Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 3/10: Hà Nội tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; Bệnh đau mắt đỏ gia tăng
D.Ngân - 03/10/2022 08:58
 
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký, ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn.

Hà Nội: Tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue

Công điện yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, tuyệt đối không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Yêu cầu các quận, huyện, thị xã đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch qua số lượng người bệnh và kết quả xử lý các ca bệnh, ổ dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sốt xuất huyết của địa phương theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động bố trí kinh phí, cơ số vật tư tiêu hao, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại địa phương.

Ảnh minh hoạ

Các địa phương kiện toàn các tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế; tổ chức hoạt động của các tổ giám sát, đội xung kích một cách thực chất, hiệu quả theo chức năng nhiệm vụ được phân công;

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng... trên địa bàn.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue bằng các hình thức khác nhau, trong đó tập trung vào các thông tin, khuyến cáo về phòng chống dịch như vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phòng chống muỗi đốt...

Hướng dẫn nhận biết sớm các triệu chứng mắc bệnh để người dân chủ động tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế,... và các nội dung chi tiết, cụ thể về hoạt động việc xử lý ổ dịch tại các khu vực có ca bệnh.

Sở Y tế tiếp tục tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tốt việc khám bệnh, phân độ, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, các tuyến điều trị, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong;

Bảo đảm đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch và thu dung điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách phù hợp để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue;

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại các cơ sở giáo dục; phát huy vai trò của nhà trường với giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trong các cơ sở giáo dục cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng.

Cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nam Á Cường Thận của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu thực phẩm chức năng Asean, (địa chỉ: Số 33, ngõ 30 đường nhánh 422, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) chứa chất cấm Sildenafil và Tadanafil.

Ngày 12/9/2022 Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Quyết định số 98/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất và XNK thực phẩm chức năng Asean về hành vi vi phạm: “Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 5.000.000 đồng”, mức tiền phạt: 90.0000.000 đồng;

Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nam Á Cường Thận số 4984/2019/ĐKSP ngày 10/5/2019 do Cục An toàn thực phẩm cấp cho Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu thực phẩm chức năng Asean trong thời gian 14 tháng, thời hạn thực hiện hình thức xử phạt bổ sung từ ngày 12/9/2022.

Tiếp nhận thông tin từ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ngày 29/9/2022 Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 2446/ATTP-PCTTR gửi Sở Y tế: Bình Thuận, Thái Nguyên, Bắc Kạn; Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra, giám sát trên địa bàn đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nam Á Cường Thận sản xuất trong thời gian tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4984/2019/ĐKSP ngày 10/5/2019.

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thông tin nêu trên, trường hợp phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nam Á Cường Thận sản xuất trong thời gian tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4984/2019/ĐKSP ngày 10/5/2019 (từ ngày 12/9/2022 đến ngày 12/11/2023) đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hải Dương: Bệnh đau mắt đỏ gia tăng

Theo Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh Hải Dương, hơn 1 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện có gần 20 người đến khám và điều trị liên quan tới bệnh viêm kết mạc, trong đó, trẻ nhỏ chiếm 40%.

Những trường hợp đến khám thường đã điều trị tại nhà hoặc có biến chứng. Một số gia đình có nhiều người cùng mắc. Nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh đường hô hấp kèm viêm kết mạc. Một số biến chứng có giả mạc, viêm giác mạc gây ngứa khiến trẻ hay dụi mắt, mắt đỏ nhiều.

Theo bác sĩ phòng khám bệnh viện, thông thường vào cuối mùa thu, thời tiết giao mùa là thời điểm thích hợp cho bệnh viêm kết mạc vào mùa. Năm nay, bệnh do virus Adeno có nguy cơ gia tăng gây bệnh lý viêm kết mạc ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Bệnh viêm kết mạc có nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó chủ yếu là do virus Adeno, tiếp đến do vi khuẩn tụ cầu, haemophilus influenzae lây qua tiếp xúc dịch tiết và dị ứng bụi...

Bác sĩ khuyến cáo người dân nên sử dụng vật dụng cá nhân riêng, kịp thời đến cơ sở y tế nếu có triệu chứng của bệnh...

TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết nặng tăng 7 lần so với năm 2021

 Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15-9-2022 là 56.000 ca, tăng 66,5% so với cùng kỳ (4.683 ca); số ca tử vong là 21 ca, tăng 5 ca so với cùng kỳ. Số ca nặng tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ.

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Vì vậy, việc phát hiện sớm sốt xuất huyết giúp cho bác sĩ theo dõi được quá trình bệnh theo từng ngày và có những biện pháp xử lý thích hợp.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư