Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 4/9: Tăng trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng, vì sao?
Dương Ngân - 04/09/2022 08:44
 
Theo thống kê, năm nay dịch sốt xuất huyết bùng phát với số ca nặng và tử vong tăng cao.

Nguyên nhân sốt xuất huyết tăng nặng

Thống kê của ngành Y tế cho thấy hiện cả nước ghi nhận 179.011 ca mắc sốt xuất huyết, 70 ca tử vong.

Cụ thể, tại TP.HCM, hiện đã có hơn 46.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021; 18 trường hợp tử vong. Trong đó có 947 ca nặng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê, năm nay dịch sốt xuất huyết bùng phát với số ca nặng và tử vong tăng cao.

Hà Nội ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong, tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.

TS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận định, năm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng ở miền Bắc xuất hiện sớm, tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so các năm trước.

Lý giải về sự bất thường này, bác sĩ Cấp cho rằng, có thể do đặc tính của chủng virus Dengue gây bệnh năm nay. 

Nguyên nhân nữa cũng có thể vì quần thể bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mắc bệnh này sau nhiễm Covid-19, có các thay đổi về miễn dịch góp phần ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân.

Bên cạnh đó, việc khó khăn của ngành Y tế, đặc biệt thiếu thuốc và nhân lực làm ảnh hưởng chất lượng điều trị.

Về đáp ứng điều trị, suốt 2 năm qua, cả hệ thống y tế tập trung vào phòng và điều trị Covid-19, đã xuất hiện tình trạng có nơi, có lúc, một số bác sĩ "quên" kiến thức về sốt xuất huyết.

Với bệnh sốt xuất huyết, quá trình cấp cứu với bệnh nhân nặng đòi hỏi sự liên tục, phải được xử lý theo dõi sát từng 20-30 phút, thậm chí 5-10 phút/lần. 

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thực hiện quy trình này tốt. Bởi vậy sau khi xử lý bệnh nhân ổn đã chuyển lên tuyến trên, nhưng nếu trên đường vận chuyển không bảo đảm được việc tiếp tục theo dõi và điều trị sâu sát thì bệnh nhân có thể tái sốc hoặc có biến chứng xảy ra ngay trên đường vận chuyển.

Theo bác sĩ Cấp, sốt xuất huyết là bệnh cấp tính, diễn biến nặng rất nhanh chóng. Từ khi có dấu hiệu cảnh báo đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lý phù hợp thì có thể chỉ vài tiếng.

Nếu xử lý ban đầu không tốt, bệnh nhân đến đã trong tình trạng sốc rất sâu hoặc suy đa phủ tạng, điều trị cực kỳ khó khăn thậm chí tử vong.

Nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau.

Ở trẻ nhỏ, thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn trong khi ít biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Ở người già và người có bệnh nền, có thể gặp biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn.

"Chẳng hạn, người loét dạ dày hành tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch thực quản. Khi mắc sốt xuất huyết nếu xảy ra xuất huyết ở những vị trí này thì việc xử lý sẽ cực kỳ khó khăn", bác sĩ Cấp dẫn chứng.

Hoặc với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu huyết áp tụt về mức bình thường như người khác thì đã là tình trạng sốc nặng đối với họ. Nếu thầy thuốc nhận định giá trị huyết áp không đúng có thể dẫn đến xử trí không phù hợp.

Theo chuyên gia sốt xuất huyết Dengu diễn biến nặng từ ngày thứ 4, 5 trở đi, không phải thấy hết sốt mà chủ quan.

Khi sốt, uống Paracetamol đơn chất, không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.

Đặc biệt, những ngày đầu của bệnh, việc truyền dịch không cần thiết, không phải cứ có chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch mà phải đúng chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt không nên tự truyền dịch tại nhà.

Từ ngày thứ 6 của bệnh là giai đoạn tái hấp thu và phục hồi, nếu truyền dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp.

Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân sốt xuất huyết rất nặng. Mỗi ngày, các bác sĩ tiếp nhận thêm 3-6 ca nặng từ tuyến dưới chuyển lên.

Đặc biệt, tuần qua, có tới 4 ca sốt xuất huyết tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do diễn biến quá trầm trọng, các biện pháp can thiệp không hiệu quả.

Chuyên gia này cũng cho rằng, 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết phản ánh một số vấn đề.

Thứ nhất, hiện nay cộng đồng đang lưu hành cả 3 bệnh gây sốt là Covid-19, cúm và sốt xuất huyết nên khi có triệu chứng sốt, nhiều người dân bị sốt không nghĩ đến sốt xuất huyết. Chỉ tới khi có diễn biến khá nặng như chảy máu, choáng, sốc thì mới vào viện.

Bên cạnh đó, có một số ít trường hợp do thầy thuốc tuyến dưới nhận định chưa thật sự chính xác, dẫn đến xử lý chưa đúng với diễn biến thực khiến bệnh nhân trở nặng, còn lại phần lớn do cơ địa bệnh nhân hoặc các bệnh nền khiến diễn biến bệnh trầm trọng lên.

60% mẫu giải trình tự gen ca Covid-19 ở các tỉnh phía Bắc nhiễm biến thể BA.5

Trong số 95 mẫu giải trình tự gen của tháng 8.2022 cho thấy có đến 60% ca Covid-19 nhiễm biến thể BA.5; có 1 mẫu nhiễm biến thể BA.2.74, còn lại là mẫu nhiễm biến thể BA.2.

Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 của 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra cho thấy từ đầu năm 2022 đến ngày 15/8, các địa phương đã ghi nhận tổng cộng 7.731.853 ca mắc Covid-19, chiếm 95% tổng số ca mắc của cả toàn bộ đợt dịch từ đầu năm đến giờ, chủ yếu cộng đồng, số nhỏ ca xâm nhập.

Đỉnh dịch rơi vào tháng 3, chiếm đến hơn 65% tổng số ca mắc, sau đó giảm sâu, liên tục. Từ tháng 7/2022 và tháng 8/2022, số mắc gia tăng nhẹ.

TS. Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, nếu tính theo tuần thì tuần 12 ghi nhận số mắc Covid-19 cao nhất, sau đó bắt đầu giảm nhanh, giảm sâu ở các tuần tiếp theo và có dấu hiệu tăng trở lại từ tuần 30 đến nay.

Về kết quả giải trình tự gen, trong số 456 mẫu được giám sát từ đầu năm thì phát hiện chủ yếu là chủng Omicron, chỉ có một số ít nhiễm chủng Delta. 

Nếu như những tháng đầu năm 2022, chủ yếu các ca mắc Covid-19 ở 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra chủ yếu nhiễm biến thể phụ BA.1 và BA.2 thì từ tháng 6/2022- nay, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, và sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.

Trong số 95 mẫu giải trình tự gen của tháng 8/2022 cho thấy có đến 60% ca Covid-19 nhiễm biến thể BA.5; có 1 mẫu nhiễm biến thể BA.2.74, còn lại là mẫu nhiễm biến thể BA.2.

Trước đó, tại TP. HCM, kết quả giải trình tự gen thực hiện trên 30 bệnh nhân nội trú và người đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, do Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp giải trình tự gene virus từ ngày 14 - 30/7 cũng cho thấy số ca nhiễm biến thể BA.5 chiếm ưu thế với 80% tổng số ca bệnh.

Biến thể BA.5 của Omicron được đánh giá có khả năng chống lại các kháng thể cao hơn, đồng nghĩa rằng nếu đã từng mắc Covid-19 trước đó vẫn có khả năng nhiễm biến thể BA.5. Biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với BA.2.

85% trẻ dưới 12 tuổi được tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1

Ngày 3/9, Bộ Y tế đã cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19, tổng số vắc-xin đã tiêm ở nước ta đến nay là 257.398.740.

Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay sau 4 tháng 20 ngày triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vắc-xin Covid-19 đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 15.689.272, trong đó mũi 1: 9.465.599 trẻ (đạt tỷ lệ 85%).

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (60,9%); Quảng Nam (67,1%); TP. HCM (55,8%); Bà Rịa - Vũng Tàu (66,9%); Bình Dương (60,6%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,4%); Tuyên Quang (98,1%); Cà Mau (99,8%).

Mũi 2: 6.223.673 trẻ (đạt tỷ lệ 55,9%); tăng 0,1% so với ngày trước đó

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (21,7%); Quảng Nam (22,5%); TP. HCM (31,7%); Bà Rịa - Vũng Tàu (38,6%); Bình Dương (27,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (90,1%); Sóc Trăng (94,7%); Cà Mau (85%).

Nhóm từ 12-17 tuổi:Tiêm mũi 3: 4.608.475 trẻ (đạt tỷ lệ 53,4%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Phú Yên (17,4%); TP. HCM (30,5%); Bà Rịa - Vũng Tàu (15,3%); Đồng Nai (24,3%); Bình Dương (22,7%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (92,4%); Quảng Ninh (87,8%); Sóc Trăng (90,8%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3: Tổng số có 50.124.566 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,8%) tăng 0,3% so với ngày trước đó, trong ngày có 7 tỉnh triển khai với 2.214 người được tiêm:

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (57,4%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,7%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (58%).

3 tỉnh, thành có tỷ lệ cao: Thanh Hóa (95,7%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 14.485.638 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,6%) tăng 0,3% so với ngày trước đó, trong ngày có 8 tỉnh triển khai với 8.277 người được tiêm.

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (59,2%); Đà Nẵng (47,9%); TP. HCM (50,5%); Đồng Nai (53,7%); Tây Ninh (54,9%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,8%); Hưng Yên (97,3%); Bắc Kạn (99,1%).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư