Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 06 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 15/6: Gia tăng số lượng trẻ phải phẫu thuật amidan dịp hè
D.Ngân - 15/06/2024 09:47
 
Thông tin từ một cơ sở y tế tại TP.HCM, từ giữa tháng 5/2024 đến nay, đã có gần 100 trẻ phẫu thuật amidan, nạo VA, tăng 30% so với tháng trước.

Gia tăng số lượng trẻ phải phẫu thuật amidan dịp hè

Theo các bác sĩ, số lượng trẻ phẫu thuật cắt amidan tăng lên vì thời điểm này, trẻ nghỉ hè nên nhiều phụ huynh đăng ký phẫu thuật amidan cho con.

Các bác sĩ trong một ca thực hiện phẫu thuật cắt Amidan cho bệnh nhân.

Đây cũng là thời điểm tốt để chăm sóc trẻ sau phẫu thuật, tăng khả năng lành thương, phòng ngừa nhiễm trùng sau mổ bởi nghỉ hè, trẻ ít tham gia các hoạt động với bạn bè ở trường lớp, hạn chế tiếp xúc với nhiều người nên tránh được vi khuẩn, virus tấn công.

Chưa kể, mùa hè, trẻ dễ tái phát viêm amidan vì nhiệt độ ngoài trời tăng cao, thiếu độ ẩm, trẻ thường xuyên ở phòng máy lạnh khiến niêm mạc mũi họng trẻ bị khô, trẻ phải thở bằng miệng. Đây là cơ hội cho vi khuẩn, virus từ môi trường xung quanh dễ dàng tấn công gây bệnh.

Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm có thể gây nên những biến chứng viêm amidan nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm mũi xoang và viêm phế quản phổi, viêm cơ tim, viêm khớp dạng thấp, viêm vi cầu thận. Hiểu được điều đó nên nhiều phụ huynh tranh thủ sắp xếp thời gian khi trẻ nghỉ hè để đăng ký phẫu thuật cắt amidan cho con.

Qua thăm khám cho nhiều ca bệnh, Ths.Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, hầu hết trẻ bị viêm amidan quá phát, viêm VA quá phát, từng được chỉ định phẫu thuật. Như trường hợp, bé V.P.D. (4 tuổi, tỉnh Đắk Lắk ) đã bị viêm amidan quá phát, viêm VA quá phát cách đây 1 năm.

Cứ tầm hơn 1 tháng bé tái phát viêm amidan một lần, amidan quá phát độ 4. Bé bỏ ăn, đau rát họng, ho, ngủ ngáy. Bé thường xuyên nghỉ học vì càng đi học, càng tiếp xúc với nhiều bạn bè, bệnh càng lâu bớt. Vì đi học, bé thường tiếp xúc với bạn bè, tham gia nhiều hoạt động chung nên dễ nhiễm vi khuẩn, virus.

Cách đây 1 tháng, bé được mẹ đưa bé đến bệnh viện thăm khám. Sau khi nội soi, khám lâm sàng, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt amidan cho bé. Khi bé vừa được nghỉ hè, đầu tháng 6, hai vợ chồng chị A. quyết định đưa bé trở lại bệnh viện để tái khám, đăng ký phẫu thuật cắt amidan.

Amidan được xem là “tấm áo giáp” bảo vệ hệ hô hấp, giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại như vi khuẩn, virus, nấm mốc, bụi bẩn. Tuy nhiên, vì là lớp chắn đầu tiên này thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn và virus, amidan bị suy yếu, dễ rơi vào tình trạng sưng và viêm. Trẻ dễ viêm amidan, nhất là khi 3-6 tuổi do hệ miễn dịch của trẻ yếu, khả năng chống lại virus, vi khuẩn kém.

Bác sĩ Hằng cho biết, không phải viêm amidan nào cũng phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố như độ tuổi, nguyên nhân, mức độ viêm; mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe. Trẻ trên 4 tuổi có thể phẫu thuật cắt amidan vì lúc này hệ miễn dịch và sức khỏe của trẻ đã có thể đáp ứng.

Cắt amidan thường được chỉ định trong các trường hợp khi viêm amidan tái phát nhiều lần trong năm; viêm amidan quá phát gây tắc nghẽn đường hô hấp trên như nuốt vướng, ngủ ngáy, hội chứng ngưng thở.

Phẫu thuật nhằm loại bỏ hoàn toàn amidan bằng cách tiếp cận đường mổ bao quanh amidan, giữa nhu mô amidan và cơ thành họng. Đây là biện pháp cuối cùng và tối ưu để điều trị dứt điểm tình trạng viêm amidan.

Sức đề kháng của trẻ không suy giảm sau khi phẫu thuật cắt amidan mà còn phòng ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh nặng hơn như amidan quá phát gây ngưng thở khi ngủ, áp xe amidan quanh năm, viêm amidan mạn hốc mủ có bã đậu gây hôi miệng… Nếu không phẫu thuật, amidan có thể trở thành ổ bệnh, gây nhiễm trùng.

Để phòng ngừa viêm amidan cho trẻ, phụ huynh cần vệ sinh răng miệng trẻ bằng nước muối sinh lý mỗi ngày; nên đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài; giữ không khí xung quanh luôn sạch sẽ; hạn chế cho trẻ tiếp xúc môi trường khói bụi.

Người dân không tự truyền dịch tại nhà

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng năm 2024, toàn TP ghi nhận 745 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. TP ghi nhận 11 ổ dịch, hiện còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại huyện Đan Phượng và Quận Hai Bà Trưng.

TS.Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội lưu ý, đối với dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện một số ổ dịch phức tạp, kéo dài, kết quả giám sát tại các ổ dịch cũ vẫn ghi nhận chỉ số nguy cơ, thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa rào là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh.

Vì vậy, các địa phương tăng cường giám sát dịch, thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết.

Nhấn mạnh về sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3,9 tỷ người ở 129 quốc gia có nguy cơ bị nhiễm sốt xuất huyết Dengue, chiếm hơn một nửa dân số thế giới.

Ước tính thế giới có 390 triệu ca sốt xuất huyết Dengue xảy ra hàng năm, 96 triệu ca trong số đó có biểu hiện lâm sàng.

Các trường hợp nặng xảy ra ở khoảng 500.000 người mỗi năm, với tỷ lệ tử vong là 10% ở những bệnh nhân nhập viện. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong này có thể giảm xuống dưới 1% nếu được phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm dựa trên các dấu hiệu cảnh báo.

Bác sĩ Trần Văn Bắc cảnh báo, các bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue thể nặng, sốt trên 5 ngày có nguy cơ cao hơn bị đồng nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, nhiều chủng trong số này là tụ cầu kháng thuốc (kháng kháng sinh Meticillin) gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.

Ngoài ra, các bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền nếu bị mắc sốt xuất huyết Dengue cần được chẩn đoán sớm để có kế hoạch theo dõi nguy cơ đồng nhiễm vi khuẩn, từ đó can thiệp điều trị kịp thời.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân nếu có sốt cấp tính trong mùa dịch sốt xuất huyết Dengue nên đi khám và quản lý tại cơ sở y tế, không nên tự truyền dịch tại nhà, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

PGS-TS.Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết truyền dịch là đưa vào cơ thể một lượng nước, các chất điện giải, chất dinh dưỡng như glucose, đạm, chất béo, vitamin. 

Tuy nhiên, dịch truyền có nhiều loại, mỗi loại lại có các thành phần, nồng độ khác nhau và phải được tiến hành ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện, khả năng để xử trí tai biến trong khi truyền.

Trước khi truyền, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm máu, khám tim, phổi, mạch, huyết áp để quyết định có cần truyền dịch hay không và liều lượng bao nhiêu. 

Ví dụ người bệnh bị mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn; hoặc truyền đường trong khi cơ thể thiếu natri sẽ làm máu loãng, gây phù não. Người già, thận yếu, truyền dịch không đúng còn có thể gây phù não, tai biến.

Bên cạnh đó, khi truyền dịch tại nhà, người bệnh dễ bị sốc do tốc độc truyền nhanh và nguy cơ nhiễm khuẩn do không đảm bảo sát khuẩn dụng cụ hoặc lấy ven sai, phải lấy lại nhiều lần.

Theo khuyến cáo Bộ Y tế, các cơ sở y tế, bác sĩ, điều dưỡng cần chỉ định dùng thuốc phù hợp, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác. 

Tùy theo thể trạng, bác sĩ tư vấn truyền loại dịch phù hợp. Song, không phải bệnh nhân nào ốm sốt cũng phải truyền và có thể truyền vào bất cứ thời điểm nào. 

Khi tự ý truyền dịch mà chưa có kết quả kiểm tra, chưa đánh giá được mức độ tổn thương và tình trạng bệnh nền, người dân dễ bị biến chứng hơn.

Một số chuyên gia khác cũng cũng nhấn mạnh thực tế, nhiều người cho rằng tiêm truyền bù dịch giúp cơ thể khỏe lên nên không đi khám, trong khi bệnh đang âm thầm tiến triển. 

Việc tự ý truyền nước có thể khiến bệnh nặng lên, nguy cơ tai biến do bỏ lỡ thời gian vàng. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện cấp cứu không thể tốt và đầy đủ như ở các cơ sở y tế, người bệnh không được xử trí kịp thời, nguy cơ tử vong cao hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, hoặc bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp..., không thể ăn uống. 

Trước truyền, bệnh nhân cần xét nghiệm cẩn thận. Những người mắc bệnh nhẹ chỉ bổ sung nước bằng đường uống, dinh dưỡng, tập luyện để tăng đề kháng.

Nếu cơ thể có biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, phù chỗ tiêm... khi truyền dịch, người bệnh phải báo ngay nhân viên y tế để kịp thời xử trí. 

Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc mời người về nhà truyền dịch khi chưa được khám, xét nghiệm và chỉ định từ bác sĩ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư