Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 25/2: Cảnh báo biến chứng của xẹp đốt sống
D.Ngân - 25/02/2024 07:37
 
Xẹp đốt sống là chấn thương nguy hiểm, nguy cơ gây chèn ép tủy sống, làm tổn thương dây thần kinh, gây đau nhức, ảnh hưởng khả năng vận động, nặng hơn là tàn phế.

Chữa xẹp đốt sống cho cụ ông 101 bị ngã

Cụ ông Trần Văn Sang đau lưng nhiều sau khi té ngã, đi lại khó khăn, cơn đau tăng lên khi ho và thay đổi tư thế. Sau gần 1 tháng điều trị dùng thuốc không giảm, người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội thăm khám.

Ảnh minh họa.

ThS.BSNT Tạ Ngọc Hà, Khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết, kết quả chụp X-quang ghi nhận người bệnh bị xẹp đốt sống thắt lưng L2, xẹp nhiều bên trái, gây các cơn đau dai dẳng.

Bác sĩ Hà cho biết thêm, người trẻ khi bị chấn thương cột sống, nằm bất động 3-4 tuần có thể giúp xương liền lại. Ở người cao tuổi xuất hiện tình trạng loãng xương sẽ khó liền xương hơn, va chạm nhẹ cũng dễ gây xẹp đốt sống.

Trường hợp cụ ông Sang đã 101 tuổi, quá trình lão hóa khiến xương khớp trở nên giòn, dễ tổn thương, khả năng liền xương kém, chỉ định tạo hình đốt sống bằng xi măng sinh học là can thiệp an toàn. Phương pháp không cần gây mê, ít xâm lấn, hạn chế biến chứng, đẩy nhanh thời gian hồi phục.

Sau khi người bệnh được gây tê tại chỗ, bác sĩ đưa 2 đầu kim vào thân đốt sống và bơm xi măng sinh học. Chất này tương thích với mô sinh học, làm cứng đốt sống lưng bị xẹp; đồng thời phản ứng xi măng cũng sinh ra nhiệt, đốt các đầu mút thần kinh, giúp người bệnh cải thiện hiệu quả ngay lập tức tình trạng đau nhức.

Thông qua hệ thống đánh giá hình ảnh C-Arm, bác sĩ liên tục theo dõi đường đi của kim bơm, đảm bảo tiếp cận đúng vị trí, tránh tổn thương cơ quan khác. Toàn bộ thủ thuật được thực hiện trong 30 phút.

Chỉ sau 2 giờ can thiệp, người bệnh đeo đai ngồi dậy và đi lại sinh hoạt bình thường, không còn cảm giác đau nhói, không cần ăn uống kiêng khem. Bác sĩ chỉ định ông tiếp tục duy trì đeo đai thêm 1 tuần sau khi xuất viện.

Gãy lún đốt sống lưng do té ngã khá phổ biến ở người lớn tuổi. Trước đây các trường hợp này phải nằm bất động đệm cứng dài ngày, đồng thời mang nẹp ngoài.

Việc hạn chế vận động, nằm trên giường lâu ngày tăng nguy cơ loãng xương, viêm phổi, xẹp phổi, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch sâu chi dưới, nhiễm trùng tiểu suy kiệt… trong khi tỷ lệ liền xương rất thấp ở người già bị loãng xương.

Các chấn thương nặng hơn phải thực hiện mổ bắt nẹp vít vào xương sống. Đây là một đại phẫu mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng và tai biến khá cao ở đối tượng người cao tuổi sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền.

Vì vậy, người bệnh cao tuổi, xẹp đốt sống do loãng xương, đau cấp tính, đã điều trị bằng các phương pháp khác không hiệu quả, bác sĩ chỉ định bơm xi măng sinh học.

Bác sĩ Hà chia sẻ, biện pháp tạo hình đốt sống chỉ tác động lên đốt sống bị xẹp, không thể điều trị nguyên nhân gốc là bệnh loãng xương.

Người bệnh cần tiếp tục cải thiện vấn đề loãng xương, đồng thời phòng tránh té ngã để ngăn ngừa các chấn thương lên các đốt sống khác.

Sau khi ra viện, người bệnh cần duy trì bổ sung thực phẩm giàu canxi, magie, phốt pho, vitamin D trong chế độ ăn hàng ngày, và các thuốc chống hủy xương; đồng thời tránh các động tác sai tư thế, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như gậy hay khung xe tập đi cho người cao tuổi, tập luyện nhẹ nhàng để cơ thể luôn dẻo dai, sử dụng giày dép vừa chân, có đế chống trơn trượt…

Người thân nên khuyến khích họ đi thăm khám định kỳ, hạn chế những nguy hiểm trong nhà, đảm bảo phòng luôn đủ ánh sáng…

Xẹp đốt sống là chấn thương nguy hiểm, nguy cơ gây chèn ép tủy sống, làm tổn thương dây thần kinh, gây đau nhức, ảnh hưởng khả năng vận động, nặng hơn là tàn phế.

Bệnh nhân té ngã, đặc biệt là người già nên đưa đến cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các nguy cơ thoái hóa, biến dạng đốt sống.

Nhiều trẻ ngộ độc chì nặng vì cha mẹ cho uống thuốc đẹn chữa bệnh

 Để con bớt quấy khóc, người nhà tự ý mua thuốc "đẹn" cho trẻ uống. Sau dùng thuốc, tình trạng của trẻ không những không cải thiện mà còn nặng hơn. Trẻ được đưa tới viện cấp cứu khi tình trạng đã nặng, co giật toàn thân nhiều lần, hôn mê.

BS CKII Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, thời gian gần đây, khoa tiếp nhận cấp cứu 4 trường hợp trẻ từ hơn 1 tháng đến 6 tháng tuổi bị ngộ độc chì nặng.

Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc gia đình mua thuốc đẹn cho con uống với mong muốn con bớt quấy khóc, tăng cân, mau lớn. Trong số trẻ này, có 2 trường hợp tiên lượng nặng, đe dọa các chức năng sống, đã được chuyển ra tuyến trung ương điều trị tiếp; 2 trường hợp còn lại hiện đang điều trị tích cực tại khoa.

Bác sĩ CKII Nguyễn Hùng Mạnh cho biết, điều rất nguy hiểm là thuốc đẹn không được cấp phép lưu hành, nhưng lại đang được nhiều gia đình có trẻ nhỏ lựa chọn theo truyền miệng để điều trị khi trẻ nhỏ quấy khóc. Điều này rất nguy hiểm, bởi đã có nhiều trẻ ngộ độc chì có trong thuốc này.

Chì là chất rất độc hại cho sức khỏe, gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch, nguy kịch đến tính mạng. Khi vào cơ thể, chì có thể tích lũy lâu trong nội tạng, đặc biệt là xương và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.

Do đó, khi trẻ có các triệu chứng bất thường cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời bằng các phương pháp điều trị khoa học, có phác đồ chuẩn đã được y học chứng minh.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, phụ huynh tuyệt đối không nên nghe, làm theo những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, tự ý dùng các loại thuốc - nhất là thuốc đẹn, thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho con trẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư