Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 26/9: Không để thực phẩm bị hỏng, mốc đến tay người dân
D.Ngân - 26/09/2024 08:24
 
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ban hành công văn số 2472/ATTP-NĐTT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm do bão, lụt.

Kiểm soát chất lượng thực phẩm mùa mưa bão

Trước tình hình thực tế diễn biến, ảnh hưởng của cơn bão số 4 gây mưa lớn, ngập lụt đô thị và vùng trũng thấp, sạt lở, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh khu vực miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp thực hiện các nội dung liên quan an toàn thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 2472/ATTP-NĐTT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm do bão, lụt.

Đối với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt, có phương án đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn.

Các đơn vị khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như lương khô, mỳ gói, nước uống đóng chai…, bổ sung các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng.

Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn; tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế  biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như: giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng.

Mặt khác, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với đơn vị y tế dự phòng, cơ sở điều trị và trạm y tế tăng cường công tác giám sát nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.

Khi phát hiện các trường hợp rối loạn tiêu hoá, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải kịp thời xử lý ngay, hạn chế tối đa ảnh hướng đến sức khoẻ người dân.

Ngoài ra, các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống khi được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt, không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

Trước đó, nhằm bảo đảm nước sạch, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, quản lý chất thải sau bão số 3 và mưa lũ năm 2024, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với phòng y tế triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đảm bảo nước sạch.

Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín. Các đơn vị tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.

Ngoài ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng đến tay người dân.

Gia tăng các bệnh nhiễm khuẩn sau bão lũ

Sau thời gian mưa bão kéo dài, nhiều khu vực ngập lụt, điều kiện vệ sinh môi trường kém đã và đang cảnh báo các nguy cơ bùng phát các bệnh nhiễm khuẩn sau mưa lũ trong cộng đồng, vì vậy người dân cần có sự chủ động phòng ngừa.

Bệnh nhân P.V.K (45 tuổi) đang sinh sống tại phường Hà Khánh, TP.Hạ Long, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao kéo dài nhiều ngày không dứt.

Theo anh K. cho biết, bão số 3 khiến nơi ở của anh bị ngập nước kèm bùn bẩn, sình lầy nên anh phải dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khu vực sống nhiều ngày trước. Sau đó, anh K. bắt đầu xuất hiện sốt cao liên tục, mệt mỏi, uống hạ sốt không thuyên giảm nên nhập viện điều trị.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (Whitmore). Bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực tại khoa Bệnh nhiệt đới. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã cắt cơn sốt và đỡ mệt.

Một trường hợp khác là bệnh nhân T.Q.T (49 tuổi) ở phường Hà Lầm, TP.Hạ Long, nhập viện với vết thương hở cẳng chân trái, sưng đau, phù nề có dấu hiệu mưng mủ kèm theo sốt cao.

Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm mổ bào cẳng chân trái, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Theo bệnh nhân cho biết, bản thân bị ngã vào cành cây đổ gãy làm sây sát, sau đó bị sốt từng cơn, gai rét kèm sưng loét cẳng chân. Sau 1 tuần điều trị tích cực với phác đồ phù hợp, đến nay bệnh nhân đã cắt sốt, vết thương đang dần hồi phục và sớm xuất viện trong vài ngày tới.

Đánh giá về số lượng người bệnh nhiễm khuẩn nhập viện trong thời gian qua, đặc biệt là sau mưa lũ, BS.CKII Lương Xuân Kiên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết, sau mưa bão, vô số các vi sinh vật, rác bẩn, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn thực phẩm, làm gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh, nhiễm trong cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội, trong tuần qua TP.ghi nhận 285 ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, có 3.251 ca mắc sốt xuất huyết.

Ngoài ra, trong tuần qua, cũng ghi nhận 23 ổ dịch sốt xuất huyết (tăng 14 ổ dịch so với tuần trước đó) tại 19 quận, huyện, thị xã như Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Thanh Oai, Cầu Giấy, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoàn Kiếm…

CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch. Đồng thời, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đối với khu vực ngập lụt do mưa lũ tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Đình, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì.

CDC Hà Nội nhận định, hiện tại đã bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hằng năm từ tháng 9 đến tháng 11, với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn sau mưa lũ, các chuyên gia khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống các bệnh ngoài da, nhiễm khuẩn sau bão lũ, như vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay với xà phòng;

Không nên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, trầy xước chảy máu; thực hiện vệ sinh nhà ở, môi trường với phương tiện bảo hộ ngay sau khi nước rút, vệ sinh bề mặt bằng các dung dịch khử khuẩn.

Thực hiện ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, nguồn nước bị ô nhiễm, đồng thời tăng cường bổ sung dinh dưỡng để cải thiện hệ miễn dịch.

Khi có biểu hiện bất thường như: sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, sưng đau một số vị trí trên cơ thể hoặc buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng… cần đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

TP.HCM: Một trường hợp tử vong do não mô cầu

Ngày 24/9, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm trùng do não mô cầu thể tối cấp, nhập viện trong tình trạng có phát ban và tử vong trong chiều cùng ngày.

Bệnh nhân là nữ (52 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) nhập viện lúc 11 giờ ngày 24/9 trong tình trạng thở nhanh, huyết áp 150/90mmHg, xuất huyết da dạng bản đồ lan rộng rải rác toàn thân, vài vị trí có hoại tử trung tâm.

Bệnh nhân khởi phát bệnh trước đó một ngày với sốt, ớn lạnh và đau nhức toàn thân. Chiều cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện các mảng ban màu hồng tím xuất phát từ cánh tay lan ra toàn thân.

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, sử dụng kháng sinh và thuốc vận mạch. Tuy nhiên tình trạng nặng, bệnh nhân đã tử vong sau 6 giờ nhập viện.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh và trạm y tế xã Đa Phước đến nhà bệnh nhân để điều tra người tiếp xúc và thực hiện các biện pháp xử lý, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Kết quả điều tra ghi nhận bệnh nhân đang sống cùng chồng tại một nhà trọ ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh và làm công nhân tại một công ty ở tỉnh Long An.

Kết quả điều tra cũng ghi nhận có hai người tiếp xúc gần với bệnh nhân, cả hai đều chưa có triệu chứng nghi ngờ bệnh, đã được nhân viên y tế cấp kháng sinh dự phòng và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng, chống bệnh do não mô cầu.

Đồng thời, HCDC đã kích hoạt quy trình chia sẻ thông tin dịch bệnh giữa các tỉnh liên kết vùng để thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An phối hợp điều tra dịch tễ.

Theo Sở Y tế, bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây ra, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra (người bệnh và người lành mang trùng) và dễ gây thành dịch lớn. Bệnh do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bệnh có các thể lâm sàng như viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, ... trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp hơn. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8-15%.

Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5%-25%. Tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.

Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, thường gặp vào mùa đông - xuân.

Ngoài viêm não mô cầu, tính từ ngày 16/9/2024 đến ngày 22/9/2024 (tuần 38), tại TP.HCM ghi nhận 371 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 26,7% so với trung bình 4 tuần trước. 

Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 38 là 11.825 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và Quận 8.

Trong tuần 38, TP.HCM cũng ghi nhận 328 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 8,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 38 là 7.337 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, TP.Thủ Đức và Quận 7.

Tuần 38, TP.HCM ghi nhận 96 ca sởi, tăng 13,6% so với trung bình 4 tuần trước (84,5 ca), trong đó có 78 ca nhập viện, không có ca tử vong. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 38 là 743 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

Để phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành Y tế. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.

Tin mới y tế ngày 14/9: Bộ Y tế khuyến cáo về đảm bảo an toàn thực phẩm khi hỗ trợ người dân vùng lũ
Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn, hoàn lưu bão gây lũ quét, sạt lở tạo ra những vùng cô lập, người dân cần được hỗ trợ nhu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư