Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Việt Nam sẽ tham gia thử nghiệm vắc-xin sốt xuất huyết
D.Ngân - 13/10/2023 06:47
 
Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vắc-xin sốt xuất huyết của Nhật Bản, kỳ vọng có thể giúp giảm số ca mắc và tử vong vì bệnh này.

GS-TS. Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho hay, hiện đã có một số quốc gia thử nghiệm và cấp phép lưu hành vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, nhất là với virus tuýp 2 gây bệnh sốt xuất huyết phổ biến hiện nay.

Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vắc-xin sốt xuất huyết của Nhật Bản, kỳ vọng có thể giúp giảm số ca mắc và tử vong vì bệnh này.

Tuy nhiên vừa qua, một loại vắc-xin phòng sốt xuất huyết của Nhật Bản đang được thử nghiệm, bước đầu có hiệu quả phòng bệnh đối với cả 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia thử nghiệm vắc-xin này.

Theo vị chuyên gia, vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm. Nhưng với vắc-xin phòng sốt xuất huyết, cùng một liều tiêm có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ, do đó cần phải thử nghiệm và có những đánh giá kỹ càng tác động sức khỏe trước khi áp dụng rộng rãi.

Trước đó, cũng về vắc-xin sốt xuất huyết, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC và Công ty TNHH Takeda Pharmaceuticals (Takeda), thuộc Tập đoàn Takeda (Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với kỳ vọng sớm mang đến cơ hội tiếp cận và ứng dụng các giải pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là vắc-xin sốt xuất huyết cho người dân Việt Nam.

Tại buổi ký kết, hai bên đã thống nhất triển khai nhiều hoạt động quan trọng, khẳng định chiến lược phát triển bền vững với mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học… nhằm thúc đẩy nhận thức, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế về các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, trong đó có vắc-xin sốt xuất huyết.

Vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết của Takeda, TAK-003 (tên thương mại đăng ký QDENGA) đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina và các quốc gia có tình hình dịch tễ SXH tương tự như Việt Nam như Indonesia, Brazil và gần đây hơn là Thái Lan.

TAK-003 hiện chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc-xin có thể tạo phản ứng miễn dịch ở mức độ khác nhau đối với cả 4 chủng virus Dengue đang lưu hành trên thế giới, giúp phòng bệnh và giảm khả năng nhập viện ở người mắc sốt xuất huyết.

Theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), đơn vị cấp phép sử dụng vắc-xin tại EU, vắc-xin QDENGA đã được duyệt sử dụng cho độ tuổi từ 4 tuổi không phân biệt đã từng nhiễm bệnh hay chưa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu, có đến 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết Dengue.

Đây là một trong những bệnh lây lan nhanh nhất do muỗi truyền, phổ biến ở các vùng nhiệt đới, ước tính lây nhiễm cho 390 triệu người, trong đó 96 triệu người có biểu hiện lâm sàng và gây ra khoảng 20.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Sốt xuất huyết nặng là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp mắc và tử vong ở trẻ em tại một số các quốc gia châu Á và châu Mỹ La tinh.

Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về số ca mắc với ước tính hơn 200.000 trường hợp mỗi năm. Dự kiến số ca mắc sẽ gia tăng hằng năm do tình hình biến đổi khí hậu.

Bệnh sốt xuất huyết do 4 tuýp huyết thanh của virus Dengue gây ra, trong đó DEN-1, 2 chiếm 90%. Người bệnh nhiễm với chủng virus nào thì có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, nhưng vẫn có nguy cơ mắc các chủng khác. Đáng lưu ý, sốt xuất huyết tái nhiễm lần hai rất nguy hiểm do tình trạng bệnh thường nặng hơn lần đầu.

Bệnh cảnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường và phức tạp, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Ước tính có khoảng 10%-30% số người mắc bệnh sốt xuất huyết nặng phải nhập viện mỗi năm. 

Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu.

Người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ gây nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, sốt xuất huyết có thể gây biến chứng xuất huyết võng mạc, xuất huyết trong dịch kính, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa.

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc, những trường hợp nặng phải điều trị với chi phí rất tốn kém, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội.

Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ngoài việc giảm bớt các triệu chứng và chưa có vắc-xin tại Việt Nam. Trong khi đó, biện pháp kiểm soát nguồn lây còn gặp nhiều khó khăn do ý thức phòng chống bệnh của người dân còn hạn chế, nguồn lực phòng ngừa không ổn định, địa bàn dân cư rộng khó kiểm soát, xử lý giám sát…

Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 90.000 ca mắc sốt xuất huyết, 26 ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, gần 2 tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh.

Tuần đầu tháng 10 Hà Nội có thêm gần 2.600 ca mắc, tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9. Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có khoảng 18.000 ca, tăng gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái, ít nhất 3 ca tử vong.

Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm nay chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây.

Cảnh báo diễn biến nặng của người mắc sốt xuất huyết
Theo chuyên gia, một điểm chung của các ca tử vong do sốt xuất huyết năm nay là đều nhập viện muộn, có dấu hiệu cảnh báo nặng, sốc, suy đa nội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư