Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 10/4: Béo phì - kẻ thù thầm lặng của trái tim
D.Ngân - 10/04/2025 09:52
 
Thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, mà còn là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng.

Áp dụng chiến lược giảm cân khoa học, cá thể hóa phác đồ điều trị và phối hợp đa chuyên khoa đang được xem là hướng đi hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Béo phì và hệ lụy tim mạch - Góc nhìn từ chuyên gia

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 20 triệu ca tử vong do bệnh tim mạch trên toàn cầu, trong đó các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam, chiếm đến 75% tổng số ca tử vong. Tình trạng thừa cân, béo phì đang góp phần làm gia tăng đáng kể con số này.

Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia y tế, béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể, mà còn đặc biệt nguy hiểm với hệ tim mạch, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành

Bác sỹ Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, tỷ lệ thừa cân, béo phì tại Việt Nam và trên thế giới đang tăng nhanh, được coi là một “đại dịch toàn cầu”.

Béo phì là yếu tố nguy cơ của hàng loạt bệnh lý tim mạch nguy hiểm như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ và ngưng thở khi ngủ.

Chỉ số BMI (Body Mass Index) - cân nặng chia cho bình phương chiều cao là thước đo phổ biến để đánh giá tình trạng béo phì. Người có BMI từ 25 - 30 được xem là thừa cân, trên 30 là béo phì. Đặc biệt, béo bụng - tích tụ mỡ vùng eo được xem là nguy hiểm nhất.

Vòng eo cũng là yếu tố cảnh báo nguy cơ tim mạch: nam giới có vòng eo ≥ 90 cm, nữ giới ≥ 80 cm được xếp vào nhóm nguy cơ cao.

Nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân, béo phì hiện nay là lối sống thiếu vận động, ăn uống mất cân đối, dư năng lượng, sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và chất béo xấu. Do đó, giảm cân một cách khoa học và bền vững là “chìa khóa” để cải thiện sức khỏe tim mạch.

Các chuyên gia khuyến cáo nên áp dụng lối sống lành mạnh: ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, giảm căng thẳng, duy trì giấc ngủ chất lượng, sinh hoạt điều độ. Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc điều trị béo phì hoặc can thiệp phẫu thuật để kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn.

Ths.Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, chia sẻ về một trường hợp bệnh nhân nam trên 50 tuổi, cao 1m65, nặng 93,6 kg, có tiền sử hút thuốc lá và bị tăng huyết áp. Qua kiểm tra chuyên sâu, phát hiện bệnh nhân bị hẹp khít động mạch vành 80-90%, một số mạch khác cũng xơ vữa nhẹ 20-30%.

Người bệnh được điều trị chuyên sâu kết hợp phác đồ giảm cân cá thể hóa, giúp giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim và cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch tổng thể.

Để điều trị hiệu quả béo phì, dược sỹ Đoàn Bảo Duy, Quản lý sản phẩm điều trị béo phì của Công ty TNHH Novo Nordisk Việt Nam, giới thiệu thuốc Liraglutide - một liệu pháp điều trị béo phì hiệu quả, an toàn cho người có BMI > 30 hoặc có ít nhất một bệnh lý liên quan đến cân nặng như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường type 2, ngưng thở khi ngủ…

Việc điều trị béo phì ở người có bệnh lý tim mạch là một thách thức lớn với bác sĩ. Tuy nhiên, với sự phối hợp liên chuyên khoa, ứng dụng phác đồ cá nhân hóa, cùng sự tiến bộ của y học, việc kiểm soát cân nặng và cải thiện sức khỏe tim mạch không còn là điều quá xa vời.

Hoại tử da vì tự ý dùng thuốc cảm

Tự ý sử dụng thuốc cảm mà không tham khảo ý kiến bác sĩ, một nữ bệnh nhân 26 tuổi phải nhập viện trong tình trạng hoại tử da, nhiễm trùng nặng và suýt nguy hiểm đến tính mạng.

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, Khoa Nội tổng hợp vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp phản ứng dị ứng thuốc nghiêm trọng dẫn đến hội chứng Stevens-Johnson (SJS) - một bệnh lý da liễu nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân là chị V.T.D (26 tuổi, trú tại Lạng Sơn), có tiền sử mắc Lupus ban đỏ hệ thống, một bệnh lý tự miễn mạn tính đang được điều trị. Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, chị bị đau răng và tự mua thuốc giảm đau tại hiệu thuốc gần nhà mà không thông báo về bệnh lý nền đang điều trị.

Ngày hôm sau, khi xuất hiện thêm các triệu chứng sốt, bệnh nhân tiếp tục mua thuốc cảm không kê đơn để uống. Chỉ sau một ngày dùng thuốc, chị bắt đầu nổi ban đỏ, ngứa dữ dội, sưng phù toàn thân, được đưa đến cơ sở y tế với chẩn đoán dị ứng thuốc. Tuy nhiên, sau 7 ngày điều trị, tình trạng không cải thiện mà diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Tùng, Khoa Nội tổng hợp, khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện dị ứng thuốc nặng, toàn thân đau rát, phù nề, loét niêm mạc miệng, mũi, mắt và vùng sinh dục - các triệu chứng điển hình của hội chứng Stevens-Johnson (SJS). Đây là một phản ứng dị ứng cấp tính nghiêm trọng, thường do thuốc gây ra, với biểu hiện hoại tử lan rộng và bong tróc lớp thượng bì da.

Ngoài tổn thương da chiếm dưới 10% diện tích cơ thể, bệnh nhân còn bị nhiễm trùng huyết và suy thận cấp, kèm protein niệu cao – dấu hiệu tổn thương thận do phản ứng miễn dịch. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, hội chứng này có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Sau 10 ngày điều trị tích cực với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như da liễu, mắt, tai mũi họng, phụ khoa và thận học, tình trạng bệnh nhân đã có nhiều cải thiện. Các tổn thương da và niêm mạc hồi phục rõ rệt, chức năng ăn uống trở lại bình thường. Bệnh nhân được xuất viện chiều ngày 9/4.

TS.Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), cảnh báo, dị ứng thuốc có thể gây sốc phản vệ, phù nề thanh quản, bít tắc đường thở, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.”

Với những người có bệnh nền mạn tính như Lupus ban đỏ, việc sử dụng thuốc cần được giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ, tránh tự ý mua và dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc không phù hợp với thể trạng.

Bác sỹ Ninh nhấn mạnh, người dân cần không tự ý mua thuốc điều trị các triệu chứng thông thường như cảm, sốt, đau nhức nếu đang có bệnh nền.

Thông báo đầy đủ tiền sử bệnh lý khi mua thuốc hoặc đến khám. Theo dõi kỹ các phản ứng sau khi dùng thuốc. Nếu có biểu hiện bất thường như ngứa, nổi ban, khó thở, sưng môi mắt... cần đến cơ sở y tế ngay để được xử trí kịp thời.

Bệnh không lây nhiễm: Gánh nặng sức khỏe toàn cầu và cảnh báo từ Việt Nam

Bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mạn tính đang trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 41 triệu người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, chiếm 74% tổng số ca tử vong toàn cầu.

Đáng chú ý, 77% trong số đó, tương đương 31,4 triệu ca, xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm đến 81% tổng số ca tử vong và hơn 73% gánh nặng bệnh tật hằng năm.

Trong đó, khoảng 41% là các ca tử vong sớm, tức trước 70 tuổi. Việc gia tăng các bệnh không lây nhiễm đã trở thành một trong ba nguyên nhân chính khiến mỗi người cao tuổi tại Việt Nam phải sống hơn 10 năm cuối đời trong tình trạng có bệnh, làm giảm đáng kể số năm sống khỏe mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Các hành vi nguy cơ chính góp phần làm tăng nhanh tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh không lây nhiễm bao gồm: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý như tiêu thụ nhiều đồ uống có đường, ăn thừa muối và thiếu vận động thể chất.

WHO cho biết, mỗi năm, thuốc lá là nguyên nhân của hơn 8 triệu ca tử vong, bao gồm cả người hút thuốc chủ động và thụ động. Dùng nhiều muối gây ra khoảng 1,8 triệu ca tử vong, trong khi thiếu hoạt động thể chất khiến 830.000 người tử vong mỗi năm. Đặc biệt, tiêu thụ đồ uống có đường cũng được xem là hành vi nguy hại cho sức khỏe.

Theo TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, việc sử dụng thường xuyên loại sản phẩm này có thể liên quan đến ít nhất 12 nhóm bệnh lý như hội chứng chuyển hóa, thừa cân béo phì, đái tháo đường, tim mạch, thậm chí là ung thư.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 15 triệu người trưởng thành hút thuốc lá, trong đó tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nằm trong top cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại khu vực ASEAN. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm đáng kể, với ước tính hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm do cả hút thuốc chủ động và thụ động.

Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế năm 2022, tổng chi phí y tế để điều trị, cùng với thiệt hại do mất sức lao động liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, xu hướng tiêu thụ đồ uống có đường cũng đang tăng mạnh.

Giai đoạn từ năm 2002 đến 2021, mức tiêu thụ loại sản phẩm này ở Việt Nam đã tăng gấp tám lần. Năm 2021, lượng tiêu thụ bình quân đầu người là 55 lít/năm, chiếm đến 30% mức đường khuyến nghị tối đa mỗi ngày theo hướng dẫn của WHO.

Xu hướng này đặc biệt đáng lo ngại khi tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng cao ở thanh thiếu niên độ tuổi 15-19, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, rối loạn chuyển hóa trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, WHO khuyến nghị các quốc gia nên áp dụng công cụ chính sách mạnh mẽ để kiểm soát các yếu tố nguy cơ hành vi, trong đó biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm có hại cho sức khỏe được xem là giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất.

Cụ thể, nếu tăng giá bán lẻ thuốc lá thêm 10%, mức tiêu thụ có thể giảm từ 4-5% ở người trưởng thành, thậm chí giảm tới 10% hoặc hơn ở nhóm thanh thiếu niên, đối tượng nhạy cảm hơn với sự thay đổi giá cả. Thực tiễn quốc tế cho thấy, các biện pháp tăng thuế đã đóng góp từ 50-60% hiệu quả trong tổng thể các chiến lược giảm sử dụng thuốc lá.

Tại Việt Nam, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh kế hoạch năm 2024 đã thống nhất đưa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vào chương trình xem xét.

Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội đúng tiến độ. Nhiều đại biểu Quốc hội đồng thuận với chủ trương sửa đổi luật nhằm cụ thể hóa chính sách của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn các nội dung như danh mục sản phẩm chịu thuế, mức thuế suất, lộ trình thực hiện, cũng như tác động đến kinh tế, xã hội và đặc biệt là nhóm dân cư thu nhập thấp.

Các chuyên gia khẳng định, bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu có sự can thiệp hiệu quả từ cả cá nhân, cộng đồng và chính sách.

Việc tăng thuế các sản phẩm có hại như thuốc lá, đồ uống có đường không chỉ giúp giảm sử dụng các sản phẩm đó, mà còn mang lại nguồn thu ngân sách bền vững để đầu tư trở lại cho y tế và phòng chống bệnh tật. Đây là lúc Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực thi chính sách sức khỏe công cộng, để đảm bảo một tương lai khỏe mạnh hơn cho toàn dân.

Tin mới y tế ngày 12/3: Đáng lo về tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì
Sở Y tế Hà Nội vừa thông tin về việc triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học, giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư