Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 16/1: Liệt toàn thân do u tuyến thượng thận
D.Ngân - 16/01/2024 10:26
 
U tuyến thượng thận (adenoma adrenal) là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh liên quan đến tuyến thượng thận, chiếm 54%-75% số trường hợp.

U tuyến thượng thận khiến người bệnh bị liệt

Từ một người có thể đi lại bình thường, chị N. bỗng dưng không thể nhấc nổi tay chân, nằm một chỗ vì một khối u nhỏ chưa tới 2cm.

Sau chuyến về quê, tay chân của chị N.B.N. (29 tuổi, TP.HCM) đột nhiên yếu dần rồi không thể cử động, đi lại, thậm chí không thể đứng, chỉ nằm một chỗ. Chồng đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấp cứu, phát hiện nồng độ kali trong máu rất thấp, được truyền kali gấp.

Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, Khoa Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết nồng độ aldosterone máu của người bệnh cao 19,5 ng/dL (bình thường dưới 15 ng/dl). Chỉ số kali máu hạ còn 1,8 mmol/L (bình thường 3,5-5,1 mmol/l).

Aldosterone được sản xuất chủ yếu tại tuyến thượng thận (tuyến nội tiết nằm ngay bên trên hai quả thận), làm tăng giữ natri và đào thải kali ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi. Nồng độ kali máu sụt giảm mạnh là dấu hiệu của hội chứng cường aldosterone (aldosterone được tiết ra quá nhiều), cảnh báo tổn thương xuất hiện tại tuyến thượng thận.

Đánh giá kết quả chụp cắt lớp vi tính CT 768 lát cắt, bác sĩ chuyên khoa I Phan Huỳnh Tiến Đạt, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu -Thận học- Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết tuyến thượng thận bên trái của người bệnh có khối u lành tính, kích thước 14mm.

Đây là nguyên nhân khiến người bệnh hạ kali máu, đột ngột liệt toàn thân, cần mổ cắt khối u ngay, để lâu người bệnh có thể ngừng tim do nồng độ kali quá thấp.

2 ngày sau mổ, chỉ số kali máu của chị N. tăng lên 4,09 mmol/l, nồng độ aldosterone giảm còn 5,32 ng/dl. Chị phục hồi tốt, không đau, tay chân có thể cử động lại bình thường và được xuất viện.

Theo bác sĩ Đạt, tuyến thượng thận là nhà máy sản xuất nhiều loại hormone quan trọng, có vai trò điều tiết các hoạt động sống của cơ thể, nên sau khi cắt bỏ một phần tuyến này, người bệnh cần được theo dõi nồng độ hormone định kỳ, kịp thời bổ sung nếu thiếu.

Bác sĩ Đạt cho biết u tuyến thượng thận (adenoma adrenal) là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh liên quan đến tuyến thượng thận, chiếm 54%-75% số trường hợp.

Bệnh có 2 dạng: u tuyến thượng không tiết hormone và có tiết hormone. Trong đó, u tuyến thượng thận không tiết hormone thường gặp nhất, người bệnh không biểu hiện, thường chỉ tình cờ phát hiện khi chụp CT bụng, không cần điều trị, chỉ cần theo dõi nội tiết định kỳ. Chỉ khoảng 15% trường hợp u tuyến thượng thận có tiết hormone giống như chị N. Trong đó, trường hợp tăng tiết cortisol chiếm 1%-29%, aldosterone chiếm 1,5%-3%, catecholamin chiếm 1,5%-11%.

Tùy loại hormone tăng tiết mà người bệnh gặp các triệu chứng khác nhau. Như trường hợp của chị N., khối u tuyến thượng thận làm tăng tiết quá mức aldosterone, dẫn đến hạ kali máu, gây yếu cơ, tê liệt, tăng huyết áp.

Ngoài ra, bệnh còn có thể gây co quắp tay chân, tiểu nhiều, nhanh khát nước. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến hạ kali máu mạn tính, gây suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, ngừng tim.

Phẫu thuật cắt khối u là phương án điều trị tốt nhất trong trường hợp u tuyến thượng thận có tăng tiết hormone. Mổ nội soi được ưu tiên lựa chọn đối với khối u có kích thước dưới 5cm, nếu lớn hơn, cần phải mổ mở.

Theo bác sĩ Đạt, khối u tuyến thượng thận thường tự phát, không thể phòng ngừa, cần chủ động khám sức khỏe định kỳ 12 tháng/lần để kịp thời phát hiện, điều trị sớm, tránh các rủi ro với sức khỏe.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu vắc-xin

Với thành công trong năm 2023, thực hiện các dự án nghiên cứu quốc tế về vắc-xin và thuốc trên cỡ mẫu lớn nhất tại Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, năm 2024, trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động triển khai thử nghiệm lâm sàng quốc tế quy mô lớn.

GS-TS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, năm 2023, trường đã thực hiện nhiều thử nghiệm lâm sàng quốc tế, trong đó nổi bật là việc hoàn thành thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 do Arcturus, Hoa Kỳ sản xuất và thử nghiệm lâm sàng thuốc và vắc-xin Covid-19 do Shionogi, Nhật Bản sản xuất.

Đây là các thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, đa quốc gia, triển khai tại nhiều điểm nghiên cứu trên toàn quốc, với tổng số đối tượng nghiên cứu lên đến hàng chục nghìn người.

Tháng 8 và tháng 12/2023, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thiết bị y tế Nhật Bản đã có đoàn đánh giá nghiên cứu thực địa tại các điểm nghiên cứu Bắc Ninh và Hòa Bình phục vụ việc cấp phép. Kết quả đánh giá đạt mức cao.

Ngày 28/11/2023, vắc-xin ARCT-154 chính thức được cấp phép lưu hành tại Nhật Bản cho dự phòng Covid-19 ở người lớn. Trước đó, thuốc điều trị Covid-19 do Shionogi sản xuất đã được lưu hành với tên thương mại Xocova.

Các kết quả này là tiền đề để Trường Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Dược lý lâm sàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động triển khai thử nghiệm lâm sàng quốc tế quy mô lớn trong thời gian tới.

Theo GS-TS. Hữu Tú, năm 2023 chứng kiến nhiều sự đổi mới mạnh mẽ của trường như: Kiện toàn Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội; Trường Đại học Y Hà Nội đã và đang thực hiện tự chủ đại học nhóm 2, kể từ ngày 1/1/2023;

Tháng 10/2023, Trường Đại học Y Hà Nội đã được hệ thống xếp hạng đối sách chất lượng UPM gắn 5 sao theo định hướng nghiên cứu.

Theo đó, Trường Đại học Y Hà Nội, nằm trong nhóm với các trường đại học nghiên cứu của Việt Nam và châu Á như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường đại học Kasetsaert, Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan), National Kaohsiung Normal University, Đại học Taipei (Đài Loan (Trung Quốc))….

Việc nhà trường được xếp hạng đối sánh 5 sao của UPM góp phần khẳng định định vị tầm nhìn châu Á, hướng tới các xếp hạng quốc tế của nhà trường là khả thi. Đây là minh chứng cho thấy sự cầu thị, nỗ lực khẳng định chất lượng trong định hướng chiến lược phát triển của trường cũng như sự phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học.

Trong năm 2023, nhà trường tiếp tục tăng cường đổi mới về phương pháp dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, thúc đẩy sinh viên chủ động và tích cực trong học tập với cả đào tạo đại học và sau đại học.

Các hoạt động hợp tác đối ngoại trong và ngoài nước của nhà trường trong năm 2023 rất đa dạng với các đối tác đến từ các châu lục khác nhau đã thúc đẩy phát triển hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh. Trường đã đón tiếp và làm việc với 78 đoàn khách quốc tế.

Đặc biệt, với việc khánh thành và đưa vào sử dụng tòa nhà A2 mới, mở thêm nhiều chuyên khoa về sản khoa, tim mạch... năm 2023, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư