Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 7/12: Đẩy nhanh việc sử dụng CCCD gắn chíp khi khám, chữa bệnh BHYT; Gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 10.200 loại thuốc, vắc-xin, sinh phẩm
D.Ngân - 07/12/2022 08:52
 
Bộ Y tế vừa có văn bản đôn đốc triển khai thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp.

Đẩy nhanh việc sử dụng CCCD gắn chíp khi khám, chữa bệnh BHYT

Triển khai sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh  bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Đề án 06, góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp đón người bệnh

Tính đến ngày 18/11/2022, toàn quốc đã có 11.726 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp (đạt tỷ lệ 92% tổng số cơ sở khám, chữa BHYT trong toàn quốc) với 4.797.796 lượt tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD khi tiếp đón người bệnh đến khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có 2.942.327 lượt tra cứu thành công.

Tỷ lệ tra cứu thành công đạt 61,33% trên tổng số lượt được tra cứu. Tỷ lệ lượt KCB có tra cứu bằng CCCD gắn chip trên tổng số lượt khám, chữa bệnh (Tổng số lượt khám, chữa bệnh tính từ 1/3/2022-18/11/2022 có khoảng 110 triệu lượt khám, chữa bệnh) mới chỉ đạt khoảng 4,36%.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: KHOnline

Từ các số liệu báo cáo nêu trên có thể thấy qua gần 9 tháng triển khai thí điểm, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh BHYT được cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chíp còn rất thấp và tỷ lệ tra cứu thành công cũng rất thấp.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc quyển quản lý rà soát tình hình triển khai thí điểm thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID của Bộ Công an theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Y tế.

Bộ Y tế lưu ý khi có khó khăn, vướng mắc đề nghị thủ trưởng đơn vị trực tiếp trao đổi với cơ quan BHXH cấp tỉnh và phối hợp với PC06 công an cấp tỉnh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

Các đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, phấn đấu đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong toàn quốc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip với 20% người dân khi đi khám, chữa bệnh BHYT có thực hiện tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng hiện có để người dân được biết và hiểu về những tiện lợi, lợi ích mang lại, từ đó dần dần thay đổi thói quen sử dụng CCCD gắn chíp hoặc cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh khi đi khám, chữa bệnh BHYT.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền (bằng văn bản) về các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Các Sở Y tế chịu trách nhiệm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị thuộc quyền quản lý; thủ trưởng y tế thuộc Bộ, ngành trực tiếp báo cáo khó khăn, vướng mắc của các đơn vị mình, gửi về Bộ Y tế để được xem xét, giải quyết.

Bộ Y tế gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 10.200 loại thuốc, vắc-xin, sinh phẩm

Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế vừa gia hạn giấy đăng ký lưu hành thêm 46 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong và ngoài nước, trong đó có 10 thuốc được sản xuất trong nước và 36 thuốc nước ngoài.

Nâng tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được gia hạn qua 5 đợt lên đến con số hơn 10.200 loại.

Các thuốc được gia hạn đợt này bao gồm các loại thuốc thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID); thuốc điều trị hướng thần và bổ thần kinh; thuốc điều trị xơ gan, viêm gan cấp và mãn tính, gan nhiễm mỡ; thuốc điều trị phụ khoa; thuốc điều trị tăng huyết áp; thuốc điều trị nhiễm khuẩn; thuốc điều trị bệnh hô hấp; thuốc điều trị viêm dạ dày cấp, mãn tính; thuốc điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản...

Đây là đợt công bố thứ 5 của Bộ Y tế về gia hạn hiệu lực số đăng ký, đồng thời đây là số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin, sinh phẩm y tế... có giấy đăng ký lưu hành hết hạn ngày 31/12/2022 được công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định của Chính phủ.

Như vậy tổng 5 lần gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vắc-xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã có 10.202 giấy đăng ký được gia hạn trong 6 tháng qua.

Hiện nay Bộ Y tế được giao làm đầu mối để đánh giá hiệu quả cũng như tác động của Nghị quyết 30 của Quốc hội năm 2021 trong công tác phòng chống dịch.

Theo Bộ Y tế tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định hiện hành; số lượng hồ sơ gia hạn cần giải quyết rất lớn (trên 14.000 hồ sơ) và tiếp tục tăng lên, nhân lực thẩm định hồ sơ thiếu trầm trọng.

Việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (trong đó có nhiều quốc gia quản lý dược chặt chẽ).

Trường hợp không gia hạn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở mọi chuyên khoa, ở tất cả các tuyến điều trị.

Về lâu dài cần có cơ chế gia hạn tự động đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. Chính phủ đã đề xuất cơ chế này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Hà Nội: Triển khai khám, phát hiện bệnh lao cho người dân

Trong 2 tháng (12/2022 - 1/2023), Bệnh viện Phổi Hà Nội sẽ phối hợp với Trung tâm y tế Sơn Tây và Phúc Thọ tổ chức khám, phát hiện chủ động bệnh lao cho người dân trên địa bàn.

Với mục tiêu phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao, lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc cho người tiếp xúc với bệnh nhân lao và nhóm nguy cơ cao; theo dõi các trường hợp có tổn thương bất thường trên phim Xquang phổi để tiếp tục cho xét nghiệm Xpert chẩn đoán lao, lao tiềm ẩn và lao kháng thuốc.

Về đối tượng, người tiếp xúc với bệnh nhân lao, người có ho khạc kéo dài trên 2 tuần, người già, trẻ em từ 0-14 tuổi sống cùng nhà với bệnh nhân lao phổi, bệnh nhân bị bệnh tâm thần mạn tính, người già cô đơn, người tàn tật, người nhiễm HIV, người tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ cao mắc lao, lao đa kháng thuốc…

Số người dự kiến khám khoảng 4.200 người tại 14 xã thuộc thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ.

Đà Nẵng: Mổ tim thành công bằng kỹ thuật ít xâm lấn

Sáng 6/12, bệnh viện Đà Nẵng cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại tim mạch của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho 2 bệnh nhân thông liên nhĩ bằng kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn, mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao, an toàn và thời gian hồi phục nhanh cho người bệnh.

2 Bệnh nhi Nguyễn Trần T.T, (14 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) và bệnh nhi Lê B.T, (9 tuổi, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ có chỉ định phẫu thuật, bệnh nhi được nhập viện tại khoa Ngoại Tim mạch, bệnh viện Đà Nẵng.

Sau mổ các bệnh nhân đều hồi phục nhanh, không gặp biến chứng, sức khỏe ổn định.

Kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn với những ưu điểm vượt trội so với mổ kinh điển đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đối với 2 ca bệnh này, ekip đã lựa chọn phương pháp mổ tim ít xâm lấn, thay vì phương pháp mổ tim thông thường để bảo đảm chất lượng cuộc sống sau mổ tốt nhất cho trẻ.

Để thực hiện được kỹ thuật này đòi hỏi cả ekip phải được đào tạo chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật bệnh lý tim mạch.

Với phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, các bác sĩ chỉ mở một đường rạch da ngắn khoảng 3-5cm ở khoang gian sườn với sự trợ giúp của các phương tiện trong phẫu thuật.

Ưu điểm của phương pháp ít gây sang chấn cho người bệnh, đỡ đau sau mổ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ, thời gian hậu phẫu giảm, sẹo nhỏ đảm bảo tính thẩm mỹ, nhất là với các bé gái.

Thêm 271 giấy đăng ký lưu hành thuốc... được gia hạn
Ngày 23/9, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã ký quyết định về việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với 271 thuốc, nguyên liệu làm thuốc,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư