Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 20 tháng 10 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 27/9: Ca ghép tạng đánh dấu bước ngoặt tại Bệnh viện Đức Giang
D.Ngân - 27/09/2024 09:41
 
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang.

Bước ngoặt ghép tạng của một bệnh viện Thủ đô

Ngày 8/9, Bệnh viện đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho chị N.T.B.H. (26 tuổi, Tuyên Quang) với quả thận được hiến từ người mẹ ruột của mình.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang.

TS.Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chúc mừng bệnh nhân H. và cho biết, sức khoẻ của bệnh nhân đã bình phục rất tốt và sẽ được ra viện trong tuần tới.

Một cuộc sống mới đang đến là tâm sự của chị N.T.B.H, 26 tuổi, Tuyên Quang sau khi được ghép thận thành công, với quả thận được hiến từ người mẹ đẻ của mình.

Chị N.T.B.H. được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối từ đầu năm 2022 và phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần từ tháng 3-2022, với mong muốn được ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và niềm hy vọng không phải hàng tuần phải đến bệnh viện lọc máu đến 3 lần bất kể ngày mưa hay ngày nắng, ngày lễ hay ngày tết.

Do đó, dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo bệnh viện tất cả các thành viên trong ê-kíp tuyển chọn ghép thận, gây mê, ghép thận của bệnh viện, sau thời gian sàng lọc và điều trị trước ghép, bệnh nhân được ghép thận thành công bởi các phẫu thuật viên của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, dưới sự giám sát của các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.

Điều đặc biệt ở cặp ghép này là mẹ tương đối nhiều tuổi và thể trạng nhỏ hơn so với người nhận nên nguy cơ chức năng thận ghép khó đạt như kỳ vọng.

Để ca ghép thành công, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hậu cần và cần tiên lượng trước tất cả các kịch bản có thể xảy ra sau ghép vì khả năng thải ghép ở bệnh nhân này tương đối cao.

Với sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị, ca phẫu thuật ghép thận của bệnh nhân diễn ra theo dự kiến. Sau ghép, sức khỏe cả người cho và người nhận hoàn toàn ổn định, chức năng thận ghép và các chỉ số cận lâm sàng trong giới hạn bình thường và nhanh chóng hồi phục, trở về với cuộc sống thường ngày.

Người mẹ xuất viện sau mổ 1 tuần, sức khỏe ổn định. Chị N.T.B.H hòa hợp với quả thận mới hoạt động tốt, các chỉ số xét nghiệm của thận ghép trong giới hạn bình thường và tiếp tục điều trị duy trì sau ghép, tái khám định kỳ theo hẹn của bác sỹ.

Khi xuất viện, Chị N.T.B.H chia sẻ chị rất xúc động trước tình cảm của người thân trong gia đình và sự tận tụy của các y, bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Chị không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành gửi tới gia đình và các y, bác sỹ, những người đã dành cho tôi trọn vẹn sự yêu thương.

Còn với anh L.B.C, 19 tuổi, ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, vào tháng 4 vừa qua, L.B.C có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, thường xuyên mẩn ngứa, phải nhập viện.

Qua thăm khám, bác sỹ kết luận, em bị suy thận giai đoạn cuối, thời điểm này L.B.C đang làm công nhân công nhân giày da ở khu công nghiệp Lễ Môn.

Từ một nam thanh niên lao động khỏe mạnh, anh sút cân nhanh chóng và rơi vào trạng thái lo lắng, mệt mỏi, hoảng loạn bởi vì không có sự bất hạnh nào hơn khi biết mình bị mắc căn bệnh không chữa khỏi được, cuộc sống sau này sẽ gắn liền với bệnh viện và chiếc máy lọc máu chu kỳ. Gia đình cũng đưa L.B.C đến một số bệnh viện trên cả nước để chữa bệnh với mong muốn sức khỏe của mình được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã không đến, anh được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần.

Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tư vấn cho anh về các phương pháp điều trị thay thế thận suy, trong đó ghép thận là phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất đối với anh tại thời điểm này.

Sau khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc người hiến thận là các thành viên trong gia đình, các bác sỹ kết luận thận của mẹ đẻ phù hợp để ghép cho L.B.C.

Ngày 11/9, ê-kíp ghép thận của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành phẫu thuật ghép thận cho cặp ghép của 2 mẹ con. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi. Sau ghép, sức khỏe của cả L.B.C. và mẹ đẻ đều tiến triển tốt.

L.B.C chia sẻ anh rất vui mừng khi đã được ghép thận thành công, giờ đây không còn phải mệt mỏi vì chạy thận cũng như hao tốn tiền bạc, tinh thần, sức khỏe nữa, ca phẫu thuật thành công đã mang đến cho tôi hy vọng về cuộc sống mới.

TS.Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu cho biết, để có thể duy trì sự sống thì cứ cách một ngày bệnh nhân phải đến bệnh viện lọc máu 1 lần và ngoài các chi phí bảo hiểm y tế thanh toán thì người bệnh vẫn phải mất một khoản chi phí không nhỏ hàng năm như các chi phí đi lại, xe cộ và điều khó khăn hơn là những thu nhập của chính họ và của người nhà đi cùng không làm ra được.

Và mặc dù được lọc máu thường xuyên, sức khỏe những người bệnh cũng chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, còn việc tham gia lao động, công tác, học tập là rất khó. Đối với những bệnh nhân này, nếu được ghép thận, họ sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh, sinh hoạt và làm việc bình thường.

Ghép tạng là 1 trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỉ 20, là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam và cũng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối.Đây là cơ hội tốt nhất đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục.

Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá, là phép màu kỳ diệu của cuộc sống giúp cho những người bệnh tưởng chừng như đã không còn hy vọng có thêm cơ hội được sống bình thường, được tiếp tục những ước mơ còn dang dở.

Hiện tại khoa Nội thận tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có gần 170 bệnh nhân, mỗi ngày có 80 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chia làm 3 ca đang chạy thận nhân tạo chu kỳ.

Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém. Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tỷ suất sinh con ở vị thành niên vẫn còn cao

Theo Cục Dân số, tỷ suất sinh con ở vị thành niên (từ 15-19 tuổi) vẫn còn cao, trên toàn quốc là 42 trẻ sinh ra sống/1.000 phụ nữ, cao nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số.

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) khoảng 25 triệu người, dự báo số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.

Mặc dù chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã từng bước được cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề cần quan tâm.

Tổng nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình không giảm mà tiếp tục tăng cao, từ 6,1% (năm 2014) lên 10,2% (năm 2021) ở nhóm phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung, đặc biệt tỷ lệ này ở nhóm phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng lên tới 40,7%.

Tỷ suất sinh con ở vị thành niên (từ 15-19 tuổi) vẫn còn cao, trên toàn quốc là 42 trẻ sinh ra sống/1.000 phụ nữ, cao nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (115) và Tây Nguyên (76), nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số", ông Dũng cho hay.

Do vậy, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số.

Nghị quyết số 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển", không có nghĩa là sẽ không thực hiện kế hoạch hóa gia đình mà vẫn tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 21 đề ra "Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn".

Chủ đề của Ngày Tránh thai thế giới 26/9 năm 2024 của Việt Nam là "Giới trẻ hãy có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình, vì tương lai của đất nước". Chủ đề nhằm khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì lợi ích và hạnh phúc của chính mình.

Cũng theo ông Lê Thanh Dũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp từng bước khắc phục tình trạng mang thai và sinh con ở trẻ vị thành niên; ưu tiên đẩy mạnh các đợt chiến dịch truyền thông cao điểm lồng ghép với cung dịch vụ về dân số, sức khỏe sinh sản thân thiện cho vị thành niên, thanh niên.

Cần bảo đảm mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn được tiếp cận thông tin và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thuận tiện, an toàn và có chất lượng; triển khai các hoạt động giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên phù hợp với từng lứa tuổi; đặc điểm, tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Hội chứng May-Thurner nguy hiểm ra sao

Bà Dinh, 68 tuổi, đau phù chân trái vì tắc tĩnh mạch chậu do huyết khối, dùng thuốc không đỡ mà cần phẫu thuật hút huyết khối và nong chỗ hẹp.

Trước đó một tháng, bà Dinh (Phú Yên) thấy đau, sưng chân trái. Đến bệnh viện khám, bà được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch đùi khoeo và tĩnh mạch chậu trái. Bác sỹ kê toa thuốc kháng đông cho bà, uống hai tuần thì chân giảm đau và phù, không hết hẳn.

Một tuần sau, dù tuân thủ thuốc nhưng chân trái bà Dinh phù nhiều hơn, ấn đau, cảm giác căng tức chân, nhất là những lúc ngồi hoặc nằm lâu. Tiếp tục uống thuốc theo toa, bà cảm giác tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng hơn, chân đau nhức rất nhiều. Bà đi khám tại bệnh viện Tâm Anh TP HCM.

BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết qua khám lâm sàng, người bệnh có triệu chứng huyết khối tĩnh mạch vùng chậu với chân sưng, phù căng da nhiều từ bàn chân lên đến đùi bên trái, ấn đau, nổi tĩnh mạch mạng nhện bàng hệ trên da. Bà Dinh được siêu âm tĩnh mạch và chụp CT-scan, phát hiện hẹp nặng tĩnh mạch chậu trái do hội chứng May-Thurner.

Hội chứng May-Thurner là một trong những nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch sâu vùng chậu đùi ít gặp, chiếm 2-5% tổng số ca huyết khối tĩnh mạch sâu.

Bệnh xảy ra khi động mạch chậu phải bắt chéo chèn ép tĩnh mạch chậu trái, làm chậm dòng máu từ chân trở lại tim. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu tại vị trí tĩnh mạch chậu bị chèn ép.

Cục máu đông có thể vỡ ra và trôi đến các động mạch khác gây thuyên tắc phổi đe dọa tính mạng. Về lâu dài, huyết khối tĩnh mạch sâu có khả năng tái phát hoặc gây hội chứng hậu huyết khối, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

ThS.BS Phạm Ngọc Minh Thủy, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ, trước đây đối với các bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sỹ thường điều trị nội khoa bằng thuốc kháng đông và vớ áp lực.

Điều này giúp cải thiện một phần triệu chứng, ngăn hình thành huyết khối mới trong giai đoạn đầu. Nhưng một thời gian sau bệnh dễ tái phát như trường hợp bà Dinh, huyết khối nhiều hơn làm triệu chứng trầm trọng hơn.

Với hội chứng May-Thurner, nguyên nhân gây huyết khối và tái phát là do tĩnh mạch vùng chậu bị chèn ép. Do đó, bên cạnh điều trị thuốc, phương pháp hiệu quả hơn là sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để làm mềm cục máu đông, hút bớt máu đông, sau đó đặt stent tĩnh mạch chậu để khơi thông lòng mạch. Đây là biện pháp ít xâm lấn, giúp giải quyết gần như hoàn toàn tình trạng hẹp tĩnh mạch, khả năng tái phát thấp.

Bà Dinh bước vào ca can thiệp diễn ra trong hai giờ. Đầu tiên, bác sỹ dùng một quả bóng nhỏ để mở rộng tĩnh mạch chậu trái, tiếp đến đưa dụng cụ chuyên dụng vào hút huyết khối bám trong lòng mạch. Cuối cùng, bác sỹ đặt stent vào tĩnh mạch để mở rộng lòng mạch, giúp máu lưu thông bình thường.

Thủ thuật diễn ra thuận lợi, không biến chứng. Bệnh nhân xuất viện sau một ngày, chân giảm phù nhiều, được kê toa thuốc kháng đông trong vài tháng đầu để ngăn tái phát huyết khối. Tái khám sau hai tuần, chân trái bà Dinh trở về kích thước ban đầu, hết hẳn đau nhức.

Bác sỹ Hoài thông tin, hội chứng May-Thurner không phải bệnh lý di truyền, có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Bệnh gồm ba giai đoạn: Giai đoạn I không triệu chứng, giai đoạn II tĩnh mạch bị chèn ép lâu ngày làm tổn thương lòng mạch máu, giai đoạn III đã hình thành máu đông trong lòng mạch.

Đối tượng có nguy cơ dẫn đến huyết khối là nữ giới, trên 50 tuổi, phụ nữ mới sinh con, phụ nữ có từ hai con trở lên, phụ nữ đang uống thuốc tránh thai, người phải nằm bất động thời gian dài, người mắc bệnh lý làm tăng nguy cơ đông máu như ung thư.

Để giảm nguy cơ mắc hội chứng May-Thurner, nên duy trì các hoạt động nhằm giữ cho tĩnh mạch lưu thông bình thường: tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, không đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, tránh mặc quần áo bó sát, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường.

Khi xuất hiện các triệu chứng sớm của bệnh (chân sưng, nặng, đau nhức, có vết loét không lành, giãn tĩnh mạch chân) hoặc dấu hiệu nghi ngờ có huyết khối tĩnh mạch sâu (phù chân nghiêm trọng, chuột rút, da chân đổi màu đỏ hoặc tím, có cảm giác ấm khi chạm vào), cần đi khám sớm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư