Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 23/5: Hà Nội triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ
D.Ngân - 23/05/2024 08:02
 
UBND TP.Hà Nội đã có Công văn số 1582/UBND-KGVX về việc triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A và các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng trên địa bàn Hà Nội năm 2024.

Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ

Để triển khai hoạt động bổ sung Vitamin A và các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng trên địa bàn Hà Nội năm 2024 một cách hiệu quả, UBND TP yêu cầu Sở Y tế chủ trì, xây dựng kế hoạch, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A và các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng trên địa bàn Hà Nội năm 2024.

Ảnh minh họa.

Sở Y tế dự trù đủ viên nang Vitamin A cho trẻ trong độ tuổi, đảm bảo kinh phí, vật tư, nhân lực cần thiết triển khai Ngày vi chất dinh dưỡng và chiến dịch bổ sung Vitamin A năm 2024.

ùng với đó, Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể kiểm tra, giám sát việc triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A, các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng trên địa bàn Hà Nội năm 2024 của các quận, huyện, thị xã.

UBND TP yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông phối hợp, định hướng tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Ngày vi chất dinh dưỡng và chiến dịch bổ sung Vitamin A năm 2024 để người dân hiểu, áp dụng các biện pháp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A và các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2024 tại địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương kiểm tra, giám sát việc triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A, các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2024 tại xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng; khuyến khích người dân thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng muối i-ốt,... để chủ động phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Theo Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và tỷ lệ này chỉ còn 11,6% năm 2020) (theo số liệu giám sát dinh dưỡng hàng năm); chúng ta đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A;

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng cao…

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng (tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì), kèm theo xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm; nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả …) và thiếu hoạt động thể lực.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao (tỷ lệ này là 19,6% theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng miền núi so với thành thị và nông thôn.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, cụ thể tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%; phụ nữ có thai là 25,6%;

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5% và vẫn còn 58,0% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm (Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020).

Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.

Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em, khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động khi trưởng thành.

Việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng theo vòng đời từ giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ lứa tuổi học đường, trẻ vị thành niên, người trưởng thành, và người cao tuổi là đặc biệt quan trọng trong phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc của người Việt Nam.

Những lưu ý bệnh não mô cầu ở thanh thiếu niên

Bệnh do não mô cầu xuất hiện quanh năm nhưng dễ lây lan qua đường hô hấp và bùng phát thành dịch, gây hai bệnh điển hình là viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

Thanh thiếu niên có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn não mô cầu, trở thành người lành mang trùng hoặc phát bệnh tuy nhiên nhiều người chưa chú trọng phòng bệnh.

Bệnh não mô cầu thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ 10-20%, tỷ lệ tử vong 8-15%. Nếu được điều trị khỏi, người bệnh vẫn phải chịu các di chứng như tàn tật, điếc, liệt, tổn thương thận, ảnh hưởng não, thiểu năng trí tuệ…

Triệu chứng của bệnh viêm màng não do não mô cầu gồm sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ… dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, viêm đường hô hấp dẫn đến giảm khả năng phát hiện sớm. Vào mùa hè, ca bệnh xuất hiện rải rác và lẫn trong hội chứng viêm màng não mủ.

Tại Việt Nam, thống kê gần nhất được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trích dẫn năm 2016, cho biết tỷ lệ mắc viêm màng não mô cầu khoảng 2,3/100.000 dân, xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm tỷ lệ tử vong cao nhất toàn quốc.

Ca bệnh điển hình là nam thanh niên 22 tuổi ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội, ngày 3/5 khởi phát bệnh với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt (không rõ nhiệt độ), rét run. Ngày 5/5, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, phải cấp cứu và đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Quân y 103.

Vi khuẩn sống ở niêm mạc hầu họng của 10% người lành. Bệnh lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp bởi các giọt bắn có chứa vi khuẩn khi nói chuyện, ho, hắt hơi…. Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào mũi họng, tại chỗ vi khuẩn nhân lên nhanh chóng gây viêm mũi họng.

Ở những người khoẻ mạnh đã tiêm phòng vắc-xin bệnh thường nhẹ, có thể tự khỏi. Ở những người cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc chưa tiêm phòng vắc-xin vi trùng tiếp tục lan vào máu, đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Những trường hợp diễn tiến cấp tính có thể gây tử vong nhanh chóng.

Khi cơ thể mệt mỏi, hệ thống miễn dịch suy giảm sẽ làm tăng khả năng nhiễm bệnh. Thanh thiếu niên, sinh viên sống ở môi trường đông đúc như ký túc xá, nhà trọ đông người, nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Biểu hiện viêm màng não ở trẻ em là sốt, nôn, đau đầu, sợ ánh sáng ngoài ra bệnh điển hình sẽ có ban xuất huyết hoại tử hình sao ở trên da. Nặng hơn nữa bệnh gây tình trạng nhiễm trùng máu, suy tim, suy đa tạng và tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để phòng chống viêm màng não ở trẻ, đầu tiên trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng quốc gia và các vaccine tiêm chủng khác theo tư vấn của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, khi trẻ có biểu hiện sốt đặc biệt kèm theo triệu chứng phát ban xuất huyết, nôn, đau đầu cần đưa trẻ tới khám tại các cơ sở khám bệnh chuyên khoa Nhi để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị.

Hiện nay nhiều loại vắc-xin về phòng bệnh não mô cầu rất nhiều và hiệu quả, có loại có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Bởi vậy, để phòng bệnh cho các em, thì việc tiêm chủng đầy đủ vẫn quan trọng nhất.

Nhiều người cho rằng người trẻ, khỏe mạnh không có nguy cơ nhiễm não mô cầu, do đó chủ quan phòng ngừa. Cũng có quan điểm gợi ý tiêm chủng khi dịch bệnh vào cao điểm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mầm bệnh có thể tấn công vào mọi thời điểm trong năm. Vì vậy, mọi người nên chủng ngừa càng sớm càng tốt để tạo miễn dịch sớm.

Bà Bạch Thị Chính, giám đốc Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho hay, vi khuẩn não mô cầu được phân loại thành 12 nhóm huyết thanh gây bệnh, thường gặp 6 nhóm A, B, C, Y, X và W-135. Vaccine không có tác dụng phòng ngừa chéo giữa các nhóm. Mọi người nên chủng ngừa đúng và đủ loại, phác đồ ưu tiên gồm loại ngừa nhóm B và loại ngừa các nhóm A, C, Y, W-135.

Hiện Việt Nam có vắc-xin Bexsero (Italy), hiệu quả 95%, chỉ định cho người 2 tháng đến 50 tuổi; Menactra (Mỹ) phòng não mô cầu nhóm ACYW hiệu quả 90%, dành cho đối tượng từ 9 tháng đến 55 tuổi; Mengoc - BC (Cuba) phòng não mô cầu nhóm B, C dành cho người từ 6 tháng đến 45 tuổi.

Tương tự các vắc-xin khác, mũi ngừa não mô cầu có thể gây sốt, đau, sưng đỏ tại vị trí tiêm, nhức mỏi, chán ăn… Các triệu chứng thường nhẹ, tự khỏi sau khoảng 1-2 ngày.

Nếu sốt nhẹ dưới 38 độ C, mọi người cần mặc quần áo thoải mái, bù dịch, uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

Nếu sốt trên 38,5 độ C, mọi người sử dụng thuốc hạ sốt chứa paracetamol. Nếu sốt cao trên 39 độ C và không đáp ứng thuốc hạ sốt, mọi người cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Vai trò của vi chất dinh dưỡng
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chúng ta cần với lượng rất nhỏ nhưng lại hết sức cần thiết mà nếu thiếu sẽ gây ra những hậu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư