Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 25/11: Quỹ Bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các bệnh viện hơn 7.000 tỷ đồng
D.Ngân - 25/11/2023 09:48
 
Thống kê sơ bộ của Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tổng số tiền chi phí khám, chữa bệnh vượt trần mà Quỹ Bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các bệnh viện hơn 7.000 tỷ đồng.

Quỹ Bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các bệnh viện hơn 7.000 tỷ đồng

Thống kê sơ bộ của Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tổng số tiền chi phí khám, chữa bệnh vượt trần mà Quỹ Bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các bệnh viện hơn 7.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo một số sở y tế, bệnh viện chia sẻ, do chậm thanh toán số tiền vượt trần, cho nên dẫn đến tình trạng các bệnh viện thiếu tiền mua sắm vật tư, chậm trễ chi trả gói thầu y tế, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.

Khoản này gồm các chi phí liên quan giá dịch vụ y tế, chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu (chưa được tính vào giá dịch vụ) đã sử dụng cho người bệnh.

Lý giải về sự chậm thanh toán khoản chi phí vượt trần cho các cơ sở y tế, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Theo Nghị định này, trên cơ sở dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, bảo hiểm xã hội Công an nhân dân để thông báo số dự kiến chi tới cơ sở khám, chữa bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh lập kế hoạch sử dụng kinh phí trong năm theo số được thông báo.

Theo quy định mới, các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y té trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định sẽ thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế. Cơ chế thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế… sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành.

Ông Lê Văn Phúc khẳng định, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không nợ chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các cơ sở y tế.

Con số hơn 7.000 tỷ đồng vượt tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và chưa được quyết toán là do chưa đủ căn cứ pháp lý.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố rà soát, tổng hợp, đánh giá, giám định để tiến hành thanh toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang đôn đốc thực hiện, bảo đảm đến hết năm 2023 sẽ thực hiện thanh toán theo quy định.

Thực tế, tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế luôn có xu hướng năm sau cao hơn năm trước (trừ giai đoạn đặc thù có dịch Covid-19, mọi hoạt động kinh tế-xã hội, đời sống của người dân không theo quy luật thông thường).

Trong các chi phí vượt tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được quyết toán thời gian qua, có nhiều cơ sở y tế chưa thuyết trình được các nguyên nhân khách quan, phù hợp.

Có cơ sở y tế xuất hiện tình trạng kéo dài ngày điều trị, gia tăng chỉ định dịch vụ kỹ thuật, gia tăng sử dụng thuốc trên cùng một bệnh… mà không thuyết minh được lý do gia tăng, hoặc chưa cung cấp được lý do gia tăng…

Với khoản vượt nhưng không nằm trong dự toán sẽ báo cáo lại cấp có thẩm quyền để xin chủ trương. Việc thanh toán thực hiện từ đầu tháng 12 khi nghị định có hiệu lực.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, nguồn quỹ bảo hiểm y tế có hạn. Việc bãi bỏ quy định tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ tạo ra nhiều thách thức mới trong kiểm soát gia tăng chi phí, phòng chống ngăn chặn lạm dụng trục lợi quỹ.

Cơ quan này đề nghị Bộ Y tế tăng trách nhiệm trong chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tuân thủ quy định trong mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế; rà soát xác minh các chi phí khám, chữa bệnh tăng cao để điều chỉnh cho phù hợp.

Kết hợp Đông-Tây y điều trị các bệnh lý trực tràng

Báo cáo công tác nhiệm kỳ IV (2017-20230) cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 nhưng các thầy thuốc chuyên ngành hậu môn trực tràng của Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp chăm lo sức khỏe nhân dân.

Các thầy thuốc chuyên ngành hậu môn trực tràng của Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp chăm lo sức khỏe nhân dân.

Đáng chú ý, tại các bệnh viện đầu ngành đã triển khai được những kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Có thể nói rằng chuyên ngành hậu môn trực tràng Việt Nam đang bắt kịp được với hầu hết những kỹ thuật mới nhất của thế giới, đồng thời việc kết hợp Đông-Tây y đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Đại hội đã bầu PGS,TS Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc học viện Y học cổ truyền Việt Nam làm chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam nhiệm kỳ V (2023-2028).

Tại Hội nghị khoa học, các chuyên gia đầu ngành đã cập nhật xu thế phát triển, các ứng dụng khoa học công nghệ trong từng chuyên ngành y học cơ sở và chuyên khoa lâm sàng mang đến những giải pháp nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực hành khám chữa bệnh của cho hội viên.

Các lớp huấn luyện chuyên khoa sâu cũng như cập nhật và điều chỉnh một số điểm cơ bản về công tác khám, chẩn đoán, chữa bệnh, thủ thuật và phẫu thuật được tổ chức tại các viện, bệnh viện lớn, như: Y học cổ truyền trung ương, Hữu nghị Việt Đức, 103, 108, Y Dược TP.HCM, Đại học Y Hà nội…

Đến nay, hiểu biết của các thầy thuốc cũng như của nhân dân đã được nâng lên một bước, nhiều người đã biết phòng bệnh, chữa bệnh sớm.

Tình trạng bệnh để lâu quá mới chữa, dùng các phương pháp chữa bệnh lạc hậu… đã giảm nhiều, trong khi các phương pháp tiên tiến cũng như các thuốc cập nhật thường xuyên.

Đây là một bệnh lý khá thường gặp ở trực tràng không phân biệt đối tượng, độ tuổi hay giới tính người bệnh. Bệnh là do trực tràng bị tổn thương và viêm loét xuất hiện ở niêm mạc của bộ phận này.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do lối sống không lành mạnh, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn ít chất xơ, trong thời gian dài. Ngoài ra cũng có nguyên nhân do vi khuẩn lậu, bệnh lây truyền qua đường tình dục,…

Bệnh lý này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Bất kỳ bệnh lý nào liên quan đến trực tràng đều có thể gây ra những nguy hại khôn lường đối với sức khỏe đến không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Do vậy, cần phải nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường để biết được nguy cơ tiềm ẩn bệnh lý trong cơ thể.

Những dấu hiệu sau cảnh báo trực tràng đang gặp vấn đề như thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa. Hay bị đầy bụng và có cảm giác chán ăn. Sút cân nhanh và bất thường. Đi ngoài khó khăn, phân nhỏ, đại tiện ra máu. Thường xuyên táo bón, đau dạ dày, mệt mỏi và căng thẳng,…

Nhằm phòng tránh các căn bệnh liên quan đến trực tràng, nhất là ung thư trực tràng, phương pháp phổ biến nhất là thực hiện nội soi trực tràng khi thấy có dấu hiệu bất thường.

Thủ thuật nội soi giúp phát hiện nhanh các bất thường trong trực tràng, nhất là khối u, polyp, viêm loét, tổn thương,.. Trong nhiều trường hợp cần thiết khi phát hiện khối u, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu sinh thiết để phát hiện khả năng ung thư trực tràng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư