Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 28/5: Đậu mùa khỉ lan nhanh, WHO yêu cầu tăng giám sát
D.Ngân - 28/05/2022 12:36
 
Đậu mùa khỉ lan nhanh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát.
Đậu mùa khỉ lan nhanh, Tổ chức Y tế giới (WHO) yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát.

Ghi nhận 1.114 ca nhiễm Covid-19 trong nước

Tính từ 16h ngày 27/5 đến 16h ngày 28/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.114 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 1.114 ca ghi nhận trong nước tại 44 tỉnh, thành phố, có 987 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (-45), Đà Nẵng (-28), Nam Định (-21). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lào Cai (+21), Yên Bái (+13), Thừa Thiên Huế (+7).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.256 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.716.361 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 108.248 ca nhiễm.

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.708.603 ca, trong đó có 9.437.096 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.599.691), TP Hồ Chí Minh (609.339), Nghệ An (484.482), Bắc Giang (387.564), Bình Dương (383.771).

8.463 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 9.439.913 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 189 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 126 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 27 ca; thở máy không xâm lấn: 3 ca; thở máy xâm lấn: 27 ca; ECMO: 6 ca.

Từ 17h30 ngày 27/5 đến 17h30 ngày 28/5 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.078 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.509.038 mẫu tương đương 85.816.124 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 220.635.110 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 199.057.240 liều: Mũi 1 là 71.464.865 liều; Mũi 2 là 68.756.815 liều; Mũi 3 là 1.507.014 liều; Mũi bổ sung là 15.053.674 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 42.087.306 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 187.566 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.457.857 liều: Mũi 1 là 8.934.175 liều; Mũi 2 là 8.523.682 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 4.120.013 liều: Mũi 1 là 3.899.559 liều; Mũi 2 là 220.454 liều.

Hà Nội có 285 ca Covid-19

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua, thành phố đã ghi nhận 285 ca mắc Covid-19: 110 ca cộng đồng; 175 ca đã cách ly.

Bệnh nhân phân bố tại 113 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (23); Hà Đông (22); Hoàng Mai (22); Đống Đa (19); Nam Từ Liêm (18).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.600.477 ca.

Trên địa bàn thành phố còn gần 81.600 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 98 ca điều trị tại bệnh viện và hơn 81.400 ca theo dõi tại nhà.

Tính đến hết ngày 25/5, toàn thành phố đã tiêm được hơn 18,4 triệu mũi; trong đó, mũi 1 đạt 98,9%; mũi 2 đạt 96,4%; mũi bổ sung đạt 100%; mũi nhắc lại đạt 95,6%.

Đối với tiêm vắc-xin cho trẻ em, tính từ chiều 16/4 đến nay, thành phố đã triển khai tiêm mũi 1 cho 170.770 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đạt 100% và mũi 2 đạt 99,9%.

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra hơn 20 nước

WHO ngày 26/5 thông báo bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra hơn 20 nước, đồng thời hối thúc các quốc gia tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm này trong bối cảnh các đợt bùng phát gia tăng.

Theo bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, khoảng 200 ca mắc và hơn 100 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện bên ngoài các quốc gia mà bệnh này thường xuất hiện. 

Dù dự báo sẽ có thêm nhiều ca bệnh được báo cáo khi công tác giám sát được mở rộng, song bà Kerkhove cho rằng, đợt lây nhiễm hiện nay có thể nằm trong tầm kiểm soát. 

Các nhà chức trách y tế tại châu Âu, Anh và Mỹ cho biết, phần lớn người bệnh là người đồng tính nam hoặc lưỡng tính; trong nhiều trường hợp, virus lây qua đường tình dục. 

Tuy nhiên, các quan chức nhấn mạnh bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan cho bất kỳ ai thông qua tiếp xúc gần bất kể khuynh hướng tính dục. 

Tại Việt Nam, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.

Theo CDC Hoa Kỳ, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu được phát hiện vào năm 1958. Ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Từ đó, các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên người tại các quốc gia Trung và Tây Phi.

Cũng theo tổ chức này, đậu mùa khỉ là bệnh do virus truyền từ động vật sang người. Biểu hiện của bệnh tương tự nhưng nhẹ hơn so với bệnh đậu mùa. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ và kiệt sức.

Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của 2 bệnh là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.

Thời kỳ ủ bệnh (thời gian từ lúc nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) đối với bệnh đậu mùa khỉ thường là 7-14 ngày, nhưng có thể là 5-21 ngày.

Đậu mùa khỉ hiếm khi xảy ra bên ngoài châu Phi, do vậy đợt bùng phát hiện nay ở châu Âu đang gây lo ngại. Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng, đợt bùng phát có thể tiến triển thành đại dịch như Covid-19.

Phân bổ vắc-xin Covid-19 Pfizer tiêm cho trẻ em

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa có quyết định phân bổ 2.445.900 liều vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi do Chính phủ Australia viện trợ. Như vậy, đến nay đã phân bổ hơn 7 triệu liều vắc-xin tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.

Đây là đợt phân bổ vắc-xin Covid-19 thứ 148 tính từ tháng 3/2021 đến nay. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu các đơn vị sau khi tiếp nhận, tổ chức tiêm ngay số vắc-xin được phân bổ. 

Vắc-xin phòng Pfizer được phân bổ trong đợt này đóng lọ 10 liều, sau khi pha loãng mỗi liều 0,2ml. Vắc-xin có hạn sử dụng trên nhãn lọ là 30/9/2022.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận: 9.669.100 liều vắc-xin phòng Covid-19 Moderna và Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. 

Theo Bộ Y tế, qua thống kê, cả nước có khoảng trên 11,8 triệu trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tuy nhiên do khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc Covid-19 nên số trẻ này sẽ được tiêm khoảng từ tháng 7 - 8/2022 (hướng dẫn của Bộ Y tế trẻ đã mắc Covid-19 tiêm đó 3 tháng). 

Số trẻ còn lại khoảng 8,2 triệu bắt đầu tiêm từ ngày 14/4/2022. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm cho trẻ ở độ tuổi này. sau đó, TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác lần lượt tiến hành tiêm cho trẻ.

Công tác tiêm chủng cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế. Do đó, thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục đôn đốc, nhắc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm. Cùng đó cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn tiêm vắc-xin đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Hướng dẫn biện pháp khắc phục vấn đề về giọng nói và ho dai dẳng sau mắc Covid-19

Theo Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19 (còn gọi là hậu Covid-19) của Bộ Y tế, Covid-19 có thể gây đau họng, ho khó chịu và cảm giác chất nhầy đọng lại trong cổ họng, do đó, người mắc Covid-19 cảm thấy cần phải hắng giọng thường xuyên.

Bộ Y tế đưa ra các lời khuyên cho các vấn đề với giọng nói như cố gắng uống đủ nước. Nhấp nước thường xuyên, liên tục trong ngày để giữ cho dây thanh âm của bạn mềm mại, đảm bảo hoạt động của dây thanh âm.

Không căng giọng, cao giọng hoặc la hét vì điều này có thể làm căng dây thanh quản của bạn. Không thì thầm vì điều này có thể làm trùng dây thanh quản của bạn làm giọng nói không bình thường.

Xông hơi nước (trùm khăn lên đầu và hít vào với hơi nước từ bát nước sôi) trong 10-15 phút có thể giúp cấp ẩm cho đường thanh âm.

Trào ngược dạ dày dễ làm cho họng bị rát, khó chịu gây ảnh hưởng dây thanh âm, giọng nói thay đổi, vì vậy bạn nên tránh các loại thức ăn khó tiêu, tránh ăn khuya.

Bỏ hút thuốc lá; không uống rượu.

Sử dụng các cách giao tiếp khác, chẳng hạn như viết, nhắn tin hoặc sử dụng cử chỉ, nếu việc nói chuyện khó khăn hoặc không thoải mái.

Lời khuyên khi bị ho dai dẳng

Thử thở bằng mũi thay vì miệng để tránh kích thích niêm mạc họng, niêm mạc miệng gây ho.

Thử ngậm đồ ngọt đun sôi (ít đường)

Thử "Bài tập ngừng ho". Khi cảm thấy muốn ho, hãy ngậm miệng và dùng tay che lại (làm dịu cơn ho). Đồng thời, tự nuốt cơn ho. Dừng thở - tạm dừng. Khi bạn bắt đầu thở lại, hãy hít vào và thở ra bằng mũi một cách nhẹ nhàng

Nếu bị ho về đêm do trào ngược dạ dày, hãy thử nằm nghiêng về một bên hoặc dùng gối kê cao đầu (cổ).

Tin mới về dịch bệnh ngày 21/5: Cung ứng đủ vắc-xin phòng Covid-19 tiêm mũi 4
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu cơ sở tiêm chủng khẩn trương hoàn thành tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho đối tượng trên 18...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư