Thứ Hai, Ngày 21 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 21/7: Phẫu thuật thành công khối u sắc tố bẩm sinh khổng lồ
D.Ngân - 21/07/2025 09:50
 
Một bé gái 8 tuổi sống tại Hà Nội đã được các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phẫu thuật thành công để loại bỏ khối u sắc tố bẩm sinh khổng lồ ở vùng lưng dưới.

Phẫu thuật thành công khối u sắc tố bẩm sinh khổng lồ cho bé gái 8 tuổi

Bệnh nhi N.T.H mang khối u sắc tố từ khi mới sinh, với kích thước đến thời điểm phẫu thuật gần 40 cm chiều dài, rộng khoảng 25 cm, da sẫm màu, bề mặt sần sùi, có lông dài, thường xuyên gây ngứa rát, khó chịu và từng bị trợt loét.

Bệnh nhi đang điều trị tại cơ sở y tế.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn để lại gánh nặng tâm lý nặng nề, khiến bé nhiều năm mặc cảm về ngoại hình.

Theo Ths.Nguyễn Ngọc Linh, bác sỹ tạo hình, thẩm mỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, bệnh nhi được chẩn đoán mắc nơ vi sắc tố bẩm sinh khổng lồ (giant congenital melanocytic nevus). Đây là tình trạng tăng sinh bất thường của tế bào sắc tố trong da, thường xuất hiện từ khi mới chào đời.

Dù không xâm lấn, khối u sẽ phát triển cùng tốc độ với cơ thể, giữ tỷ lệ tương đương vùng tổn thương ban đầu. Với kích thước lớn như vậy, bệnh tiềm ẩn nguy cơ chuyển hóa ác tính thành ung thư hắc tố (melanoma), với tỷ lệ từ 5-10%.

Sau hội chẩn chuyên khoa, các bác sỹ quyết định điều trị theo hai giai đoạn. Trong lần phẫu thuật đầu tiên, phần tổn thương được thu hẹp để tạo điều kiện cho vùng da lành tự giãn, tạo nền mô thuận lợi cho can thiệp tiếp theo.

Ở giai đoạn hai, khối u còn lại được loại bỏ triệt để khi thể trạng và tâm lý của bệnh nhi đã phục hồi tốt. “Da trẻ nhỏ có độ đàn hồi cao, nhưng nếu trì hoãn, cả da lành lẫn tổn thương tiếp tục giãn, gây khó khăn hơn trong tạo hình. Vì vậy, lựa chọn thời điểm phẫu thuật lần hai là vô cùng quan trọng,” bác sỹ Linh cho biết.

Hiện tại, bệnh nhi đã phục hồi tốt. Vết sẹo mềm mại, không co kéo và đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Bé không còn cảm giác ngứa rát, khó chịu, tinh thần trở nên thoải mái, tự tin hơn sau nhiều năm sống trong mặc cảm.

TS.Dương Mạnh Chiến, chuyên gia phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ khuyến cáo rằng, các trường hợp nơ vi sắc tố bẩm sinh khổng lồ cần được phát hiện và điều trị sớm. Nếu để đến tuổi dậy thì hoặc muộn hơn, nguy cơ hóa ác sẽ tăng lên.

Đồng thời, da mất dần độ đàn hồi khiến tạo hình trở nên phức tạp và kém hiệu quả thẩm mỹ. Thời điểm can thiệp tốt nhất là trước khi trẻ có ý thức rõ rệt về ngoại hình, tức trước 7-8 tuổi.

Bên cạnh yếu tố y học, các bác sỹ cũng đặc biệt quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ và tâm lý lâu dài. Với những ca phức tạp như bé H, phẫu thuật không chỉ là loại bỏ tổn thương, mà còn là một bài toán nghệ thuật.

“Chúng tôi luôn tính toán kỹ lưỡng để thiết kế đường mổ, vị trí sẹo sao cho giấu vào đường viền quần áo, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hình thể trong tương lai. Đây không chỉ là điều trị bệnh lý về da, mà còn là một phần của hành trình đồng hành và bảo vệ tuổi thơ các em,” TS.Chiến chia sẻ.

Cứu sống người phụ nữ mang khối u khồng lồ

Vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận cấp cứu một ca bệnh đặc biệt: bệnh nhân nữ 66 tuổi, trú tại Hà Nội, nhập viện trong tình trạng đau bụng kéo dài 3 ngày, tiếp xúc chậm.

Đáng chú ý, người bệnh có tiền sử u buồng trứng được phát hiện từ nhiều năm trước nhưng không điều trị do có nhiều bệnh nền phức tạp như đột quỵ não cũ (đang dùng thuốc chống đông), tăng huyết áp, đái tháo đường chưa kiểm soát tốt và suy giảm trí tuệ.

Khi nhập viện, các bác sỹ ghi nhận bụng bệnh nhân có dấu hiệu phản ứng thành bụng, biểu hiện nghi ngờ nhiễm trùng ổ bụng. Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy khối u buồng trứng xuất huyết, nghi do xoắn.

Ngay sau đó, đội ngũ đa chuyên khoa đã tổ chức hội chẩn nhanh và quyết định phẫu thuật cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sỹ lấy ra khối u buồng trứng trái kích thước lớn (15 cm), nặng khoảng 5 kg.

Khối u đã xoắn ba vòng tại eo vòi trứng, chuyển màu tím và bị hoại tử. Ekip phẫu thuật đã cắt bỏ hoàn toàn phần phụ trái hoại tử, giúp ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng lan rộng và đe dọa tính mạng bệnh nhân. Sau 5 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định và được xuất viện.

Các biểu hiện và biến chứng của khối u buồng trứng khổng lồ bao gồm chèn ép lên các cơ quan lân cận như bàng quang, niệu quản, trực tràng, động mạch - tĩnh mạch chủ bụng gây ra tiểu khó, tiểu nhiều lần, ứ nước thận, táo bón, tăng áp lực ổ bụng gây khó thở, đau tức, ăn uống kém, gầy sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sinh sản.

Ngoài ra, những khối u lớn còn có nguy cơ bị vỡ, gây chảy máu, tràn dịch ổ bụng, viêm phúc mạc hoặc bị xoắn làm ngưng trệ tuần hoàn máu đến buồng trứng dẫn đến hoại tử.

Đặc biệt, khối u ác tính phát hiện muộn có thể di căn xa, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. U buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người già, nhưng phụ nữ sau mãn kinh khi phát hiện khối u cần hết sức thận trọng do nguy cơ ác tính cao.

Đại tá, BSCKII Trần Thanh Hương, Chủ nhiệm Khoa Phụ sản, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 khuyến cáo, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa, đặc biệt là u buồng trứng.

Đây là căn bệnh có thể diễn tiến âm thầm nhưng hậu quả rất nghiêm trọng nếu phát hiện muộn. Việc chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ giúp giảm thiểu biến chứng, bảo toàn sức khỏe sinh sản và tính mạng.

Giành lại sự sống cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối

Bà Nguyễn Thị L. (72 tuổi, Hà Nội) từng thay van tim cách đây hơn 20 năm, hiện nay bị suy tim giai đoạn cuối kèm suy đa tạng, được các bác sỹ phẫu thuật thay lại van tim, thoát khỏi nguy kịch.

Bà L. có tiền sử bệnh thấp tim, cách đây 24 năm từng phẫu thuật thay van hai lá. Khoảng 4 năm trước, bà bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, tình trạng nhiễm trùng lớp nội mạc bên trong tim, thường gặp ở van tim hoặc mặt trong buồng tim, dẫn đến biến chứng nhiễm trùng máu phá hỏng van nhân tạo, gây hở van nặng và suy tim tiến triển nhanh.

Mặc dù thời điểm đó có chỉ định phẫu thuật thay lại van, nhưng do lo ngại nhiều rủi ro của ca mổ tim lần hai, bà L. và gia đình đã từ chối phẫu thuật, tiếp tục điều trị nội khoa.

Tháng 4/2025, bà L. đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám và nhập viện trong tình trạng suy tim giai đoạn cuối (NYHA IV). Bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, khó thở, phù chân tay, chỉ có thể đứng dậy và đi lại vài bước, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Thăm khám cho thấy gan to dưới bờ sườn phải 5-7 cm, tràn dịch màng phổi, tăng áp động mạch phổi nặng (ước tính trên 80 mmHg), hở van hai lá và ba lá mức độ nặng.

TTND.PGS.TS.BS.CKII Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực cho biết, thể trạng chung của bệnh nhân rất yếu, tim bên phải to, phổi giãn lớn như quả bóng do tăng áp động mạch phổi kéo dài.

Tình trạng suy tim tiến triển gây suy giảm chức năng gan, thận, rối loạn đông máu do phải dùng thuốc liều cao lâu ngày cùng nhiều rối loạn chức năng khác, làm chậm các phản xạ thần kinh.

Nếu không phẫu thuật, thời gian sống còn lại của bà Liễu rất ngắn. Khoảng 90% bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể tử vong trong vòng 6-12 tháng nếu không được can thiệp phẫu thuật.

Việc tiếp cận phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do tuổi cao, suy tim kéo dài làm suy đa tạng, khiến nguy cơ biến cố trong và sau mổ rất cao, việc chăm sóc sau mổ cũng hết sức khó khăn.

Sau nhiều lần hội chẩn đa chuyên khoa và nhận được sự đồng thuận của bệnh nhân cùng người nhà, bác sỹ quyết định tiến hành phẫu thuật thay van tim cho bà L. ngay tại thời điểm điều trị nội khoa tối ưu nhằm cải thiện suy tim.

Ngay trong ca mổ, nhiều khó khăn xảy ra hơn dự kiến. Trước tiên, êkíp phải đặt hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể qua đường đùi để giảm nguy cơ rung tim và chảy máu khi mở ngực. Việc gỡ dính cũng rất phức tạp do tim to, dính chặt sau xương ức từ lần mổ đầu tiên, màng tim cũng không đóng.

Sau khi gỡ được tim và bộc lộ van tim cũ, êkíp phát hiện van nhân tạo hỏng nặng hơn dự đoán van bị hoại tử do nhiễm trùng, thủng và rách nát hoàn toàn. Êkíp phải bóc tách tổ chức viêm, cắt bỏ vòng van cũ và thay van mới.

Do đặc điểm bệnh nhân từng bị thấp tim với vòng van rất nhỏ, êkíp chọn loại vòng van nhân tạo nhỏ nhất trên thị trường. Quá trình đặt van cũng phải cực kỳ cẩn trọng để tránh rách vòng van gây nguy hiểm tính mạng.

Cuộc mổ diễn ra cam go, êkíp tranh thủ từng phút giây vì thời gian phẫu thuật càng kéo dài càng bất lợi cho bệnh nhân.

Việc chạy máy tim phổi nhân tạo, kỹ thuật thay thế chức năng tim phổi khi tim tạm ngưng nếu kéo dài dễ gây biến chứng rối loạn chức năng các cơ quan. Các thao tác kỹ thuật cũng phải đảm bảo chính xác từng bước vì chỉ một biến cố nhỏ cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. May mắn, ca mổ đã kết thúc thành công.

Giai đoạn sau mổ tiếp tục là thử thách quan trọng, bà Liễu phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như tăng áp động mạch phổi, phù phổi và suy đa cơ quan.

Mặc dù cơ tim trái co bóp tốt sau mổ, nhưng phổi và các tạng khác diễn tiến nặng trong 3-4 ngày đầu, có lúc tiên lượng khả năng sống sót ở mức cực kỳ xấu.

Thông thường, giải pháp ưu tiên lúc này là đặt ECMO, hệ thống hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp ngoài cơ thể, giúp tim phổi nghỉ ngơi và phục hồi.

Tuy nhiên, việc đặt ECMO kèm theo nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng rất cao trong trường hợp của bà L.. Vì vậy, các bác sỹ lựa chọn phương pháp lọc máu liên tục tại chỗ, loại bỏ độc tố, nước thừa và chất điện giải một cách chậm rãi, liên tục suốt 24 giờ.

Sau khi lọc máu, tình trạng bà Liễu chuyển biến tích cực như tiểu được, phù phổi giảm, huyết áp dần ổn định, các chỉ số tuần hoàn cải thiện, liều thuốc trợ tim giảm dần.

Bệnh nhân cần cai máy thở kéo dài. Thông thường, các bác sỹ sẽ mở khí quản hỗ trợ hô hấp, nhưng bà L. có vùng cổ ngắn, to, vết mổ tim sát nền cổ nên nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cao nếu mở khí quản.

Bác sỹ chuẩn bị song song hai phương án: sẵn sàng mở khí quản nếu cần, đồng thời tập hồi phục hô hấp tích cực giúp bệnh nhân tập thở chủ động với hy vọng có thể rút ống nội khí quản mà không phải mở khí quản.

Sau khoảng 3 ngày tập thở, bà L. đã tự thở được thành công, đây là diễn tiến quan trọng góp phần phục hồi bệnh nhân.

Sau hơn 10 ngày nằm phòng hồi sức tích cực và hơn 1 tuần điều trị tại phòng bệnh thường, bà Liễu được xuất viện và dần trở lại sinh hoạt bình thường. Người bệnh tiếp tục điều trị nội khoa và tái khám định kỳ, vượt qua nguy hiểm với tiên lượng sống tốt.

Theo PGS.Ước, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau phẫu thuật thay van tim là trên 90% sau 5 năm và trên 80% sau 10 năm. Với sự phát triển của kỹ thuật phẫu thuật tim hở, máy móc hỗ trợ tuần hoàn và hồi sức tích cực, phẫu thuật thay van tim không chỉ nâng cao tỷ lệ sống mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh suy van tim nặng.

Đặc biệt, với phối hợp đa chuyên khoa chặt chẽ và chăm sóc sau mổ toàn diện, nhiều bệnh nhân như bà Liễu có cơ hội phục hồi tốt dù trước đó tiên lượng sống mong manh, bệnh nặng với nhiều nguy cơ và biến chứng nghiêm trọng.

Can thiệp cho bệnh nhân có khối u khổng lồ vùng mặt
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông báo đã bước đầu phẫu thuật thành công cho một người phụ nữ có khối u xơ thần kinh khổng lồ vùng đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư