Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 15 tháng 02 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 14/2: Hồi sinh người bệnh mắc ung thư phổi
D.Ngân - 14/02/2025 14:30
 
Bà D. bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn não, xương và các cơ quan khác. Nhờ phát hiện đột biến gene, bà đã được điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích, giúp thoát khỏi tình trạng nguy kịch và kéo dài thời gian sống.

Hồi sinh người bệnh mắc ung thư phổi

Cuối tháng 1 vừa qua, bà C.T.N.D. 51 tuổi, tái khám với Ths.Ngô Tuấn Phúc, chuyên gia ung bướu sau 10 tháng điều trị ung thư phổi giai đoạn 4, loại không tế bào nhỏ.

Lúc này, bà D. đã hồi phục mạnh mẽ: không còn nói đớ, miệng không còn bị méo, ăn uống bình thường, tăng 10 kg và không còn suy kiệt hoàn toàn khác biệt so với tháng 2/2024, khi bà D. được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Ảnh minh họa.

Nhớ lại thời điểm nhập viện vào tháng 2/2024, thân nhân của bà cho biết bà có biểu hiện nói khó, nhìn mờ, phù tay trái và khó thở, kèm theo di căn ung thư phổi.

Các kết quả MRI cho thấy nhiều tổn thương ở não, với tổn thương lớn nhất ở thuỳ trán trái kích thước 32x31mm, gây phù não và chèn ép não thất bên trái. Đây là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng thần kinh của bà D.

Bác sỹ Phúc cho biết nếu không có phương pháp điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong của bà D. sẽ rất cao. Sau khi hội chẩn cùng bác sỹ xạ trị, bác sỹ quyết định điều trị nội khoa để chống phù não và sinh thiết hạch cổ phải.

Kết quả xét nghiệm gene cho thấy bà D. có đột biến gene ALK - một loại đột biến hiếm gặp trong ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm 4.4% - 6.7%), thường phát hiện khi có di căn não. Để điều trị, bà D. được chỉ định sử dụng thuốc nhắm trúng đích, giúp khóa đột biến ALK và đạt hiệu quả cao trong việc cải thiện các triệu chứng thần kinh.

Chỉ sau 1 tuần điều trị, bà D. không còn khó thở, nhìn mờ, phù tay trái và các triệu chứng như méo miệng, nói đớ, liệt nửa người cũng giảm đi rõ rệt. Bác sỹ Phúc đánh giá tình trạng hồi phục của bà D. là rất khả quan và tiếp tục chỉ định sử dụng thuốc nhắm trúng đích kết hợp với vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng.

Hiện tại, sau hơn 10 tháng điều trị, kết quả CT phổi cho thấy khối u ở phổi đã giảm kích thước và gần như không còn dấu vết. Tuy nhiên, tình trạng u não có dấu hiệu quay lại, và bà D. có thể sẽ cần phải xạ trị não hoặc tiếp tục điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích thế hệ mới để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.

Về quá trình điều trị, trước đó vào tháng 10/2023, bà D. đi khám sức khỏe định kỳ và phát hiện tràn dịch màng phổi trái. Chụp CT cho thấy khối u phổi kích thước 3x3 cm và tràn dịch màng phổi trái lượng nhiều gây xẹp phổi. Sau khi nội soi phế quản và sinh thiết, kết quả xác nhận ung thư phổi loại carcinoma tuyến.

Các bác sỹ trước đó đã dự báo thời gian sống của bà D. chỉ từ 6 tháng đến dưới 1 năm. Tuy nhiên, nhờ vào việc phát hiện sớm các đột biến gene và điều trị đúng phương pháp, cơ hội sống và kéo dài cuộc sống của bà đã được nâng lên đáng kể.

Theo thống kê từ Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan), ung thư phổi đứng thứ hai trong các loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ tại Việt Nam.

Ung thư phổi được chia thành hai loại chính: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 80% các ca ung thư phổi, giống như trường hợp của bà D.

Bác sỹ Phúc giải thích rằng ung thư là kết quả của các thay đổi gene kiểm soát sự phát triển của tế bào. Những đột biến gene này thường là do tác động của các yếu tố sinh ung từ môi trường như hóa chất, tia UV, vi khuẩn, hoặc các sai sót trong quá trình nhân đôi DNA của tế bào. Việc phát hiện các đột biến gene trong ung thư phổi không tế bào nhỏ đã tạo ra một phương pháp điều trị mới, giúp "khóa" đột biến và ngăn ngừa sự phát triển của u.

Liệu pháp nhắm trúng đích mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa, giúp kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tuy nhiên, thuốc có giá thành cao, gây khó khăn trong việc tiếp cận của nhiều bệnh nhân. Dù vậy, với sự phát triển của y học hiện đại, các bác sỹ kỳ vọng sẽ phát hiện thêm nhiều đột biến gene và cung cấp các phương pháp điều trị hiệu quả, đồng thời giảm giá thành thuốc để mở rộng cơ hội điều trị cho bệnh nhân.

Bé gái giãn buồng tim do biến chứng thông liên nhĩ

Ca can thiệp cho Trúc, 11 tháng tuổi, diễn ra phức tạp do bé nhẹ cân, kích thước lỗ thông liên nhĩ lớn, nguy cơ gây tổn thương van tim nếu chọn dù quá to.

Theo bác sỹ, thông liên nhĩ là bệnh lý tim bẩm sinh với sự xuất hiện của một lỗ thủng giữa hai buồng tâm nhĩ (ngăn trên của tim). Lỗ thông liên nhĩ kích thước nhỏ (dưới 5 mm) có khả năng tự đóng.

Những lỗ thông lớn hơn nếu không biểu hiện triệu chứng, chưa gây ra vấn đề sức khỏe thì không cần phẫu thuật khi trẻ còn nhỏ, nhưng phải theo dõi và có thể phải can thiệp khi lớn lên. Với trường hợp đã xuất hiện biến chứng như giãn buồng tim phải hay chậm tăng cân, suy tim, cần có phương pháp can thiệp kịp thời.

Bé Trúc sinh đủ tháng, cân nặng lúc sinh gần 3,8 kg. Mẹ bé kể gia đình nội ngoại không ai mắc bệnh tim, trong thai kỳ không phát hiện bất thường. Khi bé hai tháng tuổi, đi chích ngừa được khám tổng quát thì nghe âm thổi ở tim.

Đây là âm thanh gây ra do dòng máu chảy không đều bên trong hoặc gần tim, gợi ý một số bệnh lý về tim mạch. Gia đình đưa bé đi siêu âm tim, ghi nhận lỗ thông liên nhĩ lớn, kích thước 11 mm chưa biến chứng. Bác sỹ chưa chỉ định đóng lỗ thông, hẹn tái khám theo dõi định kỳ.

Sáu tháng sau đó, Trúc có dấu hiệu chậm tăng cân, có tháng còn sụt cân nhẹ. Bé hay bị viêm đường hô hấp tái đi tái lại, ăn uống kém. Ở lần tái khám lúc 11 tháng tuổi, siêu âm tim phát hiện bé bị giãn lớn buồng tim phải tiến triển so với lần trước.

“Kết hợp giữa triệu chứng và siêu âm tim cho thấy lỗ thông liên nhĩ đã gây biến chứng, cần can thiệp bít dù sớm cho bé để đóng lỗ thông,” bác sỹ Thủy nhận định.

BS.CKII Vũ Năng Phúc, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi đánh giá ca can thiệp này khá phức tạp do bé Trúc nhẹ cân (thời điểm can thiệp là 8,4 kg), lỗ thông của bé hơn 10 mm, cần chọn loại dù lớn để bít hoàn toàn.

Tuy nhiên, ở những bệnh nhi nhẹ cân, nếu dùng dù quá lớn thì dễ chèn ép các cơ quan lân cận gây hở van 2 lá, hở van 3 lá. Ngoài ra, nhĩ phải bé giãn lớn làm cho nhĩ trái nhỏ đi, gây khó khăn khi thao tác do không gian buồng tim chật hẹp, rất khó để bung dù và bít lỗ thông chuẩn xác.

Để khắc phục, bác sỹ Phúc cùng ê kíp cố gắng sử dụng dù nhỏ nhất (đường kính 12 mm) để vừa bít trọn lỗ thông, vừa không gây tổn thương van tim. Suốt quá trình can thiệp có sự hướng dẫn của hình ảnh X-quang và siêu âm tim qua thực quản, giúp bác sỹ thao tác chuẩn xác. Sau 45 phút, thủ thuật kết thúc thành công.

Siêu âm tim kiểm tra sau can thiệp thấy lỗ thông được bít kín, không chèn ép các cấu trúc lân cận. Bé xuất viện một ngày sau can thiệp.

Theo bác sỹ Phúc, bít dù thông liên nhĩ là lựa chọn hàng đầu cho các trường hợp thông liên nhĩ có cấu trúc giải phẫu phù hợp. Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn với nhiều ưu điểm như an toàn, ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng, thời gian phục hồi nhanh, không mở ngực nên không để lại sẹo.

Trẻ có thể sinh hoạt bình thường ngay sau can thiệp. Nếu bít lỗ thông thành công và chế độ chăm sóc sau can thiệp tốt, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn và phát triển như trẻ bình thường.

Có thể ngăn ngừa phần nào bệnh tim bẩm sinh nhờ tiêm ngừa bệnh Rubella (sởi Đức), tránh uống thuốc không do bác sỹ chỉ định trong ba tháng đầu thai kỳ, tránh sử dụng rượu, ma túy khi có thai…

So với các bệnh tim bẩm sinh khác, thông liên nhĩ thường được chẩn đoán trễ hơn. Bác sỹ Thủy cho biết bé Trúc được phát hiện sớm vì có triệu chứng sớm do lỗ thông lớn.

Nếu trẻ xanh xao, hay vã mồ hôi, tay chân lạnh, chậm tăng cân, thở nhanh, khò khè, viêm đường hô hấp tái lại nhiều lần, phụ huynh nên đưa con khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh ở các cơ sở y tế chuyên sâu.

Đau đầu, mất ngủ, chán ăn vì gan nhiễm mỡ do thừa cân

Chị L.P.H. 36 tuổi, là nhân viên văn phòng của một công ty xuất nhập khẩu. Công việc của chị chủ yếu là nhập dữ liệu, mỗi ngày chị phải ngồi trước máy tính 6-7 tiếng nên dù chỉ cao 1m55, cơ thể chị khá “phì nhiêu” với cân nặng khoảng 76 kg.

Mặc dù biết mình ở tình trạng thừa cân, nhưng do công việc bận rộn, không có thời gian, lại thấy sức khỏe mình vẫn bình thường nên chị chỉ hạn chế tinh bột, ăn ít đi chứ không theo một lộ trình giảm cân nào.

Thỉnh thoảng chị thấy đau và khó chịu ở vùng bụng trên bên phải, có lúc chán ăn, thời gian gần đây hay bị đau đầu, mất ngủ. Cuối năm khám sức khỏe định kỳ ở công ty, siêu âm ổ bụng cho thấy chị bị gan nhiễm mỡ mức độ 2.

Vô tình chị gặp một người bạn học cũ kể chuyện đang điều trị giảm mỡ nội tạng sau khi phát hiện gan nhiễm mỡ độ 2. “Lúc đó tôi mới biết, gan nhiễm mỡ nếu không điều trị sẽ có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan,” chị H. nói và quyết định đi kiểm tra kỹ hơn.

Kết quả đo InBody cho thấy, chị có BMI 31.6 (kg/m²), béo phì độ 2; mức mỡ nội tạng 162 cm² (mức trung bình dưới 100 cm²), thuộc ngưỡng mỡ nội tạng xấu.

Riêng lượng mỡ tích tụ ở gan chiếm gần 20% tổng trọng lượng gan – tức gan nhiễm mỡ độ 2. Bác sỹ giải thích, việc tăng cân quá mức, dư thừa mỡ nội tạng đã làm tăng nguy cơ và mức độ gan nhiễm mỡ của chị H.

Bác sỹ chuyên khoa 2 Trương Thị Vành Khuyên, Trung tâm Giảm cân Tâm Anh cho biết, ở trường hợp này, gan nhiễm mỡ mức độ 2 là nguyên nhân khiến người bệnh bị mệt mỏi, tức bụng, đau nhức đầu, khó ngủ.

Tình trạng gan nhiễm mỡ nếu kéo dài, không được kiểm soát tốt có thể khiến chức năng gan suy giảm, tổn thương, dẫn đến xơ gan, viêm gan, thậm chí ung thư gan.

Cân nặng càng cao, lượng mỡ nội tạng tích lại càng lớn, dẫn đến nguy cơ mắc hàng loạt bệnh như gan nhiễm mỡ, đái tháo đường, tăng huyết áp, đột quỵ.

Lượng mỡ nội tạng tích tụ có thể ảnh hưởng đến các động mạch, làm tăng sức ép lên hệ thống tim mạch. Điều này làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn đề về mạch máu khác như mất ngủ, đau đầu, giảm trí nhớ.

Khi gan bị nhiễm mỡ, gan không thể hoạt động hiệu quả trong việc chuyển hóa và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Điều này dẫn đến việc các chất độc tích tụ trong cơ thể, gây mệt mỏi, đau đầu và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Mặt khác, gan nhiễm mỡ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng, đặc biệt là lipid và đường, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố và năng lượng trong cơ thể. Điều này có thể gây ra cảm giác mệt mỏi, chán ăn, gây ra các cơn đau đầu…

Chị H. được bác sỹ lên phác đồ điều trị giảm mỡ toàn thân bằng thuốc uống và thuốc tiêm, kết hợp chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp với công việc và sinh hoạt. Tái khám sau 2 tháng, dù chưa hết lộ trình điều trị nhưng lượng mỡ nội tạng của chị đã gần về mức an toàn, gan nhiễm mỡ cũng giảm xuống chỉ còn độ 1.

Theo bác sỹ Vành Khuyên, bình thường, một lá gan khỏe mạnh sẽ có khoảng 3% - 5% trọng lượng là mỡ. Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan vượt quá 5% trọng lượng lá gan. Bằng phương pháp siêu âm, dựa vào hiện tượng tăng độ sáng của nhu mô gan trên hình ảnh mà bác sỹ có thể xác định mức độ gan nhiễm mỡ.

Để đánh giá chính xác, người bệnh nên làm các kiểm tra chuyên sâu hơn như xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan, một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính xác hơn như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, đo InBody… để xác định mức độ mỡ trong gan cũng như lượng mỡ nội tạng trong cơ thể.

Bác sỹ Khuyên giải thích, khi ăn quá nhiều thực phẩm giàu calo và carbohydrate, cơ thể có thể xuất hiện tình trạng kháng insulin. Kháng insulin ảnh hưởng đến hoạt động điều chỉnh lượng đường trong máu, dẫn đến gan sản xuất glucose (đường) quá mức.

Kết quả là gan phải chuyển lượng glucose dư thừa thành chất béo và tích trữ trong các tế bào gan, gây gan nhiễm mỡ. Đây là tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu. Ngược lại, gan nhiễm mỡ cũng gây ra và làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin, dẫn đến “một vòng luẩn quẩn”.

Vì thế, giảm cân là “chìa khóa” để kiểm soát và điều trị gan nhiễm mỡ. “Chỉ cần giảm khoảng 5%-10% trọng lượng cơ thể cũng giúp giảm mỡ gan, cải thiện tình trạng kháng insulin, giảm viêm, chuyển hóa lipid tốt hơn và cải thiện chức năng gan,” bác sỹ Khuyên giải thích.

Tuy nhiên, không phải chỉ có người thừa cân, béo phì mới bị gan nhiễm mỡ. Bác sỹ Khuyên cho biết, người có cân nặng bình thường nhưng chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh, cơ thể không đủ dưỡng chất dẫn đến lượng đường trong máu thấp, làm tăng phân giải mỡ thành năng lượng.

Điều này làm tăng lượng axit béo đi vào máu dẫn đến tình trạng tích trữ mỡ trong gan. Nếu lười vận động, mỡ sẽ tích tụ trong gan và không được chuyển hóa, lâu ngày có thể dẫn tới gan nhiễm mỡ.

Các bác sỹ khuyến cáo khi đi khám sức khỏe nếu thấy kết quả siêu âm ổ bụng có tình trạng gan nhiễm mỡ thì người bệnh nên đi khám chuyên sâu.

“Hiện cách xác định mỡ nội tạng khá chính xác, đơn giản và ít tốn kém là đo InBody. Tùy thuộc vào định lượng mỡ nội tạng của mỗi người, bác sỹ sẽ có những tư vấn và chỉ định điều trị phù hợp,” bác sỹ Khuyên nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư