Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 10/3: Chỉ vết xước nhỏ, hoại tử bàn chân
D.Ngân - 10/03/2024 10:45
 
Chỉ một vết xước nhỏ nhưng do không được xử lý y tế kịp thời một bệnh nhân đã bị hoại tử bàn chân.

Không chủ quan với các vết thương nhỏ

Hơn 1 tháng trước, trong lúc thu gom cá chết trôi dạt vào bờ sông để làm phân bón, ông Đ.X.H. (65 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) bị mũi dao rơi trúng ngón trỏ chân trái. Vết xước nhỏ khiến bàn chân ông đau nhức, phồng rộp, thâm tím và sốt cao.

 Chỉ một vết xước nhỏ nhưng do không được xử lý y tế kịp thời một bệnh nhân đã bị hoại tử bàn chân.

Sau 3 tuần điều trị ở cơ sở y tế gần nhà và một bệnh viện tại TP.HCM, ông nhận hung tin phải cắt cụt bàn chân trái nếu không phần hoại tử, nhiễm trùng tiếp tục lan rộng lên cẳng chân. Không cam tâm trở thành người tàn tật, ông H. cùng vợ quyết định chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với hy vọng giữ lấy bàn chân.

Qua thăm khám, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bàn chân trái rộp da, lở loét, xuất hiện nhiều mô hoại tử, thâm tím.

Ông H. có tiền căn xơ gan, rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu, tiểu cầu lúc nhập viện là 18.000 tiểu cầu/μl máu (bình thường từ 150.000 đến 400.000 tiểu cầu/μl máu).

Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng để tiến hành cắt lọc chăm sóc vết thương cho người bệnh vì nếu số lượng tiểu cầu không đủ sẽ dẫn đến tình trạng khó cầm máu khi chăm sóc vết thương.

Tình trạng vết thương nhiễm trùng ngày càng nặng, nếu không tiến hành chăm sóc, cắt lọc sớm nguy cơ hoại tử bàn chân sẽ rất cao. Do đó, song song với việc cắt lọc vết thương, người bệnh được truyền kháng sinh và uống thuốc để nâng số lượng tiểu cầu lên dần dần.

Tuy nhiên sức khỏe của ông H. còn có một vấn đề đáng quan tâm là kết quả cấy dịch vết thương ra vi khuẩn Acinetobacter đa kháng thuốc.

Vi khuẩn Acinetobacter là nhóm sinh vật gram âm có thể gây nhiễm trùng ở bất kỳ hệ cơ quan nào trên cơ thể con người. Vi khuẩn này là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng cơ hội ở bệnh nhân nằm viện. Bác sĩ Tuyền lên phác đồ điều trị chăm sóc vết thương cho ông H.

Sau thời gian điều trị, vết thương bàn chân của ông H. từ thâm tím, da phồng rộp, lở loét, lòi gân… thì nay đã cải thiện dần. Số lượng tiểu cầu cũng tăng lên về gần với giá trị bình thường, cụ thể từ 18.000 tiểu cầu/μl máu tăng lên hơn 110.000 tiểu cầu/μl máu.

Tuy nhiên, mặc dù vùng da sau khi cắt lọc, chăm sóc vết thương tại chỗ đã lên mô hạt tốt, nhưng phần da bao phủ phía trên lại mất đi khá nhiều nên người bệnh được ghép da, phần da lấy ghép là từ đùi của người bệnh.

Phần vết thương sau ghép da dính khá tốt. ông H. đã giữ lại được bàn chân, tình trạng nhiễm trùng đã ổn và xuất viện về nhà.

Bác sĩ Tuyền cho biết, các kỹ thuật chăm sóc vết thương tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường thường được áp dụng để điều trị cho người bệnh bị nhiễm trùng đặc biệt là biến chứng nhiễm trùng chân ở người bệnh đái tháo đường.

Trường hợp ông H. tuy không bị tiểu đường nhưng có vết thương nhiễm trùng nặng, nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc kèm theo tình trạng tiểu cầu thấp, sức đề kháng yếu… gây khó lành vết thương. Do đó, người bệnh cần được chăm sóc vết thương thật tỉ mỉ hằng ngày để bảo tồn bàn chân, tránh đoạn chi cho người bệnh.

Không chỉ vậy, loại vi khuẩn Acinetobacter đa kháng thuốc mà ông H. mắc phải dễ kháng với rất nhiều loại kháng sinh nên điều trị khó khăn.

Do đó, các bác sĩ phải chọn kháng sinh phù hợp theo các dữ liệu lâm sàng và xét nghiệm, theo dõi các chỉ số xét nghiệm thường xuyên cho người bệnh, chăm sóc vết thương tỉ mỉ hàng ngày, sử dụng máy hút áp lực âm chuyên dụng và hội chẩn liên chuyên khoa để đạt thành công trong điều trị.

Để phòng nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, bác sĩ Tuyền khuyên người dân không tự mua thuốc kháng sinh uống, cần sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ Nếu người bệnh được kê đơn kháng sinh phải uống đủ ngày và đủ liều. Khi có vết thương nhiễm trùng cần đến ngay các cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương và điều trị kịp thời.

Suy gan, tổn thương thận vì nuốt mật cá trắm 3kg

Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai mới đây đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị tổn thương thận, suy gan do ngộ độc mật cá trắm.

Bệnh nhân là nữ (56 tuổi) ở Hải Dương, đã nuốt mật cá trắm sống do nghe nhiều người "mách" mật cá rất tốt cho sức khỏe, ăn mật cá sống có thể chữa được nhiều bệnh.

Theo lời của bệnh nhân, trước khi vào viện khoảng 2 ngày, bệnh nhân đã ra chợ xin mật con cá trắm 3kg và nuốt sống. Khoảng 5 giờ sau, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn nhiều ra thức ăn, dịch tiêu hóa, đi đại tiện liên tục 6 lần trong 3 giờ đồng hồ, phân lỏng.

Nghĩ bị trúng gió, bệnh nhân nhờ người nhà đi gọi người đến nhà tiêm và truyền dịch nhưng không đỡ. Sau 2 ngày bệnh nhân mệt nhiều, đau bụng âm ỉ liên tục, buồn nôn, nôn nhiều, còn tiêu chảy, tiểu ít, phù chân tăng dần.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc mật cá, với các biểu hiện lâm sàng: Rối loạn tiêu hóa; Tổn thương thận cấp (thiểu niệu, vô niệu, tăng ure, Creatinine máu, phù); Hủy hoại tế bào gan (tăng AST, ALT); Suy gan cấp (vàng da, tăng Blirubin…)

Sau một thời gian điều trị tích cực bằng các phương pháp bù dịch, điện giải, lợi tiểu và lọc máu IHD, các bác sĩ tiên lượng trên 95% bệnh nhân sẽ hồi phục không để lại di chứng. Chức năng gan sẽ phục hồi sau 1 tuần điều trị. Chức năng thận phục hồi sau 2-4 tuần điều trị.

Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên. Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc mật cá thường xảy ra ở các nước Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam) do quan niệm mật cá có tác dụng chữa bệnh theo Đông y.

Tại Việt Nam, các ca ngộ độc thường là ngộ độc mật cá trắm. Tần suất hằng năm vài ca, rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, thường là các ca đơn lẻ.

Bên trong các loại mật cá thuộc họ cá chép như cá mè, cá trôi, cá trắm hay kể cả các loại cá tầm đều có chứa một loại độc tố nguy hiểm. Tên khoa học của loại độc tố này là 5α-cyprinol, đây là một hợp chất alcohol độc của mật với 5 nhóm hydroxyl trong phân tử. Độc tố này bền vững với nhiệt, giữ độc tính khi nấu chín nên kể cả khi nấu chín ăn vào vẫn sẽ gây ngộ độc.

Chất độc này gây tổn thương, gây viêm, loét đường tiêu hóa, gây đau bụng, nôn và tiêu chảy…Sau đó nhanh chóng làm tổn thương, suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan…

Nhiều bệnh nhân khi trúng độc cần phải điều trị tích cực như lọc máu và nằm viện nhiều ngày với chi phí điều trị tốn kém, nếu không nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

Giám đốc Trung tâm chống độc khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn mật cá, không ăn nội tạng cá. Cần cẩn thận, kỹ lưỡng, loại bỏ nội tạng cá trước khi chế biến và rửa sạch.

Ngoài ra, người dân cũng cần tuyên truyền về tác hại của mật cá. Loại bỏ quan niệm sai lầm về lợi ích của mật cá nói riêng và các loài động vật nói chung.

Hoại tử mắt vì làm đẹp
Sau một tháng tiêm filler trẻ hóa đôi mắt bằng gel oxy già dùng để tẩy trắng men răng trong nha khoa, người bệnh bị giảm thị lực, hoại tử mí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư