Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 03 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 10/1: Số ca tử vong do tay chân miệng tăng hơn 10 lần
D.Ngân - 10/01/2024 08:42
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận 180.983 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ 2022, 31 trường hợp tử vong (tăng 10,3 lần so với năm 2022).

Nhiều ca tử vong do tay chân miệng

Báo cáo của Bộ Y tế chỉ rõ, số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam, trong đó có nhiều ca nặng, biến chứng và tử vong. TP.HCM ghi nhận ca mắc tay chân miệng vào nhập viện đông nhất. Thời gian cao điểm, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nặng từ các tỉnh thành chuyển đến TP.HCM chiếm khoảng 80%.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận 180.983 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng,

Ngoài ra, các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sởi, đậu mùa khỉ, dại đều tăng so với năm 2022. Cụ thể, bệnh dại ghi nhận 82 ca tử vong trên cả nước, tăng 12 ca so với cùng kỳ 2022;

Sốt phát ban nghi sởi có 393 trường hợp mắc, tăng 35 ca; bạch hầu ghi nhận 55 ca mắc, 5 ca tử vong; đậu mùa khỉ có 121 ca mắc, 6 ca tử vong; sốt rét 1 ca tử vong và viêm não virus 8 ca tử vong. Riêng Covid-19, cả nước ghi nhận 99.479 ca mắc và 20 ca tử vong. 

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước.

Các nốt phỏng nước này xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông. Thủ phạm gây bệnh này là nhóm virus đường ruột, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71).

Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng, thường tự khỏi. Còn EV71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm tới thần kinh, tim mạch, phổi; thậm chí có thể gây tử vong.

Hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bệnh diễn biến nhanh, chỉ nửa ngày đã chuyển sang cấp độ nặng hơn, làm tăng nguy cơ suy hô hấp và biến chứng. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ mắc bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, việc phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị được thuận lợi.

Trẻ bệnh được chăm sóc và theo dõi sát, hạn chế những rủi ro có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ nếu phát hiện và điều trị quá chậm.

Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc tay chân miệng là tình trạng loét miệng. Vị trị loét nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi… Có trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 độ C - 38 độ C.

Tuy nhiên, có trẻ bị sốt cao trên 39 độ C liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị tay chân miệng đã nghiêm trọng, cần đến ngay các cơ sở y tế.

Hầu hết những trẻ mắc tay chân miệng độ nhẹ đều được bác sĩ cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà theo những nguyên tắc cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh trẻ lành để hạn chế sự lây nhiễm;

Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ bệnh giúp trẻ mau lành bệnh; tạo môi trường sống trong lành và an toàn giúp trẻ khỏe mạnh hơn; sử dụng thuốc điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo gia đình nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện: Sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực; trẻ giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi/ yếu chi; trẻ đi đứng loạng choạng; nôn ói nhiều; quấy khóc; co giật.

Giám sát sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có biện pháp kịp thời

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND về phòng, chống dịch TP Hà Nội năm 2024.

Theo đó, UBND TP yêu cầu tiếp tục truyền thông về thông điệp “2K” (Khẩu trang + Khử khuẩn) trong phòng, chống dịch Covid-19; tuyên truyền khuyến khích người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là khi đi đến các khu vực công cộng, khu vực đông người, khi đi các phương tiện công cộng; tuyên truyền người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay…

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch lây từ động vật sang người; dịch bệnh truyền qua thực phẩm.

Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan liên  quan ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, thu thập, quản lý, thống kê số liệu dịch bệnh, tiêm chủng và các hoạt động phòng, chống, dịch tại Hà Nội, trong nước và quốc tế để phục vụ thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát dịch Covid-19, tổ chức thực hiện giám sát sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 và thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh để có biện pháp đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Tổ chức các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán; vệ sinh môi trường sau mưa, lũ; vệ sinh môi trường trong trường học; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, thu gom phế thải, phế liệu để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trước và trong mùa dịch.

Về mục tiêu, UBND TP phấn đấu: 100% UBND các địa phương ở Thủ đô xây dựng lực lượng cộng tác viên y tế - dân số, đội xung kích diệt bọ gậy,... nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

100% cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm qua hệ thống báo cáo trực tuyến;

100% người mắc Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định; tổ chức giám sát phát hiện sớm, điều tra, xử lý kịp thời, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch bệnh xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa - xã hội...

Cùng với đó, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc-xin khác đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi.

Phát hiện 6 bác sĩ, nhân viên y tế sử dụng chứng chỉ giả 

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, Sở vừa có văn bản cảnh báo về việc bác sĩ, người hành nghề y sử dụng chứng chỉ hành nghề giả hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, qua rà soát, xác minh đối với các chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở y tế cung cấp, xác định có các chứng chỉ hành nghề bị làm giả.

6 bác sĩ, nhân viên y tế sử dụng chứng chỉ hành nghề giả được cảnh báo đợt này gồm: Bà Ngô Thị Ngọc A. (29 tuổi, cử nhân xét nghiệm y học); ông Trương Văn L. (30 tuổi, y sĩ); ông Bùi Thanh D. (40 tuổi, bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt); ông Nguyễn Bá M. (42 tuổi, kỹ thuật viên); ông Lê Văn D. (48 tuổi, bác sĩ răng hàm mặt); bà Võ Thị Thu H. (45 tuổi, bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa).

Các chứng chỉ hành nghề này giả mạo các cơ quan cấp gồm: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Quảng Nam... Chứng chỉ giả gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: xét nghiệm, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, chuyên khoa răng hàm mặt, chuyên ngành sản phụ khoa...

Các bác sĩ, nhân viên y tế sử dụng chứng chỉ hành nghề giả nói trên công tác tại các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám. Chứng chỉ hành nghề giả được phát hiện khi các phòng khám gửi hồ sơ tới Sở Y tế để xin giấy phép.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư