Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Cần có giải pháp chủ động nguồn cung thuốc điều trị tay chân miệng
D.Ngân - 26/06/2023 22:25
 
Trước việc tăng cao các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng, thì việc chủ động nguồn cung ứng thuốc là giải pháp quan trọng giúp cứu sống trẻ.

Tại các tỉnh, thành phố phía Nam xuất hiện nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng nặng, cần chỉ định Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch. 

Ngoài biện pháp điều trị bệnh thì với dịch này, việc chủ động các biện pháp phòng chống, tránh để dịch lây lan là cấp thiết. 

Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, trong tuần qua, khu vực miền Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc tay chân miệng, tăng hơn 23% so với tuần trước đó.

Đến nay, đã có tổng cộng hơn 11.000 ca mắc bệnh, 5 trường hợp tử vong xác định do EV71, 2 trường hợp tử vong chưa có kết quả xét nghiệm.

Dựa trên phân bố số ca bệnh, các tỉnh An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, TP.HCM là những tỉnh thành có tỷ lệ ca nặng cao so với các tỉnh khác.

Theo Sở Y tế TPHCM, Enterovirus 71 (EV71) xuất hiện trở lại tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, với nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng nặng cần chỉ định Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG).

Trong khi đó, nhiều địa phương không chủ động được nguồn thuốc IVIG. Đây là thách thức không nhỏ đối với hệ thống y tế Việt Nam.

Cụ thể, IVIG là một trong những thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả những trường hợp tay chân miệng nặng, giảm tỷ lệ chuyển độ và biến chứng nặng của bệnh ở trẻ em.

Khác với các loại thuốc khác, IVIG được điều chế trực tiếp từ huyết tương người, nên việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp huyết tương thông qua hiến máu.Do đó, việc tăng đột biến nhu cầu về số lượng thuốc sẽ gây khó khăn về cung ứng hơn so với các loại thuốc khác.

Tại Việt Nam, đến nay chế phẩm IVIG chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Trong 2 năm qua, nguồn cung ứng huyết tương trên toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cũng vì điều chế trực tiếp từ huyết tương người, IVIG chỉ được phép đưa ra lưu hành, sử dụng sau khi có giấy chứng nhận chất lượng do Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và Sinh phẩm y tế cấp, xác nhận lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Ngày 23/6 vừa qua, cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận xuất xưởng cho 6.000 lọ thuốc IVIG do một công ty dược trong nước nhập khẩu.

Các bệnh viện chuyên khoa nhi của TP.HCM đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để mua sắm lô thuốc trên, để không bị gián đoạn nguồn cung ứng cho công tác điều trị.

Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố nhận định, tay chân miệng là dịch bệnh lưu hành và sẽ còn tiếp tục diễn biến trong nhiều năm tới, do đó cần sớm có những giải pháp căn cơ và chủ động hơn về cung ứng thuốc IVIG cho công tác phòng chống dịch.

Cụ thể, Bộ Y tế có thể triển khai mua sắm tập trung các thuốc hiếm nói chung, đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm bệnh dịch bệnh lưu hành (như sốt xuất huyết, tay chân miệng) và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp khác.

Từ việc một loạt các thuốc hiếm khan hiếm thời gian qua do chúng ta phụ thuộc vào tài trợ và nhập khẩu, thiết nghĩ Việt Nam cần có chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp dược trong nước nghiên cứu sản xuất IVIG từ nguồn cung ứng huyết tương sẵn có tại chỗ thông qua hoạt động hiến máu thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thuốc nhập khẩu.

Ngoài biện pháp điều trị bệnh thì với dịch này, việc chủ động các biện pháp phòng chống, tránh để dịch lây lan là cấp thiết. 

Được biết, thời gian qua trước việc dịch diễn tiến bất thường, Bộ Y tế ban hành Công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè, trong đó có bệnh tay chân miệng.

Cùng đó Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì với thành phần gồm các Cục, Vụ, Viện, Bệnh viện, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên toàn quốc và các đơn vị báo chí truyền thông.

Bộ Y tế cho biết Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch quốc tế và trong nước, đặc biệt tại các tỉnh ghi nhận số mắc gia tăng và triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương.

Duy trì truyền thông, khuyến cáo cộng đồng phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Duy trì đăng tải khuyến cáo phòng chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh khác... trên website của Cục Y tế dự phòng, cung cấp thông tin cho báo chí để phối hợp tăng cường truyền thông cho cộng đồng chủ động phòng bệnh.

Trên thế giới, theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tay chân miệng gặp ở các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương như: Trung Quốc, Nhật Bản và phổ biến tại nhiều nước châu Á.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến 1 số quốc gia như Malaysia, đã có nhiều cơ sở bao gồm trường học, trung tâm chăm sóc trẻ và trường mầm non đã bị đóng cửa do căn bệnh này.

Bộ Y tế Malaysia đã thực hiện các biện pháp y tế công cộng, bao gồm tăng cường giám sát, tổ chức các chiến dịch truyền thông và tăng cường các biện pháp khử trùng, đặc biệt là đồ chơi và bề mặt bị ô nhiễm như sàn, bàn tại các trường học... để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Để phòng chống tay chân miệng cần chú ý thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

 Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

 Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đặc biệt, các gia đình khi có con mắc tay chân miệng cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, đồng thời theo dõi sức khoẻ của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Đây cũng là 1 biện pháp cần thiết để phòng bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.

Tin mới về y tế ngày 24/6: Thông tin về vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết hiện đã có một công ty sản xuất vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư