Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Phòng chống dịch bệnh khi vào năm học mới
Dương Ngân - 07/09/2023 07:39
 
Hiện là giai đoạn có nhiều bệnh lây nhiễm có thể xuất hiện và lây lan trên diện rộng như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, đau mắt đỏ….
Một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả là tiêm phòng đầy đủ
Một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả là tiêm phòng đầy đủ

Dịch bệnh tăng cao

Thời điểm bước vào năm học mới, tay chân miệng được xem là căn bệnh dễ lan rộng và bùng phát nếu người dân không chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó, có 20 - 30% nhiễm chủng virus EV71. Các bác sĩ tại đây cho biết, nếu như trường hợp tay chân miệng nhiễm chủng Coxsackie A16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 5.700 trường hợp mắc tay chân miệng, không ghi nhận ca tử vong. Bệnh tay chân miệng đang lan nhanh và tăng hàng ngàn ca mỗi tuần.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch.

- Ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội 

Tính từ đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 68.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52,3%. Số ca tử vong tăng 15 trường hợp.

Ngoài tay chân miệng, các bệnh viện cũng ghi nhận số trẻ mắc sốt xuất huyết gia tăng nhanh, nhiều bệnh nhi đang điều trị trong tình trạng nặng.

Theo thống kê của Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay có 133 trẻ nhập viện do sốt xuất huyết. Đặc biệt từ đầu tháng 8/2023 đến nay, có 97 trẻ nhập viện.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 8/2023 đã tiếp nhận gần 80 bệnh nhân sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với tháng 7/2023. Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó trưởng Khoa Nội tổng quát (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, bệnh sốt xuất huyết có thể được phát hiện ngay trong ngày đầu tiên mắc bệnh khi trẻ mới có biểu hiện của sốt, mà chưa có các tình trạng dấu hiệu cảnh báo.

Một dịch bệnh truyền nhiễm khác cũng có nguy cơ tăng cao khi bắt đầu năm học mới là thủy đậu. Hà Nội có khoảng 2.000 ca thủy đậu, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Số lượng bệnh nhân mắc thủy đậu, tay chân miệng phần lớn ở nhóm tuổi Mầm non và Tiểu học. Đáng chú ý, theo quy luật hàng năm, thời điểm học sinh quay lại trường học, trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh.

Ngoài ra, dịch viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) cũng đang lây lan nhanh. Chỉ trong 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong đó, có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng. Trong 3 tuần của tháng 8/2023, Bệnh viện Mắt trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ.

Ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng, dịch viêm kết mạc cấp, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra, dễ lây lan và có thể phát triển thành dịch lớn. Theo chuyên gia tiêm chủng Nguyễn Tuấn Hải, bệnh cúm mùa thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính, trẻ dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen, suy giảm miễn dịch và phụ nữ có thai.

Do vậy, những trường hợp trên khi có vấn đề về sức khỏe cần đến bệnh viện thăm khám ngay. Cách phòng bệnh cúm hiệu quả nhất là nên cho trẻ tiêm phòng cúm hàng năm.

Nâng cao ý thức phòng dịch

Học sinh quay trở lại trường học trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh vào khoảng tháng 9, tháng 10, nên các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của mỗi cá nhân và tập thể. Bên cạnh đó, các nhà trường cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho học sinh, cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng.

Trước nguy cơ lây lan mạnh bệnh đau mắt đỏ, khi trẻ được chẩn đoán đau mắt đỏ, gia đình cần cho con nghỉ ngơi, cách ly tại nhà để tránh dịch bệnh lây lan. Cùng với đó, các bậc phụ huynh lưu ý, khi có những dấu hiệu như trẻ sợ sáng, quấy khóc, sưng nề phát triển nhanh, ánh mắt mờ đục... cần đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, các quận, huyện, thị xã cần theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh và chuẩn bị phương án ứng phó.

Còn với dịch bệnh sốt xuất huyết, theo ông Vũ Cao Cương, thời tiết mưa nhiều tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi, trong khi đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn Thành phố, nên mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao. Thêm vào đó, thời điểm này, học sinh, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, làm gia tăng đối tượng mắc bệnh. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch.

Tăng cao bệnh nhân phải tiêm phòng vắc-xin dại
Tại một số cơ sở tiêm chủng, số bệnh nhân cần tiêm phòng vắc-xin dại tăng cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư