Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 08 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 1/8: Bệnh nặng vì tự ý điều trị khi bị chó cắn
D.Ngân - 01/08/2024 09:47
 
Sau 5 ngày bị chó nhà cắn vào ngón trỏ bàn tay phải, người đàn ông 65 tuổi ở Hải Phòng bị sốt cao, cánh tay sưng tấy và nhập viện.

Viêm mô bào từ vết xước da do chó cắn

Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.T, 65 tuổi đến từ Hải Phòng nhập viện trong tình trạng sốt cao 38 - 39.5 độ, mệt mỏi, toàn bộ bàn tay, cẳng tay, cánh tay phải sưng nề đỏ, đau nhức. Lòng và mu bàn tay có nhiều nốt mụn mủ thành mảng kích thước 1x2 cm trên bề mặt da căng nề cứng, có rỉ dịch vàng.

Sau 5 ngày bị chó nhà cắn vào ngón trỏ bàn tay phải, người đàn ông 65 tuổi ở Hải Phòng bị sốt cao, cánh tay sưng tấy và nhập viện.

Khai thác tiền sử được biết, trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhân bị chó nhà cắn vào ngón trỏ bàn tay phải, xước da chảy máu ít. Bệnh nhân tự vệ sinh vết thương phần mềm bằng nước muối.

Sau 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện sưng nề mu bàn tay phải, đau nhức nhiều, phần sưng nề lan nhanh lên cẳng tay, cánh tay, kèm theo sốt nóng, gai rét.

Bệnh nhân tự dùng thuốc tại nhà không đỡ nhập viện Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa được chẩn đoán viêm mô bào bàn tay, cánh - cẳng tay phải theo dõi nhiễm khuẩn huyết.

Điều trị kháng sinh 2 ngày đầu, tình trạng nhiễm trùng tiếp tục tiến triển nặng, vùng viêm tấy tiếp tục lan rộng, xuất hiện viêm phổi 2 bên.

Bệnh nhân được các bác sỹ chỉ định phác đồ điều trị tối đa, các điều dưỡng viên chăm sóc chu đáo tận tình. Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa đã phối hợp với Khoa Can thiệp chẩn đoán hình ảnh và Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện chấn thương chỉnh hình chọc hút ổ áp xe vùng mu bàn tay phải, chích rạch tháo mủ.

Được điều trị và chăm sóc sát sao, bệnh nhân dần dần ổn định, bàn tay, cánh - cẳng tay phải đỡ sưng nề rõ, tổn thương da phục hồi dần, thân nhiệt trở về bình thường.

Theo các bác sỹ, viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính. Nguyên nhân thường do Streptococcus hoặc Staphylococci gây ra. Các trường hợp nhẹ do nhiễm trùng cục bộ có thể xuất hiện mẩn đỏ ở một vùng da. Trường hợp nặng gây sốt và các hạch bạch huyết khu vực có thể sưng to, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết.

Viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ở các lớp sâu của da, thường khởi phát đột ngột và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Trong trường hợp nhận thấy các triệu chứng của bệnh, người dân nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị, phòng tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Phát hiện ung thư phổi trên nền động mạch vành

Ông Tín, 76 tuổi, ho ra máu, đi khám chẩn đoán ung thư phổi, trước mổ bác sỹ phát hiện thêm bệnh ba nhánh mạch vành dọa nhồi máu cơ tim.

Trước đó một tháng, ông Tín (ngụ Lâm Đồng) thỉnh thoảng ho ra máu. Tần suất ho ngày càng dày, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám. Bác sĩ chỉ định ông chụp X-quang phổi, siêu âm ngực bụng, CT lồng ngực thì phát hiện khối u kích thước 2×3 cm ở thùy dưới phổi phải nghi ác tính. Bệnh nhân được làm sinh thiết xuyên thành (sinh thiết qua thành ngực), khẳng định đây là khối u ung thư.

TS.Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, ê kíp lên kế hoạch phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thùy dưới phổi phải cho bệnh nhân nhằm ngăn chặn tế bào ung thư lan rộng.

Trước mổ, ông được làm các cận lâm sàng đánh giá chức năng tim. Kết quả cho thấy ông bị suy tim nặng (chức năng tim - EF còn 20%, người bình thường > 50%).

Bệnh nhân được chụp mạch vành để tìm nguyên nhân, ghi nhận ba nhánh mạch vành hẹp gần hết (80-90%). Cuộc hội chẩn Ngoại tim mạch - Nội tim mạch - Can thiệp mạch diễn ra để tìm phương án điều trị thích hợp nhất cho ông Tín.

Bác sỹ Dũng chia sẻ, khi bệnh nhân có bệnh lý mạch vành biến chứng suy tim, dọa nhồi máu cơ tim, ca phẫu thuật cắt thùy phổi không thể tiến hành. Do đó, bác sỹ tìm cách thông mạch máu tim trước, đợi chức năng tim ổn định mới xử lý khối u phổi cho người bệnh.

Theo các bác sỹ bệnh mạch vành mạn tính thường xảy ra âm thầm và tiến triển trong nhiều thập kỷ, ít biểu hiện triệu chứng. Triệu chứng chỉ bộc lộ khi diễn tiến bệnh nặng lên theo thời gian.

Vì thế, mỗi người, đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành tuổi cao, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm, thừa cân - béo phì, lối sống ít vận động, thường xuyên stress, chế độ ăn uống không lành mạnh, chứng ngưng thở lúc ngủ, một số bệnh nội khoa như suy thận mạn, đái tháo đường, bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, xơ cứng bì…), rối loạn lipid máu gia đình… nên tầm soát bệnh định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Ngộ độc nhôm vì chữa bệnh theo phương pháp dân gian

Các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị cho một bệnh nhân nữ 64 tuổi ở Thanh Hóa bị ngộ độc nhôm nhưng may mắn chưa bị tổn thương các cơ quan liên quan.

TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hai tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân M.T.L. (sinh năm 1960) liên tiếp xuất hiện tình trạng ngứa lòng bàn chân, tay, toàn thân mà không có các nốt ban hay sẩn mề đay. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi, cả các chuyên khoa điều trị dị ứng không đỡ.

Khai thác tiền sử các bác sỹ được biết bệnh nhân sử dụng phèn chua nhiều năm để chữa hôi nách, do vậy bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ nhôm trong máu và nước tiểu cao hơn mức cho phép.

Theo tiêu chuẩn nồng độ nhôm trong máu không được quá 12mcg/lít và nước tiểu phải dưới 12mcg/24h. Với bệnh nhân M.T.L., chỉ số trong máu 12,5mcg/lít và nước tiểu 47,37mcg/24h. Điều đặc biệt, chức năng thận của bệnh nhân vẫn bình thường, nghĩa là nồng độ nhôm trong cơ thể tăng không phải do suy thận.

Bệnh nhân M.T.L. chia sẻ khoảng 10 năm nay, bà thường xuyên sử dụng phèn chua rang lên, tán bột và bôi nách ngày 2 lần để chữa hôi nách. Đây là một mẹo chữa dân gian được nhiều người sử dụng, lan truyền. Bản thân bà không hề nghĩ đến nguy cơ bị nhiễm độc.

Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, đây là trường hợp rất hy hữu, lần đầu tiên Trung tâm tiếp nhận ca nhiễm độc nhôm từ bên ngoài xâm nhập qua da và nguyên nhân lại từ một thứ rất quen thuộc, thông dụng, được sử dụng rộng rãi. Phèn chua là muối sunfat kali nhôm.

Trên thực tế, hợp chất nhôm vẫn được sử dụng để bào chế và chữa bệnh như các thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày tá tràng để điều trị các bệnh lý dạ dày, chữa mùi hôi cơ thể.

Nhôm và các hợp chất của nhôm cũng thường được dùng trong chất phụ gia thực phẩm, trong dược phẩm, trong các sản phẩm tiêu dùng (như đồ dùng nhà bếp) và trong xử lý nước uống (các chất lắng lọc nước…).

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu cho đến nay, lượng nhôm vào cơ thể từ những nguồn này là không đáng kể, nếu những vật dụng, phụ gia, dược phẩm được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn và sử dụng đúng chỉ định, liều lượng.

Nhiễm độc nhôm thường xảy ra trong môi trường lao động nghề nghiệp, các ngành công nghiệp. Người hay phải tiếp xúc với nhôm, hít phải bụi nhôm, tiếp xúc và nuốt phải. Những người bị suy thận, chạy thận nhân tạo nguy cơ nhiễm độc nhôm cao hơn.

Trường hợp này qua da và chức năng thận hoàn toàn bình thường, rất hiếm gặp. Khi nhôm vào cơ thể sẽ tích lũy và gắn chặt ở xương, nên việc đào thải, loại trừ nhôm ra khỏi cơ thể rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, nhiễm độc nhôm gây bệnh thiếu máu nhược sắc hồng cầu giống như bệnh thiếu sắt nhưng chữa không tác dụng, gây chứng nhuyễn xương (osteomalacia), bệnh lý não (biểu hiện rối loạn về phát âm, nói khó, nói lắp, câm, bất thường điện não, giật cơ, co giật, sa sút trí tuệ, khó giữ tư thế và thăng bằng).

Trường hợp bệnh nhân dùng phèn chua rang khô lên và tán bột bôi nhiều năm, không tránh khỏi có lúc da bị viêm, mụn hoặc vết xước… nên nhôm càng dễ hấp thu vào cơ thể. Đây có thể là lý do dẫn tới nhiễm độc nhôm.

Bác sỹ Nguyên khuyến cáo với phèn chua, người dân không nên bôi kéo dài trên da, nên dùng các sản phẩm chăm sóc da đảm bảo an toàn. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư