Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 31/12: Tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023
D.Ngân - 31/12/2022 09:30
 
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ra chỉ thị các đơn vị ngành y tế tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023.

Tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023

Chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành cần xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2023; phân công trực 24/24 giờ đối với Lãnh đạo đơn vị, nhân viên bảo đảm khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, các điều kiện cần thiết để các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhất là tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Sẵn sàng công tác thường trực y tế phục vụ Tết tại Bệnh viện Bãi Cháy. Nguồn: Bệnh viện Bãi Cháy

Thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch và cán bộ y tế công tác tại đơn vị.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an triển khai các phương án bảo đảm công tác an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm, phòng chống cháy nổ và vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế; khẩn trương trở lại làm việc bình thường sau ngày nghỉ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giám sát dịch bệnh. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên Đán năm 2023 trên địa bàn để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác y tế trong dịp Tết.

Phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm kế hoạch đề ra theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm; tăng cường giám sát tại cửa khẩu, các chuyến bay, đoàn tàu, các khu dịch vụ của Cảng hàng không, nhà ga, bến xe, khu vực công cộng khác và trong các cơ sở y tế để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.

Phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết; chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian nghỉ Tết.

Về công tác khám, chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn, rà soát, thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện.

Đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới; củng cố năng lực vận chuyển cấp cứu, chuyển tuyến người bệnh từ cộng đồng, bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên và giữa các bệnh viện trên địa bàn;

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết trong hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa; Có phương án bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, pháo nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.

Quán triệt nhân viên y tế thực hiện tốt nội quy, quy định của bệnh viện, nâng cao ý thức phục vụ, văn hóa ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị; Thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách.

Chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân có kế hoạch phối hợp với cơ sở y tế công lập trên địa bàn tham gia triển khai công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2023; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia phối hợp hoạt động khi có yêu cầu.

Vận động, huy động nguồn lực hỗ trợ; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách động viên cán bộ y tế trong dịp Tết, nhất là cán bộ y tế tham gia trực Tết.

Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn...

Các bệnh không lây nhiễm vẫn đang là gánh nặng đối với cộng đồng

Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức PATH tổ chức hội thảo tổng kết Dự án "Chuyển đổi đáp ứng với bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam". 

Tại Việt Nam ước tính mỗi năm số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đa số những người tử vong do bệnh dịch Covid-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.

Bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng xuất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng.

Dự án "Chuyển đổi đáp ứng với bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam" do quỹ Access Accerelated tài trợ được triển khai từ năm 2019 - 2022 tại 120 xã, phường thuộc 8 quận, huyện trên địa bàn các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Tây Ninh nhằm hai mục tiêu chính: Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở về dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường; Tăng cường hiệu quả dịch vụ phát hiện nguy cơ, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế và tại cộng đồng.

Qua hơn 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng nhiều tài liệu đào tạo và công cụ theo hướng chuẩn hóa để nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Hơn 1.700 lượt cán bộ chuyên trách chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm tuyến huyện, tuyến xã, y tế thôn bản và cộng tác viên đã được tập huấn về chuyên môn.

Hàng loạt các trang thiết bị thiết yếu như máy đo huyết áp, máy đo và que thử đường huyết để thúc đẩy các hoạt động sàng lọc phát hiện sớm, quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường hiệu quả tại cộng đồng và tuyến y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, dự án đã khảo sát thực trạng hệ thống thông tin y tế trong quản lý bệnh không lây nhiễm, thực trạng của chuỗi cung ứng thuốc thiết yếu cho chương trình phòng chống tăng huyết áp và đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở. Qua đó, đơn vị y tế cấp tỉnh, huyện, xã đã nhận được các khuyến nghị thực tế và khả thi nhằm cải thiện chất lượng của hệ thống thông tin, hệ thống cung ứng thuốc, công tác quản lý và đáp ứng can thiệp tại tuyến y tế cơ sở đối với diễn biến của các bệnh không lây nhiễm.

Khởi động chương trình “Chủ nhật Đỏ” tại Tây Nguyên

Trường đại học Y dược Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa diễn ra chương trình “Chủ nhật Đỏ” lần thứ XV tại Tây Nguyên xuân Quý Mão 2023. Chương trình do Báo Tiền Phong phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức.

Đây là lần đầu tiên chương trình “Chủ nhật Đỏ” được tổ chức tại Trường đại học Y dược Buôn Ma Thuột với thông điệp “Hiến máu cứu người - sinh mệnh của bạn và tôi”.

Chương trình đã thu hút hơn 400 cán bộ, giảng viên, các y, bác sĩ và sinh viên, tình nguyện viên đang công tác, học tập, làm việc tại Trường đại học Y dược Buôn Ma Thuột và Bệnh viện đại học Y dược Buôn Ma Thuột tham gia hiến máu cứu người.

Theo kế hoạch, sau khi khởi động này Trường đại học Y dược Buôn Ma Thuột, chương trình “Chủ nhật Đỏ” lần thứ XV tại khu vực Tây Nguyên sẽ được tổ chức tại 3 điểm còn lại, gồm: huyện Cư M’gar ngày 5/1; Đại học Tây Nguyên ngày 8/1 và huyện Ea Kar vào ngày 11/1/2023. Mỗi điểm dự kiến tiếp nhận 500 đơn vị máu.

Đây là hoạt động tình nguyện ý nghĩa góp phần bổ sung nguồn máu dự trữ cung ứng cho các bệnh viện ở khu vực Tây Nguyên phục vụ công tác cấp cứu, cứu người trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

WHO: 5 nhiệm vụ ưu tiên cho ngành y tế các nước năm 2023
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, đại dịch Covid-19 cũng như dịch bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu đang trên đà suy yếu và tại Uganda đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư