Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Tin mới y tế 24/2: Điểm mặt 4 bệnh lý tai mũi họng dễ gặp vào mùa Xuân
D.Ngân - 24/02/2024 07:51
 
Thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía đang đang vào mùa xuân. Trời không còn quá lạnh nhưng những cơn mưa xuân, trời nồm thường xuyên và sự thay đổi thời tiết giao mùa tạo điều kiện cho nhiều bệnh lý tai mũi họng xuất hiện.

Cảnh giác 4 bệnh lý tai mũi họng

Theo PGS-TS.Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt, đây là giai đoạn lý tưởng cho nhiều bệnh lý tai mũi họng xuất hiện.

Thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía đang đang vào mùa xuân. Trời không còn quá lạnh nhưng những cơn mưa xuân, trời nồm thường xuyên và sự thay đổi thời tiết giao mùa tạo điều kiện cho nhiều bệnh lý tai mũi họng xuất hiện.

Chẳng hạn như bệnh viêm họng. Đây là bệnh lý phổ biến bậc nhất trong các bệnh lý tai mũi họng vào mùa Xuân, đặc biệt là năm nay khi thời tiết thay đổi khá thất thường và tiêu cực.

Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai nhưng những người có sức đề kháng kém, người già hay trẻ nhỏ là những đối tượng dễ mắc nhất.

Khi bị viêm họng, triệu chứng đầu tiên của bệnh là đau họng khi nuốt nước bọt hay khi ăn, khàn tiếng, có những cơn ho do bị kích ứng ở đường hô hấp và có thể kèm theo cả sổ mũi.

Theo PGS Hoài An, nguyên nhân gây ra viêm họng phần lớn là do virus gây ra, một số trường hợp có thể bị bệnh do vi khuẩn khi gặp phải các yếu tố thuận lợi như thay đổi thời tiết, khói bụi, sức đề kháng kém...

Cúm mùa cũng là bệnh hay gặp vào thời tiết  này. Số ca mắc cúm thời gian qua tăng hơn nhiều so với các thời điểm khác trong năm, thậm chí có người còn có thể bị đi bị lại trong thời gian ngắn.

Người bị cảm cúm thường có các triệu chứng thường thấy như ho, sốt, sổ mũi... Bệnh thường sẽ khỏi trong một khoảng thời gian nhưng cũng có thể có các biến chứng nguy hiểm dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp.

Những người có sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, phổi mạn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch… dễ gặp phải các tình trạng trở nặng hay biến chứng.

Viêm xoang là khoảng thời gian ám ảnh của các bệnh nhân viêm xoang. Khi mắc viêm xoang người bệnh có các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc nước mũi đục, vàng khi đang ở tình trạng viêm cấp, ngứa mũi, đau nhức vùng mũi, vùng xoang, nghẹt mũi một bên hoặc cả hai bên, người mệt mỏi, có khi nhức đầu, ngứa mắt, chảy nước mắt... Các biểu hiện không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây cản trở trong sinh hoạt.

Đây cũng là bệnh lý tai mũi họng cần hết sức lưu ý thời điểm sang xuân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này như thời tiết, môi trường, nấm mốc, cơ địa... Chính vì thế, việc thời tiết cực đoan càng tạo điều kiện cho bệnh lý này xuất hiện.

Người bị viêm mũi dị ứng sẽ có các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, nước mắt.

Viêm mũi dị ứng gây khó chịu và phiền toái cho người bệnh tuy nhiên nhiều người hay có thói quen tự mua thuốc về uống vì các triệu chứng giống như bệnh hô hấp. Đây là sai lầm hại sức khỏe vì khi bị viêm mũi dị ứng bác sĩ sẽ điều trị thuốc khác chứ không phải là kháng sinh.

PGS.Hoài An cho biết, người dân cần xây dựng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng khoa học để tăng sức đề kháng. Chú ý giữ gìn sức khỏe bản thân, đeo khẩu trang khi ra ngoài và giữ thói quen vệ sinh mũi họng từng ngày.

Khi bị các bệnh lý tai mũi họng cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ tránh tự ý dùng thuốc.

Các bệnh lý tai mũi họng có triệu chứng rất giống nhau, việc tự ý mua thuốc uống có thể dẫn tới việc không hiệu quả thậm chí còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Không chủ quan với bệnh uốn ván

Trên địa bàn Hà Nội vừa ghi nhận ca mắc uốn ván thứ hai ngay trong đầu năm mới. Đây là bệnh cấp tính nguy hiểm với nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên, vì chủ quan, không ít người đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 2 trường hợp mắc uốn ván, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh nào.

Điều đáng nói, trong năm 2023, số ca mắc uốn ván trên địa bàn Hà Nội cũng gia tăng với 25 ca bệnh (tăng 2,5 lần so với năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Theo chuyên gia uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra, từ 25% đến 90%; đặc biệt, uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong trên 95%.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến nghị, biện pháp phòng bệnh uốn ván hiệu quả nhất hiện vẫn là vắc xin. Nhờ có vắc xin uốn ván mà tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này giảm đi đáng kể.

Tại Việt Nam, giá của vắc xin uốn ván khá rẻ, khoảng 80-150 nghìn đồng/mũi.

Trong khi mỗi ca điều trị bệnh uốn ván thường kéo dài, với chi phí khoảng 40-100 triệu đồng/ca. Thậm chí, không thể điều trị khỏi hoàn toàn các biến chứng do bệnh để lại mà sẽ mang theo di chứng đến suốt cuộc đời.

Thế nhưng, do chủ quan, nhiều người không chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin uốn ván khi bị thương hay có vết thương hở, mà tự xử lý vết thương qua loa tại nhà hoặc đắp các loại thuốc lá theo kinh nghiệm dân gian. Hậu quả là khiến cho vết thương càng lở loét hơn và trực khuẩn uốn ván có cơ hội xâm nhập.

Do đó, để phòng bệnh, các bác sĩ cho rằng, tất cả mọi người (người lớn và trẻ em) đều cần được tiêm phòng uốn ván, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh cao như: Phụ nữ có thai; người làm ruộng, vườn; người làm việc ở trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc, gia cầm; người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại; công nhân xây dựng công trình; người làm kỹ thuật tiếp xúc với vật sắc nhọn; bộ đội và thanh niên xung phong…

Để tạo miễn dịch cơ bản, người dân cần tiêm 3 mũi vắc xin, trong đó mũi tiêm thứ 2 sau mũi tiêm đầu tiên 1 tháng, mũi tiêm thứ 3 sau mũi tiêm thứ 2 là 6 tháng. Khi đã có miễn dịch cơ bản, cần tiêm nhắc lại 1 mũi vắc xin sau mỗi 5-10 năm để có miễn dịch bảo vệ bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư