
-
Sốt xuất huyết tại TP.HCM diễn biến phức tạp
-
Cảnh giác trước sự gia tăng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
-
Kê đơn điện tử: Lời giải cho bài toán lạm dụng kháng sinh và thuốc đặc trị
-
Ngăn chặn tiêu cực trong giám định pháp y, pháp y tâm thần -
TP.HCM: Tiếp tục hỗ trợ đóng BHYT cho người dân địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương cũ
Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn cho người cao tuổi
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân 85 tuổi mắc hẹp ống sống thắt lưng. Đây là một trường hợp khó do tuổi cao và có nhiều bệnh nền.
![]() |
Với người cao tuổi, mọi can thiệp ngoại khoa đều cần được đánh giá cẩn trọng. |
Chỉ sau một ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đi lại và ăn uống bình thường, đánh dấu bước tiến mới trong năng lực điều trị chuyên sâu ngay tại tuyến y tế đảo.
Bệnh nhân là cụ bà N.T.C, cư trú tại Phú Quốc, nhập viện trong tình trạng đau lưng dữ dội kéo dài hơn một tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Bà có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type II và biểu hiện suy tim do thiếu máu cục bộ, khiến việc phẫu thuật trở nên nguy hiểm hơn.
Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh cho thấy cụ C bị hẹp ống sống thắt lưng, gây chèn ép rễ thần kinh, gây đau nhức và hạn chế vận động. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa kỹ lưỡng, các bác sỹ đã quyết định can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ít xâm lấn để giải ép rễ thần kinh tại đốt sống L3-L4.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công với thời gian can thiệp ngắn, hạn chế mất máu, giảm đau sau mổ rõ rệt và không để lại biến chứng hậu phẫu. Đặc biệt, chỉ sau 24 giờ, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng và sinh hoạt bình thường, kết quả vượt xa kỳ vọng đối với một bệnh nhân cao tuổi có nền sức khỏe phức tạp.
Phẫu thuật nội soi điều trị hẹp ống sống là kỹ thuật hiện đại, thường chỉ được triển khai tại các bệnh viện tuyến trung ương. Tuy nhiên, tại Vinmec Phú Quốc, phương pháp này đã được áp dụng thường quy, giúp người dân địa phương và du khách có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay trên đảo, không cần phải chuyển viện vào đất liền. Kỹ thuật nội soi mang lại nhiều lợi ích như giảm đau, rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế rủi ro và đặc biệt phù hợp với người cao tuổi có nhiều bệnh nền.
Theo Ths.Hoàng Nguyễn Nhật Tân, bác sỹ Ngoại thần kinh tại Vinmec Phú Quốc, với người cao tuổi, mọi can thiệp ngoại khoa đều cần được đánh giá cẩn trọng.
So với phẫu thuật hở tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phẫu thuật nội soi ít xâm lấn giúp nâng cao độ an toàn và rút ngắn thời gian phục hồi. Ca phẫu thuật thành công lần này một lần nữa khẳng định rằng kỹ thuật cao hoàn toàn có thể được triển khai hiệu quả tại bệnh viện tuyến đảo như Vinmec Phú Quốc.
Thành công của ca phẫu thuật không chỉ mở ra cơ hội điều trị hiệu quả cho người bệnh cao tuổi mắc bệnh lý cột sống, mà còn thể hiện rõ năng lực chuyên môn và sự phát triển vượt bậc của hệ thống y tế Vinmec tại Phú Quốc. Đây là minh chứng cho nỗ lực không ngừng trong việc đưa dịch vụ y tế chất lượng cao đến gần hơn với cộng đồng dân cư và du khách tại đảo Ngọc.
Bệnh nhân thoát chạy thận nhờ điều trị đúng thời điểm và thay đổi lối sống
Một bệnh nhân 53 tuổi, từng được chỉ định chạy thận sau cơn đột quỵ, đã may mắn thoát khỏi việc lọc máu nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 (TP.HCM).
Ông L., 53 tuổi, bắt đầu chạy thận hơn một tháng tại một bệnh viện gần nhà sau khi được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên, trong một lần đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 để đăng ký chạy thận, bác sỹ tại đây đã phát hiện ông vẫn còn khả năng tiểu tiện, dấu hiệu cho thấy chức năng thận chưa mất hoàn toàn. Nhận thấy còn cơ hội để cứu thận, các bác sỹ quyết định can thiệp điều trị nội khoa chuyên sâu nhằm trì hoãn tối đa việc lọc máu.
BS.CKI Đỗ Thị Hằng, Trưởng Đơn vị Nội thận, Lọc máu, cho biết, chúng tôi bàn với gia đình người bệnh rằng, còn nước còn tát. Nếu giữ được chức năng thận, ông L. sẽ không phải gắn liền cuộc sống với máy lọc máu, tránh tốn kém và cải thiện chất lượng sống. Việc trì hoãn hoặc thoát khỏi lọc máu là mục tiêu điều trị quan trọng trong các ca suy thận còn tiềm năng hồi phục.
Khi tiếp nhận, ông L. không chỉ bị suy thận mà còn có hàng loạt bệnh lý đi kèm cao huyết áp nhiều năm, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu hỗn hợp, tăng acid uric máu và bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Để đối phó với tình trạng phức tạp này, ekip bác sỹ đã xây dựng một phác đồ điều trị cá thể hóa bao gồm thuốc điều chỉnh huyết áp, kiểm soát đường huyết, chống xơ vữa động mạch và phòng ngừa đột quỵ. Mục tiêu điều trị rõ ràng được đặt ra: huyết áp dưới 140/90mmHg, HbA1c dưới 7%, LDL-C dưới 1,8 mmol/L.
Song song với điều trị bằng thuốc, ông L. tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống khoa học: giảm đạm, hạn chế muối, nước mắm, nước tương, thực phẩm nhiều dầu mỡ, nội tạng và thịt đỏ. Ông ngưng hoàn toàn rượu bia, thuốc lá, không dùng thuốc giảm đau hay thực phẩm chức năng tùy tiện, và duy trì sinh hoạt điều độ.
Sau ba tháng tuân thủ phác đồ và thay đổi lối sống, chức năng thận của ông L. đã có cải thiện rõ rệt. Chỉ số eGFR, độ lọc cầu thận tăng từ 24 lên 31 mL/phút/1,73m², tức ông đã chuyển từ suy thận mạn giai đoạn cuối lên giai đoạn 3, không còn cần lọc máu định kỳ.
Bác sỹ Hằng chia sẻ thêm, bệnh nhân bị suy thận cấp trên nền suy thận mạn sau đột quỵ, nhưng được phát hiện và điều trị kịp thời trong giai đoạn vàng. Đây là niềm hạnh phúc của cả bác sỹ, bệnh nhân và gia đình.
Giờ đây, tinh thần ông L. đã tươi tỉnh trở lại sau những tháng ngày chống chọi với bệnh tật. Ông cho biết, trước đây do đặc thù công việc kinh doanh tự do với đối tác quốc tế, ông thường xuyên thức khuya, ăn uống không điều độ, sử dụng đồ ăn nhanh và rượu bia.
Sau khi đối mặt với nguy cơ chạy thận suốt đời, ông quyết tâm thay đổi hoàn toàn lối sống, tuyệt đối không uống rượu, hút thuốc và nghiêm túc thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh theo hướng dẫn của bác sỹ.
Câu chuyện của ông L. cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng bệnh thận tại Việt Nam. Hiện có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm khoảng 12,8% dân số trưởng thành.
Mỗi năm ghi nhận thêm khoảng 8.000 ca mắc mới, chủ yếu liên quan đến lối sống không lành mạnh. Bác sỹ Hằng cảnh báo rằng các thói quen phổ biến như ăn mặn, uống nhiều rượu bia, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức khuya, làm việc căng thẳng và lười vận động đang âm thầm hủy hoại thận, đặc biệt ở người trẻ.
Bác sỹ khuyến cáo người dân nên điều chỉnh lối sống: ăn uống khoa học, tăng rau xanh và trái cây, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường, rượu bia và thuốc lá; đồng thời duy trì lịch khám sức khỏe định kỳ 6–12 tháng/lần để sớm phát hiện và điều trị các bệnh lý về thận trước khi quá muộn.
Biến chứng hiểm nguy khi tiêm khớp chữa vai gáy
Một nam bệnh nhân 70 tuổi tại Quảng Ninh đã rơi vào tình trạng liệt hoàn toàn tứ chi, mất cảm giác và suy hô hấp cấp sau khi tự ý tiêm thuốc điều trị đau cổ-vai gáy tại một phòng khám tư nhân không rõ chuyên môn. Dù được cấp cứu kịp thời, các bác sỹ nhận định tiên lượng hồi phục của bệnh nhân rất thấp, nguy cơ tàn phế vĩnh viễn.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận trường hợp ông Đ.Đ.B. (70 tuổi, Quảng Ninh) trong tình trạng nguy kịch khi liệt hoàn toàn tứ chi, mất phản xạ vận động, mất cảm giác, suy hô hấp nặng và phải mở khí quản cấp cứu. Dù còn tỉnh táo, ông không thể tự thở hay cử động bất kỳ chi nào.
Theo người nhà, trước đó ông B. bị đau mỏi vùng cổ-vai gáy kéo dài nhưng không đến bệnh viện kiểm tra mà lựa chọn tiêm thuốc giảm đau tại một phòng khám tư nhân không rõ năng lực chuyên môn.
Sau mũi tiêm, tình trạng không những không cải thiện mà ngày càng nặng, xuất hiện yếu tứ chi, mất cảm giác, khó thở, rồi nhanh chóng rơi vào liệt toàn thân và phải chuyển tuyến cấp cứu.
ThS.BS Lê Sơn Việt, Khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhân nhập viện trong trạng thái liệt tứ chi hoàn toàn, cơ lực bằng 0, không còn phản xạ gân xương, suy hô hấp nặng do liệt cơ hô hấp.
Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, ông B. bị thoát vị đĩa đệm cổ nghiêm trọng tại đốt sống C2-C3, gây chèn ép tủy sống và dẫn đến viêm tủy cổ lan rộng, một trong những tổn thương nghiêm trọng nhất của hệ thần kinh trung ương.
Ekip bác sỹ đã lập tức phối hợp giữa Khoa Cấp cứu và Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, thần kinh cột sống để mổ giải ép tủy cấp cứu.
Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật cho thấy tủy cổ của bệnh nhân đã phù nề nặng, dính sát vào thành ống sống. Đồng thời, bệnh nhân còn biểu hiện nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ. Được biết, ông B. từng có tiền sử điều trị lao phổi, dẫn đến suy giảm miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn lan rộng.
BSCKII Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống nhận định, dù ca mổ giải ép thành công, nhưng tổn thương tủy cổ vùng cao như C2-C3 vô cùng nghiêm trọng. Khả năng phục hồi vận động gần như không có. Dù giữ được tính mạng, bệnh nhân vẫn đang thở máy và tiên lượng khả năng đi lại, sinh hoạt độc lập chỉ khoảng 40%.
Viêm tủy cổ do thoát vị đĩa đệm, đặc biệt tại vị trí cao như C2-C3, là bệnh lý thần kinh rất nặng và hiếm gặp. Theo bác sỹ Việt, việc tự ý tiêm thuốc tại cơ sở không phép không chỉ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng mà còn làm chậm chẩn đoán và điều trị đúng cách, khiến tổn thương thần kinh trở nên không hồi phục.
Người cao tuổi và người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, suy miễn dịch… càng dễ bị biến chứng nặng.
Từ trường hợp trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý tiêm, truyền dịch, châm cứu, bấm huyệt hoặc uống thuốc không rõ nguồn gốc tại các cơ sở y tế không có giấy phép hoạt động.
Khi có dấu hiệu như đau cổ kéo dài, tê tay, yếu chi hoặc các biểu hiện thần kinh bất thường, cần đến khám tại bệnh viện chuyên khoa thần kinh hoặc cột sống để được chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị kịp thời.
“Thoát vị đĩa đệm cổ nếu phát hiện sớm thường có thể điều trị bảo tồn bằng thuốc và vật lý trị liệu, không nhất thiết phải mổ. Nhưng nếu để muộn, tổn thương vào tủy sống, nguy cơ liệt và phải thở máy là rất lớn”, BS Tùng cảnh báo.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sỹ từng tiếp nhận không ít trường hợp đến muộn sau khi điều trị bằng “mẹo”, khiến bệnh không chỉ nặng hơn mà còn mất thời gian vàng để can thiệp hiệu quả.
“Chúng tôi từng phải chứng kiến nhiều bệnh nhân liệt hoàn toàn, mất khả năng sống độc lập chỉ vì tiêm thuốc giảm đau không đúng cách. Đây là hậu quả đắt giá mà không ai muốn lặp lại”, bác sỹ Việt chia sẻ.

-
Tin mới y tế ngày 12/7: Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn cho người cao tuổi -
TP.HCM: Tiếp tục hỗ trợ đóng BHYT cho người dân địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương cũ -
TP.HCM triển khai Thông tư mới về kê đơn thuốc ngoại trú -
Cảnh báo về những sai lầm phổ biến ở người bệnh tăng huyết áp -
Bộ Y tế hành động từ sớm, từ xa để phòng chống dịch sốt xuất huyết -
Việt Nam thúc đẩy quyền sinh con và thích ứng dân số già -
Tin mới y tế ngày 11/7: TP.HCM thông tin về chống hàng giả, gian lận thương mại
-
DKSH Việt Nam thúc đẩy đổi mới và tuân thủ trong ngành chăm sóc cá nhân
-
Mùa hè sôi động với ưu đãi hấp dẫn khi mua Omoda C5 và Jaecoo J7 trong tháng 7
-
SeABank tổ chức “Ngày hội đổi rác lấy quà” - Lan tỏa lối sống xanh vì Hà Nội sạch đẹp
-
Thông báo mời quan tâm dự án Tòa nhà Trụ sở chính VietinBank
-
Vietnam Airlines thông báo phát hành 900 triệu cổ phiếu ra công chúng
-
Phố thêm đông nhờ đường đã thông