Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 21/1: Mắc nhiều bệnh nguy hiểm vì thói quen ăn đồ tái sống
D.Ngân - 21/01/2024 11:43
 
Cuối năm các bữa tiệc liên hoan kéo dài, nhiều cuộc gặp gỡ bạn bè ăn uống, chúc tụng đã khiến nhiều người phải nhập viện do thích những món thói quen thích ăn đồ tái, sống.

Nhiều bệnh nguy hiểm vì đồ tái sống

Theo TS.Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thời gian vừa qua, Bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm các bệnh ký sinh trùng, điển hình là những bệnh ấu trùng sán dây lợn và một số bệnh ký sinh trùng khác.

Ảnh minh hoạ.

Nhiều bệnh nhân bị nhiễm sán não vào nhập viện trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, nhìn mờ và liệt nửa người, khiến gia đình tưởng bị đột quỵ. Bệnh nhân này cho biết, ông hay ăn rau sống, nem thính và thỉnh thoảng ăn tiết canh, thịt lợn tái.

Theo TS.BS Trần Huy Thọ, các biểu hiện nhiễm ấu trùng sán lợn sẽ khiến nhiều người lầm tưởng sang trường hợp tai biến, đột quỵ.

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người và những di chứng khác kèm theo. Nhiều người dân đến viện luôn khẳng định ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm nên không thể bị nhiễm sán. Nhưng suy nghĩ này là chưa đúng.

Tất cả các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… tự làm hay ăn ngoài hàng thực chất đều là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, giun sán…

Nhiều người tưởng ăn tiết canh vịt nhà tự làm sẽ không bị nhiễm giun sán hay liên cầu khuẩn lợn. Nhưng trong quá trình cắt tiết, chế biến không đảm bảo dẫn tới vi khuẩn ở da, lông con vật dễ dàng xâm nhập vào máu.

Bên cạnh đó, tiết canh vịt dù không có liên cầu khuẩn nhưng để hấp dẫn, người chế biến lại lấy những bộ phận của lợn chế biến làm nguyên liệu đánh tiết canh thì cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Ngoài ra, còn nhiều người chủ quan, khi mắc sán não điều trị thấy đỡ đã bỏ giữa chừng, hoặc khi xuất viện về nhà, vẫn ăn đồ tái, sống.

Người mắc sán não ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, như suy giảm trí nhớ, bệnh nhân tới nhập viện trong trạng nhớ nhớ, quên quên như bệnh nhân tâm thần. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng một ngày có 5, 6 cơn co giật toàn thân. Đặc biệt trường hợp nặng còn để lại di chứng là những nốt vôi hóa không mất đi, khiến người bệnh thỉnh thoảng đau đầu, giật cơ nhẹ.

Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh nhân phải điều trị triệt để và còn tuỳ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, sự đáp ứng thuốc của từng bệnh nhân.

Đồng thời, cần bỏ các món ăn như tiết canh, thực phẩm tái, sống để không mắc bệnh ký sinh trùng tấn công vào cơ thể và lên não, chịu nhiều di chứng kéo dài suốt cuộc đời sau này.

Hà Nội: Cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024

Để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm 2024, UBND TP.Hà Nội quyết định tổ chức đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm với 4 đoàn kiểm tra liên ngành.

Đoàn 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm trưởng đoàn kiểm tra tại 7 quận, huyện gồm Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Sóc Sơn, Mỹ Đức.

Đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố do Sở Y tế chủ trì đã tiến hành kiểm tra tại 3 quận, huyện là Hoàn Kiếm, Đan Phượng và Thanh Oai. Trọng tâm kiểm tra vào công tác chỉ đạo điều hành, triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm của cấp quận, huyện và xã, phường.

Chú trọng kiểm tra các nhóm sản phẩm, thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm.

Thông qua việc thực hiện kiểm tra tiếp tục đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm; biểu dương những cơ sở thực hiện tốt và ngược lại phát hiện kịp thời các cơ sở sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Ngành Y tế cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm lĩnh vực y tế để nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện đúng các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm

Đối với người tiêu dùng cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ; không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm; chế biến, bảo quản thực phẩm đúng cách để vui Tết, đón xuân an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, cộng đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư