Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 22/10: Phát động cuộc thi vẽ tranh nâng nhận thức về vắc-xin
D.Ngân - 22/10/2023 08:02
 
Mỗi năm, tiêm chủng vắc-xin cứu sống 4,4 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu trẻ em thoát khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và hàng loạt đối với cộng đồng.

Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin

Việt Nam là nước nằm trong vùng dịch tễ, nguy cơ cao của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt sau dịch Covid-19, tỷ lệ trẻ em bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng đầu đời rất cao, khó khăn về nguồn cung ứng vắc-xin miễn phí cũng khiến nhiều trẻ em chưa được tiêm bù, tiêm mới đúng lịch.

Các hoạ sĩ "nhí" đang sang tạo tại cuộc thi.

Tỷ lệ người lớn được tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh tại Việt Nam cũng còn rất thấp so với khu vực và trên thế giới, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền, người làm việc trong môi trường nguy cơ cao như nhân viên y tế, công an, giáo viên, hàng không…

Nguyên nhân là do nhiều người lớn chưa biết về vai trò quan trọng của tiêm chủng vắc-xin, thậm chí chưa biết “người lớn cũng cần được tiêm vắc-xin” để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

Chính vì vậy, nâng cao nhận thức về vai trò tiêm chủng vắc-xin là việc làm quan trọng, từ đó sẽ thúc đẩy cộng đồng thay đổi tư duy, tiến tới hành động tích cực bằng việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho cả gia đình.

Vắc-xin là chế phẩm sinh học chứa một phần nhỏ của các loại vi rút hoặc vi khuẩn đã được làm chết hoặc yếu đi để không có khả năng gây bệnh nhưng khi được đưa vào cơ thể qua đường tiêm/ uống thì vẫn giúp cơ thể nhận biết được chúng, từ đó sẽ huy động hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể để chống lại những mầm bệnh nguy hiểm này.

Loại vắc-xin đầu tiên trên thế giới, đặt nền móng cho vắc-xin hiện đại được phát hiện bởi bác sĩ Edward Jenner, người Anh vào năm 1796 khi ông đang cố gắng tìm ra phương pháp chữa trị bệnh đậu mùa.

Nhờ có vắc-xin, bệnh đậu mùa đã từng giết chết 2 triệu người mỗi năm đã bị xóa sổ hoàn toàn vào năm 1980. Số ca mắc bệnh bại liệt giảm từ trên 300.000/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 358 trường hợp năm 2014.

Số trường hợp tử vong do sởi được báo cáo giảm từ 2,6 triệu ca/năm xuống còn 122.000 năm 2012, ho gà từ 1,3 triệu ca/năm xuống còn 63.000 ca vào năm 2013.

Trước khi có vắc-xin dại, 100% người phát bệnh dại đều tử vong, hiện mỗi năm có trên 10 triệu người bị động vật dại hoặc nghi dại cắn đã được điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại.

Theo WHO, tiêm phòng cúm có thể giảm tỷ lệ tử vong do cúm tới 70-80% trong tổng số 290.000 - 650.000 trường hợp tử vong do virus này mỗi năm, bao gồm cả người lớn và trẻ em.Nhờ có vắc-xin Covid-19, thế giới đã đẩy lùi đại dịch và quay trở lại cuộc sống bình thường.

Ngoài cứu sống hàng triệu người mỗi năm, tiêm chủng còn là hoạt động đầu tư thông minh, tiết kiệm. Thống kê của Trung tâm Tiếp cận Vắc-xin Quốc tế của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) năm 2021 cũng cho thấy cứ 1 USD (hơn 20.000 đồng) đầu tư cho mỗi liều vắc-xin sẽ tiết kiệm được 20 USD (khoảng gần 500.000 nghìn đồng) trong tổng chi phí sử dụng cho y tế.

Mặc dù giá trị của vắc-xin đã được chứng minh qua nhiều thập kỷ, tuy nhiên hằng năm thế giới và Việt Nam vẫn chứng kiến những trường hợp người lớn và trẻ em mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm.

Theo báo cáo “Tình hình trẻ em năm 2023” của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) năm 2023, cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ không được tiêm và tiêm vắc-xin không đầy đủ, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, gián đoạn học tập do điều trị, thậm chí mất đi tương lai và cơ hội sống.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, có hơn 60 trường hợp đã tử vong do không tiêm vắc-xin dại. Bệnh bạch hầu vẫn còn xuất hiện ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp và còn gây ra ca tử vong hằng năm, chủ yếu ở đối tượng thanh thiếu niên chưa được tiêm vắc-xin nhắc lại. Uốn ván sơ sinh dù đã được loại trừ vào năm 2005 thỉnh thoảng vẫn còn quay lại do nhận thức tiêm chủng hạn chế.

Để khôi phục tỷ lệ tiêm chủng và đạt mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em bền vững, UNICEF kêu gọi những giải pháp đồng bộ, trong đó có việc xây dựng niềm tin vào vắc-xin, giúp cộng đồng hiểu rõ về sự an toàn và giá trị của tiêm chủng. Đặc biệt, UNICEF cũng khuyến nghị việc giáo dục cho trẻ em về vắc-xin trong quá trình nuôi dạy.

Từ những thực tế đó, Cuộc thi “Em vẽ dũng sĩ tiêm ngừa cùng VNVC” là sáng kiến của Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhằm tạo sân chơi cho trẻ em yêu thích hội họa thể hiện ý tưởng sáng tạo về hình tượng dũng sĩ, người anh hùng vắc-xin trong cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của trẻ em và người lớn.

Cuộc thi “Em vẽ dũng sĩ tiêm ngừa cùng VNVC” có tổng giải thưởng gần 1,5 tỷ đồng với gần 5.000 giải, hơn 4.000 phần quà giá trị và hơn 3.000 mũi vắc-xin miễn phí sẽ được trao tặng cho các em nhỏ.

Các tác giả đạt giải có thể sử dụng danh xưng và chứng nhận của cuộc thi cho các hoạt động học tập, khen thưởng cá nhân của mình.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, ngay từ khi ra đời, VNVC đã xác định sứ mệnh mang đến cơ hội phòng bệnh bình đẳng, giúp mọi người dân tiếp cận đầy đủ các loại vắc-xin thế hệ mới trên thế giới, chất lượng tốt, an toán, giá bình ổn.

VNVC hy vọng thế giới hội họa sẽ là cầu nối, giúp các em bày tỏ suy nghĩ, khơi dậy khả năng sáng tạo, phát huy quyền tham gia của trẻ em trong các hoạt động xã hội, nâng cao nhận thức về tiêm chủng, bảo vệ quyền trẻ em được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Các nghiên cứu cho thấy, trình độ tri thức của người mẹ cũng có ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ tiêm chủng của trẻ em. Hiểu được vai trò phòng bệnh của vắc-xin nhờ được tiếp cận thông tin từ sớm, các em sẽ có ý thức phòng bệnh và xây dựng thói quen tiêm chủng cho chính mình và cho những thế hệ mai sau, góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh.

Buổi Lễ phát động cuộc thi vẽ tranh sáng tạo “Em vẽ dũng sĩ tiêm ngừa cùng VNVC” diễn ra vào sáng 21/10 nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các em nhỏ tại trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ (TP.HCM).  

Hà Nội: Đình chỉ, thu hồi kem bôi ngoài da Mộc bì 

Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản 4830/SYT-NVD gửi phòng y tế các quận, huyện, thị xã, cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi kem bôi ngoài da Mộc bì - tuýp 13g không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có thông báo 9698/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm kem bôi ngoài da Mộc bì - tuýp 13g (số lô: 7/2022; ngày sản xuất 26/4/2022; hạn dùng 15/4/2024.

Sản phẩm kem bôi ngoài da Mộc bì có số công bố: 7584/20/CBMP-HN, do Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển dược, mỹ phẩm Thịnh Việt Pharma sản xuất (địa chỉ tại thôn Kim Đái 1, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây) và Công ty TNHH dược phẩm Health & Automatic (ô 37, lô 5, Đề Lừ 2, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Sản phẩm bị thu hồi do mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu về tổng số vi sinh vật đếm được.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm nêu trên.

Phòng y tế quận, huyện, thị xã thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi toàn bộ lô sản phẩm bị đình chỉ, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở.

Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra Công ty TNHH Dược phẩm Health & Automatic trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.

Ngoài ra, giám sát các công ty thực hiện thu hồi lô sản phẩm kem bôi ngoài da Mộc bì - tuýp 13g không đáp ứng quy định, xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành.

Kỳ vọng người dân Việt Nam sớm được sử dụng vắc-xin sốt xuất huyết
Sự hợp tác giữa Takeda và VNVC sẽ mang lại lợi ích thiết thực, và kỳ vọng thời gian tới người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận vắc-xin sốt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư