lớp bong bóng mờ) trong quá trình phẫu thuật, giúp giác mạc hồi phục nhanh sau phẫu thuật. 

Sắp tới, DND sẽ là một trong những bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam sở hữu máy phẫu thuật mới VisuMax 800. Thừa hưởng kinh nghiệm nghiên cứu lâm sàng của 6 triệu SMILE đã thực hiện thành công toàn cầu, SMILE pro có sự cải tiến về cả trải nghiệm bệnh nhân và phẫu thuật viên. Thời gian laser 1 mắt bây giờ chỉ còn dưới 10 giây thay vì 23 giây ở thế hệ SMILE ban đầu. Ngoài ra, tất cả các động tác và công đoạn bác sĩ cần thực hiện đều sẽ được tự động hoá và liên kết cùng các trang thiết bị chẩn đoán, mang tới tính chính xác cao, ít sai sót, hiệu quả điều trị cao hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư