Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 17/3: Dịch ho gà quay trở lại; Tăng gấp 3 lần số ca mắc sốt xuất huyết
D.Ngân - 17/03/2024 07:48
 
Từ đầu năm 2024 đến ngày 15/3, trên địa bàn Hà Nội đã có 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023, chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh.

Chủ động tiêm vắc-xin cho trẻ

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 8 đến 15/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc ho gà.

Trường hợp thứ nhất là bé trai (1 tháng tuổi, ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà. Bệnh nhi khởi phát bệnh với các triệu chứng: Ho, sốt, thở khò khè… Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với ho gà.

Ảnh minh họa.

Trường hợp thứ hai là bé trai (4 tuần tuổi, ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất), chưa đến tuổi tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà. Sau khi khởi phát bệnh, bệnh nhi có kết quả dương tính với ho gà.

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến hiện tại thành phố đã ghi nhận 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh.

Điều đáng nói, bệnh chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Theo các chuyên gia y tế, ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Ho gà lây lan cao hơn cả cảm cúm, một người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng.

Đáng lưu ý, ho gà nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng viêm phổi. Đây là nguyên nhân tử vong thường gặp nhất.

Ngoài ra các biến chứng thường gặp khác là biến chứng thần kinh và một số cơ quan khác như: Viêm phế quản, ngừng thở, sa trực tràng, thoát vị trực tràng, vỡ phế nang, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi và viêm não.

Do đó, các chuyên gia lưu ý, cần phân biệt ho gà và ho thông thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Cụ thể, đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thì thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.

Đối với trẻ mắc ho gà, các biểu hiện điển hình là trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần.

Đặc biệt, những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu ôxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.

Ho gà là một bệnh lý nguy hiểm, vì vậy, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là tiêm phòng vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như: Có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; ăn kém, nôn chớ nhiều; ngủ ít; thở nhanh/khó thở, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, xác định căn nguyên và hỗ trợ điều trị sớm.

Tăng gấp 3 lần số ca mắc sốt xuất huyết

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 513 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận rải rác các ca mắc sốt xuất huyết. Số mắc trung bình từ 17-24 ca/tuần.

Như vậy, từ đầu năm 2024 cho đến ngày 15/3, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 513 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo điều tra dịch tễ học, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 8, 9, 10. Đỉnh điểm của dịch bệnh này có thể xảy ra vào tháng 10, 11. Thế nhưng, những năm gần đây, bệnh xuất hiện từ rất sớm, ngay từ đầu năm.

Về sốt xuất huyết, các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.

Với sốt xuất huyết, có những sai lầm khi điều trị khiến bệnh trở nặng mà người dân cần hết sức tránh. Theo đó, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dễ nhầm với sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Người bệnh thường chủ quan không đi khám mà tự điều trị.

Mức độ nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng vẫn cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị và theo dõi sát sao.

Mức độ nặng, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Hầu hết người bệnh đều lầm tưởng hết sốt là khỏi bệnh vì hạ sốt nên cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, trên thực tế sau giai đoạn sốt cao mới chính là giai đoạn nguy hiểm nhất.

Lúc này, người bệnh cần được bác sĩ theo dõi sát sao và nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều bởi sau 2-7 ngày, lúc này tiểu cầu có thể giảm nặng và thoát huyết tương, người bệnh có thể gặp các triệu chứng xuất huyết dưới da, chảy máu cam…

Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong.

Người bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục, vì vậy muốn hạ sốt nhanh nên uống thuốc hạ sốt không tuân thủ đúng liều lượng được hướng dẫn.

Thậm chí, có rất nhiều trường hợp dùng sai thuốc hạ sốt như sử dụng aspirin và ibuprofen thay thế cho paracetamol dẫn đến tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Cảnh giác biến chứng suy thận cấp sau điều trị khỏi sốt xuất huyết
Tổn thương thận cấp sau khi điều trị ổn định bệnh sốt xuất huyết khá hiếm gặp, là một trong những biến chứng ít được chú ý và chưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư