Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Dịch sốt xuất huyết tăng đột biến, phát hiện thêm chủng mới
D.Ngân - 21/09/2022 18:58
 
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, trong tuần 37 cả nước ghi nhận 10.423 trường hợp mắc, 2 tử vong tại Đồng Nai, Lâm Đồng.

So với tuần 36 số mắc tăng 6,6% (9.781/3), số nhập viện tăng 5,3% (7.723/3). Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc, 87 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (48.753/19) số mắc tăng 4,3 lần, tử vong tăng 68 trường hợp. 

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, trong tuần 37 cả nước ghi nhận 10.423 trường hợp mắc, 2 tử vong tại Đồng Nai, Lâm Đồng.

Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc tại Hà Nội đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9-16/9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 760 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 38,9% so với tuần trước) và có 1 ca tử vong. 

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng lo ngại, Hà Nội đã có 4 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. 

Ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện thêm chủng virus Dengue 4. 

Tại Hà Nội hiện còn 118 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó, 2 ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân là ổ dịch thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (có 55 bệnh nhân) và ổ dịch thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (có 56 bệnh nhân).

CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. 

Theo các bác sĩ của Bệnh viện E trong khoảng vài tuần gần đây, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị tăng lên đột biến. 

Bác sĩ Vũ Phương Nga, Khoa Bệnh Nhiệt đới cho hay, mỗi ngày phòng khám tại đây tiếp nhận 40- 50 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong khoa có khoảng 60 bệnh nhân đang điều trị nội trú mà hơn một nửa là bệnh nhân sốt xuất huyết. 

Bác sĩ Nga cũng cho hay bệnh nhân sốt xuất huyết nặng cũng khá nhiều, chủ yếu do tiểu cầu của bệnh nhân ở mức quá thấp, bên cạnh đó cũng ghi nhận các ca bệnh hạ huyết áp trong trường hợp sốt xuất huyết.

Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết, thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Phụ trách điều hành khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết, theo chu kỳ dịch, cao điểm dịch trước rơi vào năm 2017, theo chu kỳ 5 năm, dịch sẽ lại bùng phát. 

Trong các năm vừa qua, năm nào cũng có dịch sốt xuất huyết nhưng năm nay, cao điểm dịch lại xảy ra, từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều vụ dịch tại cả phía Bắc và phía Nam. Cuối tháng 7 dương lịch và kéo dài đến khoảng tháng 1 sang năm. 

Theo thống kê, lượng bệnh nhân tăng so với năm ngoái từ 1,5 đến 2 lần. Hiện dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội cũng tăng lên theo xu hướng đó. 

Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, thời gian vừa qua tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến khám và phải nhập viện điều trị trong đó có không ít bệnh nhân nặng.

Còn theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát và diễn biến rất phức tạp ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. 

Vì vậy, cha mẹ trẻ cần quan tâm, chăm sóc trẻ tốt nhất giúp trẻ sớm phát hiện và vượt qua giai đoạn bệnh nguy hiểm. Đối với trẻ mắc sốt xuất huyết Dengue, triệu chứng điển hình là sốt nên dễ nhầm lẫn với các bệnh do virus thông thường.

Kèm theo đó, trẻ có đau đầu, mỏi người, phát ban, chảy máu cam, chân răng và đi ngoài phân đen tùy theo từng giai đoạn của bệnh.

Giai đoạn đầu: Trẻ thường chỉ có biểu hiện sốt cao 39 - 40 độ liên tục trong 2 - 3 ngày đầu kèm đau đầu, mỏi người.

Giai đoạn nguy hiểm: Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, trẻ sẽ có biểu hiện bứt rứt, khó chịu, quấy khóc. Có thể kèm theo đau bụng, buồn nôn, chảy máu cam, chân răng, đi ngoài ra máu, phân đen, xuất huyết dưới da… Trẻ có thể có rối loạn huyết động và tiểu cầu giảm thấp.

Giai đoạn phục hồi: Trẻ hết sốt, tiểu nhiều, huyết động ổn định, bắt đầu có cảm giác thèm ăn, xét nghiệm tiểu cầu tăng dần.

Sốt xuất huyết nếu không được theo dõi và điều trị phù hợp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. 

Trẻ có thể hết sốt từ ngày thứ 3 nhưng nếu không phát hiện các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như ngủ nhiều, li bì, tiểu ít, quấy khóc bứt rứt, nôn, đau bụng, chảy máu cam, chân răng, nôn máu, đi ngoài phân đen, máu kinh ra nhiều.. có thể khiến trẻ nhanh chóng rơi vào tình trạng nặng, có biến chứng và nguy cơ tử vong. Vì vậy việc chăm sóc và theo dõi sát sao trẻ là rất quan trọng.

Về phía Bộ Y tế, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. 

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái. Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. 

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. 

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. 

Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. 

Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. 

Người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư