Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 1/6: Hà Nội tổ chức cho trẻ uống vitamin A; Nguy cơ nhồi máu não do sử dụng bia rượu
D.Ngân - 01/06/2023 09:08
 
Kế hoạch tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A và triển khai hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2023 diễn ra trong 2 ngày (1 và 2/6) và uống vét ngày 3 và 4/6 tại Hà Nội.

Đồng loạt bổ sung vitamin A

Đối tượng được bổ sung vitamin A là trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi đang có mặt tại địa phương, kể cả trẻ vãng lai, trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế

Trẻ được uống vitamin A 2 lần trong năm.

Dự kiến số trẻ trong độ tuổi được uống vitamin A đợt này khoảng 392.131 trẻ và được tổ chức tại 1.715 điểm uống trên địa bàn toàn thành phố.

Ngoài ra, từ ngày 1 - 7/6, Hà Nội cũng triển khai chiến dịch cân, đo cho toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi sinh sống trên địa bàn.

Mục tiêu chiến dịch này phấn đấu trên 99,8% trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao trong hai đợt chiến dịch (đợt 1 diễn ra vào tháng 6 và đợt 2 vào tháng 12/2023).

Ngoài ra, trên 95% trẻ em dưới 5 tuổi được cân, đo chiều cao để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thiếu cân, thể thấp còi, thể gầy còm và tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Đơn vị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội được giao nhiệm vụ thường trực phối hợp triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A và các hoạt động ngày vi chất dinh dưỡng đợt 1;

Các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 35 tháng tuổi, tích cực điều tra, rà soát, gửi giấy mời các đối tượng;

Tập huấn cho các cán bộ y tế cộng tác viên trực tiếp tham gia chiến dịch về kỹ thuật, quy trình cho trẻ uống bổ sung vitamin A, cách bố trí sắp xếp trang thiết bị dụng cụ, kỹ thuật cho trẻ uống, liều lượng theo phác đồ của Bộ Y tế, thông kê báo cáo...

Ngay sau khi phát động chiến dịch, Sở Y tế giao các đơn vị chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị và vitamin A, nhân lực....

Đồng thời, tập huấn kỹ thuật cân, đo, thống kê báo cáo và sử dụng biểu đồ tăng trưởng đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dinh dưỡng tại 30 quận, huyện, thị xã.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Sở đã yêu cầu các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch trển khai chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ đảm bảo an toàn, hiệu quả; các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông trước, trong những ngày diễn ra chiến dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Y tế cũng lưu ý, cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống vitamin A cần phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống.

Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi hết các dấu hiệu chống chỉ định này. Ngoài ra, cán bộ y tế cho trẻ uống phải bảo đảm đúng kỹ thuật, đúng đối tượng, đủ liều lượng được chỉ định theo lứa tuổi.

Năm 2023, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, đồng thời cũng là ngày vi chất dinh dưỡng…

Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 54 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6; và đợt 2 vào tháng 12).

Trong các chiến dịch này, trẻ em trong độ tuổi được cho uống bổ sung viên nang Vitamin A liều cao. Trong thời gian qua, các chiến dịch bổ sung Vitamin A đã giúp cho Việt Nam thanh toán được bệnh mù loà do thiếu Vitamin A vào năm 2000.

Năm 2023, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, đồng thời cũng là ngày vi chất dinh dưỡng.

Chiến dịch sẽ được tổ chức trên toàn quốc, trong đó tại 22 tỉnh miền núi khó khăn mỗi trẻ từ 6-59 tháng được uống 1 liều Vitamin A, trẻ từ 24-59 tháng được tẩy giun định kỳ; tại 41 tỉnh, thành phố còn lại trẻ em từ 6-35 tháng tuổi được uống 1 liều Vitamin A. Nguồn thuốc sử dụng trong chiến dịch do tổ chức Vitamin Angel, Hoa Kỳ viện trợ.

Theo Bộ Y tế, vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể.

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người, mọi gia đình hãy thực hiện bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu Vitamin A, vitamin D. Cho trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A 2 lần/năm.

Trẻ từ 24 đến 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.

Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường.

Nguy cơ nhồi máu não do sử dụng bia rượu

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), đơn vị vừa cấp cứu thành công bệnh nhân nam giới bị nhồi máu não.

Bệnh nhân tên V.V.C. (SN 1968, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn 1/2 người bên phải, không nói được, méo miệng, huyết áp 180/100 mmHg.

Bệnh nhân cho hay, khi đang trên đường trở về nhà thì bị ngã ra đường, không nói được kèm liệt nửa người bên phải. Sau khi chụp CT sọ não, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ I. Bệnh nhân còn có tiền sử bị viêm tụy cấp, thường xuyên sử dụng rượu bia.

Sau khi đánh giá toàn diện, các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch (tiêu sợi huyết) và kiểm soát huyết áp, đường máu.

Khoảng 1 giờ sau khi dùng thuốc, bệnh nhân cải thiện tình trạng, chân tay đã cử động được. Một ngày sau đó, bệnh nhân C. có thể vận động được, đi lại được, nói chuyện bình thường, gần như không để lại di chứng.

BSCKI Nguyễn Văn Học, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau bệnh tim mạch, ung thư.

Đột quỵ não cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây tàn tật tại các nước phát triển. Do vậy, gánh nặng của bệnh đột quỵ não để lại cho gia đình và xã hội rất lớn.

Đột quỵ não gồm 2 thể là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ chảy máu não (xuất huyết não). Đột quỵ nhồi máu não chiếm 80 - 85%. Việc tái thông mạch sau nhồi máu não cấp tác động mạnh đến cải thiện kết cục lâm sàng, giảm tỉ lệ tử vong.

Cũng theo bác sĩ Văn Học, thời gian “vàng” để điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là trong 4,5 giờ từ khi có dấu hiệu nhồi máu não cấp.

Phương pháp này làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như mức độ tàn tật. Tỷ lệ tái thông mạch não sau tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch chỉ xấp xỉ 30%.

Chuyên gia khuyến cáo, uống nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân tăng huyết áp, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Không ít trường hợp rơi vào tình trạng nhồi máu não sau chầu 

Nhập viện vì nhiễm loại hóa chất cực độc khi rửa kính

Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 55 tuổi (ở Hưng Yên) vào điều trị trong tình trạng 5 ngón tay phải nhợt nhạt, nhức nhối, đau buốt.

Theo lời kể của người bệnh, trước đó ông này mua một chai nước xịt tẩy rửa gương kính thương hiệu V300, mua trên mạng với giá 180.000 đồng/ chai.

Tuy nhiên, khi dùng để tẩy rửa gương kính phòng tắm, chỉ được khoảng 15-20 phút, người bệnh bắt đầu thấy các ngón tay đau, nhức buốt, giống như bị một loại côn trùng cực độc cắn… nên vội rửa tay và gọi người thân hỗ trợ.

Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được chỉ định ngâm các ngón tay vào dung dịch canxi gluconat 10% để thải độc.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm nhập viện, bệnh nhân có mang theo chai hóa chất đã dùng. Đây là chai hóa chất có tên V300 nhưng trên nhãn không có tên thành phần, cơ sở sản xuất.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, rất có thể sản phẩm này chứa loại hóa chất HF rất độc. Hóa chất này có thể hòa tan kính, làm mòn thủy tinh nên có thể gây thủng cốc chén, chai lọ bằng thủy tinh nếu dùng để đựng hóa chất…. Nếu tiếp xúc với hóa chất này có thể gây ra các vết thương nặng, hoại tử thịt, thậm chí ăn mòn, phá hủy mô xương.

Do đó, tiếp xúc với hóa chất này phải chuẩn bị kỹ về đồ bảo hộ để tránh gây hại đến sức khỏe.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói về thiếu vắc-xin và thuốc
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Quốc hội cho bố trí nguồn ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện chương trình mở rộng, trong bối cảnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư