Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 20/2: Gia tăng các trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn
D.Ngân - 20/02/2024 09:10
 
Chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào.

Cảnh báo gia tăng trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn, gây chấn thương trong các dịp lễ, Tết

Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công. Hoàn cảnh bị tấn công chủ yếu xảy ra khi mọi người đi chơi, thăm hỏi, chăm sóc vật nuôi trong dịp Tết. Điều quan ngại là rất nhiều vật nuôi tấn công người đã không được tiêm vắc xin phòng dại trước đó. Vào các đợt nghỉ dài, người dân tiếp cận với huyết thanh và vắc xin phòng dại cũng khó khăn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, đã có nhiều trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn rất thương tâm.

Điển hình như bé trai 7 tuổi (ở Bắc Giang), đi chúc Tết nhà bà ngoại bị chó (chưa được tiêm phòng dại) bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi, đến mức lộ ruột ra ngoài và thủng ruột. Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trẻ được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại kịp thời.

Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi (ở Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị chó nhà nuôi (chưa tiêm phòng bệnh dại) cắn, day vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu. Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Vân Đình, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vắc xin phòng bệnh dại.

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng; vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại.

Bệnh nhi đang được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám sau phẫu thuật

Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh dại chủ yếu lưu hành ở các nước nhiệt đới, khá phổ biến ở khu vực châu Á và châu Phi. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 – 70.000 người bị chết do bệnh dại.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương mọi người cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng. Cần tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất.

Đặc biệt những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ cần phải hết sức lưu ý. Dự phòng dại bằng huyết thanh và vắc xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây,…chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vắc xin đầu tiên. Tiêm vắc xin phòng dại sớm với số liều tùy thuộc miễn dịch với dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và tình trạng con vật theo dõi được.

Các dịp lễ, Tết, ngày nghỉ người dân đi lại nhiều, cộng với việc quản lý vật nuôi có phần bị buông lỏng là nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn hoặc tấn công gây chấn thương.

Khi tai nạn xảy ra mọi người cần rất sớm đến các cơ sở y tế để được sơ cứu, xử lý vết thương. Đồng thời phải tiêm ngay, càng sớm càng tốt huyết thanh kháng dại và vắc xin mới giúp ngăn chặn bệnh bùng phát và tử vong.

TP. HCM: Thông tin về 02 trường hợp nghi ngộ độc Botulinum toxin

Sau kỳ nghỉ Tết, Sở Y tế TP.HCM nhận được báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 về hai trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc Botulinum toxin (nhập viện ngày 06/02/2024 và ngày 07/02/2024).

Cả hai nhập viện trong tình trạng buồn nôn và nôn ra thức ăn, than đau đầu. Sau khi khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc Botulinum toxin, các bác sĩ thống nhất sử dụng giải độc tố Botulinum.

Hiện tại, tình trạng hai bệnh nhi đã cải thiện, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại khoa Tiêu hóa, một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt.

Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.

Sở Y tế ghi nhận những nỗ lực chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời cho 02 bệnh nhi nghi ngộ độc Botulinum toxin. Cho đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế chưa ghi nhận thêm trường hợp nào được báo cáo có triệu chứng tương tự.

Lại thêm ca tử vong do bệnh dại, tiêm vắc-xin là cần thiết
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong do bệnh dại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư