Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 28 tháng 06 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 22/6: Nỗi lo sốc nhiệt, suy thận cấp do thiếu nước
D.Ngân - 22/06/2024 08:41
 
Làm việc từ sáng sớm đến tận giữa trưa, giữa thời tiết nắng nóng gay gắt, ông T.T.A, ở Hà Nội đã phải nhập viện với chẩn đoán suy thận cấp do thiếu nước…

Suy thận cấp vì thiếu nước

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, Khoa Nội thận - Tiết niệu của bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị suy thận cấp do mất nước khi lao động nhiều giờ ngoài trời nắng nóng.

Thời tiết nắng nóng có nhiều nguy cơ với sức khỏe.

Bệnh nhân là ông T.T.A. (71 tuổi). Theo lời kể, trước khi nhập viện, ông A. đi làm ruộng từ 7h sáng đến trưa, giữa thời tiết nắng nóng. Trong suốt thời gian này, bệnh nhân chỉ mang theo 500ml nước để uống.

Về nhà, ông thấy mệt mỏi, khó chịu, nôn khi ăn và uống nước. Bệnh nhân được gia đình đưa vào cơ sở y tế gần nhà để theo dõi điều trị. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng tăng ure, creatinin máu và được chẩn đoán bị suy thận cấp do thiếu nước.

Sau một ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng của suy thận cấp là tăng kali máu, tiên lượng phải lọc máu nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Tại đây, sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân dần ổn định, chức năng thận có dấu hiệu phục hồi. TS.Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Khoa Nội thận - Tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, trời nắng nóng khiến cơ thể mất nước nhiều, mất điện giải.

Nếu không được bù nước đúng mức sẽ dẫn tới giảm thể tích tuần hoàn. Điều này đồng nghĩa với việc giảm cung lượng máu đến mô và các cơ quan, đặc biệt là thận sẽ gây ra tình trạng suy thận cấp.

Do đó, khi trời nắng nóng, nếu chỉ làm việc trong môi trường bình thường, không quá nặng nhọc thì mỗi ngày chúng ta phải bù 3-4l nước.

Với trường hợp phải làm việc trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt như bệnh nhân nêu trên thì mức bù nước phải nhiều hơn.

Theo Bộ Y tế, nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C. Do đó, người dân lưu ý khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Các chuyên gia y tế lưu ý thời tiết nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt...

Nắng nóng là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… có thể bị đột quỵ.

Theo các bác sĩ, khi đi ở ngoài trời nắng, hoạt động trong thời tiết nắng nóng, trung tâm điều nhiệt của cơ thể sẽ kích thích tuyến mồ hôi. Từ đó, giúp tiết mồ hôi để giảm thân nhiệt.

Trong một số trường hợp, khi nhiệt độ quá cao hoặc mọi người không đủ nước, quá trình điều hòa thân nhiệt không hoạt động. Hoặc, trung tâm điều nhiệt sau gáy bị rối loạn, khiến khả năng điều nhiệt không hoạt động.

Tình trạng này khiến nhiệt độ cơ thể tăng dần. Ở trạng thái bình thường, thân nhiệt duy trì mức 35 - 36 độ C. Tuy nhiên, khi không điều nhiệt được, thân nhiệt có thể tăng lên 38 - 39 độ C hoặc lên tới 40 độ C, dẫn đến sốc nhiệt.

Khi ở môi trường nắng nóng trong thời gian dài, người bệnh có thể gặp tình trạng say nóng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tình trạng này có thể chuyển thành sốc nhiệt, hay còn gọi là say nắng.

Sốc nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể không kiểm soát được, tăng lên cao. Khi đó, các mạch máu giãn ra, lượng máu cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể như tim, gan, phổi giảm.

Khi mất nước, máu có xu hướng cô lại. Đồng thời, cơ thể cũng mất điện giải, nồng độ các chất điện giải thay đổi, ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh nói chung. Từ đó, gây tình trạng mệt mỏi lơ mơ đau đầu, các triệu chứng thể hiện ở tất cả cơ quan.

Trong đó, với đường hô hấp, người bệnh có thể bị rối loạn nhịp thở, ngưng thở. Với tuần hoàn, triệu chứng có thể bao gồm nhịp nhanh.

Thậm chí, một số bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim. Khi sốc nhiệt, cơ thể thiếu ô xy, chất dinh dưỡng, dẫn đến rối loạn chuyển hóa, suy thận cấp, suy gan, suy đa cơ quan.

Nếu không xử lý kịp thời, trong khoảng 30 phút, bệnh nhân có nguy cơ không qua khỏi. Nếu qua khỏi cũng sẽ để lại nhiều di chứng. Nếu được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tránh được di chứng.

Phân biệt say nóng và say nắng

Sốc nhiệt có hai loại: Loại thứ nhất là sốc nhiệt kinh điển, thường gặp ở người sức đề kháng kém như trẻ em, người già, người có bệnh nền. Khi hoạt động nhiều trong trời nắng nóng mà không bổ sung nước, mọi người sẽ có nguy cơ bị sốc nhiệt.

Loại sốc nhiệt thứ hai là do gắng sức. Đây là tình trạng hay gặp nhất ở người trẻ, khỏe mạnh, vận động viên. Khi hoạt động quá sức trong trời nắng, không có biện pháp che chắn,... sẽ dẫn đến sốc nhiệt do quá sức.

Để phân biệt giữa say nóng và say nắng, ở tình trạng nhẹ, thân nhiệt thường không lên quá cao, dưới 40 độ C.

Ở người say nắng, da chưa đỏ quá và không bị khô. Tuy nhiên, khi sốc nhiệt (say nắng), nhiệt độ cơ thể lên rất cao, trên 40 độ C, da khô, đỏ, không còn nước tiết mồ hôi do trung tâm điều nhiệt mất tác dụng. Các dấu hiệu về mặt thần kinh là rõ nhất như lơ mơ, hôn mê.

Trong khi đó, người bị say nóng thường chỉ ong đầu, mệt mỏi. Cả hai trường hợp đều có triệu chứng tim mạch như mạnh nhanh, huyết áp thấp hoặc nhịp thở nhanh, nông.

Khi gặp bệnh nhân sốc nhiệt, điều đầu tiên cần làm là cố gắng hạ thân nhiệt xuống dưới 40 độ C, đưa vào chỗ bóng râm, cởi bớt quần áo, dùng khăn nhúng nước ấm lau vùng nách, bẹn. Nếu dội nước lên người bệnh, nên dùng nước mát.

Ngoài ra, cần kiểm tra nhịp thở, tim. Có thể cần hô hấp nhân tạo, ép tim lồng ngực nếu cần. Nếu bệnh nhân uống được, thì cần cho uống nước hoặc các dung dịch điện giải.

Nếu bệnh nhân không tỉnh táo thì không nên uống nước, tránh gây tắc nghẽn đường thở. Sau đó, nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất.

Theo bác sĩ, khi chỉ số nhiệt lên cao, tốt nhất người dân nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, bạn có thể ngăn ngừa hiện tượng say nắng bằng cách thực hiện các lưu ý sau:

Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.

Bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể trong những ngày nắng nóng; mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu và đội mũ rộng vành; sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên.

Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, người dân nên uống ít nhất 1,5 lít nước lọc, nước trái cây hoặc nước ép rau củ mỗi ngày. Bên cạnh đó có thể dùng nước uống thể thao giàu chất điện giải trong những ngày nhiệt độ lên cao và độ ẩm xuống thấp.

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời. Khuyến nghị chung là uống khoảng 700ml nước vào thời điểm 2 giờ trước khi tập thể dục và cân nhắc bổ sung thêm 250ml nước hoặc thức uống thể thao ngay trước khi tập.

Trong khi tập thể dục, cứ sau 20 phút, nên uống thêm 250ml nước ngay cả khi không cảm thấy khát.

Tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước hơn trầm trọng hơn. Người dân cũng không nên uống viên muối khi chưa có chỉ định của bác sĩ. C

Cách đơn giản và an toàn nhất để thay thế muối và các chất điện giải trong các đợt nắng nóng là uống đồ uống thể thao hoặc nước trái cây.

Trường hợp mắc bệnh động kinh/ bệnh tim, thận/ gan… đang ăn kiêng hạn chế chất lỏng; hoặc cơ thể có vấn đề về giữ nước, cần tư vấn bác sĩ trước khi tăng lượng nước cho cơ thể.

Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.

Khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu. Do đó, khi cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường.

Vì vậy khi gặp người bị say nắng, say nóng, chúng ta phải thực hiện ngay các bước như sau: Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát, …) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ.

Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch. Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể. Đo nhiệt độ cơ thể nếu có nhiệt kế.

Cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi (bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt.

Đắp khăn lạnh, hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ. Cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được. Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ bệnh nhân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư