Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 18/1: Tăng cường hậu kiểm thay cho tiền kiểm an toàn thực phẩm
D.Ngân - 18/01/2024 10:08
 
Về công tác quản lý an toàn thực phẩm cần tăng cường hậu kiểm thay cho tiền kiểm; lực lượng quản lý nhà nước tập trung thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực có nguy cơ cao, có thể có tác động lớn đối với sức khỏe người dân.

Tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm thực phẩm sạch tới người dân

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 16/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Về công tác quản lý an toàn thực phẩm cần tăng cường hậu kiểm thay cho tiền kiểm; lực lượng quản lý nhà nước tập trung thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực có nguy cơ cao, có thể có tác động lớn đối với sức khỏe người dân.

Báo cáo của Bộ Y tế đã tổng hợp tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong toàn quốc, bám sát các nội dung quản lý nhà nước theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, được nhiều bộ, ngành thống nhất.

So với các năm trước đây, các mặt công tác về an toàn thực phẩm năm 2023 đã được triển khai khá đồng đều, nhất là triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Số vụ việc mất an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân giảm.

Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề hết sức phức tạp và đáng báo động. Xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại nhiều loại thực phẩm, hình thức sản xuất kinh doanh thực phẩm mới (như quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) khó quản lý. Vai trò, trách nhiệm của một số cơ quan chưa được phân định rõ ràng. Tuyên truyền về an toàn thực phẩm vẫn chủ yếu mang tính thời vụ. 

Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp quận, huyện, cơ sở. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm.

Thực trạng trên đang đặt ra các yêu cầu mới không chỉ đối với ngành y tế mà còn đối với nhiều ngành liên quan với cách tiếp cận mới liên ngành, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở; phải quan tâm quản lý ngay từ đầu, từ sớm, từ xa, phòng ngừa là chủ yếu với các nghiên cứu, đánh giá độc lập, khoa học về các nguy cơ, rủi ro trong suốt quá trình từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm.

Công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người tiêu dùng, trong đó, người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông minh.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc rà soát, tổng kết toàn diện, khoa học, đồng bộ Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và các chiến lược, quy hoạch liên quan trong bối cảnh thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề mới, nhiều phương pháp quản lý hiện đại. 

Trong đó, cần xem xét mô hình quản lý nhà nước theo hướng thống nhất một đầu mối như Ban Bí thư đã chỉ đạo, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ Y tế là cơ quan đầu mối và của từng bộ, ngành liên quan và từng cấp chính quyền, phân cấp triệt để đi đôi với tăng cường các điều kiện thực thi, kỹ thuật, tổ chức bộ máy phù hợp, bảo đảm quản lý ngay từ cơ sở.

Tiếp tục coi truyền thông là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cần được đẩy mạnh với các hình thức, nội dung phong phú, truyền thông trên đa phương tiện; kết hợp truyền thông thường xuyên về kiến thức, chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm và tập trung đẩy mạnh về thực hiện, bảo đảm an toàn thực phẩm trong các dịp cao điểm như Tết, mùa lễ hội...

Các bộ, ngành tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, quản lý suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng đối với các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm được phân công quản lý.

Rà soát, nghiên cứu, ban hành các quy định, quy trình quản lý, quy chuẩn kỹ thuật nhằm hài hòa với các quy định của quốc tế; đề cao và phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình; có biện pháp hiệu quả giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Tăng cường hậu kiểm thay cho tiền kiểm; lực lượng quản lý nhà nước tập trung thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực có nguy cơ cao, có thể có tác động lớn đối với sức khỏe người dân; các lĩnh vực khác thì khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng, thực hiện, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố và tự chịu trách nhiệm.

Sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm có kết nối với các bộ, ngành, địa phương. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chủ động xây dựng, vận hành các trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm nhằm tạo thêm công cụ để quản lý và có biện pháp để doanh nghiệp, người dân có thể đăng ký, công bố sản phẩm của mình với thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi; qua trang điện tử này, người tiêu dùng được thông tin và có thể phản ánh, đánh giá về sản phẩm thực phẩm, bảo đảm công khai, minh bạch.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chiến lược, chỉ thị về an toàn thực phẩm.

Rà soát, tham mưu về các nhiệm vụ, giải pháp về công nghệ và kỹ thuật, phòng thí nghiệm... giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm có kết nối với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp nền tảng cho các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý thực phẩm và để doanh nghiệp, người dân đăng ký, công bố sản phẩm thực phẩm của mình theo hướng dẫn của các bộ, ngành. Bộ Y tế phải coi việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR... là một giải pháp nhằm cải cách quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất Dự án về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm (Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế thực hiện việc này), báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

Chủ động công tác khám chữa bệnh để người dân đón Tết an toàn

Bộ Y tế yêu cầu Các cơ sở tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm; bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ.

Đối với trường hợp bệnh nhân nếu trái tuyến, trái chuyên khoa, cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Các đơn vị y tế tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, đặc biệt là đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách; chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần.

Trong công tác điều trị, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị y tế có phương án đối phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra.

Bộ Y tế cũng lưu ý các đơn vị cảnh báo người dân về các nguy cơ tai nạn hay gặp ngày Tết như: Tai nạn giẫm đạp tại các điểm du lịch tập trung đông, tai nạn giao thông do rượu bia, đánh nhau do rượu bia, pháo nổ, vũ khí vật liệu nổ tự chế, ngộ độc thực phẩm. Các đơn vị có phương án cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng tình huống xấu xảy ra.

Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 05/01/2024 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu UBND tỉnh, thành phố sớm ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và huy động nguồn lục, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong thời gian dịp Tết Nguyên đán 2024.

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút;

Đồng thời chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ.

Tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học.

Phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe.

Chỉ đạo các đơn vị y tế xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện việc trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết, thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định và vận động, huy động các nguồn lực hợp pháp thực hiện đầy đủ các chế độ khuyến khích, động viên cán bộ y tế trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhất là cán bộ tham gia trực Tết.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian nghỉ Tết.

Cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán 2024
Từ 20/12/2023 đến hết 20/3/2024 đoàn thanh tra liên ngành an toàn thực phẩm sẽ tiến hành hoạt động cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Nguyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư