Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 06 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 14/6: Bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng; Rà soát người tiếp xúc với ca viêm não tử vong
D.Ngân - 14/06/2024 08:22
 
Thời điểm nắng nóng trên diện rộng, gay gắt, nhiệt độ tăng cao, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) ghi nhận nhiều ca nhập viện cấp cứu do mất nước dẫn đến biến chứng nguy hiểm như rối loạn điện giải, suy thận cấp.

Nguy hiểm sức khỏe vì nắng nóng

Ngay từ những ngày đầu của đợt nắng nóng, Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do cơ thể mất nước khi lao động ngoài trời nhiều giờ mà không bù đủ nước. 

Để phòng tránh tác hại nguy hiểm của nắng nóng đến sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài trong khoảng thời gian nhiệt độ tăng cao từ 10h đến 17h. 

Điển hình như bệnh nhân L.V.T. (46 tuổi, trú huyện Bắc Yên, Sơn La) làm nghề xây dựng, lao động thời gian dài ngoài trời nắng nóng, cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng co rút cơ toàn thân, đặc biệt vùng bắp chân, huyết áp tăng. 

Bệnh nhân Đ.V.T (64 tuổi, trú TP Hạ Long, Quảng Ninh) làm nghề đi biển, nhập viện với triệu chứng tê bì chân tay, chuột rút liên tục, đau cơ. Hai trường hợp trên đều có kết quả xét nghiệm máu cô đặc, tăng men gan, suy thận cấp. 

Các bác sĩ Khoa Thận lọc máu đã chỉ định điều trị truyền dịch, bù nước và điện giải cho các bệnh nhân. Sau 3 ngày điều trị tích cực, chức năng thận của người bệnh đã ổn định, sức khỏe hồi phục tốt.

Theo các bác sĩ, trong thời tiết nắng nóng, người bệnh có thể bị mất nước, rối loạn điện giải với biểu hiện như nhức đầu, mệt mỏi, lả người, ù tai, hoa mắt, tụt huyết áp, buồn nôn, tim đập nhanh và mạnh, chuột rút, tay chân co quắp, co giật.

Nguy hiểm hơn là biến chứng suy thận cấp, sốc nhiệt, hôn mê và có thể tử vong. Những trường hợp nhập viện do nắng nóng ở mức độ nhẹ có thể được điều trị tại khoa thường, bù nước và điện giải, tránh suy thận cấp. Bệnh nhân nặng bị sốc nhiệt có thể phải lọc máu, điều trị hồi sức tích cực.

Dự báo thời gian tới, miền Bắc sẽ có nhiều đợt nền nhiệt cao kéo dài. Vì vậy, để phòng tránh tác hại nguy hiểm của nắng nóng đến sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài trong khoảng thời gian nhiệt độ tăng cao từ 10h đến 17h. 

Người lao động hoặc di chuyển ngoài trời cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, có các biện pháp chống nắng nóng. Cung cấp đủ nước cho cơ thể hằng ngày, hằng giờ để bù lượng nước mất đi. 

Đặc biệt những trường hợp làm việc ngoài trời có thể phải bù 3-4 lít nước và nên bổ sung thêm điện giải tránh biến chứng suy thận cấp do mất nước. 

Tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả hoặc uống nước ép trái cây để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. 

Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng hoặc ngược lại. 

Nếu phát hiện người bị say nắng, bạn cần đưa họ ra khỏi môi trường nắng, đặt nằm ở nơi thoáng mát có bóng râm càng sớm càng tốt. Sau đó, nới lỏng quần áo, chườm mát bằng nước lạnh, bổ sung nước uống hoặc nước oresol và chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để tránh nguy cơ, biến chứng nặng do mất nước, mất điện giải.

Không để bệnh nhân nội trú phải chịu nóng

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 1733/BHXH-CSYT đề nghị bảo hiểm xã hội tỉnh, TP, Bộ Quốc phòng, Công an Nhân dân tăng cường đảm bảo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Việt Nam nhận được nhiều ý kiến phản ánh việc người có thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh không được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế theo quy định như phải tự mua thuốc, thiết bị y tế, tự thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế

Phòng điều trị nội trú không có điều hoà nhiệt độ hoặc có nhưng không sử dụng được; không được cơ sở khám chữa bệnh chấp nhận giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm tài chính.

Người bệnh phải xếp hàng chờ đợi lâu khi khám chữa bệnh do phải qua nhiều thủ tục; phải tạm ứng tiền trước mỗi lần thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Người bệnh không được miễn giảm chi phí cùng chi trả trong năm tài chính ngay tại cơ sở khám chữa bệnh khi đã đủ điều kiện theo quy định,…

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, TP có văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám chữa bệnh.

Theo đó, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh theo đúng quy định, rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh, giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh bảo hiểm y tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo cung ứng thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế theo đúng phạm vi chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh.

Các phòng điều trị nội trú đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yếu tố chi phí trực tiếp đã được tính trong cơ cấu chi phí giá ngày giường bệnh quy định, không để tình trạng phòng bệnh nội trú không có điều hòa hoặc có điều hòa nhưng không hoạt động được dẫn đến người bệnh phải lựa chọn phòng điều trị theo yêu cầu mới có điều hòa.

Người bệnh mắc các bệnh, nhóm bệnh thuộc danh mục được sử dụng giấy chuyển tuyến đã được cơ sở khám chữa bệnh khác chuyển đến, cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận và khám chữa bệnh cho người bệnh theo quy định.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh chỉ đạo tăng cường giám định bảo hiểm y tế, trường hợp phát hiện cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định thì báo cáo UBND tỉnh, Sở Y tế để xử phạt và yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả người bệnh theo đúng quy định.

Rà soát các trường hợp tiếp xúc với ca viêm não tử vong

Trung tâm Y tế huyện Ba Bể (Bắc Kạn) phối hợp với các cơ quan chuyên môn địa phương tổ chức phun khử khuẩn tại một số hộ dân liên quan đến kết quả dương tính bệnh viêm não mô cầu.

Theo báo cáo, sau khi nhận được báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về 2 trường hợp không qua khỏi tại gia đình bà H.T.Đ. (sinh năm 1960) và một số thành viên trong gia đình mắc cùng triệu chứng, ngày 12/6, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị khẩn cấp triển khai hướng dẫn giám sát phòng, chống dịch; điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do não mô cầu trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện Ba Bể tổ chức phun khử khuẩn một số hộ dân tại thôn Nà Lầu, xã Mỹ Phương. Khám, rà soát 352 trường hợp tiếp xúc gần. Tổ chức truyền thông cho người dân về các biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường sống, thực hiện ăn chín uống sôi, nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau đầu, đi ngoài phân lỏng thì báo ngay cho cơ quan chuyên môn để được khám, điều trị kịp thời.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, chú trọng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do não mô cầu.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh viêm não mô cầu, Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chủ động, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới bệnh do não mô cầu tại cộng đồng trong khu vực xảy ra ổ dịch;

Theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, sử dụng thuốc điều trị dự phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đảm bảo tổ chức tốt thu dung, chẩn đoán sớm, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm; cung cấp thông tin về các biện pháp phòng lây nhiễm cho người chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh do não mô cầu (khi tiếp xúc với người bệnh và ở tại ổ dịch cần đeo khẩu trang; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…).

Rà soát, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng thuốc, thiết bị y tế để hỗ trợ triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế và các đơn vị liên quan về giám sát, phát hiện, điều tra ca bệnh, hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư