Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 22 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 21/7: Biến chứng nguy hại của bệnh nhân tiểu đường
D.Ngân - 21/07/2024 09:05
 
Đánh giá biến dạng bàn chân tiểu đường và can thiệp sớm trên các biến dạng bàn chân giúp giảm nguy cơ loét, nhiễm trùng bàn chân.

Dấu hiệu cảnh báo biến dạng bàn chân

Bà N.T.M. (78 tuổi, Long An) bị vẹo bàn chân từ 3 năm trước, không thể mang dép lê hay giày do vướng phần xương chêm cạnh ngón cái, cọ xát gây đau nhưng cứ nghĩ bệnh xương khớp tuổi già. Bà M. khó giữ thăng bằng, thường xuyên đau khi đi.

2 tuần trước, con bà M. phát hiện ngón chân trái của bà sưng, kiểm tra thấy giữa các kẽ ngón chân lở loét, rỉ dịch trắng đục như mủ nhưng bà M. đã mất cảm giác đau. Sợ bị cắt cụt chân do tiểu đường, bà M. được con đưa đến viện kiểm tra.

Ảnh minh họa.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, Khoa Nội tiết, đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bà M. bị biến dạng bàn chân do tiểu đường, cụ thể là ngón chân vẹo ra ngoài.

Các ngón chân đè lên nhau tạo những điểm tì đè bất thường, kèm theo các yếu tố như cọ xát với dép, ẩm ướt nên dễ nhiễm nấm, nhiễm trùng. Vết loét nếu không được điều trị sớm và đúng kỹ thuật sẽ nhiễm trùng nặng, hoại tử, có thể cắt cụt chân.

Bà M. được khám và đánh giá chuyên sâu biến chứng bàn chân, phát hiện bà bị biến chứng thần kinh ngoại biên tiểu đường, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây biến dạng chân.

Bà M. được điều trị kháng sinh, cắt lọc, chăm sóc vết thương thường xuyên, điều chỉnh đường huyết tốt nhằm làm chậm quá trình tiến triển bệnh thần kinh tiểu đường.

Ngoài ra, bà được đeo nẹp silicon mềm dẻo lên bàn chân và có đàn hồi giúp cải thiện tình trạng vẹo bàn chân. Mặt khác, nẹp silicon này còn giảm áp lực các ngón chèn ép lên nhau và tránh phát triển vết loét mới.

Sau 1 tháng điều trị, vết thương của bà M. lành lặn. Bác sĩ dặn bà cần đeo nẹp silicon thường xuyên để cải thiện tình trạng vẹo bàn chân và hỗ trợ việc đi lại dễ dàng hơn. Bà M. đi được dép lê, bác sĩ khuyên bà dùng dép bít kín mũi bàn chân, chất liệu mềm mại để bảo vệ chân tốt hơn.

Bác sĩ Trúc cho biết biến dạng bàn chân tiểu đường là những bất thường về cấu trúc bàn chân, làm tăng nguy cơ loét chân và cắt cụt chân.

Nguyên nhân gây biến dạng chân do tình trạng kiểm soát đường huyết không tốt, dẫn đến các biến chứng thần kinh và mạch máu, từ đó gây ra tình trạng thiểu dưỡng của các nhóm cơ bàn chân.

Các nhóm cơ gấp hoặc duỗi sẽ bị teo lại làm thay đổi cấu trúc tự nhiên của bàn chân. Các cấu trúc bị di lệch này sẽ gây ra các biến dạng làm tăng lực ma sát và phân bố áp lực bất thường lên các vùng bàn chân, từ đó làm tổn thương bàn chân và gây loét chân. Các biến dạng bàn chân tiểu đường thường gặp gồm ngón chân hình búa, bàn chân charcot, ngón chân vẹo ngoài, bàn chân bẹt, bàn chân lõm, móng vuốt,…

Đánh giá biến dạng bàn chân tiểu đường và can thiệp sớm trên các biến dạng bàn chân giúp giảm nguy cơ loét, nhiễm trùng bàn chân.

Các kỹ thuật này bao gồm cắt các gân nhỏ làm giảm bớt mức độ co quắp của các ngón chân, cắt bỏ các vùng da chân bị chai do tì đè, dùng các thiết bị để điều chỉnh biến dạng bàn chân, hoặc tạo khuôn giày riêng biệt cho các bàn chân biến dạng để giảm áp lực lên bàn chân.

Các dấu hiệu để nhận biết sớm biến chứng bàn chân gây ra tình trạng biến dạng chân gồm triệu chứng thần kinh như giảm hoặc mất cảm giác đau ở chân, tê, châm chích, yếu cơ, chai chân,… Dấu hiệu biến chứng mạch máu như lạnh chân, đau cách hồi, vết thương lâu lành…

Để phòng ngừa biến dạng bàn chân, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết, khám và tầm soát sớm các biến chứng baàn chân tiểu đường như: thần kinh, mạch máu…; chọn giày dép vừa vặn, mềm, có chất liệu tự nhiên và bít kín bàn chân; theo dõi đường huyết thường xuyên, tham khảo ý kiến bác sĩ khi kiểm soát đường huyết khó nhằm có phương pháp khắc phục sớm.

Chấn thương sọ não là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong

Ngày 20/7, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam tổ chức khóa đào tạo chuyên ngành ngoại thần kinh-cột sống với chủ đề “Cấp cứu thần kinh-cột sống” dành cho bác sĩ và điều dưỡng các bệnh viện khu vực miền Bắc.

Tại đây, các chuyên gia ngành phẫu thuật thần kinh đã trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức liên quan đến việc chẩn đoán và xử trí phình mạch não vỡ; xử trí vết thương sọ não; tai biến mạch máu não; nhận định, cấp cứu và chăm sóc người bệnh đột quỵ; não úng thủy ở trẻ; chấn thương cột sống cổ kiểu giọt lệ; chăm sóc người bệnh chấn thương cột sống có liệt…

Với bài trình bày về khám cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân chấn thương sọ não, PGS-TS.Đồng Văn Hệ, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trung bình mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 65 triệu người bị chấn thương sọ não, trong đó tỷ lệ bệnh nhân chiếm nhiều nhất ở những nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trung bình một ngày có 3 người tử vong do chấn thương sọ não. Từ đầu năm 2024 đến ngày 18/6, tại bệnh viện này có 677 trường hợp tử vong, trong đó chấn thương sọ não chiếm hơn 90%.

Các nguyên nhân thường gặp nhất của chấn thương sọ não là tai nạn giao thông (chiếm khoảng 70%), tai nạn đi bộ với các phương tiện khác, chấn thương do bị thương, do bị đâm và bị ngã do tai nạn trong sinh hoạt, thể thao…

Khả năng phục hồi của người bệnh chấn thương sọ não ở nước ta kém hơn ở những nước phát triển do rất nhiều lý do, như: Sơ cứu, cấp cứu, vận chuyển điều trị và phục hồi chức năng. Đối với bệnh nhân chấn thương sọ não, 10 phút đầu tiên được gọi là “thời gian kim cương” để sơ cứu, cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, chúng ta chưa có đủ lực lượng đến tận hiện trường cấp cứu nạn nhân.

Thông qua khóa đào tạo này, các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện các tuyến đã được nâng cao trình độ chuyên môn trong việc chẩn đoán, xử trí, điều trị và chăm sóc bệnh nhân thuộc chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, cột sống, từ đó nhằm giảm tỷ lệ tử vong, biến chứng, đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường.

Biến chứng nặng vì chữa tiểu đường bằng phương pháp truyền miệng
Nhiều người bệnh tiểu đường tự chữa vết thương theo nhiều phương pháp dân gian, truyền miệng, hậu quả phải cấp cứu do nhiễm trùng nặng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư