Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Cảnh báo diễn biến nặng của người mắc sốt xuất huyết
D.Ngân - 06/10/2023 15:55
 
Theo chuyên gia, một điểm chung của các ca tử vong do sốt xuất huyết năm nay là đều nhập viện muộn, có dấu hiệu cảnh báo nặng, sốc, suy đa nội tạng, chảy máu và diễn biến bệnh rất nhanh.

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết Hà Nội đã có 6 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó 3 ca mới, hầu hết là người trẻ. 

Nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn tiến nặng.

Đáng lưu ý, nhiều trường hợp ở độ tuổi 30-35 tuổi, thậm chí rất trẻ (22 tuổi), không có bệnh nền. Các bác sĩ tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, vừa qua cơ sở đã tiếp nhận một số trường hợp chuyển nặng do tuyến dưới chẩn đoán sai dẫn đến điều trị sai.

Chẳng hạn, lẽ ra phải truyền dịch cao phân tử thì lại cho truyền dịch bình thường, hoặc bệnh đang ở giai đoạn tái hấp thu phải ngừng truyền dịch thì vẫn tiếp tục truyền.

Để giảm tử vong do sốt xuất huyết, tuyến dưới cần chú ý hơn công tác phân loại bệnh nhân, cập nhật công tác chẩn đoán, điều trị theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế.

Theo bác sĩ Cường, dịch sốt xuất huyết năm nay ở khu vực Hà Nội tăng cả số ca bệnh nặng và số ca tử vong. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng, cơ sở về việc virus tăng độc tính.

Điểm bất thường là năm 2022 Hà Nội đã xảy ra dịch sốt xuất huyết năm nay lại tiếp tục bùng dịch, tức là không theo chu kỳ khoảng 5 năm như trước. Đây là điều hiếm gặp, cho thấy công tác phòng, chống dịch cần phải chủ động, tăng cường hơn.

Theo Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, với sốt xuất huyết, những ngày đầu có thể bị sốt cao nhưng chưa đáng lo. Tới khoảng 4-5 ngày sau, bệnh nhân hết sốt, tưởng là khỏi nhưng thực tế đang chuyển sang giai đoạn thoát huyết tương, cô đặc máu.

Chưa kể, có trường hợp sốt xuất huyết nhưng không sốt mà âm thầm chảy máu, chảy máu nội tạng, cô đặc máu, thoát dịch… rất khó phát hiện.

Bác sĩ Cường lưu ý các gia đình vào cao điểm dịch như hiện nay, khi người thân có dấu hiệu sốt cần nghĩ ngay đến khả năng sốt xuất huyết, theo dõi kỹ diễn biến.

Từ ngày thứ tư trở đi, nếu thấy mệt mỏi, đau bụng, chân tay lạnh, ra máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, đi ngoài ra máu, chán ăn... cần đến ngay bệnh viện để theo dõi, điều trị.

Không phải tất cả ca bệnh sốt xuất huyết đều có thể chuyển nặng, nhưng chỉ cần 10% trong số đó thì đã áp lực rất lớn. Vì vậy, vào mùa dịch này, các cơ sở y tế cần chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng để kịp thời cứu chữa đúng phác đồ với các ca nhập viện, không diễn biến nặng hơn hoặc tử vong..

Về công tác điều trị sốt xuất huyết, vấn đề lớn nhất lúc này là nỗi lo thiếu thuốc, vật tư, dịch truyền, dung dịch cao phân tử, các chế phẩm của máu như hồng cầu, tiểu cầu, rồi thiết bị hồi sức, kít xét nghiệm…

Ngoài ra, nhân lực chuyên ngành truyền nhiễm sau hai năm chống dịch-19 cũng bị mỏng đi nhiều, cần nâng cao cả về số lượng, chất lượng cũng như chế độ đãi ngộ.

Còn trong điều kiện hiện tại, các cơ sở y tế cần lưu ý sốt xuất huyết khi đã chuyển nặng thì diễn biến xấu rất nhanh.

Vì vậy, cần tăng cường sàng lọc, phân loại sớm bệnh nhân. Trường hợp nào có dấu hiệu mệt nặng thì đưa vào điều trị tích cực ngay. Tránh để bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải xếp hàng lâu đợi xét nghiệm, trả kết quả.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh muỗi đốt. Bởi những ai đã mắc phải sốt xuất huyết đều cảm thấy sởn gai ốc trước căn bệnh này, bởi nó gây tác hại lớn tới sức khỏe. Có người mắc bệnh, do chủ quan, đã dẫn tới hậu quả lớn.

Chẳng hạn, một người đàn ông 40 tuổi ở Hà Nội bị sốt cao, đau đầu dữ dội do sốt xuất huyết, song tự mua thuốc điều trị tại nhà, khi nhập viện đã tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân trên nhập viện khi các triệu chứng sốt, đau đầu không thuyên giảm, dù tự uống thuốc 4 ngày, kèm chảy máu cam. Anh cho biết, khu vực gia đình sinh sống hiện là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Hà Nội.

Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Bác sĩ nhận định, tình trạng rất nguy hiểm, cần nhập viện gấp để truyền máu và theo dõi sát sao.

Các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.

Về phía cơ quan quản lý, để phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND về việc thực hiện đợt cao điểm truyền thông về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2023.

Theo đó, thời gian đợt cao điểm truyền thông là trong tháng 10/2023 với các nội dung chính như tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch bệnh;

Những thông tin cần biết về bệnh sốt xuất huyết, tính chất nguy hiểm và nguy cơ tử vong của bệnh sốt xuất huyết, các triệu chứng của bệnh, sự cần thiết điều trị kịp thời để giảm nguy cơ tử vong, những việc cần làm ngay khi mắc bệnh;

Thông tin công khai diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương; Các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết của chính quyền từ Thành phố đến cơ sở; nỗ lực của ngành y tế Thành phố trong phòng dịch và điều trị các ca bệnh;

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông cảnh báo các trường hợp chủ quan, lơ là, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người dân hoặc làm dịch bệnh lây lan.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư