Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 17/12: Chiến dịch “Hành trình an toàn" góp phần tích cực kiểm soát dịch Covid-19
D.Ngân - 17/12/2022 10:44
 
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tổng kết chiến dịch “Hành trình an toàn”

Chiến dịch “Hành trình an toàn" đạt được những kết quả ấn tượng trên truyền thông và mạng xã hội

Sau hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thích nghi với cuộc sống bình thường mới, mở cửa đất nước đồng thời tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh và những biến chủng mới của Covid-19.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin cho người dân để cùng cảnh giác trước những diễn biến của dịch bệnh, chiến dịch “Hành trình an toàn” đã được UNICEF, phối hợp cùng Bộ Y Tế và WHO phát động vào ngày 7/3/2022, nhằm nhấn mạnh và củng cố tầm quan trọng của việc tất cả mọi người cùng tuân thủ, thực hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Sau 9 tháng triển khai, chiến dịch đã đạt được những kết quả ấn tượng trên truyền thông và mạng xã hội, góp phần tích cực vào tiến trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mà Việt Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ. Cụ thể, các thông điệp của chiến dịch đã trở nên phổ biến và được công chúng tích cực đón nhận, với hơn 60 triệu người tiếp cận nội dung và hơn 5 triệu người tương tác trên Facebook.

PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những kết quả tích cực mà Chiến dịch mang lại. Chính phủ Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 coi đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong tiến trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Ảnh minh hoạ

Tính đến ngày 14/12/2022, đã có 265.077.045 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm chủng an toàn, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi trở lên xấp xỉ 100%; hơn 80% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm nhắc lại mũi 3; gần 90% nhóm người có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 4. Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, mặc dù triển khai tiêm chủng muộn hơn, cũng đã có hơn 90% được tiêm mũi 1 và gần 70% trẻ được tiêm mũi 2.

Kết quả tiêm chủng này có sự đóng góp lớn lao của công tác truyền thông vận động người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 an toàn và Chiến dịch này chính là một minh chứng cụ thể. Bộ Y tế trân trọng cảm ơn sự chủ động, phối hợp của UNICEF, WHO Việt Nam trong việc hỗ trợ, thúc đẩy tiêm chủng an toàn.

Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về y tế, nhi khoa, người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trong chiến dịch đã giúp thông điệp đến được với hàng triệu người một cách hiệu quả, thuyết phục họ đi tiêm phòng và tái củng cố tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng bày tỏ tin tưởng chiến dịch “Hành trình an toàn” đã cung cấp cho người dân những thông tin quan trọng và chính xác về vắc-xin phòng Covid-19, giúp mọi người hiểu rõ về sự an toàn, cần thiết và hiệu quả của vắc-xin, đặc biệt là đối với trẻ em.

TP. Hồ Chí Minh: Chủ động phòng, chống Covid-19 và các dịch bệnh mới nổi

Sở Y tế TP.HCM vừa công bố “Định hướng phát triển và các hoạt động trọng tâm của ngành y tế thành phố trong năm 2023”.

Theo Sở Y tế, tình trạng miễn dịch cộng đồng tại thành phố đã đạt được ở mức cao. Cùng với nỗ lực bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, số ca mắc, số ca nặng và tử vong do Covid-19 trên địa bàn tiếp tục được kiểm soát ở mức rất thấp.

Tuy nhiên, các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện trên thế giới, diễn tiến dịch vẫn còn phức tạp, khó dự đoán, đòi hỏi không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Bên cạnh đó, các bệnh không lây, đặc biệt là các bệnh mắc phải do hành vi, lối sống không lành mạnh sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với sức khỏe của người dân. Người mắc các bệnh này cần phải được phát hiện sớm, được điều trị và quản lý tốt.

Ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục chủ động hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh, phát hiện kịp thời và kiểm soát hiệu quả, không để bùng phát và lan rộng; đồng thời triển khai chăm sóc và quản lý bệnh không lây dựa vào cộng đồng và phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Công tác phát hiện và chăm sóc người mắc bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm có khuynh hướng gia tăng sau đại dịch Covid-19, cũng là một hoạt động ưu tiên sẽ được ngành y tế đẩy mạnh triển khai.

Năm 2023 sẽ đẩy nhanh việc cải tạo, nâng cấp 146 trạm y tế xã, phường từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ; củng cố năng lực của tuyến y tế cơ sở bằng việc ưu tiên triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và y tế thông minh, góp phần tạo niềm tin cho người dân khi đến trạm y tế khám, chữa bệnh ban đầu; tiếp tục triển khai chương trình thực hành cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sỹ trẻ mới tốt nghiệp thực hành tại bệnh viện gắn với thực hành tại trạm y tế.

Cùng với đó, ngành triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương với danh mục thuốc mở rộng hướng về y tế cơ sở nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh ban đầu và chăm sóc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

Các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của thành phố tiếp tục nỗ lực phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực.

Ngành đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng y tế thông minh, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế hướng đến sự hài lòng người dân.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc sau những bất ổn do dịch Covid-19
Các chỉ số chứng khoán chính và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chìm trong sắc đỏ khi tâm lý của nhà đầu tư bị xáo trộn do các cuộc tụ tập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư