Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 7/12: Kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm
D.Ngân - 07/12/2023 10:03
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 6/12/2023 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Ngăn vận chuyển trái phép động vật, kiểm soát tốt dịch bệnh

Chỉ thị nêu rõ, tình trạng nhập lậu có nhiều chuyển biến tích cực; dịch bệnh động vật nói chung và dịch tả lợn Châu Phi nói riêng cơ bản được kiểm soát, góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu động vật (gia cầm, lợn và trâu, bò) vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung trong thời gian tới.

Để chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, bảo đảm nguồn cung sản phẩm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nhất là người dân ở khu vực biên giới về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam;

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của pháp luật về thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn thịt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng làm công tác Thú y, Công an, Thanh tra giao thông lập các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.

Hoạt động hiến, lấy ghép giác mạc được triển khai trở lại

Tại Việt Nam, việc lấy-ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay đã có khoảng 3.000 người được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định... nhiều nhất là năm 2020, có 169 người.

Tuy nhiên, trong hai năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoạt động hiến, lấy giác mạc bị gián đoạn nên Ngân hàng Mắt chỉ lấy được giác mạc của khoảng 100 người hiến.

Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6 đến 8 giờ sau khi người hiến mất. Đến nay, cả nước có 961 người hiến giác mạc, người hiến nhỏ tuổi nhất là cháu bé 4 tuổi và lớn tuổi nhất là cụ già hơn 107 tuổi.

Đáng chú ý, trong khoảng một năm qua, do không thể đấu thầu mua vật tư, hóa chất bảo quản giác mạc, dẫn đến việc hiến- lấy giác mạc tại cộng đồng không thực hiện được. Ngân hàng Mắt của Bệnh viện Mắt Trung ương hoạt động cầm chừng, năm 2023 chỉ thực hiện lấy giác mạc của ba người từ người cho chết não tại các bệnh viện.

Theo Giám đốc Ngân hàng Mắt Nguyễn Hữu Hoàng, với việc dịch bệnh được kiểm soát và bệnh viện đã mua sắm được vật tư, hóa chất phục vụ việc bảo quản giác mạc, hoạt động hiến, lấy và ghép giác mạc cộng đồng sẽ được triển khai trở lại. Tại Ngân hàng Mắt có khoảng 600 đến 800 người đăng ký ghép giác mạc và 40 nghìn đăng ký hiến giác mạc.

Tỷ lệ thấp người mắc huyết áp được kiểm soát tốt

Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong sớm có thể phòng ngừa hàng đầu trên toàn thế giới.

Theo một điều tra dịch tễ của Chương trình quốc gia phòng, chống tăng huyết áp, Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện với 5.454 người trưởng thành đại diện cho các nhóm đối tượng và vùng địa lý khác nhau trên toàn quốc thì tỷ lệ bị tăng huyết áp đã lên tới 47,3 %, trong đó tỷ lệ tăng huyết áp không được phát hiện ước tính là 39,1%, tỷ lệ tăng huyết áp điều trị nhưng chưa kiểm soát được tới 69%.

Hiệu quả của việc điều trị tăng huyết áp một lần nữa được khẳng định từ kết quả của một phân tích gộp số liệu của 51 thử nghiệm lâm sàng với hơn 350 nghìn người bệnh.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, theo kết quả phân tích, chỉ cần giảm mỗi 5mmHg huyết áp tâm thu hoặc 3mmHg huyết áp tâm trương có thể giảm tới 9% nguy cơ các biến cố tim mạch chính phối hợp đột quỵ gây tử vong hoặc không; nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ gây tử vong hoặc không; suy tim gây tử vong hoặc phải nhập viện ở nhóm đối tượng từ 55 đến 84 tuổi.

Tăng huyết áp đang thật sự là vấn đề sức khỏe của cộng đồng, cần có một chiến lược và cách tiếp cận hợp lý để nâng cao nhận thức về bệnh cùng những biến chứng nguy hiểm của nó. Từ đó đẩy mạnh công tác khám sàng lọc, phát hiện, điều trị và nâng cao tỷ lệ kiểm soát được huyết áp tại cộng đồng.

Phòng chống dịch bệnh khi vào năm học mới
Hiện là giai đoạn có nhiều bệnh lây nhiễm có thể xuất hiện và lây lan trên diện rộng như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, đau mắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư