Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 2/1: Tăng Axit uric máu, mỡ máu cao vì béo phì
D.Ngân - 02/01/2025 09:18
 
Béo phì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Nồng độ Acid uric trong máu tăng do những nguyên nhân nào?

Từ bệnh tim mạch, tiểu đường, đến những nguy cơ về thận, gan và các bệnh lý khác, béo phì gây ra hàng loạt hệ lụy sức khỏe mà nhiều người không ngờ tới. Hơn nữa, với tình trạng gia tăng béo phì nhanh chóng ở Việt Nam, những vấn đề này đã trở thành một vấn đề cấp bách trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bác sỹ tư vấn điều trị cho bệnh nhân béo phì. Ảnh minh hoạ

Một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất của béo phì là các bệnh lý mãn tính. Những người thừa cân thường có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, tăng huyết áp, và nhiều bệnh lý khác.

Theo các chuyên gia, người béo phì có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, thậm chí là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Béo phì gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa, làm tăng mỡ máu, kháng insulin và tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Điều này là do mỡ thừa tác động trực tiếp đến các cơ quan nội tạng, gây cản trở quá trình trao đổi chất và làm giảm khả năng lọc máu của thận.

Ngoài các bệnh lý tim mạch và tiểu đường, béo phì cũng là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gan nhiễm mỡ không do rượu - một tình trạng đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đặc biệt ở những người có chỉ số BMI cao. Tình trạng này có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan, và thậm chí ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời.

Một câu chuyện điển hình là trường hợp của chị U. (35 tuổi), một phụ nữ làm việc trong ngành thực phẩm nhanh, đã phải đối mặt với vấn đề tăng cân đột ngột sau một năm làm việc căng thẳng và chế độ ăn không khoa học.

Chị U. tăng 13 kg trong vòng một năm và bị tăng axit uric máu, mỡ máu cao. Sau nhiều lần thử nghiệm với chế độ ăn kiêng khắc nghiệt và tập luyện, chị đã tìm tới cơ sở giảm béo chuyên nghiệp.

Bác sỹ Phan Thị Thùy Dung, chuyên gia tại Trung tâm Giảm cân Tâm Anh cho biết rằng giảm 5%-10% cân nặng trong vòng 3-6 tháng có thể giúp giảm đáng kể axit uric và mỡ máu, từ đó ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như gút, bệnh thận, và bệnh tim mạch.

Chị U. đã giảm được 4 kg sau một tháng điều trị, chỉ số axit uric giảm xuống còn 396 μmol/L, trong khi mức mỡ máu cũng giảm xuống mức an toàn.

Tình trạng béo phì không chỉ gây tích tụ mỡ dưới da mà còn đặc biệt nguy hiểm khi mỡ thừa tích tụ tại các cơ quan nội tạng, bao gồm gan, thận, và các mạch máu.

Mỡ nội tạng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đột quỵ, viêm khớp, và các bệnh lý khác như bệnh lý hô hấp và ung thư. Ngoài ra, tình trạng mỡ bụng dư thừa còn dẫn đến các vấn đề về hormon và tâm lý, khiến người béo phì dễ bị trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và giảm chất lượng cuộc sống.

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, 70% người béo phì có mức độ kháng insulin cao, điều này gây ra các vấn đề về chuyển hóa glucose trong cơ thể, dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ và thậm chí là bệnh tiểu đường type 2. Hơn nữa, việc giảm cân không chỉ giúp giảm mỡ mà còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác như tăng huyết áp, ung thư và các bệnh lý xương khớp.

Giảm cân an toàn và hiệu quả không phải là một công việc dễ dàng, đặc biệt là đối với những người béo phì lâu năm. Các phương pháp giảm cân khắc nghiệt như chế độ ăn keto, nhịn ăn, hoặc sử dụng các sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, như trường hợp của chị U. khi cô phải đối mặt với việc rụng tóc và mất tập trung sau khi áp dụng chế độ ăn keto.

Các bác sỹ khuyến nghị rằng phương pháp giảm cân an toàn và hiệu quả nhất là kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục đều đặn và can thiệp y tế khi cần thiết. Bác sỹ Dung cho biết, một chế độ ăn hợp lý giúp cân đối các chất dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm tự nhiên, ít dầu mỡ, và không bỏ qua các bữa ăn quan trọng. Điều quan trọng là cần phải duy trì sự cân bằng giữa calo nạp vào và calo tiêu hao.

Ngoài ra, việc giữ tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc cũng là yếu tố quan trọng giúp quá trình giảm cân hiệu quả. Căng thẳng kéo dài có thể gây ra sự gia tăng hormon cortisol, làm chậm quá trình tiêu hóa và kháng insulin, dẫn đến tăng mỡ bụng và khó khăn trong việc giảm cân.

Việc điều trị béo phì hiện nay không còn chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà đã trở thành một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tỷ lệ người béo phì tại Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm qua, đặc biệt ở khu vực thành thị. Trung tâm Giảm cân Tâm Anh, với các phương pháp điều trị khoa học và hợp lý, đã mang lại hiệu quả tích cực cho hàng ngàn bệnh nhân.

Các bác sỹ tại đây không chỉ điều trị giảm cân mà còn chú trọng đến việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh lý liên quan đến béo phì, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người dân.

Béo phì là một bệnh lý mạn tính, và như nhiều bệnh mạn tính khác, nó yêu cầu một phương pháp điều trị toàn diện và dài hạn. Việc giảm cân không chỉ giúp cải thiện ngoại hình mà còn là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và thói quen sống để có một cơ thể khỏe mạnh và một tương lai bền vững.

Đau tức ngực phải, phát hiện tổn thương giai đoạn tiền ung thư phổi

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã tiếp nhận bệnh nhân C.V.T, 60 tuổi, đến từ Hoàng Mai, Hà Nội, với triệu chứng đau tức ngực phải. Trước đó, bệnh nhân từng được chẩn đoán mắc viêm phổi vào tháng 10/2023 và viêm phổi không đặc hiệu vào tháng 7/2024. Do cơn đau kéo dài, ông T. quyết định đến Medlatec kiểm tra sức khỏe.

Tại bệnh viện, ông T. được PGS-TS.Hoàng Thị Phượng, chuyên gia hô hấp, Hệ thống Y tế Medlatec, nguyên Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi, Viện Phổi Trung ương, và Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa, Trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, trực tiếp thăm khám.

Sau khi chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết, kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cho thấy hình ảnh nốt kính mờ phân thùy S6 phổi phải có đường kính 9,5mm, kèm theo một số nốt rải rác nhu mô phổi, dày trung thất, dày màng phổi vùng đỉnh một bên, xơ vữa vôi hóa cung động mạch chủ, và thoái hóa vài đốt sống ngực.

Trước kết quả này, bệnh nhân được khuyến nghị thực hiện sinh thiết tổn thương phổi. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy tăng sinh các tế bào tuyến phổi không điển hình (AAH), là tiền thân của ung thư biểu mô tuyến phổi.

Dựa trên kết quả lâm sàng và cận lâm sàng, ông T. được chẩn đoán mắc tăng sản dạng tuyến không điển hình ở phổi và đã được chuyển theo dõi tại bệnh viện Ung bướu Hà Nội để tư vấn phẫu thuật.

ThS.BSNT Trương Quốc Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh Medlatec, cho biết tăng sản dạng tuyến không điển hình (Atypical Adenomatous Hyperplasia - AAH) là sự tăng sinh nhỏ, cục bộ của các tế bào phổi bất thường, thường có kích thước ≤ 5mm, lót các khoảng phế nang nguyên vẹn.

Đây là một tổn thương tiền ung thư, có thể phát triển từ mô bình thường đến AAH, sau đó dẫn đến ung thư tuyến tại chỗ (AIS), và cuối cùng là ung thư tuyến xâm nhập (invasive adenocarcinoma).

Mặc dù không phải tất cả các trường hợp AAH đều tiến triển thành ung thư phổi, nhưng tổn thương này làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến trong tương lai. Chính vì vậy, việc theo dõi và đánh giá định kỳ là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm các thay đổi bất thường và có phương án xử lý kịp thời.

Các phương pháp cận lâm sàng giúp phát hiện AAH bao gồm: Chụp X-quang phổi: Đây là phương pháp cơ bản, thường được chỉ định đầu tiên.

Nội soi phế quản: Dùng ống soi mềm để quan sát bên trong phế quản, thường áp dụng khi nghi ngờ tổn thương lan rộng hoặc cần lấy mẫu sinh thiết.

Chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp (Low-dose CT scan): Được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc phát hiện AAH ở giai đoạn sớm.

Khi phát hiện tổn thương AAH có kích thước lớn hơn 10mm, bờ không rõ ràng, hoặc có sự thay đổi hình thái qua các lần kiểm tra, các biện pháp chuyên sâu sẽ được khuyến nghị để loại trừ nguy cơ ung thư sinh thiết phổi: Phân tích mô học để xác định bản chất tổn thương.

Phẫu thuật cắt bỏ: Nếu tổn thương có nguy cơ cao hoặc nghi ngờ ung thư, phẫu thuật cắt phân thùy phổi hoặc cắt thùy phổi sẽ được thực hiện để loại bỏ hoàn toàn tổn thương và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Việc phát hiện sớm và theo dõi các tổn thương tiền ung thư như AAH là rất quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ ung thư phổi, giúp cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do tự điều trị khối u cổ chân tại nhà

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm do tự ý điều trị bệnh gout tại nhà.

Bệnh nhân N.T.K., 48 tuổi, trú tại Lạng Giang, Bắc Giang, nhập viện trong tình trạng suy kiệt toàn thân, phù nề, sốt cao liên tục 39-40°C suốt 10 ngày. Khi nhập viện, bệnh nhân phải được hỗ trợ thở máy do suy hô hấp nặng, đồng thời có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng với huyết áp thấp, mạch nhanh, nhịp tim nhanh.

Khoảng 1,5 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện một tổn thương ở cổ chân phải. Tuy nhiên, khi khối u vỡ và chảy dịch, thay vì đến cơ sở y tế để điều trị, bệnh nhân đã tự điều trị tại nhà.

Mặc dù ban đầu tình trạng có thể chịu đựng được, nhưng khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu sốt cao liên tục (39-40 độ), vết thương chảy mủ nhiều hơn, sưng đau và nhiễm trùng lan rộng. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế và sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vết thương nhiễm trùng nghiêm trọng ở cổ chân phải. Vùng cổ chân của bệnh nhân bị sưng nề, tấy đỏ, chảy mủ vàng, và nhiễm trùng lan rộng từ bàn chân lên cẳng chân và đùi.

ThS. BS Lương Hương Giang, Khoa Hồi sức tích cực, cho biết: "Tổn thương này bắt nguồn từ khối u ở cổ chân (do tinh thể axit uric lắng đọng tại mô mềm), đặc trưng của bệnh gout, bị vỡ. Thay vì đến bệnh viện để xử lý đúng cách, bệnh nhân đã tự bôi thuốc và tiêm thuốc tại nhà, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng.

Bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh gout từ năm 2016, trên nền tăng huyết áp và đái tháo đường, nhưng không tuân thủ điều trị và thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc. Việc lạm dụng thuốc không chỉ khiến bệnh gout tiến triển xấu mà còn làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng và gia tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.

Trước đó, các khớp của bệnh nhân đã bị biến dạng và xuất hiện các u cục ở các khớp với kích thước khác nhau, làm giảm khả năng vận động và gây đau nhức mãn tính.

Theo các bác sỹ, bệnh gout nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như lắng đọng axit uric lâu ngày gây tổn thương thận, suy thận, hoặc biến dạng khớp, khiến bệnh nhân bị đau nhức mãn tính và giảm khả năng vận động. Đặc biệt, khi tổn thương do gout bị nhiễm trùng, nguy cơ viêm mô bào nặng hoặc nhiễm trùng huyết là rất cao và có thể đe dọa tính mạng.

ThS. Lương Hương Giang khuyến cáo, người mắc gout cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm soát tốt nồng độ axit uric trong máu để hạn chế các biến chứng.

Những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp và đái tháo đường cần tuân thủ điều trị nghiêm ngặt và tránh tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống khoa học, hạn chế thực phẩm chứa nhiều purin (như nội tạng động vật, hải sản), và rèn luyện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh tái phát.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư