Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 6/8: Kiểm soát, phòng tránh dịch tay chân miệng khi học sinh tựu trường
D.Ngân - 06/08/2023 08:01
 
Theo Sở Y tế TP.HCM, dịch bệnh tay chân miệng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và thời gian học sinh tựu trường sẽ trùng với đỉnh dịch thứ 2 của bệnh tay chân miệng.

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tay chân miệng

Số trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng tại TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị, các bệnh viện đã phải tăng cường thêm nhân lực và mở rộng thêm giường bệnh.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, qua thống kê của bệnh viện, số ca mắc bệnh tay chân miệng liên tục tăng ở mức cao. Trung bình một ngày, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị khoảng 100 - 150 bệnh nhi. Tại khu khám bệnh tay chân miệng, một ngày khám từ 200 - 300 trẻ.

Theo Sở Y tế TP. HCM, với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, rất dễ làm bệnh diễn tiến nặng và có thể gây tử vong. Cụ thể, đã có 6 trẻ tử vong tại các bệnh viện của Thành phố, tuy nhiên đều có hộ khẩu từ các tỉnh, thành khác đến.

Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn là cách giúp phòng tránh bệnh tay chân miệng

Tại TP.HCM, EV71 là tác nhân gây ra các cơn dịch lớn vào các năm 2011 và năm 2018 nên Sở Y tế khuyến cáo nên tăng cường các giải pháp phòng dịch vì theo dự báo, số ca mắc tay chân miệng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, số ca mắc tay chân miệng có giảm được hay không là do sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của mỗi cá nhân và tập thể. Đặc biệt, sắp tới học sinh sẽ quay lại trường học, trùng với đỉnh thứ hai của dịch tay chân miệng (theo hằng năm) nên việc kiểm soát và phòng, chống tay chân miệng là rất cần thiết.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra đến làm việc với từng quận, huyện có số ca mắc tay chân miệng cao để bàn về những giải pháp cụ thể trong phòng, chống dịch bệnh.

Về công tác điều trị, Sở Y tế TP.HCM cũng đã giao cho các bệnh viện nhi trên địa bàn tổ chức những lớp huấn luyện trong hệ thống y tế, từ công lập đến tư nhân về kỹ năng chẩn đoán bệnh tay chân miệng cũng như xử lý ca bệnh.

Đồng thời, các bệnh viện thành phố hỗ trợ các bệnh viện tuyến tỉnh về chuyên môn để giảm bớt việc chuyển viện lên bệnh viện thành phố.

Sở Y tế TP.HCM cũng phối hợp với các công ty viễn thông gửi tin nhắn đến từng người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố, nhằm kêu gọi sự tham gia của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Hiện nay ở Việt Nam chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng, vì vậy, việc phòng dịch tay chân miệng vẫn dựa vào các biện pháp vệ sinh cá nhân để tránh lan truyền trực tiếp giữa các trẻ.

Theo đó, để phòng bệnh trong trường học, cần vệ sinh bề mặt trẻ thường xuyên tiếp xúc; phát hiện sớm trẻ mắc bệnh và cách ly để hạn chế sự lây lan; đồng thời tập cho trẻ những thói quen rửa tay thường xuyên.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ huynh không nên chủ quan tự theo dõi tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

TP.HCM: Cứu sống bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nguy kịch bằng kỹ thuật ECMO

Các bác sỹ khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đã sử dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể ECMO để cứu sống bệnh nhi T.N.Y, sinh năm 2018, ngụ tại TPHCM bị bệnh tay chân miệng độ 4.

Đây là trường hợp đầu tiên trên cả nước dùng phương pháp này trong điều trị bệnh tay chân miệng.

Khai thác bệnh sử từ người nhà cho thấy, bé Y. có biểu hiện đau đầu, sốt cao được cho uống thuốc hạ sốt kết hợp lau mát nhưng không hạ. Ngày hôm sau, bé Y.  vẫn sốt cao, ngủ gật, run tay chân, giật mình nhiều lần khi thức, thở mệt, da nổi bông tím toàn thân.

Gia đình đưa bé Y. vào bệnh viện tuyến trước, tại đây bé được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, xử trí đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2.

Ngay lập tức, bé Y. được các bác sĩ cho thở máy, truyền IVIg (Immunoglobulin), sử dụng các thuốc vận mạch, trợ tim và can thiệp lọc máu liên tục. Tuy nhiên, do tổn thương tim nặng, bé bị loạn nhịp phức tạp, rơi vào cơn nhịp nhanh thất, ảnh hưởng huyết động.

Các bác sĩ của khoa đã khẩn trương xử trí sốc điện nhiều lần, truyền thuốc chống loạn nhịp và hồi sức tim phổi ngoài lồng ngực nhưng vẫn không cải thiện.

Sau khi thăm khám, đánh giá tình trạng người bệnh, các bác sĩ nhận thấy bé Y. dù có tổn thương tim, phổi nặng nhưng vẫn có đáp ứng về thần kinh nên đã quyết định can thiệp kỹ thuật ECMO cho bé.

Sau 5 ngày triển khai kỹ thuật này, cùng với các điều trị hỗ trợ tích cực khác ghi nhận lâm sàng của bé có cải thiện; tổn thương tim bắt đầu hồi phục, các cơ quan khác và thần kinh ổn định và được ngưng ECMO. Kết quả xét nghiệm phân dương tính với EV71, loại tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng.

Trải qua ba tuần nhập viện và điều trị, hiện sức khỏe bé đã ổn định, thần kinh cải thiện tốt, ăn uống bình thường.

Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em nghèo

Bệnh viện Trung ương Huế vừa phối hợp với Viettel Thừa Thiên Huế, Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức khai mạc Chương trình “Trái tim cho em” lần thứ 2.

“Trái tim cho em" là chương trình hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo dưới 16 tuổi tại Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, tổ chức các hoạt động khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em.

Chương trình được sáng lập và điều hành bởi Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Quỹ Tấm lòng Việt - Đài truyền hình Việt Nam từ năm 2008 đến nay.

Trong năm 2023, chương trình đã tổ chức khám cho gần 5.000 em nhỏ tại Bình Thuận, Đắc Nông, Tuyên Quang và Sơn La.

Với kinh phí mổ trung bình mỗi ca lên tới 40 triệu đồng, việc có con mắc bệnh tim bẩm sinh thực sự là một gánh nặng và không phải gia đình nào cũng có thể trang trải.

Chương trình được triển khai với nguồn kinh phí tài trợ từ Viettel và nguồn xã hội hóa sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí mổ cho các em nhỏ bị tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Sau khi khám sàng lọc, các trường hợp có chỉ định can thiệp/phẫu thuật và hoàn cảnh khó khăn sẽ được chương trình “Trái tim cho em” hướng dẫn làm hồ sơ để được điều trị miễn phí. Trường hợp phát hiện bệnh và có gia cảnh phù hợp với tiêu chí chương trình “Trái tim cho em” đặt ra, sẽ được điều trị hoàn toàn miễn phí.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, với trang thiết bị y tế hiện đại cùng sự kết hợp đồng bộ của 3 trung tâm lớn: Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Nhi và Trung tâm Sản phụ khoa, hiện nay đã thực hiện tầm soát các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em ngay từ tuần thứ 20 của thai kỳ.

Những năm qua, với sự phát triển không ngừng ở các lĩnh vực: gây mê hồi sức tim mạch, hồi sức cấp cứu nhi và hồi sức nhi sơ sinh, phẫu thuật tim mạch và tim mạch can thiệp, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện can thiệp, phẫu thuật thành công cho rất nhiều trường hợp tim bẩm sinh rất phức tạp; có những ca chỉ vài giờ sau sinh với cân nặng rất thấp 2-3kg”.

Chương trình khám sàng lọc miễn phí bệnh tim bẩm sinh của chương trình “Trái tim cho em” dành cho trẻ em Thừa Thiên Huế diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/8 tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Cần có giải pháp chủ động nguồn cung thuốc điều trị tay chân miệng
Trước việc tăng cao các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng, thì việc chủ động nguồn cung ứng thuốc là giải pháp quan trọng giúp cứu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư