Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 29/8: Việt Nam tỷ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia
D.Ngân - 29/08/2023 11:08
 
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỷ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia.

Tỷ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185

Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Hiện có hơn 350.000 người Việt Nam đang sống với bệnh ung thư.

Ảnh minh hoạ.

Tại một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu, cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010 - 2020, tỷ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ vừa ban hành Quyết định 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023, cập nhật lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó mục tiêu giảm 20 - 25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tích cực tham gia và thúc đẩy triển khai mạnh mẽ các hoạt động trong khuôn khổ các chiến lược toàn cầu. Đặc biệt đối với những bệnh ung thư có thể dự phòng, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến giáp.

Theo chuyên gia, các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tiền liệt tuyến và khoang miệng.

Ở nữ giới các loại ung thư phổ biến nhất gồm: vú, đại trực tràng, phế quản phổi, cổ tử cung, dạ dày, giáp trạng, gan, buồng trứng, hạch và máu.

Cảnh báo ngộ độc rượu do methanol

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho hai nạn nhân nữ bị ngộ độc Methanol sau khi uống rượu.

Cụ thể, tối 27/8, chị T.B.X (33 tuổi, ngụ Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) và Q.T.M (23 tuổi, ngụ xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau) được đưa vào Bệnh viện điều trị trong tình trạng nôn ói, mệt, mờ mắt...

Theo người nhà, hai nạn nhân T.B.X và Q.T.M là dì cháu. Trước thời điểm nhập viện một ngày, cả hai có nhậu cùng 2 người bạn khác tại nhà của Q.T.M.

Tuy nhiên, hai người kia đều uống bia nên tình trạng sức khỏe bình thường. Riêng, hai dì cháu uống rượu, sau đó, xuất hiện triệu chứng như đã nêu trên nên người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Cũng theo lời người nhà hai nạn nhân, loại rượu cả hai cùng uống được mang về từ nơi khác, không phải mua từ địa phương.

Bác sỹ Mã Nhơn Khiêm, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết, hai người đều được xác định bị ngộ độc Methanol.

Tình trạng sức khỏe nạn nhân Q.T.M khả quan hơn nhưng vẫn đang phải thở máy. Trong khi đó, tình trạng của nạn nhân T.B.X rất nặng, đang thở máy, huyết áp khó đo được… Bệnh viện đang tích cực điều trị, theo dõi sức khỏe hai trường hợp này.

Cũng về ngộ độc rượu, trước đó, ngày 22/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết đang nỗ lực điều trị 2 trường hợp nguy kịch trong vụ ngộ độc rượu tại địa phương. Liên quan vụ ngộ độc này, một nạn nhân khác đã tử vong.

Vào ngày 20/8, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang tiếp nhận ba bệnh nhân gồm: N.H.T. (SN 1984), N.T.H. (SN 1979) và H.V.L. (SN 1980, cùng ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang).

Ba bệnh nhân trên nhập viện trong tình trạng sùi bọt mép, tím tái người, suy hô hấp. Các bệnh nhân được chẩn đoán 3 bị ngộ độc rượu, nghi là methanol.

Đến sáng 22/8, bệnh nhân N.H.T. có biểu hiện tụt huyết áp nặng, khó phục hồi, hôn mê sâu nên người thân đã xin đưa về nhà lo hậu sự.

Hiện, 2 bệnh nhân còn lại vẫn còn trong tình trạng nguy kịch, được bệnh viện tiếp tục theo dõi sức khoẻ.

Theo chuyên gia, methanol có nhiều tên gọi khác nhau. Mỗi sản phẩm hoặc địa chỉ có chứa methanol lại có thể đề tên gọi khác, dẫn tới người sử dụng hoặc người tiếp xúc nhầm lẫn hoặc bỏ qua. Methanol có thể xuất hiện trên nhiều mặt hàng, vật dụng trong cuộc sống với các tên gọi khác nhau như Alcohol methylique, Methyl alcohol, Methyl hydrate, Methyl hydroxide, Wood alcohol, Wood spirit, CH3-OH…

Ở các nước phát triển, các sản phẩm methanol dùng trong gia dụng được cho thêm chất màu xanh nước biển để dễ nhận biết. Methanol cũng tồn tại ở các sản phẩm cồn khô dùng làm nhiên liệu. Methanol dễ dàng bay hơi ở nhiệt độ phòng và có thể gây nhiễm độc qua đường hô hấp.

Methanol xâm nhập vào cơ thể dễ dàng qua da, đường hô hấp, tiêu hóa. Tất cả các loại khẩu trang, mặt nạ phòng độc đơn thuần, găng tay thấm nước đều không có tác dụng ngăn cản hoặc lọc được methanol.

Thực tế, methanol là hóa chất được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, từ công nghiệp đến gia dụng, từ sản phẩm chính thức đến các sản phẩm phi pháp, sản phẩm giả.

Do lượng methanol rất nhiều, dễ bị tuồn ra ngoài và được bán với giá rất rẻ, nên cồn methanol rất dễ bị kẻ xấu dùng thay cho ethanol, dẫn tới nhiều sản phẩm ethanol có nguy cơ bị làm giả, gây ngộ độc/nhiễm độc cho người sử dụng.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã nhiều lần cảnh báo về hóa chất methanol chưa được kiểm soát tốt, bị “tuồn” ra ngoài vào tay kẻ xấu hoặc nhiều nhà sản xuất không chính đáng đóng thành các loại rượu rởm, pha thành nhiều loại cồt sát trùng, cồn y tế rởm bán ở một số hiệu thuốc, khiến người tiêu dùng lầm tưởng mua về sử dụng, kết quả là gây ra tử vong, ngộ độc.

Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, theo chuyên gia, đầu tiên là khâu quản lý hóa chất. Đồng thời mong muốn các cơ quan quản lý không để cồn công nghiệp được phép bán tại hiệu thuốc, mà chỉ nên bán tại quầy hóa chất tẩy rửa, hoặc cửa hàng hóa chất để tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng.

Tử vong do ngộ độc rượu chứa Methanol
Chiều 2/2, theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, tại Trung tâm Chống độc đã có bệnh nhân tử vong do ngộ độc rượu chứa Methanol.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư